Bài thơ lục bát của Nguyễn Bính còn ít người biết
17:55', 13/6/ 2003 (GMT+7)

Từ bé tôi rất mê dân ca, vì thế nên càng yêu thơ Nguyễn Bính. Yêu thơ Nguyễn Bính, hâm mộ Nguyễn Bính... nhưng mãi đến năm 1959 tôi về làm biên tập viên buổi "Tiếng thơ" của Ðài tiếng nói Việt Nam tôi mới được gặp mặt Nguyễn Bính.

Hồi ấy tổ "Tiếng thơ" của Ðài Tiếng nói Việt Nam chỉ có ba người: Anh Hoàng Tấn (Tức Hồ Tăng Ấn) là tổ trưởng, anh Hoàng Phố và tôi là tổ viên.

Anh Hoàng Tấn là bạn chí cốt của Nguyễn Bính, và đã cùng Nguyễn Bính khoác áo giang hồ... lãng du khắp nơi, rồi vào Sài Gòn làm thơ, làm báo, nổi tiếng một thời. Ðến khi Nam Bộ kháng chiến, hai anh vào bưng biền tham gia chiến đấu. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, hai lãng tử giang hồ ấy lại tập kết về Hà Nội.

Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau tại nhà anh Hoàng Tấn. Tôi đọc cho Nguyễn Bính nghe những bài thơ tình của mình chịu ảnh hưởng của trường phái Nguyễn Bính. Anh chăm chú nghe, rồi yêu cầu đọc lại. Không quá ba lần anh đã thuộc, kể cả những bài thơ dài. Phải nói là anh có một trí nhớ tuyệt vời! Từ đấy chúng tôi trở thành bạn vong niên.

Một lần trên chiếu rượu, tôi nhắc lại bài thơ của anh: Giấc mơ anh lái đò. Nguyễn Bính đặt cốc rượu xuống và bảo: "Tôi còn một giấc mơ nữa, nhưng không phải của anh lái đò, mà là giấc mơ của tôi, giấc mơ của Nguyễn Bính!".

Và anh đọc cho tôi nghe... Tôi thích quá, yêu cầu anh đọc lại và tôi nhập tâm ngay.

Nhưng có một điều mà tôi quên hỏi là bài thơ được sáng tác năm nào; chưa đăng, hay đã đăng trên báo nào. Thậm chí tên bài thơ: Giấc mơ của tôi, hay Giấc mơ của Nguyễn Bính?

Bao nhiêu năm qua, đọc lại các thi phẩm của Nguyễn Bính, từ Lỡ bước sang ngang, Mười hai bến nước, Mây Tần và cả những tuyển tập thơ của Nguyễn Bính, xuất bản ở Hà Nội, Nam Hà... đều không thấy bài thơ mà Nguyễn Bính đã đọc cho tôi nghe.

Tôi nghĩ: Ðây có thể là một bài thơ bị lãng quên.

Vì vậy tôi xin cáo lỗi vong linh của nhà thơ Nguyễn Bính chép lại bài thơ này để giới thiệu với các bạn yêu thơ... Và cũng hy vọng đóng góp thêm một tư liệu nhỏ vào kho tàng thi ca của Nguyễn Bính.

Vì không biết chính xác tên của bài thơ, cho nên tôi cũng xin mạo muội đặt tên: Giấc mơ của tôi hay Giấc mơ của Nguyễn Bính như nhà thơ đã nói. Bài thơ như sau:

Bỗng dưng đúc được nhà vàng

Sắm xe tứ mã rước nàng vu quy

Vợ hiền cử án tề my

Nửa năm đèn sách đi thi đỗ đầu

Ý không cho cưới nàng hầu

Nửa đêm vợ khóc hoen mầu mắt xanh

Quan to nhất phẩm triều đình

Lầu cao, cửa cuốn buông mành có hoa

Ðêm đêm gối cánh tay ngà

Nồi kê chưa chín... canh gà đã sôi.

Cánh tay ngọc biến đâu rồi?

Gối chăn còn giữ nguyên mùi phấn hương.

Theo như anh Hoàng Tấn nói thì Nguyễn Bính suốt đời nghèo... Tiền nhuận bút có bao nhiêu chỉ một cái vung tay là hết. Không nhà không cửa, suốt đời chỉ ở nhờ nhà bạn bè và nhà trọ. Cuối đời về lại Nam Ðịnh tục huyền với một người phụ nữ từ xưa đã yêu "Lỡ bước sang ngang" thì Nguyễn Bính mới có một mái che khiêm tốn.

