Trải qua hơn 2 thế kỷ, sự kiện lịch sử năm 1770 với cuộc khởi nghĩa chàng Lía vẫn còn in đậm dấu ấn trong lòng mọi người, đặc biệt là người dân Bình Định. Có thể nói cuộc khởi nghĩa đó là bước chuẩn bị cho phong trào nông dân Tây Sơn sau này.
Dưới ngòi bút của Lê Xuân Tiến với truyện ngắn "Mê Đạo" (in trong tập "Niềm hy vọng đời thường" - Trung tâm văn hóa thông tin Bình Định xuất bản 1992), chàng Lía lại hiện lên là một con người có nhiều nét khác biệt. Vẫn hình tượng con người ấy trong văn học dân gian, chàng Lía trong truyện ngắn này có một nét gì đó dân dã rất Bình Định. Tuy thế từ một hình tượng dân gian chuyển thể thành hình tượng văn học viết dĩ nhiên cách nhìn đó phải khác.
Truyện ngắn "Mê Đạo" được tác giả chia làm 4 phần, mỗi phần có một ý nghĩa riêng thể hiện được tư tưởng của tác giả: Hãy biết nắm vững thời cơ, hiểu "Đạo" mà sống đừng mê "Đạo" mà chết. Nhìn chung, tác giả khai thác và xây dựng hình tượng chàng Lía trên những cơ sở mà tác giả dân gian xây dựng. Đó là một chàng Lía mồ côi từ bé, sống một cuộc đời vất vưởng, ăn xin, ở đợ. Lía có một sức mạnh vô song, trước cảnh đời trái ngang chàng đã đứng lên đấu tranh đòi quyền bình đẳng, tự do. Qua "Mê đạo", hình tượng chàng Lía được xây dựng thành nhân vật phản diện, phủ định những gì các tác giả dân gian đã xây dựng.
Nếu như "Vè chàng Lía" ca ngợi tính cách hào hiệp của chàng Lía, ca ngợi chàng là một con người hiếu thảo, thể hiện được chí khí anh hùng, thì ở truyện ngắn "Mê Đạo" hình tượng chàng Lía không còn là ước vọng của nhân dân mà chàng đang sống trong mê muội, trong ảo vọng, ảo tưởng về những cái không có thật. Truyện ngắn "Mê Đạo" vẫn cho ta thấy: Lía là một chàng trai có sức khỏe hơn người; khi đã được lão trượng, một võ tướng nhà Lê dạy võ nhưng lòng chàng vẫn bứt rứt không yên muốn đi tìm một cái gì mới cao hơn. Trong Lía thường có những ảo tưởng về những cái không thật: "Lía muốn được bay như chim" và "suốt ngày lên núi cao ngồi trầm tư Lía nghĩ về thân xác mình...". Chính tư tưởng này mà lão trượng đã mắng Lía rồi nói: "Cái tâm quyết xác thân, cái chí mạnh hơn cái xác, cái vô hình thắng cái hữu hình". Chi tiết này mà chúng ta không thấy trong "Vè chàng Lía". Tác giả truyện ngắn muốn phê phán lối sống của Lía: Lía không hề hiểu đời, sống trong sự mê muội không lối thoát. Trong Lía không hề có lý tưởng sống tốt đẹp, Lía luôn ảo vọng về một cái xa vời không thật, còn những cái gần gũi có thật thì không biết vận dụng vào thực tiễn để phát huy mình lên mà cứ dần dần lụi tàn theo ý định viển vông, xa vời đó.
Như vậy, tác giả "Mê đạo" đã có một cái nhìn mới về con người mà cụ thể là Lía. Qua đó tác giả muốn nhắn gửi một tâm niệm rằng: con người phải có một cái nhìn đúng đắn về cuộc sống của mình, cuộc đời thật phải bắt đầu từ thực tại đừng có những ước mơ phi hiện thực.
Bên cạnh đó, khi xây dựng hình tượng chàng Lía, tác giả đã thấy được ưu và khuyết điểm của người anh hùng. Lúc đầu, Lía đã thu phục được những tấm lòng trong thiên hạ. Mọi người dân ủng hộ chàng hết mình khi dám đứng lên chống lại bọn vua chúa tàn bạo nhà Nguyễn. Chàng bắt đầu tiến hành những trận cướp, quét sạch của bọn nhà giàu. Của cướp được Lía mang về trại một phần còn bao nhiêu chia hết cho dân nghèo. Qua những chi tiết này, ta thấy tác giả đã xây dựng được hình tượng một chàng Lía nghĩa khí hào hiệp. Đặc biệt, tác giả còn miêu tả cái tài của Lía, khi đánh úp thành Quy Nhơn: "trời tối Lía cõng lâu la bay qua thành phóng lửa đốt doanh trại". Tác giả "Mê Đạo" cũng thấy tài võ nghệ phi thường của Lía như các tác giả dân gian. Lía đã thu phục được những tấm lòng thiên hạ nhưng không tận dụng được nên cơ hội đó đã vụt tắt đi.
