Khi nói đến cuộc đời, sự nghiệp của Đào Tấn, những ai quan tâm đến thơ và từ của ông đều không bỏ qua trích dẫn bài thơ "Đề Mai Sơn thọ viên". Nhưng để hiểu sâu sắc bài thơ, qua đó hiểu hơn về nhân cách cụ Đào, thiết nghĩ không phải ai cũng có cái nhìn thống nhất và sâu sắc. Bởi nguyên tác bài thơ bằng chữ Hán, khi chuyển dịch, nhiều dịch giả đã tước mất cái tinh túy, cái hồn của bài thơ.
Nguyên bản bài thơ như sau:
Nhàn hướng Mai Sơn bốc thọ viên
Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn
Mai Sơn tha nhật tàng mai cốt
Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn
Nghĩa là:
Nhân lúc rảnh rỗi đến núi Mai tìm sinh phần
Đứng trên mỏm đá cao cười mà không nói
Ngày nào đó núi Mai lại giữ xương mai
Hẳn có hoa mai hóa làm hồn mộng.
Để tìm hiểu bài thơ, trước hết ta hãy đi vào ngay tựa đề bài thơ "Đề Mai Sơn thọ viên" tức là "Đề tại sinh phần trên núi Hoàng Mai". Sinh phần là phần mộ làm khi người đó còn sống. Điều này có liên quan đến quan niệm của người phương Đông chúng ta, là rất coi trọng "cuộc sống sau này" của mình ở phía "bên kia thế giới". Quan niệm đó thể hiện ở câu tục ngữ: "Sống gửi thác về", sống chỉ là tạm bợ, mà thác mới là vĩnh hằng, về với cõi vĩnh hằng. Do vậy, ở đời, nếu sống, ai cũng muốn giàu sang phú quí, nếu thác đi, đều muốn "mồ yên mả đẹp". Ngay đến Đạm Tiên, cũng "sè sè nắm đất bên đường" (Nguyễn Du - Kiều). Thể hiện quan niệm đó, người Việt Nam nói riêng, người phương Đông nói chung, coi chuyện "động đến mồ mả" là một chuyện tày đình, một tội lớn, không thể coi thường. Hơn nữa, nó còn liên quan đến tục địa táng của người phương Đông. Cho nên, chẳng những cần có "mồ yên, mả đẹp" mà còn phải được chọn chôn ở thế đất tốt, theo thuật phong thủy. Bởi nó có quan hệ đến con cháu sau này: nghèo khó, sang hèn... tự đó mà ra. Một thế đất tốt, như thuật phong thủy đã chỉ rõ, là đất có long mạch vv.. và v.v.. Xem xét trong lịch sử, các bậc đế vương đã rất quan tâm đến sinh phần của mình, không kể đến Pha-ra-ông ở Ai Cập cho xây dựng Kim tự tháp đồ sộ, các vua Chàm xa xưa đã biến Tháp Chàm thành khu lăng mộ, chỉ kể thời nhà Nguyễn ở nước ta, ông vua nào cũng lo cho cái sinh phần của mình. Vì thế, mà ngày nay chúng ta có các lăng tẩm, mỗi người mỗi kiểu ở kinh thành Huế: Khải Định, Thiệu Trị, Tự Đức... Việc xây dựng các sinh phần đó đã đi vào lời ta thán dân gian: "Vạn niên là Vạn niên nào. Thành xây xương lính, hào đào máu dân". Có bậc đế vương đã không muốn ai động đến phần mộ mình, vì nhiều lý do khác nhau, đã cho xây dựng 72 phần mộ, không phân biệt đâu thực đâu giả, như Tào Tháo bên Tàu thời Tam Quốc...
Trở lại bài thơ của Đào Tấn. Cụ Đào là một kẻ sĩ thâm nho, thông thuộc sách thánh hiền, sống gần gũi dân quê, ắt hẳn dù là quan niệm của kẻ bình dân hay là quý tộc, về "thế giới bên kia" đều được cụ Đào thấu hiểu. Và cụ Đào cũng không thoát ra ngoài cái lẽ thường tình đó: Tìm sinh phần cho mình.
Nhưng trong cái lẽ thường đó, có cái không bình thường hợp với nhân cách cụ. Điều ấy thể hiện ngay câu thơ đầu:
Nhàn hướng Mai Sơn bốc thọ viên
Như mọi người khác, cụ Đào hướng đến núi Mai tìm sinh phần cho mình (bốc thọ viên = tìm mảnh vườn (đất), thọ = tìm sinh phần) nhưng không như các bậc đế vương, các nhà hằng sản, như những kẻ khác "đau đáu", bận tâm với sinh phần của mình, cụ Đào chỉ nghĩ đến việc này lúc nhàn, lúc rảnh rỗi. Chữ "nhàn" đầu câu thơ có sức mạnh riêng, nhấn mạnh điều này. Đó là lúc đã xong việc đời, mà việc đời của cụ thì đều vì dân, vì nước cả. Lúc này, về già, về vườn, cụ mới nghĩ đến điều này. "Nhàn" - một việc đến lúc rảnh, lúc ngẫu hứng, không bận tâm nhiều. Chỗ khác người của Đào Tấn là ở đây vậy. Một nhân cách lớn của cụ Đào thể hiện ở việc làm này. Hầu hết các bản dịch, dịch câu đầu như sau:
Lên đỉnh núi Mai tìm đất thọ
"Lên đỉnh" - một việc chủ động, một động từ mạnh, đối lập hẳn với "nhàn" trong nguyên tác. Bản dịch làm cho người ta hiểu nghĩa và tư tưởng câu thơ ở một hướng đối lập không nên có.
