Tôi người Bình Định, không sinh tại Quy Nhơn, nhưng ở Quy Nhơn từ lúc hai, ba tuổi. Thời ấy, loạn lạc, sợ đạn bom, gia đình tôi chuyển vào thành phố, đến Quy Nhơn. Má tôi kể lại: "Quy Nhơn ngày ấy, khoảng những năm 1964, 1965 dân cư còn thưa thớt. Cả một vùng nhà mình ở bây giờ, từ nhà thờ Nhọn đến bến cảng hiện nay, là một dải dài cát trắng, cỏ ngập chân đi. Duy có nhà thờ Nhọn chơ vơ…". Má tôi gánh hai anh em tôi trong hai đầu thúng dây, chạy bộ từ quê lên Quy Nhơn. Tôi còn nhớ mãi chuyện má tôi kể, mà tôi ngỡ là chuyện vui, vì không biết có nên tin hay không: "Đến Quy Nhơn, dây thúng chẳng may bị đứt, có lẽ vì trĩu nặng nhọc nhằn của chiến tranh, ly loạn hơn là sức nặng của hai tấm thân nhỏ bé của hai anh em mày, cả hai đứa bay lăn tròn trên cát biển Quy Nhơn. Hai anh em mày thành người Quy Nhơn như vậy đấy!". Có phải vì thế mà suốt những năm tháng kế tiếp, với những thăng trầm trong gia đình tôi, và của cả tôi nữa, đều có chút vị mặn của muối, chút lấm láp của cát biển Quy Nhơn, trong mồ hôi, nước mắt, trong khóe mắt khổ đau và hạnh phúc sau này…
Làng mới Hải Minh (Hải Cảng) hình thành từ những nhóm người tản cư, có bóng dáng của gia đình tôi. Tiếng là ở phố, vậy mà tuổi thơ của tôi vẫn không mất đi cái hương đồng gió nội của làng quê thơ mộng. Lũ trẻ chúng tôi lên núi Phương Mai hái dủ dẻ, lặt cò ke nạp vào ống trúc làm súng, chia phe đánh trận giả tơi bời… Chúng tôi vẫn rồng rắn lên mây, vẫn dung dăng dung dẻ, nghêu ngao đồng dao rất hồn nhiên không hề để ý đến ánh đèn pha cực sáng của bọn lính hải quân ngụy và Mỹ đêm đêm từ đỉnh núi cao soi rọi, dò xét từng hốc núi Phương Mai để lần tìm dấu vết "Việt Cộng" tràn về…
Nhớ thầy giáo làng trốn lính dạy học nhịp cây thước kẻ dài trên mười ngón tay nhỏ bé, lam luốc của tôi; nhớ hai đầu gối mình tím bầm, đau buốt hằn sâu gai vỏ mít mà thầy phạt quì mỗi khi tôi mải chơi học bài không thuộc, chữ viết loằng ngoằng. Từ cái tuổi lớp một lớp hai đó mà đến tận bây giờ nhớ lại vẫn còn sờ sợ…
Tuổi thơ sớm vất vả nhưng đầy ắp buồn vui nào dễ nguôi quên. Ngoài giờ học, tôi phụ má tôi bán hàng, thường mang thùng xốp đi đò sang bên này lấy kem về bán, thường là bán kem bì, vừa rẻ, vừa dễ bán được tiền, kem cũng khó chảy nước. Một lần sóng lớn, thân hình nhỏ bé vác trên vai thùng kem to nặng, sóng vỗ mạnh vào thành đò, đò chao, tôi bước hụt chân lên đò, trượt ngã, thùng kem va vào thành đò, bật nắp. Những bì kem lềnh bềnh trên sóng nước. Tôi vơ tay vội vớt lấy, nhưng sóng lại đùa ra xa. Tôi bật khóc không một chút ngượng ngùng giữa ánh mắt mọi người.
Má tôi đau ốm luôn. Đò giang cách trở. Gia đình tôi chuyển sang bên này, ở gần cảng. Tôi được học trường công, trường Tiểu học Đào Duy Từ (nay là trường PTCS Hải Cảng). Nhớ làm sao bạn bè tuổi nhỏ của tôi với những bữa trốn học khèo keo, bắt còng trên biển. Nhớ những buổi học thêm ở trường tư Huệ Quang Tự (nay là trường Mầm non Quy Nhơn). Tâm hồn chúng tôi lớn lên không chỉ bởi bài sử, bài văn thầy đang giảng, mà còn bởi sân chùa đầy ổi chín, xoài xanh lủng lẳng trên cành trêu ngươi. Bất chợ lúc nghỉ tiết, chúng tôi lẹ tay hái cho vào lưng áo, để vào lớp học cúi xuống gầm bàn nhai ngấu nghiến vội vàng, bị các nhà sư, chú tiểu rượt đuổi, bị thầy dọa không cho học nữa vì quấy phá không tài nào chịu nổi. Tôi và bạn bè lớn lên với chút mảnh hồn ấy của Quy Nhơn.
