Truyện ngắn
Và ly nước cũng khóc
16:0', 4/7/ 2003 (GMT+7)

Thế là mùa hạ lại trở về trong lòng thành phố. Dường như những cơn nắng chói chang kia đã khiến cho bao nhiêu bông hoa nằm ẩn trong lòng những cây hoa giấy bung mình ra, nhuộm rực rỡ cả một góc trời. Nhuệ đã từng nói với tôi thuở nào khi hai đứa đứng dưới giàn hoa giấy nhà tôi, khi những cánh hoa vô tâm kia chỉ chờ một cơn gió mạnh là rụng tơi tả những sắc đỏ xuống sân: "Hoa giấy vô hương, nó chẳng dùng để tặng nhau thay một lời tỏ tình. Nhưng em biết nó khác các loại hoa khác ở chỗ nào không?". Tôi ngơ ngác: "Dạ không". Nhuệ cười: "Nó không chịu phai tàn màu sắc của mình khi lìa cành. Nó chịu được cơn nắng chói chang. Trong khi các loài hoa khác lại dễ tàn tạ nếu không được chăm bón."

Cũng thật lạ kỳ cho tôi khi đi ngang qua nhưng ngôi nhà thắm đỏ màu hoa giấy là tôi lại nhớ đến Nhuệ. Tôi đã bỏ anh đi rồi, tôi chẳng hề băn khoăn tự vấn lòng mình là anh đã làm gì trong cái đêm đầu tiên tôi bước về nhà với Lĩnh. Anh có còn phóng xe qua nhà tôi nữa không? Anh có còn kiên nhẫn ngồi uống cà phê ở quán cóc bên kia đường đợi tôi, cho đến khi tôi ngủ cho đã giấc trong ngày chủ nhật, bước ra khỏi nhà. Anh sẽ gọi: "Minh ơi, lát nữa đi ăn hủ tíu khô". Ừ, anh rất thích ăn hủ tíu khô. Quán hủ tíu khô của ông Tàu già nằm trên đường Hàng Cá có lẽ đã bán từ khi tôi và anh chưa có mặt trên thế gian này, nhưng rồi hai đứa đã thành thực khách trung thành của ông. Tôi ghiền hủ tíu khô từ ngày quen anh, yêu anh, và tôi mơ trở thành vợ của anh. Hai đứa đã thêu dệt biết bao nhiêu mộng đẹp. Đó là tuần trăng mật ở Đà Lạt. Anh dí dỏm: "Đà Lạt thì anh đi nhiều lần rồi. Nhưng chưa lần nào anh đi với em. Anh sẽ không còn ngồi ở quán nước nhìn sương bay một mình, anh sẽ chẳng ăn kem một mình và… anh sẽ chẳng ngủ một mình.’ Tôi không nghĩ rằng đám cưới của tôi, anh không là chú rể, bởi trong cụộc đời này anh là người đàn ông có thể làm cho tôi vui và cũng có thể làm cho tôi khóc. Anh đã dạy cho tôi biết thế nào là nhung nhớ khi đợi mãi người mà người không kịp đến sân ga đưa tiễn mình đi. Anh cũng đã dạy tôi như thế nào là buổi chiều vắng vẻ nếu không có một người đợi mình ở nơi nào đó. Nhưng tôi đã không đợi anh lên cùng một toa tàu để đi đến sân ga hẹn ước.

Cũng vào một mùa hạ khi giàn hoa giấy trước cổng nhà tôi nở ngập những chùm đỏ thăm. Tôi đi lấy chồng. Chồng tôi không ai khác hơn là Lĩnh. Lĩnh biết rằng tôi không hề yêu anh, nhưng anh là một người khôn ngoan, anh biết chen vào chỗ trống khi cần thiết, anh biết bước vào nhà tôi theo cách của riêng mình. Lĩnh là bạn học cùng lớp y khoa với Nhuệ, sau khi ra trường Nhuệ tình nguyện về tận huyện miền núi xa lắc ở tận Gia Lai làm bác sĩ, còn Lĩnh thì chọn được chỗ tốt ngay tại bệnh viện tỉnh nhờ sự quan hệ rộng của bố anh. Nhuệ nói: "Anh không thể không lên trên đó, nhưng anh cũng không thể mang em theo được. Vài năm anh sẽ về lại. Hay là sang năm sau khi ổn định công việc, anh cưới em và em cùng anh lên đó sống được không?". Tôi chẳng thể bỏ bố mẹ già của tôi để ra đi cùng anh. Bố của tôi đã già lắm rồi, ông lại thường hay bị bệnh áp huyết cao, chẳng thể chịu được một chấn động mạnh nào. Tôi tiễn Nhuệ ra bến xe, nước mắt cứ chảy trên khuôn mặt: "Gia Lai xa quá Nhuệ ơi. Em chết vì đợi anh mất." Nhuệ cười giữa tiếng rầm rì trao đổi của mọi người: "Yên tâm đi. Thời bình chứ có phải thời chiến đâu mà em khéo lo." Rồi thế là xa, thế là mỏi mòn nỗi nhớ. Anh chẳng gọi điện về thường xuyên, bởi nơi anh làm việc là một xã nghèo. Ở đó cũng chẳng có dịch vụ Internet để anh mail thư về cho tôi đọc đỡ nhớ. Tôi ở lại với những chủ nhật trống trơn, những đêm ngồi nhìn ánh đèn đường loang lổ chẳng có bước chân nào bước song đôi.

