Truyện ngắn:
Mưa rửa bùn
16:8', 1/8/ 2003 (GMT+7)

Mưa sầm sập. Chú tiểu mặc bộ nâu sồng bạc phếch, vai mang chiếc bị cói đựng đầy nhang, một tay cầm gậy dò đường. Thỉnh thoảng, chú nâng cái tù và tre đeo lủng lẳng trước ngực lên môi, thổi từng hồi. "Tốc, tốc, tuýt…" Tiếng tù và rời rạc và buồn thảm, nghẹt nghẹt trong mưa. Một cô gái bán nón đi ngược chiều dụi mắt nhìn kỹ. Chú tiểu này mù, trời ạ. Cô kêu khẽ rồi nắm lấy cây gậy dặc dặc: "Trời đất! Mưa gió vầy mà thổi tù và bán nhang cái nỗi gì. Để chị dắt vô chỗ đụt, nghen?". Chú tiểu mù nghe tiếng nói thanh thanh, nở một nụ cười bằng lòng. Nụ cười thiếu ánh mắt hỗ trợ, nom rất ngây ngô.

Cô gái dắt chú tiểu tới Nhà tiếp dân của ủy ban huyện. Hôm nay không có lịch, cửa đóng. Trên cái hè rộng có hai chiếc băng đá, đã có mấy người ngồi đụt mưa. Một ông áo trắng trạc sáu mươi, gầy, dáng điệu nghiêm và lành, ôm một bé gái kháu khỉnh. Một ông trẻ hơn, mập ú, cổ ngắn, cằm nhẫy mỡ. Ông cằm nhẫy rất diện, ngoài cùng một bộ vét màu lông chuột, bên trong lần vét là áo len xám Trung Quốc rồi mới tới sơ-mi cài kín cổ, chân đi giầy Ý bóng lộn. Họ ngồi băng bên trái. Góc trong cùng băng bên phải là bà già buôn trầu mà cô rất hay gặp ở các phiên chợ. Cô gái dựng cây gậy của tiểu mù vào góc tường rồi ngồi ghé bên bà và kéo tiểu mù ngồi xuống. Trong khi cô gái ngắm dãy hoa văn cầu kỳ trên ngực áo len của ông cằm nhẫy thì chú tiểu khịt mũi. Chú vừa nhận ra trong không khí mùi nước hoa của một người hay tới chùa kể việc từ thiện, nhưng chú làm thinh, tẩn mẩn gỡ lớp ni-lông phủ trên chiếc giỏ cói, sờ soạng những bó nhang lèn thẳng đứng bên trong.

Một người vén mưa bước tới. Cô gái dè dặt nhìn. Anh ta rũ nước mưa trên người. Vô ích. Mưa đã tẩm kỹ cái đầu trần. Chiếc áo xanh của anh những chỗ thấm nhiều nước như vai và ngực thì sẫm mầu hơn những chỗ khác. Anh thả cái nhìn lơ đễnh qua một lượt, lập tức nỗi buồn trùm khắp vỉa hè. Giữa cái nhăn nheo héo úa của bà già và cái cười vô sự của chú tiểu, gương mặt cô gái tươi như hoa vừa tắm sương. Trong bóng nhờ nhợ của ngày mưa, chồng nón trắng cô để ngửa trên lòng tỏa ra thứ ánh sáng êm dịu, khiến dáng ngồi của cô lung linh lạ thường. Người áo xanh ngồi cạnh chú tiểu. Chú tiểu lại khịt mũi. Mưa đã làm trôi hết hơi người của kẻ mới đến. Chú không sao đoán được đó là người thiện hay không thiện. Người áo xanh thò tay vào ngực áo lấy thuốc lá và hộp quẹt ga. Tiểu mù nghe tiếng bật lửa xẹt xẹt, biết là đá ẩm, bèn lấy hộp diêm của mình đưa cho anh. "Ngoan lắm!", anh khen. Lửa vàng liếm đầu điếu thuốc, nhưng điếu thuốc cũng thấm ướt, không chịu bắt lửa. Anh tặc lưỡi, đưa trả hộp diêm cho chú tiểu. Tay anh to lớn, mới chạm vào chú đã thấy nặng.

Cô gái sẽ liếc người áo xanh. Ánh mắt hai người chạm nhau làm trái tim cô lảy nhẹ một cái trong ngực. Cô run run lên tiếng hỏi chú tiểu:

- Chú tu chùa nào?

- Dạ, chùa Khổ Trúc. - Chú tiểu trả lời.

