Văn học trẻ và văn học thiếu nhi là hai mảng văn học còn bị bỏ sót, hay nói đúng hơn là nó chưa thật sự "đi đến nơi về đến chốn". Nó mới chỉ lấp ló cái chân, chưa kịp phát tán, chưa kịp tạo ra nền móng vững chắc thì đã bị lãng quên và chìm lấp. Đó là những "dằn vặt" rất riêng nhưng cũng là tiếng nói chung của các tác giả thuộc Hội VHNT Bình Định tại buổi tọa đàm "Văn học trẻ và văn học thiếu nhi" vừa tổ chức ngày 12-7 vừa qua. Chúng tôi xin ghi lại một số ý kiến tâm huyết tại buổi tọa đàm này.
* Tác giả Triều La Vỹ: Cần tạo một sân chơi cho lớp trẻ
Sự phát triển và thành công của văn học tỉnh nhà mấy năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của các cây bút trẻ. Chúng ta đã có một cách viết trẻ với những phong cách riêng, những thể hiện mới dù chỉ là những tìm tòi, sáng tạo mang tính chất trải nghiệm. Tuy nhiên, cũng phải mạnh dạn mà thừa nhận rằng, chúng ta chưa có một sân chơi thực sự cho lớp trẻ thể hiện và cống hiến.
Hiện tại, chúng ta chỉ có 2 sân chơi, một là: Báo Bình Định và tạp chí Văn nghệ Bình Định. Ở sân chơi này, sự tham gia của lớp trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đó có thể là do lớp trẻ chưa đủ tự tin để thể hiện mình. Hoặc cũng có thể là do chúng ta chưa tin vào lớp trẻ, chưa kịp thời động viên, khích lệ họ, chưa đủ mạnh dạn để lớp trẻ bày tỏ và cống hiến. Hai là: Hội VHNT Bình Định và CLB văn học Xuân Diệu. Tuy nhiên, CLB chưa thực sự thu hút các em, chưa dành cho các em một góc chơi nho nhỏ hoặc có cũng chỉ mang tính ngẫu hứng. Theo tôi, chúng ta nên dành hẳn cho lớp trẻ một sân chơi để tìm thấy một hơi thở mới, một cách nhìn mới và một niềm say mê mới.
* Tác giả Lê Nhật Ký: Viết cho thiếu nhi phải hiểu thiếu nhi
Cái khó của văn học viết cho thiếu nhi chính là cách nhìn của người lớn đối với trẻ em. Trẻ em là một đối tượng có đời sống tâm lý khác nhiều với người lớn. Nhưng xưa nay, người lớn vẫn có thói quen nhìn các em bằng con mắt người lớn. Theo đó, trẻ em khác nào là một người già bé lại và người lớn áp đặt lên rẻ em mọi chuyện theo quan điểm tốt xấu của mình. Như vậy, sáng tác cho các em, nhà văn cần phải có con mắt nhìn đời của trẻ, được xem là cái gốc của vấn đề. Đó là con mắt ngạc nhiên, con mắt khám phá. Theo tôi, ngạc nhiên cần phải được xem là một năng lực sáng tạo của nhà văn viết cho thiếu nhi. Không có sự ngạc nhiên, bài văn bài thơ khó đến được với tâm hồn các em.
* Tác giả Ninh Giang Thu Cúc: Bình Định nên có trại sáng tác cho thiếu nhi
Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai, đó là chân lý và kỳ vọng của mỗi dân tộc trên hành tinh này. Trên mọi miền của Tổ quốc Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã giành nhiều ưu ái cho thiếu nhi về mọi mặt - từ vui chơi đến học hành, các cháu được tham gia và thưởng thức các chương trình văn hóa nghệ thuật, được xem sách báo, băng đĩa đúng lứa tuổi của các cháu. Song, hình như những sinh hoạt và hoạt động này chỉ dành cho một số cháu ở trong các gia đình đủ điều kiện và thuận lợi, mà chưa phổ cập đến đa số các cháu ở tầng lớp lao động và ở nông thôn... Còn sách báo thiếu nhi thì giá cả vẫn chưa phù hợp với túi tiền của các cháu con nhà lao động.
Để có được sự đều khắp, rộng rãi, mang tính công bằng sinh hoạt văn hóa văn nghệ cho các cháu thiếu nhi, tôi xin có một vài kiến nghị. Trước hết, ngành văn hóa, văn nghệ của tỉnh nhà nên có sự phối hợp với ngành giáo dục để phát hiện các cháu có tố chất văn học nghệ thuật để bồi dưỡng và phát huy năng khiếu vốn có của các cháu. Thứ nữa, Hội VHNT Bình Định nên thành lập CLB sáng tác văn học thiếu nhi và tổ chức trại tác cho các cháu. Tổ chức các chuyến đi thực tế về các vùng nông thôn, huyện, xã trong tỉnh để tìm hiểu sâu sát về sinh hoạt của thiếu nhi từ trường học đến gia đình, để nắm bắt được tâm tình nguyện vọng và mơ ước của các cháu. Chính cách này sẽ làm nảy sinh nhiều đề tài phù hợp để các cháu dễ dàng tiếp nhận.
. Lê Thu Hiền (ghi)
|