Nỗi lòng người cha với con trẻ
17:19', 28/7/ 2003 (GMT+7)

Đọc hết 145 tác giả được tuyển chọn trong Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam, tôi không sao dứt được ý nghĩ của mình về một bài thơ. Đó là bài Tôi ru con gái tôi của Đỗ Trung Lai.

À ơi con ngủ cho ngon

Đắp chăn rồi bố mắc màn cho con

Nửa đời nước nước non non

Con vừa một tuổi, bố tròn bốn mươi

Nửa đời đi ngược về xuôi

Đêm nay bố ngắm con cười trong mơ

Môi hồng, răng trắng, tóc tơ

Bố cho máu đỏ, mẹ cho hình hài

Giời cho tính nết sau này

Cầu cho con những khéo tay, dịu dàng

Trong đêm con thở nhẹ nhàng,

Cầu cho con khỏi bần hàn mai sau

À ơi con ngủ cho lâu,

Cầu cho con chẳng một câu lụy người

À ơi thân gái ở đời,

Những nơi tục lụy con thời tránh xa.

"Thiện căn ở tại lòng ta"

Mạnh hơn lẽ quỷ, lời ma dọc đường

À ơi thương đến là thương

Cầu cho thánh thiện dẫn đường con đi

Đừng ham ngũ sắc làm chi,

Trời xanh muôn thuở có gì cũ đâu.

Đò đầy, phá rộng, sông sâu

Có qua thì lúc bạc đầu hãy qua

Yêu thơ cùng với yêu hoa

Cũng đừng yêu quá như là bố yêu

Ở nhà biết vá, biết thêu

Ra đường kẻ ghẹo người trêu mặc người

À ơi thân gởi ở đời

Cổ kim đâu cũng quý người thủy chung

Câu rằng, chị ngã em nâng

Là qua hết được mọi vùng khó qua

Đi cùng con lúc tuổi hoa,

Đời người ngắn lắm, bố già đến nơi.

Nay mai giời gọi lên giời

Cũng là đã có mấy lời cho con

À ơi máu đỏ như son,

Mai sau con lớn con còn nhớ chăng?

Xuân Canh Ngọ, 1990

Điều gì đã làm cho tôi chú ý đến bài thơ này? Tôi không dám chắc đây là bài thơ vượt trội lên tất cả, cũng không dám nói lời thơ của tác giả thật điêu luyện. Quả tình người đọc có thể tìm thấy rất nhiều bài như thế. Tôi chú ý bài thơ này vì một lẽ giản đơn: Giữa bao nhiêu đề tài (tình yêu, thiên nhiên, xã hội, tâm tình…) lại có một bài thơ viết cho tuổi thơ và qua đó thể hiện mình một cách chân thật của tác giả.

Bài thơ Tôi ru con gái tôi trước hết là lời của một người cha đã qua hơn nửa đời người, với bao kinh nghiệm ở đời, mượn lời thơ, lời ru để ru giấc ngủ của con gái mình vừa tròn một tuổi. Bài thơ mở đầu bằng thể điệu ru con như tất cả những bài hát ru khác:

À ơi con ngủ cho ngon

Đắp chăn rồi bố mắc màn cho con

Âm điệu của thể lục bát đã giúp cho tác giả chuyển tải được tâm tình của mình ngay từ đầu. À ơi…à à…ơi… Thế rồi nhịp võng đưa lời ru như chắp cánh. Thông thường, ở bài hát ru nào cũng vậy, hình tượng người mẹ vẫn là chủ thể chính, là nhân vật trung tâm trữ tình trong lời ru. Ngay đến bà ru cháu, chị ru em… cũng thế. Hình ảnh người cha ru con ở bài thơ thật là trái khoáy, nếu như không nói là nghịch cảnh. Thế nhưng chính hình ảnh người cha trong bài thơ, lời ru lại là một sự cảm thông rõ rệt nhất, đạt hiệu quả nghệ thuật và tâm lý nhất. Bởi vì người cha ở đây có cảnh ngộ khác thường:

Nửa đời nước nước non non

Con vừa một tuổi, bố tròn bốn mươi

Sự xa cách hai thế hệ được lời ru nối kết lại bằng chính tâm tình của người cha:

Nửa đời đi ngược về xuôi

Đêm nay bố ngắm con cười trong mơ

Môi hồng, răng trắng, tóc tơ

Bố cho máu đỏ, mẹ cho hình hài

Cả cuộc đời chiến đấu, hi sinh cho độc lập, tự do, hòa bình có phải là để đạt đến hạnh phúc này chăng: ngắm thấy nụ cười con trẻ. Chất nhân văn sâu sắc được thể hiện trong ước muốn bình dị như thế. Người cha, rồi cả dân tộc này, phải vượt qua chiến tranh, dập tắt chiến tranh để đạt được một hiện thực đầy nhân bản như thế đấy.

