Có một lần nhà văn Nguyên Hồng đi qua chợ Bắc Ninh. Giữa tiếng chí chát chặt thịt của dao thớt, giữa mùi thơm xào nấu thức ăn ngào ngạt của mấy quán ăn hàng chợ, chợt nghe thấy có tiếng cất lên the thé của một bà ngồi ở mấy quầy hàng vải: "Mới sáng bảnh mắt ra, đứa nào nấu món gì thơm thế! "Gần mũi xa mồm" thế này chỉ làm cái dạ dày và làm ruột gan rối tinh rối mù lên thôi".
Đang đi, mắt nhà văn Nguyên Hồng chợt sáng lên. Ông vội ngồi thụp xuống bên hè phố, lấy cuốn sổ tay sờn cả mép giấy ghi vội ghi vàng mấy chữ "Gần mũi xa mồm" như sợ nó biến mất. Sau đó Nguyên Hồng vừa vân vê mấy sợi râu vừa giảng giải cái "thần" của câu nói đó: "Cái con mẹ ấy khéo thế. Mùi thơm xào nấu nó chỉ ngửi được, chứ không được ăn. Nhưng cách nói ấy gợi quá. Diễn đạt cảm giác này không có cách nói nào hơn được đâu!."
. (Theo Giai thoại làng văn Việt Nam) |