Đọc sách:
Những góc khuất của mặt người *
18:58', 16/6/ 2003 (GMT+7)

Không một ai lại không để dành một chỗ trong tâm hồn để làm nơi cất giấu, chôn chặt những bí mật, những tâm sự riêng của đời mình. Với nhiều người đó là nơi là nơi bản ngã đi về, để người ta đối diện với chính mình mà lắng nghe, mà suy xét, mà đối chiếu để làm động tác được người đời quen gọi là rút kinh nghiệm. Với một số khác góc khuất lại là nơi người ta không bao giờ muốn nhớ tới, nghĩ đến, bởi điều ấy buộc họ phải dằn vặt, trăn trở… nhưng không phải hễ muốn là được. Vì không thể sẻ chia cùng ai nên trong thế giới riêng tư ấy họ vừa muốn được cô đơn, vừa e dè cuộn mình lại một cách cảnh giác.

Ngay trong truyện ngắn đầu tiên - Những phiên bản của đời, Hồ Thị Hải Âu đã buộc người đọc phải dừng lại để thử hỏi phải chăng đó là những điều có thật? Tại sao một cô sinh viên 23 tuổi lại có đủ vốn sống để có thể lạnh lùng lách sâu ngòi bút của mình vào tận đáy sâu của bản ngã con người, nơi chôn chặt những bí mật của riêng mỗi người. Bằng sự sắc sảo của ngòi bút giỏi phân tích tâm lý, Hồ Thị Hải Âu đã vẽ ra được gương mặt thật, những gì ẩn giấu sau bộ mặt giao tiếp hàng ngày. Chỉ ra được những đam mê, dục vọng thầm kín của con người mà đôi khi vì không đủ sức vượt qua định kiến xã hội họ đã chối bỏ chính mình bằng những đoạn độc thoại. "Thác loạn. Người đàn bà có chồng, dám mở mồm nói rằng mình đang yêu say đắm một người khác! Sao mà đổ đốn. Sao mà lẳng lơ! Tôi bắt đầu tuyên án bằng những dòng suy nghĩ hùng biện- Tại sao lại như thế được? Tại sao? Tại sao? Dẫu rằng chính tôi - Phan Thị Lê - đã trở thành người đàn bà chung chạ với biết bao gã đàn ông trong tâm thức. Nơi cái vòng tròn cuối cùng của học thuyết Freud, tôi là một kẻ sống thác loạn không kém gì những kẻ đang bị lên án… (Những phiên bản của đời). Những trường đoạn đối thoại với chính mình là một thế mạnh của Hồ Thị Hải Âu, từ những đoạn độc thoại kiểu như của nhân vật Lê trong truyện ngắn Những phiên bản của đời khiến người ta chợt thấy có nhu cầu, chợt muốn kín đáo nhìn lại mình, tự suy gẫm và kiểm soát, có một cái gì đó lay động, tranh luận và thức tỉnh sau những cuộc đối thoại như vậy. Người ta có thể nói dối với rất nhiều người, nói một cách thuyết phục để trong mắt nhiều người trắng đen đảo lộn. Nhưng không ai có thể biến dối trá thành sự thật khi đối diện với chính mình. Đơn giản vì rằng không ai lại có thể đánh lừa chính mình, cái cảm giác nói dối thật nhiều để rồi có lúc cũng tin rằng điều bịa đặt dường như cũng gần như sự thật, thật ra chỉ giống như loài đà điểu vùi đầu trong cát nóng để tin rằng kẻ thù đã biến mất.

Ai đó muốn tìm một chút yên ổn bằng cách tự huyễn hoặc mình, cuối cùng cũng đều phải trả giá vô cùng đắt, thậm chí không thể đo đếm được cái giá phải trả. Nhân vật Hiền trong truyện ngắn Một cuộc đời phải trả giá cho sự nông nổi của mình trong tình yêu hay đúng hơn là cái chị ngỡ là tình yêu, bằng những vết răng ô nhục đến cuối đời vẫn còn làm chị đau nhói trong tâm hồn. Những vết răng ấy như một con người hữu hình, nghiêm khắc buộc người ta phải đối diện với hình ảnh hạnh phúc tan vỡ. Để giải thoát khỏi những ràng buộc của quá khứ, người ta chỉ đến khi người ta vĩnh viễn ra đi. Không hề nương nhẹ, tác giả đã lách ngòi bút mô tả của mình đến từng ngóc ngách của tâm hồn nhân vật, len lỏi vào tận trong những góc khuất được đắp điếm cẩn thận, lớp ngụy trang là cái vỏ ngôn từ, hình thức… tách bạch từng hành vi, từng luồng suy nghĩ một, gọi đúng tên của chúng dù đôi khi chỉ riêng việc định danh không thôi cũng đủ gợi lại một nỗi đau.

