Một vai tuồng
Người đảo con mắt tía
Sân đình no nê cười
Người quặt què giả thọt
Tay chầu vung đã đời
Nghe người là đi thôi
Lũ con nít tồng ngồng
Cánh đàn ông ngà ngà
Cánh đàn bà rật rật
Gái trai thì rậm rịch
Từ chiều căng phông màn
Thôn trên ới làng dưới
Biết đêm nay có tuồng
Tùng tùng! Thằng Mã Oai
Ỷ giàu đi chọc gái
Cắc cắc! Thằng Thiên Hùng
Nhấp một trời quan tái
Trăng sà sà bụi duối
Gió lật lật cánh gà
Có mùi rạ là là
Quấn vào câu hát khách
Rồi người xong trước nhất
Tay mình chùi mặt mình
Bánh tráng và rượu đế
Đạp xe vào khuya không.
. Hương Đình
Hương Đình quê An Nhơn, là tiến sĩ toán học; hiện là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai. Anh làm thơ từ lúc còn ngồi ghế nhà trường phổ thông, đã từng có vài tập thơ in: Trăng lửa (1994), Mưa phố (2001)… cùng nhiều bài khác đăng trên các báo trung ương, địa phương.
Là nhà toán học, nhưng Hương Đình rất có duyên với thơ. Tình yêu, tình bạn, những nghĩ suy, trăn trở… trong thơ Hương Đình không bùng lên dữ dội mà được anh nói bằng một giọng điệu nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, lan tỏa qua những câu thơ giàu chất biểu cảm. "Một vai tuồng" là một trong những bài thơ hay của Hương Đình.
Khi đọc bài thơ này, nhà thơ Thanh Thảo đã có lời bình ngắn gọn mà súc tích: "Xuất hiện trên sân khấu, người nghệ sĩ ấy chợt hóa thân vào những nhân vật, và người xem, dù đã quen biết ông, vẫn cười khóc đã đời vì chính những nhân vật ông thủ diễn, chứ không vì ông. Người nghệ sĩ khuất sau những nhân vật của mình, và tất cả cái không khí của một sàn diễn – sân đình cứ vì ông mà sôi lên, mà "sà sà", "lật lật", "là là", "rậm rịch", cứ theo từng nhịp "tùng, cắc" mà vui buồn, hỉ nộ ái ố… "Rồi người xong trước nhất – Tay mình chùi mặt mình" – đó là hai câu hay nhất của bài thơ này, vừa rất thực vừa đầy ẩn dụ. Khi "vai tuồng" đã xong, ấy là lúc "Đạp xe vào khuya không". (Nhiều khi, đời là "một vai tuồng" – Tạp chí Kiến thức gia đình số 200-2001).
Người viết bài này không muốn làm cái việc bình thơ, mà còn có gì để "bình" nữa khi mà nhà thơ, nhà bình thơ bậc thầy là Thanh Thảo đã… ra bút. Tôi chỉ muốn nói thêm về cái tình ở bên trong, hoặc có thể nói là ở phía sau bài thơ "Một vai tuồng".
