Tính đến nay, 2003, tập Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân và phong trào Thơ Mới đã trải qua một chặng đường 70 năm có lẻ. Từ một đứa con tinh thần được thai nghén và sinh nở ròng rã suốt 10 năm (1932-1945), đã bị bỏ rơi sau đó, đến khi được nhìn nhận trở lại và được thừa nhận, đã đàng hoàng bước vào những trang sách giáo khoa của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Thơ Mới đã tự mình có đầy đủ bản lĩnh và bản sắc để tự khẳng định mình như là một khối đá hoa cương lóng lánh tạo dựng nên ngôi nhà thi ca Việt Nam hiện đại.
Tác giả của Thi nhân Việt Nam, đặc biệt là Hoài Thanh, được nhìn nhận như là một nhà phê bình sắc sảo, là người đã dự báo được xu hướng phát triển của thi ca Việt Nam hiện đại sau đó. Nếu như nghiên cứu văn học là để làm sáng tỏ cũng như xác lập những giá trị văn học đã ổn định và phê bình văn học làm công việc của một khoa học dự báo xu hướng phát triển của văn học đương thời, thì Hoài Thanh xứng đáng là nhà nghiên cứu và phê bình văn học có uy tín và sắc sảo đầu tiên của văn học hiện đại ở nước ta.
Bây giờ đọc lại bài nghiên cứu đầu sách của Hoài Thanh, mà nó được chọn in làm bài nghiên cứu mẫu mực về phong trào Thơ Mới trong sách giáo khoa, mới thấy được tài năng và công lao tổng kết, dự báo của Hoài Thanh với thi ca hiện đại. Cái điều ông khẳng định về Thơ Mới, trước đây người ta không hiểu được, hoặc hiểu lệch đi thì giờ đây nó trở thành nghiễm nhiên. Ông viết: "Đã thế không thể xem phong trào Thơ Mới là chuyện lập dị do một bọn dốt nát bày đặt ra để kiếm chỗ ngồi trong làng thơ. Nó là kết quả không thể không có của một cuộc biến thiên vĩ đại bắt đầu từ hồi nước ta sát nhập đế quốc Pháp và, xa hơn nữa, từ hồi Nguyễn - Trịnh phân tranh, lúc người Âu mới đến. Cái ngày người lái buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta, người ấy đã đem theo cùng với hàng hóa, cái mầm sau nầy sẽ nảy thành Thơ Mới" . Và ông gọi, bắt đầu từ đó là, "một thời đại trong thi ca". Tất nhiên, Thơ Mới cũng được mang nặng đẻ đau bởi sự phối chủng của nhiều nguồn, nhưng nhất định đó không thể là một "sự bày đặt" được.
Hoài Thanh viết: "Một thời đại vừa chẵn mười năm (...). Hãy so sánh thời đại cùng thời đại. Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại nầy". Quả thật, hơn 70 năm qua, phong trào Thơ Mới lúc thăng, lúc trầm, vẫn giữ được sắc diện của mình cho đến ngày nay. Thơ Mới là một tinh thể, nó ra đời, và cứ thế tồn tại với cuộc sống riêng của mình. Mười năm của Thơ Mới để lại một di sản: về ngôn ngữ nghệ thuật, về thể loại, là phong vị đậm đà bản sắc quê hương, thái độ trân trọng đối với người lao động, tấm lòng thiết tha với đất nước, tình yêu phong phú tha thiết và đắm say… Bao nhiêu ấy không phải là nhiều sao! Tất nhiên người ta có thể nêu ra ngần ấy hạn chế trong Thơ Mới: dòng thơ chán nản, bi quan, ủy mị... của ý thức hệ tiểu tư sản. Nhưng "của tin còn một chút nầy" lẽ nào "chẳng cầm cho vững lại giày cho tan". 60 năm đã qua càng chứng tỏ Thơ Mới là thứ "của tin, gọi một chút nầy làm ghi". Ảnh hưởng của Thơ Mới thấm đẫm trong hơi thở của các nhà thơ sau Thơ Mới , và có lẽ đến tận ngày nay, dù thơ Việt Nam từ đó đến nay đã trở mình với bao nhiêu tìm tòi, cách tân.
Thật khó mà hình dung gương mặt thi ca Việt Nam hơn 70 năm qua, nếu thiếu vắng đi âm hưởng của Thơ Mới.
Quy Nhơn, Bình Định là một trong những nơi hiếm hoi khơi nguồn cho Thơ Mới. Không chỉ vào năm 1934, ông Lưu Trọng Lư đã diễn thuyết tại nhà Học hội Quy Nhơn cổ xúy cho Thơ Mới, mà là trong số 45 tác giả được giới thiệu trong tập Thi nhân Việt Nam thì Bình Định có đến 5 tác giả, mà là các tác giả sáng danh cả. Với "Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ Mới". Rồi Chế Lan Viên "giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ hai mươi, đứng sừng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn, lẻ loi và bí mật". Và Quách Tấn, và Yến Lan…
Còn Hàn Mặc Tử đương thời được ca tụng, "trong ý họ, thơ ca Việt Nam chỉ có Hàn Mặc Tử", "bài thơ đã biến thành bài kinh và người thơ trở thành một vị giáo chủ". Tôi nghĩ số phận Thơ Mới thăng trầm thế nào thì Hàn Mặc Tử và thơ ông cũng thế. Rất may, "gió theo lối gió, mây đường mây", sớm chầy thơ Hàn cũng được như hiện nay.
Đó là niềm tự hào và cũng là điều để ta suy ngẫm. Bình Định, Quy Nhơn nên lập một "bảo tàng thi ca" thật sự, lúc đó Thơ Mới và các nhà thơ thời Thơ Mới ở Bình Định sẽ chiếm một vị trí đặc biệt, với Đồi Thi Nhân trông ra biển cả ngàn đời sóng vỗ ru giấc các thi nhân ngay chính trên quê hương họ…
. Trần Xuân Toàn
|