Tính chất sông nước, sóng biển của văn học dân gian miền biển Bình Định
17:41', 17/6/ 2003 (GMT+7)

Thiếu nữ làng chài

1) Văn hóa dân gian là một thuật ngữ để chỉ toàn bộ văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của dân chúng. Do vậy, văn hóa dân gian bao gồm những lễ thức, hội hè, vui chơi và những công trình văn hóa, văn nghệ như kiến trúc (đình, chùa, tháp, nhà cửa...) nghệ thuật tạo hình (tranh dân gian, điêu khắc, tượng...), nghệ thuật biểu diễn (dân ca, dân vũ...) và nghệ thuật ngữ văn như văn học dân gian (bao gồm truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, ca dao...).

Văn hóa dân gian là văn hóa của cộng đồng. Nhưng đấy là một kiểu cộng đồng mang đầy bản sắc riêng của địa phương sinh thành, của một tộc người ở địa bàn cư trú của họ. Những giá trị dân gian đó được gìn giữ và lưu truyền đến chúng ta ngày hôm nay như chứng tích của bản lĩnh, sức sống và trí tuệ tuyệt vời của một cộng đồng người vậy. Đấy chính là một trong những yếu tố bền vững làm cho văn hóa dân gian trường tồn với thời gian.

2) Văn học dân gian của từng vùng, từng miền cũng vậy, đều có những đặc điểm khác nhau. Văn học dân gian miền núi khác với văn học dân gian đồng bằng. Văn học dân gian trung du khác với văn học dân gian miền biển. Nếu nói riêng về văn học dân gian miền biển, đứng về mặt thể loại mà nói, nó cũng có đầy đủ: Tục ngữ, Ca dao, Dân ca, Truyện cổ, Vè... thậm chí cả Tuồng chèo. Ngư dân miền biển Bình Định thường hát hò đưa linh, hay chèo bá trạo. Đó là một hình thức diễn xướng của tuồng chèo. Nội dung phản ánh cũng như nghệ thuật biểu hiện của văn học dân gian miền biển mang rõ tính chất sông nước, sóng biển.

Đặc điểm gắn liền với sông nước, sóng biển của văn hóa là một đặc điểm chung và lâu đời, có tính chất truyền thống của văn hóa dân tộc. Lĩnh Nam Chích quái chép: Truyền thống dân gian và thư tịch cổ cũng ghi nhận thiên hướng đó trong sinh hoạt của cư dân. Đó là tục xăm mình theo hình giao long, được giải thích bằng động tác đánh bắt thủy sản, thói quen làm mắm thủy sản và ăn canh cá.

Truyền thống đó được bảo tồn trong thời đại đồ đồng, với hình tượng con cò, cái vạc, cái nông lặn lội bắt cá, tôm, tép... Từ trống đồng Đông Sơn đến những câu ca dao tục ngữ trong văn nghệ dân gian Việt Nam như là một sự chuyển hóa xuyên suốt.

Tìm đến với văn học dân gian miền biển là tìm đến với đời sống của nhân dân lao động miền biển với tất cả cái mộc mạc, cái chất phác như vốn có trong cuộc sống của họ.        Đối với ngư dân, sống với sông nước và sóng biển bao quanh, họ phải luôn đối chọi với tất cả bão tố ập đến với họ bất cứ lúc nào, cuộc sống của họ tiếp cận hoàn toàn với thiên nhiên bao la. Ngay từ sáng tinh mơ, khi biển cả còn như một chảo sữa khổng lồ đầy ắp sương mù thì từng đoàn ghe mộc đã bừng bừng rẽ sóng ra khơi. Trong điều kiện kỹ thuật hạn chế, nghề đánh cá còn là một cuộc vật lộn bằng sức người hàng ngày với biển cả, việc đi làm nghề của nam giới đã trở thành mối lo lớn nhất của người phụ nữ ở nhà. Đó là nguyên nhân chính cắt nghĩa cho sự ra đời của những điệu hò khỏe khoắn cùng những bài ca huê tình chứa chan yêu thương.

Trong cái nỗi lo ấy, người phụ nữ diễn đạt bằng câu ca:

Nồm nam, bấc chướng, sóng lượn ba đào

Anh đi câu, biết chừng nào anh vô?

Cái nỗi lo ấy ngày càng tăng lên xâm chiếm lòng người phụ nữ. Bởi người con trai ra đi trong nồm nam, bấc chướng thế nghĩa là có sóng to gió lớn. Các từ trắc "chướng", "lượn" trong câu ca, làm cho ta có cảm giác như ngọn gió, con sóng đang ập đến dữ dội. Hai từ ấy trong câu ca tạo nên một tiết tấu như con sóng nhấp nhô miêu tả nỗi thấp thỏm lo âu của người vợ, người mẹ ở nhà.      Mang tính chất sông biển, từ ngữ trong các câu ca miền biển có sức gợi tả to lớn, một thứ từ ngữ "ăn sóng nói gió" của ngư dân.

Đêm trăng ở miền biển rất trong, rất sáng và cũng rất mênh mông. Gió hiu hắt thổi mát rười rượi. Trong lòng cô gái miền biển xốn xang nhiều nỗi nhớ người yêu:

Đêm qua trăng giội xuống thuyền

Anh đi em nhớ sụt sùi lòng trông

Câu ca mang tính đặc thù của miền biển không thể lẫn được. Cái ánh trăng của đồng quê êm ả dịu dàng hơn. Người ta chỉ có thể nói trăng soi, trăng rọi, trăng chiếu gì đó, chứ không thể có một hình tượng trăng giội như ở đây. Từ "giội" mạnh mẽ phù hợp với tính chất sóng biển lại đi với từ "sụt sùi" lại là một từ mạnh mẽ khác, nhằm thể hiện nỗi nhớ nhung của cô gái cũng rất là dữ dội. Ta tưởng như ánh trăng giội xuống thuyền làm xao động lòng thuyền, cộng hưởng với sự xao động ở cô gái. Diễn tả thế thật là tài.

