Làm vợ nhà văn - Âm thầm sau những trang viết
16:59', 20/6/ 2003 (GMT+7)

Đằng sau các nhà văn tên tuổi, nhiều khi là những người vợ bình dị, chẳng dính đến văn chương. Với họ, truyện dài thì làm gì có thì giờ đọc, truyện ngắn thì đọc lúc nào chẳng được, chỉ chăm lo bếp nhà luôn luôn ấm nóng, con cái học hành chỉn chu, miễn sao ông ấy yên lòng viết sách. Sau đây là cuộc trò chuyện với vợ các nhà văn Tô Hoài, Phùng Khắc Bắc và Nguyễn Minh Châu.

* Cô giáo Tuất - vợ nhà văn Phùng Khắc Bắc

Chị là người Vĩnh Phúc vào tận Châu Đốc, An Giang dạy học, gặp anh Bắc đóng quân tại Sài Gòn. Chị bảo: ''Gặp nhau là mê nhau ngay''. Cưới nhau năm 1978, khi Phùng Khắc Bắc từ Sài Gòn ra Hà Nội học Trường viết văn Nguyễn Du. Chị Tuất ra Bắc, về làm dâu ở làng Kế. Chị ở dưới bếp, nhà trên để cho các em ăn học và người mẹ già. Giờ thì mái nhà ở Hà Nội không còn dột nữa, chị trở lại nghề dạy học. Chị Tuất cười, nhìn vào những chiếc bàn đã mọt để dạy thêm giờ cho học sinh. Cái tủ hình như cũng bị mọt. Còn tấm bằng giải thưởng văn học của Hội Nhà văn để trong khung kính rất trang trọng. Như sự hiện diện của nhà văn Phùng Khắc Bắc, còn ngồi hút thuốc lào đâu đây.

Được sống gần chồng hơn hai năm, cô giáo Tuất lại phải thường xuyên lo đưa chồng vào bệnh viện. Chị nhớ lại: ''Ngày ấy, nhà tôi túng lắm. Nhà dột, sau này mới được báo Công an TP.HCM và Công ty Gốm Thủy Tinh tài trợ xây cho. Cũng nợ nần mãi mới trả hết. Năm trước tôi sắm cho cháu được cái xe máy, khi trả xong nợ lại thở đánh phào. Dạo này tôi béo ra, không ốm o như xưa. Âu là nhờ bạn bè anh Bắc, bạn văn chương bên Hội Nhà văn. Không có các anh bên Hội thì sách nhà tôi khó ra lắm.

Hơn 10 năm cũng là dài kể từ ngày anh Bắc mất vì căn bệnh ung thư máu. Lúc đó hai cháu Thắng và An còn nhỏ. Tôi cũng nhờ vào cái bánh đa Kế mà liều ở Hà Nội đấy. Giờ thì hai cháu đã học xong đại học, một đứa tốt nghiệp Đại học Kinh tế, một đứa tốt nghiệp Đại học Bách khoa. Chắc ở ''thế giới bên kia'' anh Bắc nhà tôi cũng hài lòng, không ngờ đất Hà Nội tiêu tiền ghê lắm mà tôi xoay xỏa được và sống được lại bắt đầu từ cái bánh đa làng Kế''.

- Đã sống ở Hà Nội 18 năm, theo chị, ta nên bắt đầu từ đâu nhỉ?

- Bắt đầu từ cái bánh đa. Chẳng là trước đó tôi làm dâu ở làng Kế, xã Dĩnh Kế (Bắc Giang). Ở quê chồng tôi, mùa đông buồn lắm. Chỉ có chờ anh Bắc khoác ba lô về đến cửa là vui. Rồi một lần, tôi theo anh Bắc lên Hà Nội (hồi đó anh Bắc học ở Trường viết văn Nguyễn Du, khóa I). Anh Bắc bảo: ''Em làm gì có tiền mà về Hà Nội, dưới ấy tiêu tiền như nước chảy''.

- Thế chị có cách gì để kiếm sống khi mới đưa hai đứa con về?

- Xin đi dạy học từ Bắc Giang chuyển về Hà Nội đâu có dễ. Tôi đành quạt bánh đa bán.

- Quạt bánh đa chắc là chị giỏi giang, vì chị làm dâu làng Dĩnh Kế, vùng quê nổi tiếng về bánh đa Kế?

