Sổ tay thơ:
Với đứa con ngoài giá thú
17:9', 24/6/ 2003 (GMT+7)

Đợi khuya về cả phòng lặng ngủ

Mẹ nhẹ nhàng ngồi dậy vuốt ve con

Mặc người đời gọi con ngoài giá thú

Con vẫn trong tình mẹ vuông tròn

 

Mẹ làm mẹ mà chưa từng làm vợ

Vẫn suất cơm tập thể quá khiêm nhường

Nửa làm máu, nửa chia ra làm sữa

Hạnh phúc nào bằng san sẻ yêu thương

 

Thôi nhắc chi những năm dài trống trải

Bao vầng trăng vô nghĩa rụng qua đầu

Tóc hoàng hôn thưa dần theo lược chải

Pháo cưới người như đốt để trêu nhau

 

Mẹ nhớ lại ngày con vừa trứng nước

Người ấy đi như trốn chạy nợ nần

Thèm trái chua mẹ trùm chăn ăn lén

Sợ mắt người như sợ mũi kim châm

 

Sinh con ra mẹ vẫn nằm giường một

Có khác chăng là kê lại góc phòng

Ngày nghỉ đẻ phải trừ vào ngày phép

Vuông vải màn làm tã, giặt rồi hong

 

Vài tháng tuổi, con đã quen kẻng thức

Mẹ đi làm, con lên địu đi theo

Mẹ đào hố trồng cây theo định mức

Lưng mẹ gầy, con giấc ngủ cheo leo

 

Ngày lưng mẹ, đêm nằm trên giường mẹ

Mình mẹ lo khi trái gió trở trời

Ngoài giá thú, sao ngoài lòng thương cảm

Để người đời ghét bỏ mẹ con tôi.

. Vương Trọng

 

Lời bình:

Đúng là có một thời, chúng ta đã có những quan niệm hẹp hòi về những đứa con ngoài giá thú. Phụ nữ không chồng mà chửa không phải là điều tốt, thậm chí bị quy kết là hủ hóa, là phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Nhưng mặc cho người đời ruồng rẫy, thị phi, những đứa con ngoài giá thú vẫn vuông tròn trong tình thiêng liêng mẫu tử. Bài thơ "Với đứa con ngoài giá thú" của Vương Trọng như một sự minh chứng về sự "vuông tròn" ấy.

Không thể nào thống kê được có bao nhiêu người phụ nữ đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc để trở về cuộc sống đời thường trong tuổi quá lứa, lỡ thì. Rồi đến thời kỳ đất nước hàn gắn vết thương chiến tranh, những nữ thanh niên xung phong lại tình nguyện có mặt trên những đèo mây, những tầng núi đá, những nông trường heo hút… và có bao người trong số họ chuyện chồng con, chuyện hạnh phúc riêng tư chỉ là chuyện trong mơ?

Đằng sau sự hy sinh thầm lặng ấy là khát vọng hạnh phúc riêng tư.

Thôi nhắc chi những năm dài trống trải/Bao vầng trăng vô nghĩa rụng qua đầu/ Tóc hoàng hôn thưa dần theo lược chải/Pháo cưới người như đốt để trêu nhau. Từng câu chữ như xoáy vào lòng người đọc về "nỗi đau" của người phụ nữ.

Thiên chức cao quý của người phụ nữ là được làm vợ, làm mẹ. Nhưng hoàn cảnh đã không cho họ cái thiên chức thứ nhất.

Mẹ làm mẹ mà chưa từng làm vợ. Để được làm mẹ, người phụ nữ phải hy sinh rất nhiều, phải đương đầu với cuộc sống khó khăn, và đáng sợ hơn là sự ác cảm của dư luận.

Sinh con ra, mẹ vẫn nằm giường một/ Có khác chăng là kê lại góc phòng/Ngày nghỉ đẻ phải trừ vào ngày phép/ Vuông vải màn làm tã giặt rồi hong. Nào có gì khác đâu? Vẫn chiếc giường một, vẫn suất cơm tập thể, vẫn phải công việc thường ngày sau khi đã trừ ngày nghỉ đẻ vào ngày phép… Khó khăn, thiếu thốn nhưng đấy là niềm hạnh phúc của mẹ - hạnh phúc vì được san sẻ yêu thương.

Nhưng cái đáng sợ hơn vẫn là sự ác cảm của người đời. "Ngoài giá thú" chính là nguyên nhân của bao sự tủi hổ, đắng cay. Thai nghén, thèm một chút trái chua "mẹ phải trùm chăn ăn lén", và "Đợi khuya về cả phòng lặng ngủ - Mẹ nhẹ nhàng ngồi dậy vuốt ve con". Những điều rất đỗi bình thường ấy lại phải diễn ra trong thầm lén, vụng trộm. Thế giới của mẹ - con như bị thu nhỏ lại bởi sự ác cảm của người đời và điều đó đã làm cho bản năng "tự vệ" trong người mẹ trỗi dậy, sẵn sàng che chắn, bảo vệ cho con. Dù thế nào đi chăng nữa, "con vẫn trong tình mẹ vuông tròn".

Tôi được sinh ra và từng có một thời sống ở tập thể nông trường. Hồi ấy, ở nông trường cũng có vài phụ nữ không chồng mà có con. Đám con nít phe "trong giá thú" chúng tôi không ít lần nghe theo lời người lớn sỉ vả phe "ngoài giá thú" là đồ "con hoang". Phần ký ức ấy có lẽ sẽ quên nếu không có một lần tình cờ tôi được đọc bài thơ "Với đứa con ngoài giá thú". Dù không có ác cảm và đó chỉ là trò chơi con nít nhưng ánh mắt thảng thốt của những "đứa con hoang" ngày ấy khiến tôi không thể nào quên được.

Bài thơ "Với đứa con ngoài giá thú", Vương Trọng viết chân thực như anh đang kể lại câu chuyện của "người trong cuộc". Sự đồng cảm ấy đã mang đến cho người đọc một ấn tượng đẹp về bài thơ.

Dẫu sao, định kiến hẹp hòi về những đứa con ngoài giá thú chỉ tồn tại trong một thời. Đó là một kỷ niệm buồn. Điều cốt yếu là "Với đứa con ngoài giá thú" Vương Trọng đã gửi đến người đọc một bài thơ hay về tình mẫu tử.

. Phạm Hoài An

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chờ trăng Sa Pa  (24/06/2003)
Văn hóa ẩm thực dưới mắt các nhà văn  (23/06/2003)
Hoài Ân, tấc đất ngọn rau…  (22/06/2003)
Xin được cúng trước  (20/06/2003)
Làm vợ nhà văn - Âm thầm sau những trang viết  (20/06/2003)
Nhớ Quy Nhơn  (19/06/2003)
Báo chí phát huy văn hóa dân tộc chống tiêu cực  (19/06/2003)
Điệp khúc  (18/06/2003)
Núi Mò O  (18/06/2003)
Tính chất sông nước, sóng biển của văn học dân gian miền biển Bình Định  (17/06/2003)
Những góc khuất của mặt người *  (16/06/2003)
Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử?  (15/06/2003)
Trung thu  (13/06/2003)
Bài thơ lục bát của Nguyễn Bính còn ít người biết  (13/06/2003)
"Gần mũi xa mồm"  (12/06/2003)