Những năm 80, đất nước gặp nhiều khó khăn, lũ bạn tôi nhiều đứa cũng khó nghèo. Những đêm rong chơi trên phố, hết hẻm nọ đến ngã kia, đi bộ riết róng mà vui, vì lúc đó đến chiếc xe đạp cũng không đủ để chở nhau. Bạn tôi có đứa nhiều hôm phải nhịn bữa đến trường; ngoài giờ học phải tranh thủ "rút" xích lô, tối đến lại kéo rớ thuê đến gần sáng kiếm thêm tiền; sáng đến lớp gà gật. Có nhà thằng bạn tôi ở xóm Đèn, giáp với đầm Thị Nại, cha mẹ nó ở quê, nên bọn tôi rủ nhau tập trung ở đấy học thi tốt nghiệp, rồi ôn thi đại học. Những đêm trắng thức học, bụng đói cồn cào, mới rủ nhau mang lưới ra đầm sau quăng một mẻ, kiếm vài con cá chốt, cá đối nướng ăn, vui miệng. Ai có biết đâu rằng, nhờ những mẻ lưới và con cá ấy, bọn tôi hết cơn cồn cào, lại đùa giỡn, lại thức trọn đêm cho mùa thi sắp đến.
Sau này bạn bè tôi người làm nghề gõ đầu trẻ, người là bác sĩ, kỹ sư, người vào đội thợ lặn Nhà nước, người giờ là nhân viên bưu tá hay kinh doanh…, và có cả người hàn dép, vá quần jean ngay góc chợ Lớn Quy Nhơn. Cái đầm nơi ấy nay đã nên phố, nên chợ dọc ngang không còn ai nhận ra nữa, đã lấp đầy kỷ niệm của chúng tôi rồi! Thành phố này rộng ra, lớn lên cùng với kỷ niệm của chúng tôi chăng?
Tôi mang kỷ niệm ấy ra tận Hà Thành những năm tôi học cao học ở đây! Hồi mới ra ngoài ấy, nhiều người hỏi tôi từ đâu tới học. Tôi nói ở trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn ra. Họ à lên, rằng biết đến Quy Nhơn, "nơi quê của ông Quang Trung- Nguyễn Huệ đa tài, đa tình" từng chinh phục cả gái Bắc Hà… nhưng chưa từng nghe ở đây có một trường đại học. Tôi rất mừng vì "ăn theo" tiếng thơm của vị anh hùng áo vải cờ đào, nhưng rất buồn vì có người không biết đến một trường đại học ở quê nhà tôi từng theo học. Bây giờ thì trường đại học Quy Nhơn của tôi đã khác xưa nhiều nhiều lắm rồi. Nghĩ đến đây tôi lại tủm tỉm cười.
Ký ức với Quy Nhơn ư? Chỉ là mảnh vụn của tâm hồn tôi, chẳng được ly kỳ, hấp dẫn. Chỉ biết rằng, khi tôi đến chừng có thể lấy vợ, ba tôi căn dặn: "Con à, kén vợ chọn tông, việc ấy đã đành. Nhưng ba chỉ chấp nhận cho con dâu của ba ở không quá cầu Đôi này". Ấy còn là vì má tôi không muốn tôi phải sống xa nhà. Cầu Đôi ngày ấy là ranh giới của thị xã Quy Nhơn, chứ không phải đến tận Phú Tài như thành phố Quy Nhơn ngày nay. Tôi nghe thì nghe, nhưng tính tôi lại thích bay nhảy và có chút… đa tình. Tôi trang trải tình cảm của mình ở tận đẩu đâu, hết Nam lại Bắc, trĩu nặng cả những trang thơ tình. Tôi những tưởng mình có thể bắt chước ông Nguyễn Huệ, "dắt" về Nam một kiều nữ Bắc Hà… Nhưng, như một khổ thơ tôi đã viết: "Má buồn ngóng gió trông mây. Ba im lặng mắt triều đầy lộng khơi. Bạn khuyên mưa nắng đầy vơi. Và thu nhặt lá, lá rơi, rơi hoài…". Thời gian trôi đi, mà tôi thì…. Và đến bây giờ, ai ai cũng thấy, người bạn đời yêu thương của tôi ở không quá cầu Đôi thật.
Ôi, Quy Nhơn, Quy Nhơn… Lại thêm một lần để gắn bó với hồn tôi, chứ không phải nơi đâu!
. Trần Xuân Toàn
|