Trở về với đời sống thực tại, người cha lại đóng vai,  nhập vai của người mẹ, hay chính là ước mong của một thế hệ đã biết thế nào là chiến tranh, chết chóc để có những cầu mong ở thế hệ con cháu mình. Sáu câu thơ tiếp theo, có đến ba câu thơ mở đầu bằng sự cầu mong. Cầu mong ở thế hệ con cháu - những trẻ thơ hôm nay - khác mình, một thế hệ đã phải khoác áo lính để bảo vệ nụ cười trẻ thơ. Lời thơ thật êm ả mà sâu nặng, thiết tha như chính tấm lòng của người cha, người mẹ:

Giời cho tính nết sau này

Cầu cho con những khéo tay, dịu dàng

Trong đêm con thở nhẹ nhàng,

Cầu cho con khỏi bần hàn mai sau

À ơi con ngủ cho lâu

Cầu cho con chẳng một câu lụy người

Cầu mong những gì? Con gái của mình phải khéo tay, phải dịu dàng (nữ công gia chánh), cầu mong con khỏi bần hàn (tương lai phúc lộc) và cầu chẳng phải lụy người (sống đúng với nhân cách ). Có lẽ tấm lòng người cha, người mẹ nào cũng quan tâm, ước vọng ở con trẻ như thế.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai là một người lính đã qua chiến tranh, đã được chiêm nghiệm bằng cả cuộc đời mình. Người cha trong Đỗ Trung Lai, bằng những kinh nghiệm ấy, đã khuyên con trong lời ru, để con lớn lên, nhất là "thân gái ở đời" có những gì cần thiết để tránh vấp ngã, cám dỗ.

Bao người mẹ xưa đã từng căn dặn:

Ra đi mẹ dặn câu này

Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua

Cũng dùng cách nói như xưa, Đỗ Trung Lai đã căn dặn con gái mình:

Đò đầy, phá rộng, sông sâu

Có qua thì lúc bạc đầu hãy qua

Cha không cấm nhưng lúc bạc đầu hãy qua. Phải, đến lúc ấy, con mới hiểu lòng cha và con mới đủ sức, đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để vượt qua những phong ba của cuộc đời.

Còn một điều này nữa, không biết cha có nên khuyên con? Đỗ Trung Lai đã tự hỏi thế! Nhưng rồi tác giả phải nói nỗi niềm của mình với con gái yêu:

Yêu thơ cùng với yêu hoa

Cũng đừng yêu quá như là bố yêu

Với thơ và hoa - hay nói chung là với nghệ thuật - có yêu thì yêu nhưng đừng quá yêu... như bố yêu! Phải chăng, vì "cơm áo không đùa với khách thơ"?

Xem chừng, khuyên nhủ, cầu mong cho con như thế đã đủ rồi, tác giả tự an lòng đôi chút:

Đi cùng con lúc tuổi hoa,

Đời người ngắn lắm, bố già đến nơi.

Nay mai giời gọi lên giời

Cũng là đã có mấy lời cho con

Nhưng rồi tác giả lại lo âu, liệu mai sau con khôn lớn, thời thế khác, vật đổi sao dời, con có nhớ đến lời mình không?

À ơi máu đỏ như son,

Mai sau con lớn con còn nhớ chăng?

Đọc xong bài thơ, chúng ta hoàn toàn cảm thông với tâm trạng của người cha Đỗ Trung Lai. Cầu mong sao mọi đứa trẻ trên đời này, đều có những mái ấm, có những người cha, người mẹ như tác giả bài thơ Tôi ru con gái tôi.

 

. Trần Xuân Toàn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một chuyện tình thời tin nhắn   (27/07/2003)
Đọc bài thơ "Lời ru hài cốt ngủ trên lưng" của Bùi Nguyên Ngọc   (25/07/2003)
"Về thôi nàng Vọng Phu"   (25/07/2003)
Bài thơ Một vai tuồng của Hương Đình   (24/07/2003)
Văn học nghệ thuật miền núi Bình Định   (23/07/2003)
Nụ hôn đầu tiên   (22/07/2003)
Bài thơ "Đề Mai Sơn thọ viên" và nhân cách Đào Tấn   (21/07/2003)
Hướng nào dành cho những cây bút trẻ?   (20/07/2003)
Thà như chiếc lá   (18/07/2003)
Nơi khơi nguồn thơ mới   (17/07/2003)
Đông tím   (17/07/2003)
Một vài ý kiến tâm huyết về "Văn học thiếu nhi và văn học trẻ Bình Định"   (15/07/2003)
Gói nhân tình   (14/07/2003)
Hoàng hôn quê ngoại   (13/07/2003)
"Tài" và "Tâm" Nguyễn Tuân   (11/07/2003)