|
Mộc mạc quê nhà (ảnh: Phạm Văn Chai) |
Tôi còn nhớ mãi lễ khai tâm của mình, cái lễ trọng của mỗi đời học trò. Ở quê tôi có tục lệ cúng khai tâm cho trẻ chuẩn bị vào lớp vỡ lòng, tức bậc mẫu giáo bây giờ. Lễ này được chọn một ngày tốt trong các tháng được tính là ngoài bụng mẹ. Ví dụ đứa trẻ ấy sinh vào mồng ba tháng mười một ta, tính ngược thời gian về trước, từ hăm ba tháng giêng đến đó là chín tháng mười ngày trong bụng mẹ. Như vậy lễ khai tâm cho trẻ đó chỉ được chọn một ngày bất kỳ trong quãng từ mồng bốn tháng mười một cho đến hăm hai tháng giêng. Tùy theo gia cảnh, mức độ tổ chức có thể linh đình hay đạm bạc nhưng thường lễ vật dâng cúng ngoài hoa quả trà rượu, nhất thiết không thiếu con gà trống tía.
Bên cạnh bà con nội ngoại, người ta thường mời cả bà mụ, người năm bảy năm trước từng đỡ cho trẻ ra đời. Và sự có mặt của ông giáo làng, người sẽ dạy vỡ lòng cho trẻ, là niềm vinh hạnh và hoan hỉ của gia đình.
Trước bàn thờ gia tiên, người ta kê thêm một cái bàn thấp hơn đặt lên đó giấy bút cho trẻ. Người cha sau khi hướng dẫn cho trẻ thực hiện các nghi lễ trang nghiêm, liền mở vở viết vào đó những lời tốt đẹp nhất hy vọng nhất. Ông đọc to lên để trẻ lặp lại vừa như cầu mong vừa là hứa hẹn.
Lễ cúng khai tâm cho tôi cũng bắt đầu như thế, theo lời cha tôi là để chuẩn bị nhập môn học chữ thánh hiền. Nó diễn ra trong một căn nhà tranh bên rìa núi, giữa một rẻo vườn đầy những loài cổ thụ thâm nghiêm, mảnh sân thân thuộc có nhiều cây hồng lựu, bạch lựu. Tuổi ấu thơ của tôi trôi qua dưới bóng rợp của xoài tượng, xoài thanh ca, dừa lửa, mít, muồng, những tàn bứa, tàn me già hàng trăm năm tuổi. Những bài học văn chương đầu tiên đến với tôi là từ bà nội tôi, cha tôi, mẹ tôi, những người chân lấm tay bùn nhưng đã thuộc làu làu các truyện thơ Nôm, từ truyện Kiều đến Lục Vân Tiên.
Viết đến đây, bỗng nhiên tôi nhớ về bà nội kính yêu của tôi, người luôn dắt về những người hiền qua các tích lớp, các truyện thơ xao động cả thôn cùng xóm vắng trong suốt quãng đời tôi còn bé dại. Những người hiền thường phải chịu đựng số phận trầm luân khác thường, tôi thấy thế và bà tôi luôn thắp trong lòng tôi ngọn lửa của triết lý dân gian: "ở hiền gặp lành". Bây giờ dưới ba tấc đất sâu chẳng biết bà có dịp hát kể về những nhân vật mà bà hết sức trân trọng ấy hay không?
*
Tôi vẫn hằng nghĩ rằng nếu mai sau được tái sinh ra cuộc đời thứ hai và cuộc đời ấy có quyền chọn lựa nơi chôn nhau cắt rốn của mình, tôi vẫn chọn chính rẻo đất cố hương – cái thôn nhỏ bên rìa núi có tên gọi Long Quang – một thôn nhỏ như bao thôn nhỏ ở miền Trung nước Việt, nghèo khổ, chân chất, ấp áp nghĩa tình.
Thật lạ lùng là suốt ba chục năm xa quê, mỗi lúc nhớ nhà tôi có thể nhắm mắt nghe một mùi thảo dã đến thật gần, ngọn khói ấm nóng tỏa bình lặng trên nếp tranh chiều, bóng dáng những người thân thuộc cũ giữa cánh đồng, trong hẻm núi, ngoài bãi sông. Ờ nhỉ, sim mua đã tím đến thao thiết trên những ngọn đồi lô xô. Tiếng nai kêu. Ánh sao chiều. Và gió. Tôi đã nghe cả tiếng của những cánh hoa khế khẽ khàng rơi xuống mặt ao và bên cạnh đó, đám bạn bè thơ ấu của tôi xưa đang hun cỏ khô để vùi khoai hoặc nướng những con cua đồng. Kỳ diệu thay là cái vị quê, cái thú quê, cái mà suốt quãng đời thành thị tôi vẫn luôn hồi tưởng để thương nhớ bồi hồi. Có lần tôi đưa con tôi đến trường, con tôi đòi mua quà trước cổng. Tôi rảo mắt khắp các hàng quán bánh kẹo lòe loẹt, bất chợt sững người trước một gánh trái sim. Nhìn gánh sim tội nghiệp giữa lòng thành phố, tôi như gặp lại những đồng hương thuở quần đùi áo vá rong ruổi trên các sườn đồi quê. Đêm đó tôi trở về nhà thức trắng và một bài thơ nhỏ ra đời có tên là Sim trên hè phố: "Sim ơi còn nhớ ta không - Xưa ta và bạn sống trong thung đồi - Sau cơn lăn lóc vô hồi - Bây giờ gặp lại ở nơi thị thành - Ta còn tí đỉnh tóc xanh - Bạn còn chút ít ngọt lành mà thôi - Nép bên hồng tía chợ trời - Cúi đầu trước những tiếng cười chê khen - Ngoảnh về non lặng suối hiền - Thương cây nhớ cội đã biền biệt xa - Mai này cát bụi nhập nhòa - Biết ai còn nhận ai là cố tri."
*
Tôi có ý định viết một cuốn sách nho nhỏ về tuổi thơ của mình. Một ý định có thể nói là như nước và như lửa. Lúc thì nó thủ thỉ trong hồn, trong trẻo, róc rách. Lúc thì nó cháy bỏng trong tim, nồng đượm, lan tỏa. Và tôi động bút. Nhớ quá, thương quá mà viết. Không viết không chịu được. Viết ở nhà, trong đêm tĩnh lặng. Viết ở cơ quan, nơi ồn ã sự vụ. Viết trên tầu xe, trên máy bay những chuyến công tác. Viết cả trong một số cuộc họp mà thông thường trách nhiệm của mình không ngoài việc bắt tay và vỗ tay.
Tôi tự giục mình về cuốn sách của tuổi thơ ở đồng quê, tuổi thơ gắn với một chặng đường chiến tranh máu lửa những năm sáu mươi của thế kỷ trước ở đất Hoài Ân. Từ một chú bé con áo vá cơm độn ngồi trên quang gánh của mẹ thời loạn lạc đến cái hình hài của bây giờ, bùn đất Hoài Ân đấy chứ, rau cỏ Hoài Ân đấy chứ, mây trời non nước Hoài Ân đấy chứ. Thời bom đạn đã lùi xa, thuở áo tơi nón lá trên bờ ruộng mấp mô lặn vào ký ức, tôi tự nhủ hãy chân thành móc lấy quả tim thơ trẻ của mình mà đặt trên lòng tay những người mình thương mến. Không cần trau trua hoa mỹ, chỉ lặng lẽ quỳ xuống nâng thật cao cuốn sách của đời mình: "Thưa mẹ, con đây!".
. Nguyễn Thanh Mừng
|