Ở câu thứ hai: "Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn" dịch là "Đứng trên mỏm đá lặng im cười" đúng, sát nghĩa hơn câu dịch của Xuân Diệu: "Mỉm cười lặng ngắm đá chon von". "Thạch đầu cao cứ" nghĩa là "đứng trên mỏm đá cao". Cụ Đào leo đến đỉnh Mai Sơn, đứng trên mỏm đá cao và đã tìm cho mình một sinh phần, thỏa mãn, cười mà không nói gì. Đó là nghĩa của câu thơ. Có thực tế đến núi Mai, có đứng từ phần mộ của cụ Đào hiện nay, mới hiểu hết câu thơ này. Phần mộ cụ nằm trên một mỏm đá cao của Mai Sơn, từ đó có thể bao quát cả một vùng rộng lớn, xa là đỉnh Cù Mông, gần là nguồn An Tượng (hay nguồn Hà Thanh), bên dưới là những nếp nhà, những thửa ruộng, bờ tre, dân làng làm đồng qua lại, thấy cả làn khói lam chiều ấm áp tình quê. Có sơn, có thủy, có nhân thật là một sự hòa hợp giữa đất trời, thiên nhiên với con người. Quan niệm của người phương Đông là muốn sống hòa hợp với thiên nhiên, sống lẫn trong thiên nhiên. Cụ Đào tìm một địa thế hòa hợp THIÊN - ĐỊA - NHÂN như thế làm nơi mình về với vĩnh hằng, nên rất thỏa dạ, cười mà không nói gì. Đó là cái "tiếu vô ngôn" của một con người dung dị, thanh cao, đức độ đạt đến lẽ thâm sâu của trời đất. Đọc câu thơ này, ta hiểu hơn lời Dương Lâm (anh em với Dương Khuê) viết địa thế mà cụ Đào chọn làm sinh phần:
- Cái thường đăng Cù lĩnh, phỏng Tượng nguyên tri cao sơn đại hải chi gian đỉnh sinh lương phụ.
- Hợp đáng lặc hi tôn, minh hổ đảnh, bái mao thổ khuê điền chi tứ cao vu văn nhân
(Cứ leo lên đỉnh Cù Mông, thăm nguồn An Tượng, đây vùng biển cả núi cao ắt sinh tài đức. Dáng chạm vào bia tôn miếu, khắc chốn vạc hùm, vâng cấp đất trồng ruộng cấy thưa với nhà văn).
Và ta hiểu vì sao, Đào Tấn một mực muốn lui về non cũ, như trong một bài thơ ông viết:
Tiên đế ủy vi kim nhật dụng
Cô thần hoàn tác cố sơn mưu
(Vô đề)
(Đấng tiên đế ủy thác cho ta làm công việc ngày hôm nay nhưng kẻ bề tôi cô đơn này lại cứ toan tính chuyện trở về non cũ).
Ý này được Đào Tấn nói rõ ở 2 câu cuối của bài thơ:
Mai Sơn tha nhật tàng mai cốt
Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn.
Các nhà phê bình nghiên cứu thường dẫn 2 câu thơ này và phân tích: Đào Tấn rất yêu hoa mai, muốn sống và đã sống một cuộc đời thanh bạch, cao quí như hoa mai. Chẳng thế mà Cao Bá Quát đã từng viết: "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" (Cả cuộc đời ta chỉ biết cúi lạy hoa mai). Hoa mai, trong thơ phương Đông, biểu tượng cho khí tiết của người quân tử: "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (Mạnh Tử). Quả thật, cụ Đào đã sống một cuộc đời như mai - quân tử. Cụ đặt hiệu là Mộng Mai, Mai Tăng, đặt vườn tên mai: Mai Viên, và ước nguyện được gửi mình ở núi Mai (Mai Sơn). Hai câu thơ mà có đến 3 chữ mai: Mai Sơn, mai cốt, mai hoa. Khi nói đến mai cốt, cụ Đào đã tự ví mình có cốt cách của hoa mai, chú ý 2 câu thơ này, câu trên Đào Tấn nói đến thể xác (mai cốt), câu dưới nói đến linh hồn, tinh thần (mai hoa tác mộng hồn).
Hòa quyện với thiên nhiên có lẽ là cách ứng xử của các bậc vĩ nhân, các nhà hiền triết, của các nhân cách lớn ở Việt Nam và phương Đông. Đào Tấn, qua bài thơ "Đề mai sơn thọ viên" là một nhân cách lớn như thế. Vòng danh lợi với ông thành áng phù du...
. Trần Xuân Toàn
|