Nhân ngày Báo chí Việt Nam 21-6:
Báo chí phát huy văn hóa dân tộc chống tiêu cực
16:32', 19/6/ 2003 (GMT+7)

Báo chí phải góp phần của mình một cách tích cực trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu và những tệ nạn xã hội khác. Báo chí, với đặc trưng thời sự và trung thực tất nhiên chẳng những góp phần mà phải đi đầu trong các cuộc đấu tranh với các tệ nạn trên. Thực tế, báo chí Việt Nam trong những năm đổi mới vừa qua đã chứng tỏ được điều đó.

Các PV Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định đang tác nghiệp.

Qui ước về đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam có đoạn: "Nhà báo phát huy văn hóa dân tộc mình đồng thời tôn trọng bản sắc các nền văn hóa khác...". Nhà báo phát huy vốn văn hóa dân tộc như thế nào trong nhiệm vụ hàng đầu của báo chí hiện nay? Nhất là chống tệ tham nhũng, buôn lậu, hối lộ...

Bằng cách này hay cách khác, nhà báo nào cũng có ý thức phát huy vốn văn hóa dân tộc trong sự nghiệp báo chí của mình. Xưa kia để đấu tranh chống quan lại tham nhũng cùng những tệ nạn khác, dân gian đã sử dụng tiếng cười như vũ khí đấu tranh. Vô vàn câu ca dao trào phúng, hàng trăm ngàn truyện ngụ ngôn, truyện cười... được dân gian sáng tạo nhằm mục đích này. Các truyện tiếu lâm là vũ khí sắc bén của dân gian, rất đáng gờm ở mọi thời đại. Bạn đã bao giờ nghe một truyện tiếu lâm hiện đại?

Trên các trang báo, nhất là Tuổi trẻ cười, Tiền Phong, Tiền Phong Chủ nhật... những năm gần đây, song song với những cây bút tre mới, có những câu ca tục ngữ cải biên, ca dao... cạo bên cạnh mục đích đả kích, châm biếm, trào phúng vào các hiện tượng xã hội, rất nhiều câu, bài trong số đó hướng đến mục đích chống tham nhũng, buôn lậu, hối lộ... Đó là sự vận dụng vốn văn hóa dân tộc (mà cụ thể là vốn văn học dân gian) vào những vấn đề thời sự hiện nay.

Ai mà chẳng một lần nghe câu ca dao tình yêu kín đáo, tế nhị của hai biểu trưng Mận- Đào:"Bây giờ Mận mới hỏi Đào. Vườn Hồng có lối ai vào hay chưa..." Và hẳn bạn đọc sẽ lấy làm thú vị khi nghe câu ca hiện đại về hai nhân vật Tham và Ô tâm tình. Tất nhiên Tham ở đây là tham nhũng. Ô là ô dù:

                                                Bây giờ Tham mới hỏi Ô

                                                Khắp nơi truy quét chạy vô lối nào?

                                                Tham hỏi Ô mới ngọt ngào

                                                Nếu không biết lối thì vào nhà giam

                                                Bây giờ Ô mới hỏi Tham

                                                Người người lên án biết làm sao đây?

                                                Ô hỏi Tham mới giãi bày

                                                Ô lớn, Ô bé đốt ngay bây giờ...

Và bằng những ẩn dụ tài tình trong thể loại câu đố, câu đố hiện đại có câu:

                                                Chẳng có nắng cũng dùng để che

                                                Chẳng có mưa cũng dùng để đội

                                                Nên danh lợi, phải "đội", phải "che"

                                                Là cái gì? Giải rằng: Ô dù

Còn ô dù, bởi còn những kẻ hối lộ. Và ngược lại, vì còn những kẻ nhận hối lộ- những quan tham hiện đại nên còn có câu đố khác:

                                                Chẳng làm sáng mắt người già

                                                Chẳng che mắt bụi đường xa lối gần

                                                Thế mà mỗi bước tiến thân

                                                Có một loại kính chẳng quên bao giờ?

