Trời sinh ra bác Tản Đà
Quê hương thời có, cửa nhà thời không
Nửa đời Nam, Bắc,Tây, Đông...
Tản Đà đã tự giới thiệu về mình như thế. Tản Đà sinh vào hồi giao thời, lúc thơ cổ sắp tàn, và thơ kim đang phôi phai, Tản Đà đại diện cho hai dòng thơ ấy. Hoài Thanh và Hoài Chân trong "Thi nhân Việt Nam" đã xác nhận điều ấy: "... Anh em ở đây tuy người sau kẻ trước, nhưng ai nấy đều là con đầu lòng của thế kỷ 20. Trên Hội Tao Đàn, chỉ tiên sinh là người của hai thế kỷ. Tiên sinh sẽ đại biểu cho một lớp người để chứng giám công việc lớp người kế tiếp, ở địa vị đó, còn ai xứng đáng hơn tiên sinh".
Bên cạnh những vần thơ cổ là những vần thơ mới mà Tản Đà là người dạo nên những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ sắp đến, Tản Đà còn làm những vần ca dao, phong dao đầy chất dân dã của những người bình dân lao động trong thơ mình.
Tản Đà đã tắm mình trong dòng suối quan họ Kinh Bắc quê của mẹ của ông. Thơ Tản Đà là ngôn ngữ của ca dao, của những bài hát ru, hát ví... hay đó là lời ăn tiếng nói của quần chúng .
Đó là tiếng hát bên thửa ruộng, vườn cau, luống thuốc:
Trời mưa xắn ống quần cao
Hỡi cô bán thuốc nhà gần hay xa
Thân anh đã xác như vờ
Đồng cau xin chị cho già chớ non
Ảnh hưởng của những câu hát ghẹo của nam nữ nông thôn trong thơ ông rất đậm đà. Vì thế mà ca dao của Tản Đà cũng mang nội dung cợt ghẹo và tỏ tình rất là... ca dao:
Ai xui anh lấy được mình
Để anh vun xới ruộng tình cho xanh
Ai xui mình lấy được anh
Bỏ công bác mẹ sinh thành ra em
"Bỏ công bác mẹ sinh thành..." Bài phong dao phảng phất câu ca xứ Lạng: "Tay cầm bầu rượu nắm nem" để đến nỗi "mảng vui quên hết lời em dặn dò".
Nhiều khi Tản Đà bám sát những câu hò, câu ví ghẹo hỏi, tiễn đưa dân dã mà xây dựng nên phong cách của mình. Ai mà chẳng thuộc câu ca:
Mình về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Vậy mà nó đã đi vào thơ Tản Đà tình ý như vậy:
Mình ơi, có nhớ ta chăng?
Nhớ mình đứng tựa bóng trăng ta sầu
Trăng kia soi nửa vòng cầu
Mà ai tìm cái phong hầu thấy chưa?
Đó là lời cô gái trách chàng trai, vì đường công danh kiếm ấn phong hầu như chàng chinh phu trong khúc ngâm Chinh phụ, bỏ nàng lẻ loi, sầu tủi? Câu ca đượm buồn và thắm thiết tình người, thi sĩ cảm thông với từng số phận con người.
Ca dao có câu:
Ai ơi chớ lấy học trò
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm
thì Tản Đà đã vận dụng ngay vào thời buổi của mình trong một bài phong dao:
Ai xui em lấy học trò
Thấy nghiên, thấy bút những lo mà gầy
Người ta đi lấy ông Tây
Có tiền, có bạc cho thầy mẹ tiêu
Phải, "Người ta đi lấy ông Tây" hết cả rồi, còn "Ai xui em lấy học trò" , khổ lắm. Câu ca cũng chạnh đến nỗi đau xót vì thế cuộc, thấy hé mở ở Tản Đà một tấm lòng vì nhân thế và thời thế, của một con người vì nước của buổi đầu "Thề non hẹn nước", mong cho nước đi rồi nước lại về. Tâm sự thầm kín nhưng dễ cảm thông với Tản Đà qua những vần phong dao.
Đọc phong dao của Tản Đà ta thấy ngồn ngộn những tâm tình của con người sau lũy tre làng. Đó tính hồn nhiên chất phác của nam nữ thanh niên thôn dã:
Năm nay em mới mười ba
Còn hai năm nữa thời là mười lăm
Mong cho trời chóng hết năm
Năm sau dâu tốt cho tằm hơn tơ
Đôi lúc cũng là tiếng nói cho thân phận của người chân lấm tay bùn, một nắng hai sương:
Người ta đi võng đi xe
Thân em cấy mướn đi về lấm chân
Trời xa xích lại cho gần
Phong lưu sẽ với phong trần cho ai
Thì ra, bên cạnh những vần thơ rất điêu luyện của một nhà thơ nổi tiếng là "ngông" ấy, còn có những vần thơ se sắt ruột, rất mộc mạc, giản dị khi Tản Đà cảm thông với cảnh tình của người phụ nữ xa chồng vì lý do nào đó:
Đêm thu gió đập cành cau
Chồng ai xa vắng ai sầu chăng ai?
Đêm thu gió hút ngoài tai
Gió ơi! Có biết chồng ai nơi nào?
Đêm thu gió lọt song đào
Chồng ai xa vắng gió vào chi đây?
Đêm thu gió lọt đôi mày
Gió ơi có biết nỗi này cho chăng?
Những vần thơ nhẹ nhàng, phất qua như gió, những câu ca có duyên, những đoạn phong dao mộc mạc... thi sĩ Tản Đà làm rất thuần thục, rất trong trẻo như hơi thở tự nhiên của phong cảnh Việt Nam. Có thể nói Tản Đà là thi sĩ rất Việt Nam, hoàn toàn Việt Nam.
. Trần Xuân Toàn