Sổ tay thơ
Hoa đỏ ngày xưa...
17:7', 26/6/ 2003 (GMT+7)

(Bài thơ Thời hoa đỏ của Thanh Tùng)

Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao

Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng

Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh

Chẳng chịu cho lòng ta yên…

Bài thơ gợi cho ta mối cảm hoài man mác về một thời tuổi trẻ và mối tình đầu thơ mộng gắn liền với màu hoa đỏ – một màu hoa như lửa cháy khát khao… Tuy tác giả không nói rõ đó là hoa gì, nhưng qua văn cảnh của bài thơ, ta có thể nghĩ đó là hoa phượng, một loài hoa đã trở thành nét đẹp đặc trưng của thành phố cảng Hải Phòng, quê hương tác giả, nơi từ lâu đã làm say lòng người nghe cả nước với những lời ca, giai điệu mượt mà: "Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ. Ôi Hải Phòng, thành phố quê hương…".

Trên con đường trải dày hoa phượng đỏ, anh nắm tay em bước dọc con đường vắng. Trưa mùa hè mênh mông yên tĩnh, chỉ có tiếng ve sôi khiến lòng ta thêm rạo rực. Trong cái không gian êm đềm ấy, anh lại mải mê kể về một màu mây xa – về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ, còn em thì lại hát một câu thơ cũ… Câu thơ hát về một thời yêu đương da diết…! Trong phút giây vụng về ấy, lòng ta bao điều muốn nói với nhau, nhưng rồi vẫn không nói được thành lời, chỉ nhìn vào tận sâu mắt nhau/mà thấy lòng đau xót/trong câu thơ của em/anh không có mặt… Chúng mình vẫn bước đi bên nhau, và hoa phượng cứ rơi như những giọt mưa hồng rơi trên tóc rối. Ngày ấy chẳng nói được gì nên sau này cứ mỗi lần nhìn hoa đỏ ngày xưa, anh lại thấy lòng rộn lên bao niềm tiếc nuối, nhận ra thời trai trẻ của mình đã quá xa xôi và mối tình thơ ngây ngày ấy giờ chỉ còn là những kỷ niệm đắng cay:

Mỗi mùa hoa đỏ về

Hoa như mưa rơi rơi

Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi

Như máu ứa của một thời trai trẻ

Ngày ta đi bên nhau, hoa đỏ hồng như lửa cháy khát khao. Khi ta xa em, hoa đỏ tươi như máu ứa của một thời trai trẻ. Rồi một hôm ngồi bâng khuâng thương nhớ những ngày vui cũ, bất chợt nhận ra hoa lại đỏ bầm như vết xước của trái tim…!

Thật ra thì hoa bao giờ cũng vẫn là hoa đỏ ấy thôi, nhưng sự thức nhận của con người trong mỗi hoàn cảnh riêng đã nhìn thấy ở hoa những sắc đỏ đầy tâm trạng. Cảm xúc chủ đạo trong "Thời hoa đỏ" của Thanh Tùng là cảm xúc hoài niệm. Hoài niệm về một thời đã qua. Hoài niệm về một tình yêu đã vỗ cánh. Đời người chẳng có ai sống được hai lần tuổi trẻ, hai mối tình đầu, chính vì thế bài thơ luôn gợi lại trong ta "cái vẻ thần kỳ của ngày xưa" thơ dại, thời ta yêu nhau mà chẳng biết nói năng gì, để rồi sau này tự trách mình khờ khạo.

Dằn vặt là thế. Nuối tiếc là thế. Vậy mà gặp lại nhau sau bao năm xa cách, cứ ngỡ mình từng trải hơn, già dặn hơn, nào ngờ cũng vẫn là sự vụng về xưa cũ:

Sau bài hát rồi, em như thể

Em của thời hoa đỏ ngày xưa

Sau bài hát rồi anh cũng thế

Anh của thời trai trẻ, ngày xưa…

Vòng tròn đã được lặp lại. Dường như con người không ai có thể "khôn ra" trong mối tình đầu của mình. Chính vì thế, tình đầu bao giờ cũng đẹp, cũng xao xuyến không nguôi.

Được viết ra ngay từ những năm chiến tranh, vượt qua sự sàng lọc của thời gian, Thời hoa đỏ của Thanh Tùng đã và sẽ còn được người đọc yêu mến như là một trong những bài thơ hay viết về tình yêu và tuổi trẻ, về một màu hoa đã trở thành kỷ niệm của mối tình đầu trắng trong, thơ mộng…

. Nguyễn Minh Khôi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Canh lá dang mùa nắng  (26/06/2003)
Với đứa con ngoài giá thú  (24/06/2003)
Chờ trăng Sa Pa  (24/06/2003)
Văn hóa ẩm thực dưới mắt các nhà văn  (23/06/2003)
Hoài Ân, tấc đất ngọn rau…  (22/06/2003)
Xin được cúng trước  (20/06/2003)
Làm vợ nhà văn - Âm thầm sau những trang viết  (20/06/2003)
Nhớ Quy Nhơn  (19/06/2003)
Báo chí phát huy văn hóa dân tộc chống tiêu cực  (19/06/2003)
Điệp khúc  (18/06/2003)
Núi Mò O  (18/06/2003)
Tính chất sông nước, sóng biển của văn học dân gian miền biển Bình Định  (17/06/2003)
Những góc khuất của mặt người *  (16/06/2003)
Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử?  (15/06/2003)
Trung thu  (13/06/2003)