Gói nhân tình
17:20', 14/7/ 2003 (GMT+7)

Sau khi nhà thơ Thu Bồn qua đời được ba hôm, nhà văn Nguyễn Chí Trung - tác giả "Bức thư làng Mực" - một trong những người bạn thân thiết của nhà thơ đã lục trong chồng bản thảo bừa bộn của ông và phát hiện hàng trăm di cảo thơ Thu Bồn chưa từng công bố, trong đó có câu: "Về đi em chợ chiều đã vãn/ Hãy mua cho anh một gói nhân tình". Nhà văn Nguyễn Chí Trung cho rằng đó là lời trăng trối cuối cùng của bạn. Ông gọi điện thoại đến khắp bạn bè trong Nam ngoài Bắc để nhờ giải mã giùm ông cái "gói nhân tình" nọ là gói gì?

Trong một buổi đàm đạo văn chương tại TP.HCM, Nguyễn Chí Trung lại nhắc đến cái "gói nhân tình" nọ và một thanh niên người Quảng Nam đã góp ý cho nhà văn: "Cháu nghĩ, cái "gói nhân tình" mà Thu Bồn muốn chúng ta gửi cho ông làm hành trang về với cõi hư vô, chắc là một nắm đất ở ngay giữa chợ quê ông". Anh thanh niên lý giải: "Chợ là cái nơi đã lưu dấu chân của triệu triệu người. Nắm đất được hàng triệu bước chân đặt lên ấy là đất của nhân dân". Nhà văn Nguyễn Chí Trung cho rằng đó là một sáng ý. Một bạn văn khác góp ý thêm: "Nếu cái "gói nhân tình" lấy từ quê Thu Bồn là một nắm đất giữa chợ thì ở những vùng đất mà nhà thơ đã từng gắn bó, "gói nhân tình" sẽ là những hiện vật tiêu biểu cho vùng đất ấy".

Sau buổi đàm đạo nọ, Nguyễn Chí Trung đã gọi điện thoại cho bạn bè khắp trong Nam ngoài Bắc, những nơi từng lưu giữ dấu chân của Thu Bồn để các bạn văn của nhà thơ gửi "gói nhân tình" cho ông. Ba ngày sau, Nguyễn Chí Trung đã nhận được một nắm đất giữa chợ Thanh Quýt - Quảng Nam, do những người dân quê Thu Bồn gửi vào; nhận một "chén ngọc" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từ Huế kèm với câu thơ "Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu" (thơ Thu Bồn); nhận một thanh quế từ vùng rừng Trà Bồng và một gói muối từ vùng biển Sa Huỳnh - Quảng Ngãi do nhà thơ Thanh Thảo gửi kèm câu thơ của Thu Bồn: "Muối biển trọn đời vẫn mặn anh ơi/ Mãi nhớ anh nhớ con thuyền gội sóng/ Một cánh buồm con mỏng mảnh giữa chân trời"; nhận một nắm đất đỏ từ Tây Nguyên với trường ca "Bazan khát"…

Sau 10 ngày "quyên góp", những người yêu thơ và bạn bè Thu Bồn đã gửi cho ông đến 60 hiện vật từ nhiều vùng quê khác nhau. Mỗi hiện vật lại kèm theo một câu thơ tiêu biểu của Thu Bồn đã từng viết về vùng đất ấy. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã tình nguyện xây cạnh mộ Thu Bồn một bảo tàng mi ni để lưu giữ tất cả những hiện vật đó.

Tôi đã hóng hớt và ghi lại câu chuyện trên từ một cuộc trà dư tửu hậu của anh em văn nghệ tại Quảng Ngãi. Một người bạn của Thu Bồn nói rằng, đây là lần đầu tiên, đồ tùy táng dành cho người quá cố lại là những hiện vật không giống với bất cứ một thứ đồ tùy táng nào, kể cả đồ tùy táng dành cho vua. Đó là một hạnh phúc mà chỉ ở những nhà thơ lớn mới có được. Một bạn văn khác góp thêm: "Nếu mà gửi được cho Thu Bồn thì gửi thêm hình bóng của những người đàn bà đã từng đi qua đời ông. Chính họ đã giúp cho Thu Bồn có được những bài thơ tình bất tử. Gửi được hình bóng của họ cho nhà thơ thì cái "gói nhân tình" kia mới đầy đủ được!".

Chắc là những bạn văn của Thu Bồn trên khắp đất nước sẽ đồng ý với lời đề nghị này?

. Trần Đăng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hoàng hôn quê ngoại   (13/07/2003)
"Tài" và "Tâm" Nguyễn Tuân   (11/07/2003)
Một chiều thu với tác giả "Tiến quân ca"   (11/07/2003)
Bài thơ "Lá rụng"  (10/07/2003)
Núi có duyên thật  (10/07/2003)
Mảnh hồn tôi với Quy Nhơn  (09/07/2003)
Tản Đà làm ca dao  (08/07/2003)
"Cầm chân em, cầm chân hoa" của Yến Lan  (06/07/2003)
Và ly nước cũng khóc  (04/07/2003)
Nhà thơ Thu Bồn trong vòng tay bạn bè  (03/07/2003)
Hình tượng Chàng Lía qua một truyện ngắn  (02/07/2003)
Bến đò xưa hoang vắng  (01/07/2003)
Cảm nhận về những bài thơ cuối đời của nhà thơ Yến Lan  (30/06/2003)
Tự tình mùa hạ  (29/06/2003)
Bài ca tình nguyện  (29/06/2003)