- Đâu có, ở quê tôi đủ việc. Dạy học, chăm hai đứa nhỏ, đến việc nhà cửa. Tôi có biết gì đến quạt bánh đa. Đến lúc vác cái bếp than hoa ra quạt thì bánh đa thành hình lung tung.

- Thế bánh đa Kế hình gì?

- Hình yên ngựa. Chín vàng đều, giòn, bùi. Tôi quạt thành chẳng ra hình gì, sống sít, phải lỗ vốn ít ngày. Sau dần tôi quạt có nghề, nuôi hai cháu ăn học.

- Vất vả đã đành nhưng còn túng thiếu và có lúc nhà dột, anh Bắc biết không?

- Tôi chẳng giấu anh Bắc được việc gì. Ruột thế nào thì thể hiện ra mặt ngay. Nhưng anh Bắc cứ khoác ba lô về thì tôi vui lắm. Ngần ấy năm làm vợ anh Bắc, anh không để cho tôi buồn bao giờ. Anh biết an ủi, biết nói đủ để tôi cảm nhận được tình thương yêu của anh với tôi. Để dù có thế nào, tôi cũng vượt qua được.

- Tập thơ ''Một chấm xanh'' được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990, ''Đời thường'', tiểu thuyết được giải thưởng năm 2000, cả hai đều in sau khi anh Bắc mất. Chị nghĩ gì về sự nghiệp viết văn của anh?

- Tôi nghĩ, nhà tôi đâu có nổi tiếng như các bác, các anh nhà văn có tiếng từ lâu. Anh Bắc là người rất khiêm nhường. Anh cứ hì hụi viết thôi. Anh Bắc hay viết tắt, giấy đen, chữ khó đọc lắm. Tôi thấy lúc bác Xuân Thiều biên tập, có chữ phải luận mãi mới ra. Nhưng rồi cũng được xuất bản. Những ngày anh Bắc ốm, có lúc tôi đã nghĩ là không hiểu sao mình đã sống được tới ngày hôm nay. Người đời nói: Lấy chồng bộ đội, vợ già, nhà dột, con dốt. Tôi thì đành già, đành xấu, nhà dột thì chắc rồi, nhưng con anh Bắc thì không thể dốt. Tôi dạy học, biết lắm chứ. Anh Bắc là hậu duệ của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, chẳng lẽ con anh lại dốt?

* Bà Nguyễn Thu Cúc - vợ nhà văn Tô Hoài

- Bà có thể kể đôi nét về ngày xưa, khi mà ông Tô Hoài lên mạn ngược, để viết ''Vợ chồng A Phủ'', ''Tây Bắc'', dễ đến hơn 40 năm rồi thưa bà?

- Tôi với nhà tôi có với nhau năm mặt con, lại có tới hơn 50 năm tình nghĩa vợ chồng. Kể cũng là dài. Nhưng tôi ít được sống gần nhà tôi lắm. Đến bây giờ, ngoài 80 rồi, ông nhà tôi vẫn đi suốt. Trong kháng chiến, có đi suốt nhà tôi mới có Truyện Tây Bắc (tái bản nhiều lần), Vợ chồng A Phủ, Miền Tây, Tiểu thuyết 1960 tái bản nhiều lần. Năm 1970, Miền Tây được giải thưởng Hội Nhà văn Á - Phi.

- Thưa bà, tiền giải thưởng có khá không ạ? Và ông đưa bà tiêu chứ?

- (Cười)... Thú thật, tôi chưa bao giờ hỏi ông ấy một câu về tiền, tiền thưởng hay tiền lương cũng vậy. Thời bao cấp, lương dược sĩ, tôi phải tằn tiện kể cả đun bếp mùn cưa, bếp than hoa để nấu nướng cho các con ăn học. Thời xưa thiếu thốn, gian khổ lắm, nhưng nhà tôi phải đi mới viết được, nên tôi phải cố thôi. Lấy chồng nhà văn phải chấp nhận nhiều thứ...

- Bà kể về một vài thứ đi?

- Chẳng hạn như thứ kỹ tính của nhà tôi phải nói đúng từ, không dùng sai từ, dùng sai là ông ấy sửa ngay. Tôi thì nói nôm na. Có lần chép lại những trang sách giúp ông nhà tôi, ông đọc lại, ông còn sửa đi sửa lại, kỹ hơn cả nhặt thóc, sạn ở gạo ấy chứ.

- Được biết ông có tới hơn 150 đầu sách?