Hôm bố bị ngất, Lĩnh đang trong ca trực tại bệnh viện. Lĩnh đã nhiệt tình lo lắng cho bố. Rồi thật bất ngờ khi trong đêm bệnh viện, mùi dạ lý hương lan tỏa trong không gian. Khi hai đứa cùng xuống căn tin ăn đêm trở về, tay Lĩnh đã run lên khi nắm lấy tay tôi: "Anh yêu em." Tôi ngơ ngác nhìn anh. Tôi chẳng có một phản ứng nào thì anh đã ôm tôi, đôi môi anh áp lên môi tôi giữa lúc tôi đang nhớ Nhuệ điên cuồng.

Tôi có thể đợi Nhuệ suốt cả cuộc đời mình, cho đến khi mái tóc có thể đã bạc trắng, lưng tôi đã còng xuống vì dấu vết thời gian. Tôi đợi anh mãi mãi vì anh là người đàn ông tôi yêu nhất thế gian. Nhưng rồi Nhuệ đã vuột khỏi tầm tay tôi khi anh báo cho tôi biết trong chuyến về vội vã của mình từ Gia Lai, trong khi tôi khôn xiết vui mừng vì tưởng anh đã hoàn tất xong thời gian công tác ở vùng sâu vùng xa: "Anh đi Pháp tu nghiệp một năm. Em đợi anh nhé." Một năm đâu là bao cho một tình yêu, càng chẳng là gì đối với cuộc đời. Nhưng một năm lìa xa đó tôi chẳng thể nào giữ trọn lời hứa cùng Nhuệ. Bố tôi cạn sức mình trong cơn bệnh nặng. Ông gọi tôi đến bên giường bệnh: "Thằng Lĩnh ngỏ lời cầu hôn con. Con là con gái lớn rồi, lấy chồng đi kẻo muộn. Bố muốn khi nhắm mắt lìa đời không để con bơ vơ trên cuộc đời này."

Đám cưới xong, ba tháng sau thì bố tôi qua đời.

***

Nhuệ hỏi: "Em sống có hạnh phúc không?". Không trả lời anh, nhưng nước mắt từ đâu đã ùa lên đôi mắt tôi. Tôi cứ khóc như thể chưa bao giờ được khóc. Anh về để cầu hôn tôi, nhưng tôi đã không còn lên chung với anh một chiếc thuyền để ra biển rộng. Viên đá trong ly nước trên bàn cứ tan lần rồi đọng thành những giọt  quanh thềm ly. Nhuệ cười: "Ly nước cũng khóc kìa, em thấy chưa?". Tôi nhìn vào đôi mắt buồn bã của anh, tôi nào có nguôi quên được bóng hình anh đâu mà tôi không khóc? Chẳng bao giờ anh thoát ra khỏi trái tim tôi, nó đã trở thành vết hằn sâu lâu lắm rồi. Nhưng đâu phải tôi phụ bạc anh, anh cũng chẳng phụ bạc tôi. Mà giờ đây mãi mãi hai đưa đã đi về hai con đường khác nhau.

Nhuệ nhìn chiếc bụng đã bắt đầu lúp xúp của tôi, hỏi tôi rất nhỏ: "Tháng nào em sinh?". Tôi lí nhí: "Dạ, còn bốn tháng nữa." Rồi anh đứng dậy, nắm tay tôi: "Em không có lỗi với anh đâu Minh. Em ráng sống cho trọn, lo cho con chu đáo. Anh đi đây." Tôi vẫn ngồi lại cùng những giọt nước mắt của mình và những giọt nước mắt của ly nước trên bàn.

Tôi ngồi như thế cho đến khi bóng tối ngập đầy trong quán, người ta bắt đầu thắp lên những ngọn nến. Mổi bàn có một ngọn nến. Tiếng chuông điện thoại di động reo: "Em đi đâu mà giờ này chưa về?". Lĩnh ở bên kia đầu dây. Tôi tắt máy, chẳng buồn trả lời anh. Thật ra thì tôi chẳng còn muốn trở về căn nhà đó. Nhưng không về thì tôi có một nơi chốn khác để nương thân không?

Rồi tôi bước ra bãi giữ xe. Một chùm hoa giấy ai đó đã để trong giỏ xe của tôi tự bao giờ. Tôi phóng xe ra phố. Những cặp tình nhân đang chen cùng nhau nói cười vô tâm. Còn tôi thì chẳng thể nói cười vô tâm. Như phản xạ, tôi nhặt chùm hoa giấy trong giỏ xe ném xuống hè đường.

Tôi sẽ trở về căn nhà của tôi thôi. Dẫu rằng trong căn nhà đó người đàn ông đang đợi tôi về không phải là người tôi thương yêu. Nhưng tôi không thể quay trở lại con đường tôi đã đi qua. Bởi dường như mùa hoa giấy cuối cùng trong thời con gái của tôi cũng đã qua rồi.

. Phan Thị Tần

(Nha Trang)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà thơ Thu Bồn trong vòng tay bạn bè  (03/07/2003)
Hình tượng Chàng Lía qua một truyện ngắn  (02/07/2003)
Bến đò xưa hoang vắng  (01/07/2003)
Cảm nhận về những bài thơ cuối đời của nhà thơ Yến Lan  (30/06/2003)
Tự tình mùa hạ  (29/06/2003)
Bài ca tình nguyện  (29/06/2003)
Trần Quang Diệu  (27/06/2003)
Hoa đỏ ngày xưa...  (26/06/2003)
Canh lá dang mùa nắng  (26/06/2003)
Với đứa con ngoài giá thú  (24/06/2003)
Chờ trăng Sa Pa  (30/06/2003)
Văn hóa ẩm thực dưới mắt các nhà văn  (23/06/2003)
Hoài Ân, tấc đất ngọn rau…  (22/06/2003)
Xin được cúng trước  (20/06/2003)
Làm vợ nhà văn - Âm thầm sau những trang viết  (20/06/2003)