Kính gì mà ghê vậy? Thưa rằng: Đấy là kính biếu, kính thưa, kính gửi, kính mời... Bao nhiêu loại kính đã là sức mạnh đủ làm băng hoại, tha hóa những quan Tham, quan Ô rồi.

Ca dao hiện đại đã vạch trần:

                                                Bao giờ chạch đẻ ngọn đa

                                                "Thủ.." không hống hách thì ta lấy mình

                                                Bao giờ rau liếp lợp đình

                                                "Thủ.." chê hối lộ thì mình lấy ta

Còn hối lộ thì còn tham nhũng. Và ngược lại. Do vậy, chống tham nhũng phải đi đôi với chống tệ hối lộ. Đó là cuộc đấu tranh không dễ dàng vì:

                                                Trứng rồng lại nở ra rồng

                                                Thoái hóa lại nở ra dòng tham ô

Tham ô cũng có dòng, có giống. Diệt thì phải diệt tận ổ, tận gốc. Khi những loại quan Tham, quan Ô như trên đã cắn câu của bọn bất hảo, thì những cảnh:

                                                Em như hàng lậu trôi sông

                                                Anh như thuế vụ đứng trông trên bờ

                                                Hàng lậu cứ trôi lững lờ

                                                Ông tài chính tha hóa cứ vật vờ đứng trông

Sẽ diễn ra như cơm bữa, và là chuyện thường ngày ở thương trường.

Bọn chúng cũng biết cái lẽ "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" truyền thống nhưng ở khía cạnh mới:

                                                Trúng "quả" nhớ kẻ làm ngơ

Đấy là mảnh đất màu mỡ cho bọn gian thương và những tệ nạn xã hội khác gieo mầm và tụ hội. Ông bà ta đã nói rồi mà: "đất lành thì chim đậu" có sai bao giờ. Quả thật thế:

                                                Đất lành chim đậu

                                                Đâu có hàng lậu đó có gian thương

Do vậy, trong sạch đội ngũ là điều thiết yếu trong trận chiến này. Bọn hối lộ, buôn lậu sẽ hết đường giở "mưu ma chước quỷ" và sẽ nhận kết cục:

                                                Yêu nhau cởi áo trao nhau

                                                Ai hỏi thì bảo gãy cầu làm ăn...

Chắc chắn lúc đó cũng không còn cảnh tượng:     

                                                Con cò bay lả bay la

                                                Bay từ cửa khẩu bay qua phố phường

                                                Hàng lậu tràn ngập thị trường

                                                Để hàng nội hóa hết đường làm ăn

Biết vận dụng và phát huy vốn văn hóa, văn học dân tộc, nhà báo có thể làm tốt hơn sứ mệnh báo chí của mình trong thời đất nước mở cửa. Những gì đã nói ở trên chỉ là một phần nhỏ bé của việc vận dụng, phát huy vốn văn hóa dân tộc (cụ thể là ca dao, tục ngữ, câu đố) vào mục đích châm biếm đả kích, những hiện tượng không mấy tốt đẹp còn vảng vất trong xã hội ta.

. Trần Xuân Toàn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Điệp khúc  (18/06/2003)
Núi Mò O  (18/06/2003)
Tính chất sông nước, sóng biển của văn học dân gian miền biển Bình Định  (17/06/2003)
Những góc khuất của mặt người *  (16/06/2003)
Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử?  (15/06/2003)
Trung thu  (13/06/2003)
Bài thơ lục bát của Nguyễn Bính còn ít người biết  (13/06/2003)
"Gần mũi xa mồm"  (12/06/2003)
Mai theo em về Hầm Hô  (12/06/2003)
Những vòng xe tình yêu  (11/06/2003)
Quy Nhơn ngày anh về  (10/06/2003)
Lễ hội cầu ngư của Xuân Mai  (09/06/2003)
Đào Quý Thạnh  (08/06/2003)
Thông gia đọ giàu  (06/06/2003)
Em là thế !  (05/06/2003)