Bà già trầu gật gật ra vẻ biết chùa Khổ Trúc. Tiểu mù hấp háy đôi tròng trắng đục. Người mặc áo xanh trông trời. Trời bây giờ là một bể mưa mù mịt, không thấy đáy. "Không khéo nước cường trở lại thì khốn!" - anh nói nhỏ. Bà già trầu ca cẩm:

- Ông Trời không thương dân. Mồng ba lụt một trận. Hăm ba lụt tiếp trận nữa, Ông tha Bà hổng tha. Nước mới giật bữa qua, bữa nay mưa nữa. Cái gì lạ!

Cô gái thủ thỉ:

- Xóm cháu trôi mươi nóc nhà.

Tiếng nói thanh thanh của cô được mọi người chú ý, kể cả người áo xanh đang mải trông mưa. Ông cằm nhẫy nói oang oang:

- Đợt rồi tôi quyên được bảy triệu tám trăm hai mươi lăm ngàn năm trăm đồng, mười tám thùng mì cua đặc biệt, ba mươi hai thùng mì tôm thường, tám mươi ba bộ quần áo cũ. Đã chuyển tới cho đồng bào vùng trũng chiều hôm kia. Ai dè trời lại lụt đúp như vầy.

Bà già trầu tấm tắc:

- Tiền triệu lựng à? Tui trẩy nguồn xuôi chợ cả đời chưa biết tới tiền triệu. Ông phúc đức cao dày, con cái sau này ấm thân.

- Tôi hiếm muộn, chưa có con. Vợ tôi chịu ly dị để tôi tái duyên với người khác, nhưng tôi chưa tìm được người hợp ý.

- Tội nghiệp! - Bà cụ chép miệng.

Ông cằm nhẫy tươi hơn hớn. Mùi nước hoa từ ông bỗng bốc ngào ngạt. Chú tiểu hơi chóng mặt.

Thêm một người. Anh này vừa nhảy bước một lên mấy bậc hè vừa phàn nàn. Khi anh cởi áo mưa ngồi xuống cạnh ông cằm nhẫy, ông này nhăn mặt xích sát ông áo trắng. Con bé thấy ông nội bị lấn, nghiêng đầu dòm. Người áo xanh hỏi:

- Thành công không mày, Sang?

Mắt người đến sau ánh lên rồi lại sầm ngay xuống:

-Thành công con mẹ gì! Bi thảm lắm anh Điền ạ.

- Mấy? - Người áo xanh hỏi vắn tắt.

- Vớt được bốn. Có một cái xác trương phồng nhớt nhợt, chạm vào cứ trôi tuột đi. Mất nửa ngày mới đưa lên được. Em nôn suốt từ xế hôm trước tới sáng hôm sau, không lặn nổi nữa. Sếp Khả điện cho nghỉ, cắt thằng khác lên thay. Anh cho em điếu thuốc.

Người áo xanh ra hiệu không có. Ông áo trắng cứ trăn trở nhìn người áo xanh. Hình như ông muốn nói gì, nhưng lại thôi. Bà già khom lưng giở cái mẹt đậy thúng trầu, lấy ra một túi ni-lông nén chặt thuốc rê và mấy tập giấy quyến:

- Té ra các chú đi vớt người chết đuối. Phúc đức quá! Mời các chú hút đỡ miếng thuốc cho ấm người.

Điền và Sang đưa hai tay nhận. Ông cằm nhẫy làm như sực nhớ, thọc tay qua lần áo len lấy từ túi sơ-mi bao ba số ra mời. Điền nói:

- Cảm ơn. Hút thứ này đã hơn. Chú tiểu, cho anh chút lửa.

Sang nghe Điền gọi "chú tiểu" thì đưa mắt tìm:

- Nhóc, mày không nhận ra anh trai à?

Chú tiểu cười:

- Có, con nhận ra giọng ông. Ông đã dắt con qua đường, lại cho con ăn phở.

Biết mình nói hớ, chú nín bặt. Sang cười phá lên. Ông cằm nhẫy vừa cười vừa đưa đôi bàn tay chuối mắn làm cử chỉ đầu hàng đùa cợt. Bà già trầu rên:

- Phải tội xuống địa ngục mất. Sao đi tu mà dám phạm giới, hở con?

Sang phẩy tay:

- Nó bị người lớn bỏ rơi ở cửa Phật, sư cụ trụ trì chùa Khổ Trúc thương tình lượm về nuôi. Nào phải tu hành gì.

