"Về thôi nàng Vọng Phu"
16:32', 25/7/ 2003 (GMT+7)

Chiến tranh đã qua rồi. Những ngày ta sống đây là những ngày đẹp nhất… Hòa bình, hạnh phúc. Ai đã nói với tôi như thế!

Không! Chiến tranh vẫn còn đó. Đọng trên vành khăn tang của người vợ, người mẹ. Chiến tranh vẫn còn đó với tật nguyền một thời thanh xuân ở những người lính trẻ từ mặt trận mới đây thôi trở về.

Chiến tranh còn đâu đó trong làn khói hương nghi ngút, trên những tấm bia mộ ở nghĩa trang khắp đất nước nầy. Và đây nữa, chiến tranh còn vương sương gió giữa mây trời cô đơn trên tấm thân nàng Vọng Phu Tô Thị.

Nàng còn đứng đó làm gì? Về đi thôi nàng ơi!

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh ….

Xứ Lạng có nàng Tô Thị dãi dầu thuở trước không còn nữa, hình dáng nàng không còn nguyên vẹn như xưa, thế mà câu chuyện bi thương về nàng vẫn còn in đậm trong ký ức dân gian. Nàng bồng con chờ chồng từ chiến trận, ba năm, năm năm… rồi mãi mãi chẳng về, để nàng hóa đá.

Không đâu như đất nước nầy, nàng Vọng Phu trải dài theo chiều dài đất nước. Phải đâu chỉ có một Vọng Phu Lạng Sơn. Từ Lạng Sơn đến Thanh Hóa, qua Nghệ Tĩnh, vào xứ Quảng, rồi Khánh Hòa, Đắc Lắc… Bình Định cũng có đá Vọng Phu trên đỉnh núi Bà gần cửa bể Đề Gi, Phù Cát.

Truyện cổ nước mình nhiều. Nhưng sự tích Vọng Phu được nhiều người, mọi thời yêu thích. Sự tích Hòn Vọng Phu ẩn chứa một triết lý và tình thương sâu sắc. Dù là truyện ở địa phương nào,cũng đều có một chủ đề thống nhất: ca ngợi đức tính thủy chung, kiên trinh của người vợ - một yêu cầu đạo đức của mọi thời. Hơn nữa, điều đó còn cắt nghĩa tại sao cho đến tận bây giờ, sự tích hòn Vọng Phu vẫn làm rung động biết bao thế hệ người Việt yêu chuộng hòa bình, tôn trọng phẩm giá con người.

Không phải ngẫu nhiên câu chuyện thương tâm như thế lại sống mãi trong ký ức dân gian. Dân gian sàng lọc ghê lắm chứ! Không phải ngẫu nhiên câu chuyện là nguồn cảm hứng cho bao thi phẩm, nhạc phẩm… từ xưa xa đến mãi đến bây giờ.

Năm Quí Hợi (1804), nhà thơ Nguyễn Du được triều Gia Long cử vào phái bộ đi sứ sang Trung Quốc. Trước khi qua biên giới, ở Đồng Đăng-Lạng Sơn, nhà thơ đã làm bài Vọng Phu thạch đầy thương cảm, có mấy câu sau:

Thạch gia? Nhân gia? Bỉ hà nhân?

Độc lập sơn đầu thiên bách xuân

Vạn kiếp diễn vô vân vũ mộng

Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân

Nghĩa là:

Đá ư? Người ư? Người là ai?

Ngàn vạn mùa xuân đứng lẻ loi

Muôn thuở mây mưa xa mộng mị

Một lòng son sắt vững thân đời…

Bài thơ đượm buồn, song cái đẹp của tấm lòng nàng Tô Thị dưới mắt Nguyễn Du vẫn trường tồn với thời gian.

Ừ, rồi ta lại nghe nét nhạc khi hào sảng, lúc thiết tha rồi lại xót xa, trong bao ca khúc liên hoàn trác tuyệt nói về nàng Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương từ thời tiền chiến: Hòn Vọng Phu I, Hòn Vọng Phu II, Hòn Vọng Phu III:

Lệnh vua hành quân trống kêu dồn, quan với quân lên đường…

Rồi cảnh:

Người đi về vạn lý quan san, người đứng chờ trong bóng cô đơn

Để rồi:

Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về

Bao nhiêu phen thời gian xóa bao lời thề

Cuối cùng đọng lại trong ta vẫn là hình ảnh "người biến thành tượng đá ôm con" (Hòn Vọng Phu I), với nỗi mong chờ cho đến mòn phai "đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ" (Hòn Vọng Phu II). Nét nhạc làm ta bồi hồi, xa xót, thương cảm kéo thời gian xa xưa lại gần… như chuyện mới vừa qua.