- Tôi có chép lại cho ông nhà tôi ít trang giấy mà đã thấy ê cả tay. Sau đó nhà tôi đọc lại từng trang, lại chữa tiếp. Có chép hộ truyện ngắn cho ông, tôi mới hiểu viết văn thật cực nhọc, nên tôi chú ý tới việc ăn uống lắm. Cốt sao ông nhà tôi ăn ngon miệng, có sức để viết.

- Ông Tô Hoài thích nhất món gì, thưa bà?

- Cá rán ăn một bữa. Rau muống phải luộc xanh, có tương Bần, rau kinh giới, ớt đỏ, bầy biện phải đẹp, phải đúng cách. Khác hẳn với ăn uống, nhà tôi từng đi gần một trăm nước trên thế giới nhưng cái mặc rất đơn giản.

- Ông nhà đi gần một trăm nước. Chả lẽ ông không cần bà giúp về may mặc quần áo sao?

- Nhà tôi vô cùng đơn giản về trang phục. Ông mặc giản dị. Vải mềm, cotton ông thích, chứ không thích sợi pha nylon. Tôi ít phải lo về việc mặc, vả lại quần áo bây giờ sẵn lắm.

- Ông Tô Hoài lại hay giúp bạn nữa, bà có biết không?

- Biết chứ. Ông giúp người chỉ ông biết thôi. Ông không thích người thứ ba biết đâu. Tôi cũng ảnh hưởng cái đức tính hay cho của ông. Thấy ai khổ hơn, gặp hạn thì giúp. Mình khổ mãi rồi, nên quen. Đấy, nhà cửa của tôi, nửa thế kỷ mà có sửa chữa gì đâu. Ông nhà tôi đưa ít nhiều, tôi như cái hom giỏ, lo liệu nuôi các cháu, để ông ấy đi. Ới một cái, là ông lên đường, đi suốt; về nhà lại cặm cụi viết. Ngay bây giờ cái bàn cũ, muốn thay, ông nhà tôi không cho thay. Cái bàn chẳng to, chẳng bé, cũ thế mà ngăn nắp sách vở, ông nhà tôi cẩn thận với chữ nghĩa lắm. Còn mọi chuyện từ to tát đến cỏn con trong gia đình ông nhà tôi đều giao cho tôi lo liệu. Tôi vẫn nhóm lò nấu cơm, không phải vì không có bếp ga, mà vì ông ấy đi suốt, con cái cũng đi suốt. Tôi nhóm lửa cho nó ấm nhà. Ông Hoài nhà tôi thích trong nhà có cây xanh, và có bếp lửa.

- Và mong ước của riêng bà bây giờ đây?

- Tôi vẫn chỉ chú ý vào cái bếp thôi. Miễn sao bếp có lửa, có cơm canh ngọt, nhà tôi ăn ngon miệng, lại ngồi viết, đọc, rồi đi. Có sách ra là tôi mừng rồi. Cô bảo, đến cái tuổi ngoài 80, chỉ nhìn thấy nhau mạnh khỏe là mừng, đằng này ông nhà tôi vẫn đi đây, đi đó, viết sách nữa... Tôi còn mong gì hơn...

* Bà Nguyễn Thị Doanh - vợ nhà văn Nguyễn Minh Châu

Chị cũng là lính nên hiểu được công việc của chồng mình. Từ ngày anh Châu mất, chị lại tập hợp bản thảo, chẳng bỏ đi một chữ nào anh Châu viết ra. Vừa rồi ngồi đọc lại những lá thư của anh, chị Doanh mới giật mình nhớ lại nhiều thứ. Nhớ nhất là anh Châu thương mẹ và đưa vợ đi chợ. Quê anh Châu nghèo lắm, cái chợ Giát không khác gì mấy trong chuyện của anh, cả con bò, lão Khúng. Anh Châu khi ngồi viết tiểu thuyết là quên tất mọi chuyện. Anh ngồi viết ở đâu cũng được. Bàn chẳng ra bàn, chỉ thấy mù mịt khói thuốc lào khét lẹt. Chỉ thấy cốc chén bừa bãi, anh ấy nhìn vợ mà cứ như nhìn đi đâu đâu. Mãi sau này chị mới hiểu nghề viết và không giận anh nữa.

- Được biết từ sau ngày anh Nguyễn Minh Châu mất, chị vẫn giữ được sức khỏe, rồi lo in sách cho anh. Việc gìn giữ bản thảo rồi chọn lọc, biên tập có khó không, thưa chị?