Hoàn cảnh như vậy, cho nên mơ đúc được nhà vàng thì cũng giống như giấc mơ trúng số độc đắc... xây biệt thự cao tầng của nghệ sĩ nghèo chúng ta ngày nay vậy.

Nhưng giấc mơ vĩ đại là chuyện thi cử... Ngày xưa các cụ phải mười năm đèn sách, thuộc làu Tứ thư, Ngũ kinh, mà lều chõng đi thi còn trượt lên trượt xuống. Tài như cụ Tú Xương: "học đã toi cơm nhưng chửa chín", bao nhiêu lần không kiếm nổi cái cử nhân để vào thi Hội. Thế mà Nguyễn Bính chỉ có nửa năm đèn sách đã giật được thủ khoa (đỗ đầu). Ðỗ thủ khoa đã là giỏi, nhưng càng giỏi hơn lại là quan to nhất phẩm triều đình.

Ngày xưa, đỗ Cử nhân, Phó bảng mới được cử làm Tri huyện. Ðỗ Tiến sĩ mới được cử làm Tri phủ... Từ đấy tiến dần lên Án sát, Tuần phủ, Bố chính, rồi hàng chục năm dư mới được hàm Tứ phẩm, Tam phẩm. Ðể có hàm Nhị phẩm thì bét ra phải là Hiệp tá đại học sĩ. Hiệp biện đại học sĩ.

Còn Nhất phẩm triều đình thì phải là Tứ trụ: Ðông các đại học sĩ, Cần chánh đại học sĩ, Biên tu đại học sĩ, Võ hiển đại học sĩ.

Ðèn sách có nửa năm mà đã là Nhất phẩm triều đình thì quả là: Quá giỏi! Quá giỏi!

Một hình ảnh nữa cũng rất đẹp, rất thơ... đó là cảnh Vinh quy bái tổ. Nguyễn Bính không tả cảnh trống rung cờ mở của chính quyền địa phương và dân làng đón rước. Cũng không có cảnh ngựa anh đi trước võng nàng theo sau. Mà chỉ có:

Vợ hiền cử án tề mi.

Hình ảnh người vợ nâng khay rượu ngang mày... đón chồng, thật không kể xiết những tình cảm kính yêu, trân trọng.

Chắc rằng những đại giáo sư, đại tiến sĩ ngày nay chả có vị nào được cái diễm phúc, cái vinh quang như vậy. Rồi:

Ðêm đêm... gối cánh tay ngà.

Thì phải nói là cực điểm, cực điểm!

Chao ôi! Giấc mơ đẹp quá! Giấc mơ lớn quá! Nhưng giấc mơ cũng ngắn quá!

Nồi kê chưa chín... thì canh gà đã sôi!

Cái tiếng gà quái ác đã làm tan giấc mộng của nhà thơ.

Vùng tỉnh giấc... cánh tay ngọc không còn... nhưng gối chăn vẫn thương tình nên giữ vẹn mùi hương phấn.

Than ôi!

Mơ là mơ... Mơ là mộng!

Còn thực vẫn là thực!

Cho nên suốt đời Nguyễn Bính phải vất vả long đong.

. (Theo Hải Đường, Báo Văn nghệ)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Gần mũi xa mồm"  (12/06/2003)
Mai theo em về Hầm Hô  (12/06/2003)
Những vòng xe tình yêu  (11/06/2003)
Quy Nhơn ngày anh về  (10/06/2003)
Lễ hội cầu ngư của Xuân Mai  (09/06/2003)
Đào Quý Thạnh  (08/06/2003)
Thông gia đọ giàu  (06/06/2003)
Em là thế !  (05/06/2003)
Bắt đầu từ màu xanh  (05/06/2003)
Sương khói Tây Hồ  (04/06/2003)
Dáng đi Bình Định  (03/06/2003)
Dưới núi Huỳnh Mai, nghĩ về Đào Tấn  (03/06/2003)
Tôn vinh cây lúa - một tín ngưỡng của nền văn minh lúa nước Việt Nam  (02/06/2003)
Mỏng manh  (01/06/2003)
Ở Kontum nghe ca dao Bình Định  (01/06/2003)