Sự nghiệp của Lía sắp thành công thế mà chàng chết vì tay một người đàn bà không ra gì (chi tiết này truyện cổ tích cũng xây dựng khá rõ). Lía đã từng nói: sợ gì con đàn bà "đái không qua đầu ngọn cỏ" vậy mà Lía lại mắc mưu người đàn bà ấy, chủ quan, không nhìn nhận sâu sắc vấn đề của cuộc sống. Một thủ lĩnh như Lía bị sa cơ thất thế vì chỉ nhìn một mặt của cuộc đời, còn mặt trái Lía chưa tường tận. Chính điều này đã dìm Lía xuống vực sâu mà không tài nào cứu vớt được. Chỉ một chút sai lầm mà "công trời biển" của cả nghĩa quân Truông Mây gây dựng từ lâu đã tan thành mây khói. Người đàn bà Lê Vy đã đánh thuốc mê cả doanh trại để cho quân chúa Nguyễn vào càn quét. Hình ảnh Lía bị cột tấm phản vào lưng, trói cả chân tay là một sự trừng phạt đối với chàng. Thoát khỏi vòng vây, Lía chạy vào rừng và tại đây Lía đã gặp lão tiều phu "mang dép da trâu, vai mang mo cơm, tay xách dưa ung dung đi tới" như chờ đâu sẵn. Giờ đây Lía nhận ra rằng: "Tôi chỉ vì đàn bà mà tàn cơ nghiệp". Nhưng điều đó có phải vậy không? Thật ra đó chỉ là cái cớ, còn cái nguyên nhân sâu xa vẫn tiềm ẩn trong câu nói của lão tiều phu:" Thiên hạ bỏ Lía vì Lía thấy nhỏ mà không thấy lớn, thấy sông mà không thấy biển. Đó chính là cái gốc của sự suy tàn".
Vâng! Đúng vậy, Lía nhận ra mình thất bại là vì người đàn bà ấy nhưng đó chỉ là một phần nhỏ, còn cái chính là quyền lãnh đạo của một thủ lĩnh không gây được lòng tin cậy trong nghĩa quân và quần chúng nhân dân lao động. Ở đây, tác giả "Mê Đạo" đã đưa ra hình ảnh lão tiều phu cùng với những lời nói của ông ta: "Biển rộng, sông sâu là trời, đóng thuyền kết bè là người. Đừng lấy người giết trời. Hiểu đạo mà sống đừng mê đạo mà chết", đã giúp chúng ta hiểu được phần nào ý tưởng của tác giả. Phải chăng hình ảnh lão tiều phu là đại diện cho cái tôi của tác giả, cho nhân dân, cho những người chính nghĩa muốn phê phán chỉ trích những con người như Lía? Lía đã sống lầm, không hiểu đời, hiểu người, hiểu những việc mình đang làm và đã làm, nên chàng dù sống cũng vô ích. Hình ảnh lão tiều phu mà tác giả xây dựng cuối tác phẩm đại diện cho chính nghĩa nói lên ý nghĩa nhân đạo của truyện ngắn "Mê Đạo".
Tóm lại, hình tượng chàng Lía trong văn học dân gian của hai thế kỷ trước đã được Lê Xuân Tiến làm sống dậy có tính chất triết lý sâu xa. Mặc dù ở mỗi thời đại có một cách nhìn khác nhau về một hình tượng văn học mà ở đây là "hình tượng chàng Lía", nhưng ở mỗi tác giả có mỗi cách nhìn riêng và thuyết phục người đọc theo cách xây dựng của họ. Chúng ta không thể phủ nhận một nhân vật lịch sử mà tác giả dân gian đã xây dựng để thể hiện ước mơ đề cao người anh hùng nông dân. Nhưng ta cũng không phủ nhận sự phê phán cái chết của người anh hùng của tác giả "Mê Đạo". Điều kiện quan trọng mà tác giả nhắn gửi chúng ta thông qua nhân vật Lía là hiểu Đạo, hiểu đời, hiểu những cái ta đang làm mà tồn tại. Mà "Đạo" ở đây là đạo làm người, sống thế nào cho có nhân, có nghĩa và làm việc gì để có ích cho người thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Như vậy tác giả Lê Xuân Tiến đã gợi mở, cung cấp cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn về chàng Lía trong dân gian.
. Trần Xuân Toàn
|