Nhà thơ Thu Bồn trong vòng tay bạn bè
21:39', 3/7/ 2003 (GMT+7)

Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, sinh năm 1935 quê Quảng Nam. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 12 tuổi. Đầu năm 1960, từ miền Bắc, ông trở về Nam, công tác ở chiến trường Khu V, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ. Hơn 40 năm qua, ông đã nhiều đóng góp và là một tên tuổi lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông mất ngày 17-6-2003 sau một cơn bệnh nặng, để lại nhiều thương tiếc cho bạn bè văn chương và nhiều người yêu thơ văn của ông. Chúng tôi xin trích một số ý kiến của các nhà văn, nhà thơ đã khóc tiễn biệt nhà thơ Thu Bồn.

* Nhà văn Ngô Thảo:

Thu Bồn không hơn tuổi tôi bao nhiêu, nhưng anh đi trước tôi hai cuộc kháng chiến. Mới 12 tuổi đầu, Thu Bồn đã lên đường cứu nước. Tập kết ra Bắc, từ đầu những năm 1960 anh đã vượt Trường Sơn vào tận miền Đông Nam bộ. Đi đến đâu trên đất nước này, chúng tôi cũng thấy có dấu chân Thu Bồn, vào những thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh, để viết nên những Đêm sáng hỏa châu, Những đám mây màu cánh vạc, Cửa ngõ miền Tây. Thu Bồn có một tầm vóc rất lớn, với những nguồn cảm hứng lớn mang tính sử thi về đất nước, về bà mẹ Tổ quốc, về thời đại…

* Nhà thơ Nguyễn Duy:

Bài thơ tâm đắc của nhà thơ Thu Bồn

 

Ru anh

 

Lời ca xanh đến trời cao

Lời nào cho đất lời nào ru anh

Anh lính trẻ bị thương giữa rừng

Độc đảm

                Tìm về đơn vị

Rừng và rừng

                Hoang vu và hoang vu

Anh gắng sức buộc võng ngang đường

May ra có người đi qua

Sẽ cứu anh

Nhưng con đường mỗi ngày mỗi dời

Để lánh con mắt giặc

Con đường dời lần về chiến thắng

Võng anh giăng ngang đường

Nhưng chẳng bóng ai qua

Mặt trời đi qua

Trăng sao đi qua

thú đi qua

Những làn gió đi qua

Chúng tôi đi qua con đường khác

Anh vẫn nằm yên với chiếc võng dù xanh màu lá cây

Hai trụ võng anh nằm là hai cây xanh mỗi năm mỗi lớn

Nâng chiếc võng anh lên cao

Mộ chí anh lơ lửng dưới trời sao

Ngày chiến thắng chúng tôi qua đây

Ngẩng mặt lên nhìn

Lời ca xanh đến trời cao

Lời nào cho đất lời nào ru anh.

 

Suối Lồ Ồ, 16-4-2001

(Trên giường bệnh nhớ ngày 30-4)

Trong đội ngũ nhà văn Việt Nam hiện nay, Thu Bồn có nhiều cái được xếp hàng đầu. Anh là người có nhiều đóng góp nhất trong tất cả các thể loại: thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận và cả báo chí nữa; được nhận nhiều giải thưởng văn học nhất từ địa phương đến trung ương và của quốc tế. Thu Bồn cũng là nhà thơ có đóng góp nhiều nhất suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rồi trong chiến tranh biên giới, được Nhà nước tặng thưởng hơn 10 huân chương các loại. Ngoài viết văn, Thu Bồn còn là một người sống khỏe và quyết liệt nhất, yêu thương đắm đuối nhất. Anh sống giản đơn, luôn tước bỏ những ràng buộc, không màng chức tước hư danh, đó cũng là phẩm chất đáng trân trọng của người cầm bút.

* Nhà thơ Thanh Thảo:

Những gì Thu Bồn đã làm được cho thơ ca, từng ấy đã đủ cho anh một chỗ đứng, một đóng góp không hề nhỏ cho văn học nói chung, cho thơ nói riêng. Trong anh là cả một vùng đất đỏ badan đang khao khát, là một ngọn lửa đang tiềm ẩn trong lòng sâu của đất. Anh xứng đáng là một trong những cánh chim chơrao đầu đàn của nền văn học chống Mỹ. Những trường ca, những bài thơ trữ tình và một vài cuốn tiểu thuyết của anh sẽ còn lại. Bản năng sáng tạo vọt trào nơi anh sẽ còn lại. Và cũng còn lại là trái tim thủy chung của người chiến sĩ, là ánh mắt rực cháy và những giọt nước mắt không che giấu của một người biết nén chịu những nỗi đau trong cuộc đời. Trong anh từng có những cú đập cánh mãnh liệt của một con đại bàng, dù đôi cánh ấy có ngừng đập ở một lúc nào thì trái tim kiêu hãnh của đại bàng vẫn không thôi khát khao, không thôi kêu gọi con người vươn tới một cuộc đời cao đẹp hơn, xứng với con người hơn.

* Nhà thơ Hữu Thỉnh:

Ở đâu có Thu Bồn thì ở đó có tiếng cười, sự tin yêu. Một con người tài năng, sống trong sáng, ngây thơ, cả tin đến phút chót. Thu Bồn sẽ còn sống mãi trong nền văn học Việt Nam chúng ta.

. Thúy Vi

(Tổng hợp)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hình tượng Chàng Lía qua một truyện ngắn  (02/07/2003)
Bến đò xưa hoang vắng  (01/07/2003)
Cảm nhận về những bài thơ cuối đời của nhà thơ Yến Lan  (30/06/2003)
Tự tình mùa hạ  (29/06/2003)
Bài ca tình nguyện  (29/06/2003)
Trần Quang Diệu  (27/06/2003)
Hoa đỏ ngày xưa...  (26/06/2003)
Canh lá dang mùa nắng  (26/06/2003)
Với đứa con ngoài giá thú  (24/06/2003)
Chờ trăng Sa Pa  (30/06/2003)
Văn hóa ẩm thực dưới mắt các nhà văn  (23/06/2003)
Hoài Ân, tấc đất ngọn rau…  (22/06/2003)
Xin được cúng trước  (20/06/2003)
Làm vợ nhà văn - Âm thầm sau những trang viết  (20/06/2003)
Nhớ Quy Nhơn  (19/06/2003)