Có vậy, vở chèo Linh hồn của đá của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ chuyển thể từ chuyện cổ tích "Sự tích hòn Vọng Phu" vẫn làm rung động bao trái tim khán giả.

Cảm nhận hình ảnh nàng Vọng Phu sâu sắc nhất có lẽ không ai hơn chính những người lính, người vợ lính đợi chồng. Nhà thơ khoác áo lính Vương Trọng hình như đã cảm nhận sâu sắc thân phận bi kịch của những người vợ đợi chồng đến tuyệt vọng sau cuộc chiến, nhà thơ dành viết nhiều về họ, với sự liên tưởng đến nàng Vọng Phu. Trong tập thơ Về thôi nàng Vọng Phu (NXB.Văn học,1990), Vương Trọng đã hóa thân mà "Trò chuyện với nàng Vọng Phu" thời nay. Và đây, là cuộc chuyện trò, đối thoại của họ.

Tác giả thầm thì:

- Về thôi nàng ơi

Niềm sum họp đã vào từng cánh cửa

Sao nàng còn đứng trong mưa gió

Cô đơn giữa mây trời?

Và nàng trả lời với tấm lòng chung thủy, kiên trinh của mình, bởi chẳng phải vô cớ nàng đứng chờ đến hóa đá:

-Thế đâu những lời

Ta đã hẹn với người thương nhớ?

Phải rồi, những lời hẹn thề dù đá nát vàng phai. Nhưng lời hẹn thề ở một đất nước lắm binh đao, lửa đạn liệu có vẹn được chăng. Tác giả lo lắng:

- Người ấy chẳng bao giờ về nữa

Mấy ngàn năm ngắn ngủi làm sao

Đất nước qua trăm bận binh đao

Lỡ bồi dâu bể…

Còn nàng thì vẫn xót xa trong kiên định:

- Người đời biết thân ta hóa đá

Nhưng không hay ta hóa đá niềm tin

Hóa đá nỗi cô đơn

Và thời gian chờ đợi…

Chao ôi, hóa đá thân xác nào có gì đáng nói, khi mà niềm tin, nỗi cô đơn, thời gian chờ đợi… có nguy cơ thành đá nốt. Cuộc chuyện trò với nàng đã giúp tác giả hiểu ra rằng nàng đã:

…hóa đá đợi triệu lần nỗi đợi

Để những người vợ muôn đời thoát khỏi cảnh chờ mong.

Đất nước lắm binh đao. Chuyện nàng Vọng Phu cuối cùng vẫn là chuyện về khát vọng muôn đời hòa bình, xua bóng chiến tranh "để những người vợ muôn đời thoát khỏi cảnh chờ mong", là sự trân trọng và tin tưởng ở phẩm giá của con người - mà người phụ nữ Việt Nam là tiêu biểu. Phải chăng đó là ý nghĩa nhân văn sâu xa, là minh triết và tình thương của dân tộc trong một câu chuyện cổ, là tâm thức của con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mong muốn hạnh phúc.

Về thôi nàng Vọng Phu! Đất nước đã qua những cơn binh đao! Sao nàng còn đứng đó! Về thôi nàng Vọng Phu! Về thôi… Khát vọng hòa bình, mong muốn sống hạnh phúc của dân tộc đã tạc vào thời gian rồi! Còn nàng… Về thôi nàng ơi!

. Trần Xuân Toàn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bài thơ Một vai tuồng của Hương Đình   (24/07/2003)
Văn học nghệ thuật miền núi Bình Định   (23/07/2003)
Nụ hôn đầu tiên   (22/07/2003)
Bài thơ "Đề Mai Sơn thọ viên" và nhân cách Đào Tấn   (21/07/2003)
Hướng nào dành cho những cây bút trẻ?   (20/07/2003)
Thà như chiếc lá   (18/07/2003)
Nơi khơi nguồn thơ mới   (17/07/2003)
Đông tím   (17/07/2003)
Một vài ý kiến tâm huyết về "Văn học thiếu nhi và văn học trẻ Bình Định"   (15/07/2003)
Gói nhân tình   (14/07/2003)
Hoàng hôn quê ngoại   (13/07/2003)
"Tài" và "Tâm" Nguyễn Tuân   (11/07/2003)
Một chiều thu với tác giả "Tiến quân ca"   (11/07/2003)
Bài thơ "Lá rụng"  (10/07/2003)
Núi có duyên thật  (10/07/2003)