- Nhờ anh Châu phù hộ cho, tôi khỏe ra đấy. Rồi tôi gìn giữ cất đi những bản thảo mà anh Châu viết, tập hợp lại, rồi cũng nhờ bạn bè văn chương, bạn bè nhà báo giúp, nên vừa có sách, lại vừa có tiền. Bây giờ tôi không túng nữa, các cháu có công ăn việc làm, lại có hai cậu con rể ngoan lắm, tôi coi chúng như con trai mình. Không có hai cậu con rể tốt và thương mẹ, thì tôi chắc không được như thế này.

- Hiện giờ chị đang làm cuốn gì cho anh Châu?

- Sau cuốn Tuyển tập Nguyễn Minh Châu (Nhà xuất bản Văn học in), tôi tập hợp lại những bài viết về anh Châu trong quãng đời sống và viết văn. Hiện giờ tôi đọc lại các bức thư, kể cả thư tình. Nếu không có anh, tôi sống không có ý nghĩa gì cả. Nhờ có anh, sự nghiệp của anh, đã giúp cho các con tôi và tôi sống có ý nghĩa hơn rất nhiều. Tôi hy vọng sẽ in một tập những lá thư tình của anh Châu.

- Chị nói ngày xưa có nhiều lần chị giận mà anh Châu không biết?

- Phải, vợ chồng mà. Cực quá có lần tôi cáu. Nhưng anh cười hiền lành. ''Anh đợi em hết cáu thì anh về''. Rồi anh bỏ sang nhà số 4 Lý Nam Đế để viết. Tôi hạnh phúc nhất là lúc anh Châu mở cửa về nhà. Dù có ba lô, hay túi xách, cứ thấy anh về là nhà vui hẳn lên. Nhưng nghề văn thì hết đi, lại trốn sang phòng làm việc ngồi viết...

- Chị bảo chị còn nợ anh Châu một món cá biển kho?

- Ừ, ừ, mình còn nợ anh Châu một món cá biển rim nước mắm. Nhà đông con, nên anh nhường nhịn. Anh viết văn, nói khéo đến nỗi tôi cũng tin. Nhà có món gì ngon, anh kiếm cớ chán ăn vì ăn ở tòa soạn, họp hành, tiệc đãi ''bố ăn chán rồi, các con ăn hộ bố''. Sau này hỏi ra mới biết anh có ăn uống tiệc tùng gì đâu. Chỉ cốt nhìn các con ăn. Nhà tôi người xứ Nghệ, hay thèm ăn mặn. Hồi đó, anh bị ung thư máu, đau lắm, mà lúc ấy anh chỉ thèm ăn cá biển rim mặn. Ngày ấy kiếm cá biển đâu có dễ. Tôi đã không kiếm được, để anh ăn một bữa trước khi ra đi. Thế là vợ nợ chồng một món cá biển.

Chị bảo, chị đã thắp hương khấn anh, nếu có thế giới bên kia thì anh về ăn cơm với cá biển. Chị cứ ân hận mãi về món cá biển đấy. Bây giờ có quyển sách nào in ra chị cũng để lên bàn thờ thắp hương, hy vọng anh cũng nhìn thấy tác phẩm của mình và bạn bè văn chương. ''Bây giờ thi thoảng tôi mua món cá biển thắp hương cho anh Châu. Chắc anh cũng không nỡ trách tôi đâu, cô nhỉ?''.

. Theo Đại Đoàn Kết

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhớ Quy Nhơn  (19/06/2003)
Báo chí phát huy văn hóa dân tộc chống tiêu cực  (19/06/2003)
Điệp khúc  (18/06/2003)
Núi Mò O  (18/06/2003)
Tính chất sông nước, sóng biển của văn học dân gian miền biển Bình Định  (17/06/2003)
Những góc khuất của mặt người *  (16/06/2003)
Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử?  (15/06/2003)
Trung thu  (13/06/2003)
Bài thơ lục bát của Nguyễn Bính còn ít người biết  (13/06/2003)
"Gần mũi xa mồm"  (12/06/2003)
Mai theo em về Hầm Hô  (12/06/2003)
Những vòng xe tình yêu  (11/06/2003)
Quy Nhơn ngày anh về  (10/06/2003)
Lễ hội cầu ngư của Xuân Mai  (09/06/2003)
Đào Quý Thạnh  (08/06/2003)