Cảm nhận về những bài thơ cuối đời của nhà thơ Yến Lan
17:36', 30/6/ 2003 (GMT+7)

Vợ chồng nhà thơ Yến Lan

Sáng tạo văn học là niềm vui lớn của nhà văn nhà thơ. Những thi phẩm này "khởi phát tự cõi lòng" của thi nhân đã truyền vào tâm hồn người đọc, người nghe những xúc cảm thẩm mỹ sâu lắng, nên thơ, còn mãi với thời gian trong ký ức lớp lớp người yêu thơ.

Là người sống hết mình với thơ, tới cuối đời nhà thơ Yến Lan vẫn làm nhiều thơ, mỗi bài thơ là một mảng tâm hồn ông mang ước vọng tiếp tục dâng hiến nghệ thuật thơ ca cho đời và cả tâm trạng nuối tiếc tuổi thanh xuân.

Trong bài biết này tôi chỉ xin chọn một số bài thơ ông sáng tác vào những năm cuối đời ở tuổi tám mươi: Nuối, Vô đề, Đêm hoa quỳnh nở nhớ Chế Lan Viên, Trăng chín để ghi lại những cảm nghĩ của một người thuộc lứa tuổi con cháu của ông và không nguôi lòng yêu quý, ngưỡng mộ thơ ông.

Các bài thơ nêu trên đều là thơ tứ tuyệt thất ngôn. Đặc trưng của thơ tứ tuyệt là hàm súc, lời ít, ý nhiều, mỗi từ mỗi câu vang xa, ý bay bổng ở ngoài lời. Tuy theo thể tứ tuyệt - "một thể chuyển tiếp giữa phong cách cổ phong với phong cách luật thi" nhưng thơ tứ tuyệt của nhà thơ Yến Lan rất mới, rất hiện đại về tứ thơ cũng như về hình ảnh ngôn ngữ, và nhạc điệu.

Sự cảm nhận thực tế bằng xúc cảm thẩm mỹ, thi vị ấy làm cho thơ ông vừa nhẹ nhàng, thanh tao vừa sâu xa, lắng đọng.

Thu qua in nhạt vó trăng mòn

Lốm đốm vườn cam nép má son

Ngoảnh lại khuất dần mùa rụng lá

Cành còn dâng tặng quả cô đơn

(Nuối)

Nhìn trời thu thấy vó trăng mòn, nhìn vườn thu thấy cam nép má son, ngoảnh lại với thu qua thấy mùa lá rụng khuất dần…. Tất cả gợi lên sự hao khuyết, sự nuối tiếc biết bao mùa thu đẹp đã qua. Nhà thơ nghĩ không biết nỗi cô đơn trong ông có thể kết thành quả ngon để "dâng tặng" cho đời được không? Nhưng tình yêu cuộc sống, yêu thơ tràn đầy trong trái tim ông đã trở thành bất cập trước tuổi già sức yếu nên ông tự nhủ thầm:

Nuối tiếc làm chi chiếc gậy tà

Tám mươi đâu ngại phải đi xa

Ghé chân bên giậu anh hàng xóm

Chẳng lẽ mình ta dắt lấy ta

(Vô đề)

Ông dựa vào chiếc gậy tà để muốn đi xa mà bước chân nào có vững, đành phải ghé chân bên giậu anh hàng xóm. Từ đấy, mới có câu tự vấn: "Chẳng lẽ mình ta dắt lấy ta" đã gieo vào lòng người đọc nỗi thương cảm sâu lắng với tâm trạng của nhà thơ.

Câu cuối của bài Vô đề cũng như câu cuối của bài Nuối là hai câu hỏi nghệ thuật làm lóe sáng chủ đề của từng bài thơ.

Tuổi già thường sống với những hoài niệm về quá khứ, về những ngày tháng đã qua gắn với bao kỷ niệm buồn,vui, được, mất… Trước những chi tiết rất thực - kể cả những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất, cũng làm nhà thơ "nao lòng", trăn trở nghĩ suy, liên tưởng.

Đêm khuya chờ xem hoa quỳnh nở là thú vui tao nhã thường thấy ở những người yêu hoa, đối với nhà thơ Yến Lan thời khắc và cảnh tượng ấy còn ẩn chứa bao nỗi niềm, bao tâm sự…

Hương tụ trời khuya đọng sắc quỳnh

Nửa nghiêng tiền kiếp, nửa lai sinh

Lẫn vào sương khói ba canh mộng

Một cánh phù hoa bỗng lộ hình

(Đêm hoa quỳnh nở nhớ Chế Lan Viên)

Trong khoảnh khắc sắc quỳnh hiện ra với vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết, dịu dàng. Hương của cả thời gian như tụ về, hương của cả không gian như đọng lại trên đóa hoa vừa hé nở… đã gợi lên trong tâm hồn nhà thơ nỗi liên tưởng về tiền kiếp và về tương lai của một con người. Từ liên tưởng đó, cùng với sương khói "ba canh mộng", nhà thơ chợt nhận ra rằng người mà ông đang nhớ tới là Chế Lan Viên - một thi sĩ tài hoa.