Chú tiểu nói:

- Ông Sang bảo con ăn phở trứng không mắc tội. Con đã thưa thiệt với thầy con rồi.

Ông cằm nhẫy hỏi:

- Thầy mày bảo sao?

- Thầy con nói: tội nghiệp!

Bà già trầu bảo:

- Vậy là thầy quở đó!

Điền nhìn chú tiểu:

- Ngoan lắm! Thành thật thì Phật không bắt tội. Hồi xưa Phật cũng uống một cốc sữa tươi của tín đồ dâng trước khi nhập Niết bàn.

- Anh cũng về nghỉ à? - Sang hỏi.

Điền đáp:

- Không, tao về nhận một tổ đi mũi mới. Sếp Khả bảo ra mạn bắc, ở đó học trò qua sông bị trôi mấy đứa. Mẹ kiếp, quê nghèo chưa đủ sức làm cầu. Đi cầu sạp hay đi đò đều mong manh!

Ông cằm nhẫy nói:

- Nhưng mà cầu sạp mùa nắng thơ mộng lắm, nó như con rồng trắng nằm duỗi trên sông.

Sang hắt xì hơi. Liền theo tiếng hắt xì hơi là một câu chửi thề. Cô gái hơi cau mày. Sang thấy nhưng mặt tỉnh khô. Anh trót quen miệng. Ông áo trắng rụt rè hỏi Điền:

- Dạ thưa, anh là anh Điền công tác ở Liên hiệp trục vớt cứu hộ, chỗ ông Khả làm giám đốc?

Điền chưa kịp trả lời, Sang sốt sắng:

- Đúng đúng. Anh em cháu là lính sếp Khả. Bác quen sếp Khả?

- Dạ không, tôi biết chớ không quen ông Khả. Có điều anh Điền đây là ân nhân của gia đình tôi. Tôi đã nghe tên mà chưa biết mặt.

Ông áo trắng đặt cả hai tay lên đầu gối Điền, bóp bóp. Cái nhìn của ông sau cặp kính trắng đầy ngưỡng vọng khiến Điền lúng túng.

- Thưa, tôi không nhớ, không biết là đã giúp gì cho bác?

Ông áo trắng chỉ tay vào túi ngực mình, ở đấy đính một mảnh vải đen. Giọng ông ngùi ngùi:

- Con trai tôi… Nhờ có anh mà tìm được xác cháu… ở kẹt Gành… năm ngoái. Nó là chú út của con nhỏ này.

Mặt Điền chợt hiu hắt:

- Dạ vâng. Nhà ta lập đàn cầu hồn em suốt ba ngày đêm trên bờ biển… Không có bác ở đấy?

Ông áo trắng nói:

- Dạ, tôi lúc đó đang ở bãi Dại. Có một tổ lặn ở đó, vì theo hướng gió, người ta đoán có khi cháu dạt về phương ấy. Sau về nghe nhà tôi kể lại, tôi có tới chỗ ông Khả, ngỏ ý muốn đền đáp xứng đáng công ơn của các anh, nhưng nói sao ông Khả cũng từ chối.

Điền bảo:

- Bác không nên như thế.

Bà già trầu nói:

- Người làm ơn không kể ơn mới là quý. Người thọ ơn không quên ơn cũng quý không kém.

Sang nói:

- Thợ lặn ông Khả có một nguyên tắc: Vớt người, không cầm thứ gì của khổ chủ, dù chỉ một cọng rơm.

Ông cằm nhẫy cười hinh hích:

- Rơm thì không cầm, nhưng vàng có cầm không?

Sang quắc mắt:

- Hỏi hay đấy!

Điền vỗ nhẹ lên vai Sang, ra hiệu đừng chấp. Ông áo trắng trách ông cằm nhẫy:

- Ông anh giỡn không phải người phải lúc. Bà vợ tôi tạ ơn hai lượng vàng, anh Điền đây nhất quyết không lấy.

Ông cằm nhẫy mắc cỡ, len lén dòm quanh. Ánh mắt cô gái chát chúa chiếu vào ông. Ông vội vã ngó lảng đi. Cô gái hơi nghiêng người, nhìn Điền qua làn mi rợp. Vai ngang, ót thẳng, mái tóc đã điểm vài sợi bạc. Gương mặt trông nghiêng xương xương nhuốm u hoài. Sao anh ấy mệt mỏi buồn bã thế kia? Cô trở người, cảm thấy vai mình chạm vào cánh tay Điền đang choàng qua vai chú tiểu. Người cô như có luồng điện truyền qua.

