Hướng nào dành cho những cây bút trẻ?
16:20', 20/7/ 2003 (GMT+7)

Trung tuần tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên, một buổi tọa đàm về văn học trẻ được Chi hội Văn học - Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Bình Định tổ chức. Dưới đây là ghi nhận và những suy nghĩ của chúng tôi từ buổi tọa đàm này.

* Tiềm lực văn trẻ

17 tuổi, Chế Lan Viên đã xuất hiện trong làng thơ đương thời với Điêu tàn (1937) "như một niềm kinh dị" (Hoài Thanh); 22 tuổi, Xuân Diệu đã định vị tên tuổi trong văn học Việt Nam hiện đại bằng Thơ thơ (1938); 24 tuổi, Hàn Mặc Tử cho in Gái quê (1936). Còn Quách Tấn, dù mang theo Một tấm lòng với Mùa cổ điển nhưng hóa ra cũng mới ở tuổi 29 (1939)… Xem ra, đó là thời đại chín sớm của các nhà văn Bình Định. Còn hôm nay, đếm đi tính lại, khoảng 3/60 hội viên Chi hội Văn học (Hội VHNT tỉnh) dưới 35 tuổi.

Trích một số tham luận tại buổi tọa đàm

* Lê Hoài Lương:

Lớp trẻ trong và ngoài hai mươi bây giờ có suy nghĩ của họ. Nên nhớ họ được học hành tử tế, tư duy của họ là tư duy thời Internet. Việc đôi khi họ vãi lên trang viết những từ khó nghe, khó chấp nhận chỉ là những phản ứng nhất thời của tuổi trẻ. Cuộc sống sẽ lựa lọc, sẽ nói với họ lời hữu ích… Tôi tin thế hệ cầm bút mới này.

* Trần Hà Nam:

Chúng ta hay nói đến sự quan tâm đội ngũ sáng tác trẻ, nhưng cho đến bây giờ, việc quản lý, định hướng và bồi dưỡng năng khiếu vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Phần nhiều những anh chị em làm thơ viết văn trẻ đều tự mày mò con đường đi cho riêng mình. Đối với những người sáng tác trẻ, cần tạo điều kiện cho chính họ có một diễn đàn công khai và thường xuyên hơn.

* Triều La Vỹ:

Hiện tại, chúng ta có hai sân chơi. Một là: Báo Bình Định và tạp chí Văn nghệ Bình Định. Ở sân chơi này, sự tham gia của lớp trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đó có thể là do lớp trẻ chưa đủ tự tin để thể hiện mình. Hoặc cũng có thể là do chúng ta chưa tin vào lớp trẻ, chưa kịp thời động viên khích lệ họ, chưa đủ mạnh dạn để lớp trẻ bày tỏ và cống hiến. Hai là: Hội VHNT Bình Định và CLB Xuân Diệu. Điểm đến chính của lớp trẻ là CLB. Tuy nhiên, do tính chất quần chúng, CLB chưa thực sự thu hút các em, chưa dành cho các em một góc chơi nho nhỏ, hoặc nếu có cũng chỉ mang tính ngẫu hứng. Tuổi trẻ lúc nào cũng cuồng nhiệt, cũng say mê hăm hở và có thể họ đã không thỏa mãn ở cái sân chơi mà ở đó họ chỉ dám đi khe khẽ, nói nho nhỏ bên cạnh các anh các chị lúc nào cũng chững chạc trong cách viết, trầm tĩnh trong suy tư và nghiêm khắc trong cấu tứ… Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta nên dành hẳn cho lớp trẻ một sân chơi, chẳng hạn một CLB sáng tác trẻ mà nòng cốt là các anh chị trẻ của Hội VHNT tỉnh nhà và các em đã có nhiều bài viết tốt.

Tất nhiên, thật khó lấy một chuẩn tuổi đời để định vị văn học trẻ. Bởi vẫn có những người trẻ tuổi mà đọc thơ, ta ngỡ như lạc vào một bảo tàng văn học. Lại có những tác giả, lớn về tuổi đời, nhưng văn chương luôn ở tư thế tiền phong bằng những sáng tạo mới. Bởi vậy, định vị một cái gì thật rõ ràng về văn học trẻ thật khó. Tuy nhiên, với một đội ngũ sáng tác đang già đi, mà chưa thấy sự tiếp nối thế hệ như vậy, đáng lo thay.