Những ngày tháng cuối đời nằm trên giường bệnh, tay run, chân yếu nhưng ông vẫn làm thơ. Trong hồi ký về người bạn đời của mình, cụ bà Nguyễn Thị Lan ghi lại: "… Tay run không viết được, anh nhờ tôi chép. Mỗi khi chợt nghĩ ra câu nào, anh giục tôi: Mau lấy giấy bút chép ngay không thì nó trôi mất. Giấy bút lúc nào cũng để trên bàn, cạnh chỗ anh nằm…". Sự cô đơn thường ám ảnh nhà thơ nên không gian vắng lặng, cảnh vật cô quạnh được đưa vào trong bài Trăng chín để thể hiện tâm trạng khi nhà thơ biết thời gian của mình chỉ "còn trên mấy đốt tay". Nhà thơ mượn các hình ảnh: con đò trôi xuôi, vầng trăng lẻ loi, đôi tiếng ếch kêu, mái chèo rung lạnh để diễn tả ngoại cảnh và tâm trạng buồn vắng.

Đò trôi lấy bẩy nước xuôi dòng

Trăng bò đầu cành rụng xuống sông

Đôi tiếng ếch kêu từ gốc bẹ

Đáp vào rung lạnh mái chèo cong

Đọc Trăng chín của nhà thơ Yến Lan ta lại nhớ đến Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử viết Mùa xuân chín giữa tuổi thanh xuân, Yến Lan viết Trăng chín khi đã vào tuổi tám mươi hai. Mùa xuân chín của Hàn có giàn thiên lý, bóng xuân sang, tà áo biếc, lời ca vắt vẻo lưng chừng núi… Một mùa xuân đầy âm thanh và sắc hương, dạt dào sức sống. Còn Trăng chín của nhà thơ Yến Lan lại có đò trôi lẩy bẩy yếu ớt theo dòng, và tạo hóa dường như vô tình bỏ rơi trăng đầu cành để trăng rụng xuống sông. Trong không gian vắng lặng ấy chỉ có đôi tiếng ếch kêu từ gốc bẹ đáp vào mái chèo cong rung lạnh trên làn nước tĩnh mịch. Hai cảnh vật, hai thi hứng, hai tâm trạng ở hai độ tuổi của hai nhà thơ đối lập nhau.

Ánh trăng vàng đầy quyến rũ cũng đã từng "ám ảnh" nhà thơ Yến Lan suốt bài Bến My Lăng. Cũng là trăng, nhưng trăng trong Bến My Lăng mang vẻ đẹp huyền ảo, mộng mơ của thời trai trẻ - thời mở đầu sự nghiệp thơ ca của nhà thơ, còn trong Trăng chín, trăng mang vẻ cô liêu khi về già. Vì thế trăng đã rụng xuống sông và rụng cả trong lòng nhà thơ vốn rất yêu trăng, say trăng.

Những bài thơ cuối đời của nhà thơ Yến Lan nêu trên là những bài thơ hay trên nhiều phương diện của nghệ thuật thơ ca.

Thơ tứ tuyệt của nhà thơ Yến Lan phóng khoáng, bình dị. Tứ thơ, nội dung thơ tuy mới nhưng vẫn giữ được phong cách thơ xưa, và sự triển khai tứ thơ vẫn không phá vỡ đơn vị dòng thơ. Vậy nên thơ của ông truyền thống và hiện đại.

Là một trong bốn nhà thơ lớp trước ở Bình Định trong phong trào thơ mới, những năm tập kết ra Bắc, ông vẫn tiếp tục sáng tác phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng. Dấu chân ông đã in khắp các miền quê, mỗi nơi đến đều để lại cho nhà thơ bao kỷ niệm đẹp như lời ông tâm sự: "Tôi đến tôi yêu – tôi về tôi tiếc". Những năm cuối đời ông vẫn say mê sáng tác, thơ tứ tuyệt của ông thời gian này giàu có nhuốm màu cô tịch nhưng trước sau ông vẫn là một nhà thơ đôn hậu, sớm tham gia cách mạng, luôn muốn dâng tặng nghệ thuật thơ ca cho đời.

Những vần "thơ lưu" của ông là cuộc sống được chắt lọc qua trái tim, qua tâm hồn thi sĩ, là nghệ thuật điêu luyện về ngôn từ, hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu… là thế giới tình cảm bao la, là tiếng thơ của những xúc cảm chân thành. Nhà thơ Xô viết Ra un Gamzatop từng nói: "Thơ vừa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình" (*). Nhà thơ Yến Lan đã chọn cho mình con đường, khu vườn thơ như vậy.

. Thanh Hải

(Theo Văn nghệ Bình Định)

* Đaghextan của tôi. Quyển I. Bản dịch tiếng Việt. NXB Cầu Vồng – Mátxcơva, 1984. Trang 149.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tự tình mùa hạ  (29/06/2003)
Bài ca tình nguyện  (29/06/2003)
Trần Quang Diệu  (27/06/2003)
Hoa đỏ ngày xưa...  (26/06/2003)
Canh lá dang mùa nắng  (26/06/2003)
Với đứa con ngoài giá thú  (24/06/2003)
Chờ trăng Sa Pa  (30/06/2003)
Văn hóa ẩm thực dưới mắt các nhà văn  (23/06/2003)
Hoài Ân, tấc đất ngọn rau…  (22/06/2003)
Xin được cúng trước  (20/06/2003)
Làm vợ nhà văn - Âm thầm sau những trang viết  (20/06/2003)
Nhớ Quy Nhơn  (19/06/2003)
Báo chí phát huy văn hóa dân tộc chống tiêu cực  (19/06/2003)
Điệp khúc  (18/06/2003)
Núi Mò O  (18/06/2003)