Đọc bài thơ "Lời ru hài cốt ngủ trên lưng" của Bùi Nguyên Ngọc
16:14', 25/7/ 2003 (GMT+7)

Bao năm ngủ dưới đất sâu

Giờ xin ngủ tiếp dưới bầu trời xanh

Đường xa ru giấc gập ghềnh

Sườn non dằng dặc bồng bềnh mây trôi

Ước gì mây đỡ làm nôi

Gió đưa làm quạt sông trôi lặng thầm

Để bạn yên giấc ngàn năm

Lời ru xin tặng khúc nằm trên lưng

Lại đi qua lại cánh rừng

Một thời binh lửa đã từng địu nhau

Suối sâu ru giấc qua cầu

Nửa mây nửa nước nửa sầu phong rêu

Sườn non giấc ngủ cheo leo

Giấc qua chợ huyện eo xèo cá cua.

Qua rồi vất vả ngày xưa.

Bom rung đạn giật nắng mưa một thời.

Chiến tranh cũng đã qua rồi

Con đường bên lở bên bồi còn đây

Bạn ơi, xin giấc ngủ say

Xương gầy trên tấm lưng gầy có đau?

Ngày mai bạn tới đất sâu,

Chẳng còn đưa bạn dưới bầu trời xanh.

. Bùi Nguyên Ngọc

 

Bài thơ là một lời hát ru, lời hát ru thật đặc biệt- hát ru những bộ hài cốt "đang ngủ" ngay trên lưng mình. Vẫn biết rằng, gắn bó với người Việt Nam ngay từ cái thuở "ngày xưa từ rất xưa" là những khúc hát ru ngọt ngào nồng ấm, những lời ru ầu ơ gợi nhớ, gợi thương, những lời ru đầu tiên bắt đầu bên cánh võng tuổi thơ: "Ru con con ngủ cho lành...", hay "ru em em théc cho muồi..." hoặc "Cháu ơi cháu ngủ với bà..."; chứ lời ru chưa một lần cất lên để nâng đỡ, vuốt ve những thi hài người đã khuất. Thế mà hiển hiện trước mắt ta bây giờ là một "lời ru hài cốt ngủ trên lưng"...

"Bao năm ngủ dưới đất sâu/ Giờ xin ngủ tiếp dưới bầu trời xanh". Lời ru bắt đầu bằng một tiếng lòng như thế. Có thể nói, đây là tiếng lòng của một người bạn, người đồng đội, đồng chí. Người mà một thời đã cùng với những bộ hài cốt trên lưng "súng bên súng đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ". Người ấy đã sống sót trở về sau khói lửa chiến tranh. Người ấy bây giờ đang ngày đêm cùng đồng đội đi vào những chiến trường xưa để "tìm đồng đội". Ôi những con người mà tình người, tình đồng chí sâu nặng, thủy chung. Thủy chung nồng đượm ngay cả với những người bạn đã mãi mãi ra đi vào cõi vĩnh hằng. Trong cuộc sống hiện đại, biết bao người chiến sĩ xưa trở về gặp lại đồng đội cũ, tìm thấy các anh không phải giữa cuộc đời mà đang nằm trong lòng đất Mẹ ấp ủ chở che. Những con người ấy bằng ngọn lửa nhen nhóm trong trái tim mình vẫn từng giờ, từng phút thắp sáng dẫn đường cho những bước chân lặng thầm đi tìm đồng đội. Những bước chân trên những chặng đường của cuộc hành trình không ít gian nan: "Đường xa ru giấc gập ghềnh/Sườn non dằng dặc bóng hình mây trôi/ Ước gì mây đỡ làm nôi/ Gió đưa làm quạt, sông trôi lặng thầm/ Để bạn yên giấc ngàn năm/ Lời ru xin tặng khúc nằm trên lưng".

Những người lính Việt Nam khi xung trận thì quả cảm vô cùng, sức mạnh của họ hơn cả đạn bom, thế mà với vong hồn bạn họ thoắt trở thành người đa cảm và dào dạt yêu thương. Họ gửi gắm lòng mình vào lời ru với ước ao nâng niu, vỗ về giấc ngủ ngàn năm cho bạn bè đã khuất. Họ gửi gắm vào thiên nhiên lời ước "mây đỡ làm nôi, gió đưa làm quạt, sông trôi lặng thầm"... Đó cũng chính là biểu hiện cao quí của lẽ sống làm người. Lời ru dường như chùng xuống, thoáng một chút buồn, một chút ngậm ngùi, xót xa, đưa đẩy theo bước chân người: "Lại đi qua lại cánh rừng/ Một thời binh lửa đã từng địu nhau/ Suối sâu ru giấc qua cầu/ Nửa mây nửa nước nửa sầu rêu phong".

Chiến tranh đã qua đi, đất nước thanh bình, những khó khăn, vất vả, đạn bom như lùi vào dĩ vãng: "Qua rồi vất vả ngày xưa/ Bom rung bom giật nắng mưa một thời/ Chiến tranh cũng đã qua rồi/ Con sông bên lở bên bồi còn đây". Những câu, những chữ trong lời ru như kết lại thành những vòng hoa đẹp để dâng lên các anh, những con người đã đổ máu xương góp phần công lao vào sự trường tồn của dân tộc. Bắt nguồn từ sự yêu thương trân trọng và biết ơn ấy, người đồng chí, đồng đội còn sống lại ru bạn tiếp bằng lời ru gìn giữ, nâng niu: "Bạn ơi xin giấc ngủ say/ Xương gầy trên tấm lưng gầy có đau?"/Bao năm ngủ dưới đất sâu/ Giờ xin ngủ tiếp dưới bầu trời xanh". Bài thơ bắt đầu bằng một hình ảnh như thế (hình ảnh của người đồng đội cũ đưa bạn trở về với trời cao) và kết thúc bằng những lời thơ đầy nỗi luyến tiếc khi lại một lần nữa phải xa lìa bạn, xa lìa những giây phút địu bạn trên lưng: "Ngày mai bạn tới đất sâu/Chẳng còn địu bạn dưới bầu trời xanh". Vâng, giờ đây, quê hương mẹ hiền sẽ ấp ủ bạn trong tình quê chan chứa. Và trên cao kia vẫn là bầu trời trong xanh bao la...

. Như Ý

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Về thôi nàng Vọng Phu"   (25/07/2003)
Bài thơ Một vai tuồng của Hương Đình   (24/07/2003)
Văn học nghệ thuật miền núi Bình Định   (23/07/2003)
Nụ hôn đầu tiên   (22/07/2003)
Bài thơ "Đề Mai Sơn thọ viên" và nhân cách Đào Tấn   (21/07/2003)
Hướng nào dành cho những cây bút trẻ?   (20/07/2003)
Thà như chiếc lá   (18/07/2003)
Nơi khơi nguồn thơ mới   (17/07/2003)
Đông tím   (17/07/2003)
Một vài ý kiến tâm huyết về "Văn học thiếu nhi và văn học trẻ Bình Định"   (15/07/2003)
Gói nhân tình   (14/07/2003)
Hoàng hôn quê ngoại   (13/07/2003)
"Tài" và "Tâm" Nguyễn Tuân   (11/07/2003)
Một chiều thu với tác giả "Tiến quân ca"   (11/07/2003)
Bài thơ "Lá rụng"  (10/07/2003)