Ngoài những cây bút trẻ là hội viên Hội VHNT, còn một đội ngũ là những cây bút trẻ đang là học sinh, sinh viên các trường trung học, cao đẳng và đại học trong tỉnh. Đây là một lực lượng khá đông đảo. Điều đáng nói hơn, với những cây bút này, sáng tác đã trở thành một nhu cầu tinh thần nội tại của họ. Và do vậy, dù chưa có gương mặt nào thật sự sáng giá, nhưng người đọc vẫn có thể tự tin và hy vọng ở những cây bút này. Thời gian qua, đã có những gương mặt trẻ xuất hiện đều trên những trang viết: Đào Thị Quý Thanh, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Thúy Vân…

* Tạo sân chơi cho cây bút trẻ

Đây là điểm gặp nhau của hầu hết các tham luận về văn học trẻ. Có thể nói, dù hiện nay, những người viết văn trẻ có điều kiện thuận lợi trong việc in ấn và phổ biến tác phẩm. Những trang sáng tác trên các báo, tạp chí từ trung ương đến địa phương đã luôn mở ra và ưu ái với người viết trẻ. Văn nghệ Bình Định có trang Học sinh- Sinh viên dành đất cho những cây bút trẻ. Tuy nhiên, cái vẫn còn thiếu với họ chính là sự tập hợp, bồi dưỡng và một sân chơi, nơi họ có thể đọc, bình phẩm, trình bày một cách thành thực các quan niệm thơ, tranh luận với nhau.

Một chút tiếc nuối: Bình Định đã có một bút nhóm Biển xanh trong giới học trò như từ hơn chục năm trước; gần đây, một số sinh viên Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn đã cùng nhau lập nhóm Nắng mới nhưng không tồn tại được bao lâu. Hiện nay, trong những buổi sinh hoạt thơ, vẫn có chỗ cho thơ trẻ, nhưng điều đáng nói là thay vào sự đánh giá khách quan và sự định hướng đúng, chỉ là "những tràng pháo tay nồng nhiệt, và sau đó, các tác phẩm ấy cũng không còn chút dư âm nào đáng kể" (Trần Hà Nam).

Về những định hướng của Hội VHNT với việc phát hiện, bồi dưỡng các cây bút trẻ trong thời gian tới, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, xác định: "Việc phát hiện, bồi dưỡng và tập hợp những người sáng tác trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hoạt động Hội. Thời gian tới, sẽ nâng cao chất lượng trang học sinh - sinh viên trên tạp chí Văn nghệ Bình Định để phát hiện, giới thiệu những cây bút trẻ. Những hoạt động nhằm tập hợp đội ngũ sáng tác trẻ, không chỉ trong lĩnh vực văn học, cũng là một mục tiêu quan trọng trong việc hình thành CLB văn học nghệ thuật trực thuộc Hội. Qua đó, sẽ quy tụ và tạo sự gắn bó giữa các cây bút trẻ với hoạt động Hội, bồi dưỡng cho họ để dần hình thành đội ngũ kế thừa". Còn ông Đào Quý Thạnh, Chi hội trưởng Chi hội Văn học, bổ sung: "Thông qua các hội viên đang công tác tại các trường phổ thông, đại học trong tỉnh, sẽ phát hiện, tập hợp các cây bút trẻ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong muốn được tạo điều kiện để tổ chức các cuộc thi, và tổ chức các đợt thực tế sáng tác nhằm phát hiện, bồi dưỡng các cây bút trẻ".

Hãy hy vọng và tin tưởng ở những cây bút trẻ. Hãy tạo điều kiện bồi bổ tối đa cho họ và có cái nhìn bao dung. Nhưng xét cho cùng, quyết định nhất, vẫn chính là những người viết trẻ. Tiềm lực của những người viết trẻ là ở nội lực của chính họ. "Không ai có thể khuyên ông và giúp ông, không một ai. Chỉ một cách duy nhất mà thôi. Ông hãy đi vào chính mình… " (Rainer Maria Rilke - Thư gửi một người thi sĩ trẻ).

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Thà như chiếc lá   (18/07/2003)
Nơi khơi nguồn thơ mới   (17/07/2003)
Đông tím   (17/07/2003)
Một vài ý kiến tâm huyết về "Văn học thiếu nhi và văn học trẻ Bình Định"   (15/07/2003)
Gói nhân tình   (14/07/2003)
Hoàng hôn quê ngoại   (13/07/2003)
"Tài" và "Tâm" Nguyễn Tuân   (11/07/2003)
Một chiều thu với tác giả "Tiến quân ca"   (11/07/2003)
Bài thơ "Lá rụng"  (10/07/2003)
Núi có duyên thật  (10/07/2003)
Mảnh hồn tôi với Quy Nhơn  (09/07/2003)
Tản Đà làm ca dao  (08/07/2003)
"Cầm chân em, cầm chân hoa" của Yến Lan  (06/07/2003)
Và ly nước cũng khóc  (04/07/2003)
Nhà thơ Thu Bồn trong vòng tay bạn bè  (03/07/2003)