Nhà thơ Hương Đình là con trai của cố nghệ sĩ Hề Công – một nghệ sĩ hát bội tài năng của đất Bình Định, chuyên đóng vai hề và các vai phản diện, là bạn diễn của các cố NSƯT Hoàng Chinh, Tư Cá, Long Trọng, và NSƯT Ngọc Cầm… - nên anh rất am hiểu cái nghề và cái nghiệp của người cha kính yêu của mình cũng như các đồng nghiệp của ông. Từ sự am hiểu ấy, Hương Đình đã đưa được vào trong thơ cái không khí rất dân dã, rất mộc mạc như mùi rơm rạ, nhưng cũng rất thăng hoa và đầy sức cuốn hút của cái sàn diễn – sân đình, đúng như nhà thơ Thanh Thảo đã cảm và nhận được. Những câu thơ ngắn gọn với một chất giọng hơi "tưng tửng", rằng là kể nghe cho vui về tài năng của người nghệ sĩ hát bội; nhưng cứ đọc lại 5 khổ thơ (trừ khổ cuối), đọc lại lần nữa, suy nghĩ thêm một chút, hiểu thêm một chút nữa thì hình như trong lời thơ, trong hơi thơ, trong "tiếng nhạc" của thơ có nhịp trống chầu điểm thùng thình dẫn dắt nhịp thơ và bạn thơ xuôi theo dòng sông nghệ thuật ở nông thôn Bình Định trong cái thời hoàng kim của sân khấu hát bội với những người nghệ sĩ nông dân ban ngày chân lấm tay bùn, trên đồng cạn dưới đồng sâu; để đêm về họ "đổi lốt" thành vua quan, tướng giặc, hoàng tử, công chúa… góp phần phục vụ nhu cầu tinh thần của bà con mình, cho thỏa cái nghiệp của mình, và cũng là kiếm thêm chút ít tiền thù lao để… mua phân vãi ruộng và cho con đến trường. Cái tình cảm thắm thiết và trân trọng của nhà thơ với người cha nghệ sĩ của mình, với nghề nghiệp và những đồng nghiệp của cha mình nằm trong sự hồi tưởng đẹp và cảm động như vậy.
Rồi người xong trước nhất
Tay mình chùi mặt mình
Bánh tráng và rượu đế
Đạp xe vào khuya không.
Bài thơ 6 khổ liền mạch, nhưng sức nặng dồn hết ở khổ cuối này. Những câu thơ tưởng chừng được viết rất dễ dàng, nhưng thật là không dễ chút nào nếu tác giả không có sự trải nghiệm, không có một tình cảm mến yêu, quí trọng những người nghệ sĩ nông dân. Trong lời bình của nhà thơ Thanh Thảo (đã giới thiệu ở phần đầu bài), anh rất tâm đắc với cái triết lý cuộc đời của khổ thơ cuối – hết "vai diễn" của mình là xong, là… không còn gì để nói!. Riêng với tôi, sự "tâm đắc" lại nằm ở ngay cái nghĩa đen của 4 câu thơ cuối. Tôi nghĩ, tác giả cũng chẳng muốn "triết lý" gì đâu! Anh chỉ nói thật, rất thật về cuộc sống của người nghệ sĩ nông dân. Đã là nghệ sĩ nông dân thì chẳng mấy ai giàu có, nên họ mới phải "kiếm sống lúc nông nhàn" bằng nghề hát. Nhưng kiếm sống cũng chỉ là "việc nhỏ", cốt yếu là họ thực hiện cái tâm nguyện của cụ Đào Tấn là: "Chỉ muốn ca ngâm khắp đất trời", họ hát, họ diễn cho đã đời, cho thỏa thuê cái tình yêu nghệ thuật, và cũng là để giữ bền nghiệp tổ nữa.
Cuộc sống của người nghệ sĩ nông dân là ban ngày lao động sản xuất, ban đêm lao động nghệ thuật. Chập choạng tối, rời tay cuốc tay cày, ăn vội chén cơm nguội, họ đạp xe (xe đạp) đến điểm diễn, có khi cách nhà vài ba chục km; hóa thân vào nhân vật mình thủ diễn. Khi tấm màn nhung khép lại thì cũng đã là 1 giờ sáng của ngày hôm sau. Họ ăn vội cuốn bánh tráng suông và nhắp vài ly rượu đế để lót bụng, để làm hành trang cho cuốc xe đạp trở về. Đến nhà thì gà cũng đã eo óc gáy, họ chợp mắt vài giờ rồi vội choàng dậy để ra đồng…
Có hiểu được cuộc sống như vậy mới có được những vần thơ đau đáu ân tình: Rồi người xong trước nhất – Tay mình chùi mặt mình – Bánh tráng và rượu đế – Đạp xe vào khuya không.
. Quang Sinh
|