Nghệ sĩ dân gian đã khéo léo diễn tả mọi cung bậc của tình cảm: Yêu, thương, giận, hờn... của con người miền biển. Đây là ví dụ.

Đem em mà bỏ đầu gành

Kéo neo mà chạy sao đành trời ơi!

Rõ ràng đây là một tiếng kêu thảm thiết của con gái miền biển bị tình phụ. Như ta biết, cái neo với con thuyền (ở đây lại là chiếc thuyền tình), có một mối quan hệ khăng khít. Cái neo được thả xuống đáy biển, sẽ giữ chặt con thuyền lại, chống được mọi phong ba, bão tố. Thế mà... anh đã kéo neo mà chạy bỏ em chơi vơi ở đầu gành. Bội bạc đến thế là cùng. Sức mạnh biểu cảm của từ ngữ ở đây là vậy.

Tính chất sông nước, sóng biển còn là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hình tượng của ca dao dân ca miền biển. Nếu như ở ca dao truyền thống ta gặp các mô típ, các cặp hình tượng rất gần gũi quen thuộc, ý nhị kiểu: Mận- Đào, Loan- Phượng, Trúc- Mai... "Bây giờ Mận mới hỏi Đào... Mận hỏi thì Đào xin thưa"... thì tương tự như thế, ta cũng gặp các hình tượng trong câu ca miền biển như: cá- nơm, cá- chài...

- Chàng ràng như cá quanh nơm

Nhiều con ánh rạng không biết đơm con nào?

- Cầm chài mà vãi xuống sông

Cá đâu không thấy ngồi trông hết ngày

Những cặp hình tượng tương tự như thế về mặt biểu tượng mang tính thẩm mỹ và sức khái quát cao. Đi sâu vào câu ca miền biển chắc chắn ta sẽ còn gặp và tận hưởng nhiều điều thú vị khác.

Người dân miền biển tuy "ăn kịp sóng, nói kịp gió" mạnh mẽ dữ dội là như thế, nhưng họ cũng rất mượt mà, trữ tình như cuộc sống tự do phóng khoáng với sông nước, trời biển mà họ đang sống. Ta thử làm một so sánh nhỏ. Nói về sự chờ đợi của người con gái trong tình yêu, vốn văn học dân gian dân tộc có nhiều cách thể hiện rất hình ảnh:

Sáng trăng giải chiếu hai hàng

Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ

Quay tơ thời giữ mối tơ

Dù năm bảy mối, em cũng chờ mối anh

Thế nhưng ca dao miền biển cũng có cái đợi chờ đầy nghệ thuật không kém, lại gắn liền với những ý niệm sông nước rõ rệt:

Biển sâu cá lội mất tăm

Dầu chờ, dầu ngóng trăm năm cũng chờ

Sông sâu cá lượn lờ đờ

Dầu trông dầu đợi cho chí chờ trăm năm

Người yêu đi xa (các chàng trai miền biển thường là thế) cô nàng thấy lượn lờ quanh mình là bao chàng trai khác như cá quanh nơm, nhưng cô gái vẫn thủy chung như nhất. Cũng sử dụng các hình thức nghệ thuật dân tộc, nhưng cái sáng tạo và phát hiện của ca dao miền biển ở đây là gắn với môi trường sinh hoạt đặc thù của mình. Vùng đất mới, cuộc sống mới nên hình thức thể hiện cũng mới là điều dễ hiểu.

- Chèo theo em đứt bộ quai chèo

Khuyên em bớt lái giảm lèo đợi anh.

- Ai mà ở lỗi lời nguyền

Xuống ghe ghe úp, xuống thuyền thuyền trôi.

Rõ ràng là một biểu hiện mới mẻ của văn học dân gian miền biển đấy thôi.

3) Tính chất sông nước sóng biển của văn học dân gian miền biển Bình Định còn thể hiện cụ thể và sinh động trong những bài hò, bài vè (như vè các lái...), trong những hình thức diễn xướng có tính chất nghi lễ đặc trưng (như hò đưa linh, chèo bá trạo...) mà ở đây chúng tôi chưa có dịp và không có điều kiện làm rõ hơn.

Dẫu sao, văn học dân gian miền biển vẫn là niềm trăn trở của chúng ta. Bởi người dân miền biển nhắc nhở chúng ta qua câu ca:

Đừng chê bạn rỗi tanh hôi

Có nhờ bạn rỗi mới rồi nồi canh

. Trần Xuân Toàn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những góc khuất của mặt người *  (16/06/2003)
Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử?  (15/06/2003)
Trung thu  (13/06/2003)
Bài thơ lục bát của Nguyễn Bính còn ít người biết  (13/06/2003)
"Gần mũi xa mồm"  (12/06/2003)
Mai theo em về Hầm Hô  (12/06/2003)
Những vòng xe tình yêu  (11/06/2003)
Quy Nhơn ngày anh về  (10/06/2003)
Lễ hội cầu ngư của Xuân Mai  (09/06/2003)
Đào Quý Thạnh  (08/06/2003)
Thông gia đọ giàu  (06/06/2003)
Em là thế !  (05/06/2003)
Bắt đầu từ màu xanh  (05/06/2003)
Sương khói Tây Hồ  (04/06/2003)
Dáng đi Bình Định  (03/06/2003)