Với truyện ngắn Đám đông, Hồ Thị Hải Âu lại đặt những nạn nhân của thói quan liêu vào tiêu điểm quan sát. Truyện đầy dự cảm về nỗi lo nạn chảy máu chất xám, về những tấm lòng đầy nhiệt huyết bị xoay mòn thành đá cuội. "Anh đi lang thang vô định. Anh lẫn vào một đám đông bên lề đường nhộn nhạo. Chỉ có điều… biết đâu, đến một ngày nào đó sẽ chẳng còn ai nhận ra anh trong cái đám đông khoác đồng phục màu xám ấy". Dự cảm của một nữ sinh viên vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20 đã trở thành tín hiệu xã hội đáng lo ngay trong những năm đầu của thập kỷ kế đó. Hồ Thị Hải Âu tâm sự: "Những dòng văn tôi viết ra chỉ mong sao tìm được những tâm hồn tri kỷ. Đâu đó quanh ta là những góc khuất cuộc đời dường như còn rất cô đơn. Cuối cùng của mỗi câu chuyện buồn buồn ấy… là những tiếng chuông của tâm hồn từ bi, đầy trắc ẩn." Những thân phận trong truyện ngắn của chị thường chỉ là những mảnh vỡ cuộc đời, phía sau giọng văn bình thản, lạnh lùng là sự kín đáo của một cuộc chia sẻ. Trước khi đến cùng nhau để có thể thông cảm dường như chị đã thu nhặt từng mảnh vỡ một xếp chúng lại theo trật tự mới bằng sự nhạy cảm của mình. "Có lẽ cuộc sống bộn bề và gai góc đã khiến tôi không dễ òa khóc. Tôi không rơi một giọt nước mắt nào từ đôi mắt. Dù đời hắn trầm buồn. Đời hắn lâm ly thoát ra bằng lời từ giữa hai vệt môi đã bị xô lệch. Nhòe nhòa. Líu ríu. Những lời gan ruột của một số phận đớn đau. Hắn xấu xí thật nhưng không đáng ghê tởm. Đôi mắt với chút ánh sáng yếu ớt vẫn tỏa thứ màu đôn hậu, đượm buồn. Những ngón tay còn lại của hắn vê vê viên bi bằng giấy. Những cử động ngập ngừng, trăn trở, sám hối lặng lẽ với viên bi giấy rất nhỏ… chính là hồn hắn, lăn về từ một tiềm thức xa xăm nào đó.(Người bán thuốc dạo)

Sinh năm 1967 tại thành phố Vinh, Hồ Thị Hải Âu tốt nghiệp khoa Văn trường ĐHTH Hà Nội năm 1990. Khi đang còn là sinh viên năm thứ tư chị đã đoạt giải thưởng văn học của Tạp chí Văn nghệ quân đội với truyện ngắn Những phiên bản của đời. Trước khi in tập truyện ngắn Những phiên bản của đời chị đã có tác phẩm in chung trong 9 tuyển tập truyện của các nhà xuất bản như Hội nhà văn, Thanh niên, Quân đội nhân dân, Hà nội… Hồ Thị Hải Âu viết không nhiều, sự xuất hiện của chị trên văn đàn không ồn ào, ngoại trừ một vài lần được các nhà phê bình lưu ý "do cái hơi lạnh tỏa ra từ những trang văn của một cô sinh viên" như nhận xét của Ban giám khảo cuộc thi truyện ngắn hay Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tuyển tập truyện ngắn Những phiên bản của đời rất mỏng, chỉ có 8 truyện với gần 140 trang nội dung, nhưng vẫn tạo được sự đầy đặn, gây cho người đọc ấn tượng riêng về một cái tên.

. Kiều Phong

* Đọc Những phiên bản của đời, tập truyện ngắn của Hồ Thị Hải Âu. NXB Phụ Nữ ấn hành.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử?  (15/06/2003)
Trung thu  (13/06/2003)
Bài thơ lục bát của Nguyễn Bính còn ít người biết  (13/06/2003)
"Gần mũi xa mồm"  (12/06/2003)
Mai theo em về Hầm Hô  (12/06/2003)
Những vòng xe tình yêu  (11/06/2003)
Quy Nhơn ngày anh về  (10/06/2003)
Lễ hội cầu ngư của Xuân Mai  (09/06/2003)
Đào Quý Thạnh  (08/06/2003)
Thông gia đọ giàu  (06/06/2003)
Em là thế !  (05/06/2003)
Bắt đầu từ màu xanh  (05/06/2003)
Sương khói Tây Hồ  (04/06/2003)
Dáng đi Bình Định  (03/06/2003)
Dưới núi Huỳnh Mai, nghĩ về Đào Tấn  (03/06/2003)