Em đến xin hồng, hồng chửa nụ
Hôm nay hồng nở, bóng em xa
Cầm em bữa trước em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa?
Cái hay của bài thơ chính là nghệ thuật xây dựng một hệ thống những hình ảnh tương phản và tương đồng. Với 4 câu thơ mà ta nhận ra cái hệ thống đó. Tương phản về thời gian trực tiếp: bữa trước/hôm nay, giờ. Tương phản về thời gian gián tiếp: hồng chửa nụ/hồng nở. Tương phản về không gian: em đến/bóng em xa. Tương phản về cả hành động của con người: cầm (chân) em/em không ở. Tất cả những chit tiết đó đều thống nhất nói về tâm lý con người, về cái tình của con người mà thôi: cái tình của tác giả.
Cái tình đó bắt đầu từ việc:
Em đến xin hồng, hồng chửa nụ
Đã làm cho chủ nhân những bông hồng đó ngẩn ngơ mỗi khi hồng nở mà em thì cứ xa vời: Hôm nay hồng nở, bóng em xa.
Âu, cái sự đời nhiều khi nó lại thế và chính thế mới có cái tình đến tiêng tiếc kia. Chính trong thế tương phản của sự việc đã làm nảy sinh một mối tình như thế. Những bông hồng ở đây như những nhịp cầu Ô Thước, nối nhịp cho trái tim nhạy cảm của tác giả với bóng hình nào đó giờ đã xa xôi.
Sự nuối tiếc đến ngẩn ngơ tồn tại triền miên trong lòng chủ nhân-tác giả suốt thời gian hồng nở, thức dậy trong tác giả những kỷ niệm xưa.
Cầm em bữa trước em không ở
Bữa trước đó là bữa nào vậy? Thời gian nhớ, thời gian yêu làm sao có thể chính xác được. Cầm em bữa trước… Vâng, đúng là thế đấy.
Người xưa ví người đẹp (giai nhân) như hoa đẹp (Bóng hồng nhác thấy nẻo xa - Kiều). Ở trên người đẹp và hoa không cùng đến: Em đến/hồng chửa nụ; hồng nở/bóng em xa. Nhưng đó chỉ là tương phản khách quan mà thôi. Còn với tác giả, hoa và người cùng xuất hiện trong tâm thức của mình. Đây chính là sự tương phản - tâm lý chủ quan. Cái hay, cái đẹp cùng cái thần của bài thơ chính là ở đây. Lúc ấy mới nhận ra cái cụ thể trong tâm trạng Giờ biết làm sao cầm được hoa? của tác giả.
Đến đây, khi mà mong muốn của tác giả: Cầm (chân) em bữa trước đã không thành một khả năng có thực nữa, thì thay vào đó là ước muốn, là băn khoăn: Cầm được hoa như là cầm chân em ở lại vậy. Cụ thể hóa đến vậy là cùng. Bây giờ, hoa và người đã đi vào thế tương đồng, hoàn toàn khác trước. Đó là nhờ trường liên tưởng liên kết cô gái - hoa hồng - và tác giả, mà cái tình ngẩn ngơ kia là chất xúc tác:
Cầm em bữa trước em không ở
Giờ biết làm sao cầm được hoa?
Nếu hoa cũng theo lẽ thường sớm nở, tối tàn thì tác giả cũng đến vỡ mộng nốt, bởi làm sao mà cầm được hoa kia chứ. Rất may là nhà thơ đa tình của chúng ta có cái quyền của tạo hóa, tái tạo và làm trường cửu cái ĐẸP…
Đấy chẳng phải là hình ảnh trẻ trung mãi mãi trong tâm trí của người đọc suốt nửa thế kỷ qua về một ông lái đò ở bến My Lăng nào đó chăng?
. Trần Xuân Toàn
|