Chú tiểu ngủ gật, suýt ngã bổ. Điền vội ôm chú cho dựa hẳn vào mình, nói với Sang:

- Chú tiểu này nội công coi bộ khá nghen mậy. Nó dựa tao, tao sợ nó nhiễm lạnh, ai dè nó hơ tao khô ran luôn.

Sang ngó chú tiểu một cách trìu mến, nói:

- Sư cụ Khổ Trúc kể là cách đây mười mấy năm, sau hồi công phu buổi trưa, sư cụ đi đái. Nghe tiếng khóc khản đặc yếu ớt vọng lại, sư cụ bèn tìm xung quanh thì thấy một trẻ sơ sinh đỏ hỏn ở bờ tre, bị kiến bù nhót bâu kín. Ông vội rũ kiến, bế nó vào chùa nhỏ nước đường cho đỡ khát rồi dùng khăn nhúng nước ấm chặm khắp thân thể nhỏ xíu đã sưng tấy. Khi chạm tới vùng mắt, ngón tay ông bỗng hụt đi. Thì ra kiến đã khoét mất mắt trái thằng nhỏ. Mắt phải cũng bị kiến cắn nhòe nhoẹt, đang chảy ra một thứ nước vàng. Sư cụ thương xót, hết sức chạy chữa mong giữ cho nó chút ánh sáng nhưng vô hiệu. Con mắt còn lại tuy qua được tình trạng thối rữa, lành lặn dần nhưng không còn khả năng trông thấy.

Bà già trầu giương hết thính lực để nghe đủ lời Sang nói. Nghe xong, bà nhắm mắt vừa lâm râm niệm đức Quan thế âm bồ tát vừa rủa người mẹ vô đạo đành lòng bỏ con. Ông áo trắng vuốt tóc đứa cháu nội. Cô gái nhè nhẹ cầm bàn tay gầy nhỏ của chú tiểu ấp giữa hai bàn tay mềm mại của cô. Điền nhìn say gương mặt ngây thơ của chú tiểu, giọng nghẹn đắng:

- Con tao không còn mẹ, vẫn đỡ hơn thằng nhóc này, phải không mậy?

Sang không đáp. Mắt cô gái vụt đỏ hoe.

Cho đến khi bà già thôi niệm Phật và nguyền rủa thì chú tiểu thức dậy.

- Vẫn còn mưa to hở ông?

Chú tiểu hỏi như để cảm ơn người đã cho chú dựa lúc ngủ. Thật ra dù còn ngái ngủ, chú vẫn nghe rất rõ tiếng mưa chảy xiết xiết trên khoảng sân xi măng. Điền nói:

- Ừa, có khi còn to hơn.

Chú tiểu nói:

- Lạy trời đừng lụt nữa. Lụt to, tre hú nghe dễ sợ lắm.

- Ừa. Tre hú nghe lạnh cả người.

Cô gái nói, mặt thoáng một nét tao tác, như thể có tiếng hú nào vừa lướt qua. Điền hỏi chú tiểu:

- Tre hú thế nào?

Chú tiểu chúm môi:

- Hú như người khóc.

Ông áo trắng nói:

- Tre làm sao mà hú được. Đó là gió hú, gió luồn qua các lỗ tròn trên thân tre, buột thành tiếng âm u, có nước đưa hơi thành chuỗi dài, nghe rờn rợn. Nhất là khi đi sõng nhìn bốn bề trắng xóa, rơm rạ giăng mắc trên cành cây, thê lương không chịu nổi!

Ông cằm nhẫy thấy mọi người quan tâm chuyện tre hú thì xen vào, giọng còn ngường ngượng:

- Tưởng gì. Các vị có biết con kiến chuyên sống ở bụi tre không? Nó là con kiến eo, răng nó còn sít hơn răng dì ghẻ. Nó nghiến thân tre thành những lỗ tròn, chui vô ruột tre làm ổ. Mùa mưa nó chuyền lên các lóng tre trên cao đục lỗ. Nước rút tới đâu nó xuống tới đó. Các lỗ trên cao trống, gió mới thổi kèn được. Chung quy tại cái con kiến eo.

Bà già trầu góp chuyện:

- Quê tui năm nào cũng lụt. Tui nghe tre hú nhão cả ruột. Quý ông nghĩ sao chớ tui thì tui nghĩ đó là ma khóc. Ma gia uổng tử, lạnh lẽo đói khát. Bà con tui bày nhau cứ hướng về bụi tre khấn khứa yên ủi, rồi vãi gạo với muối là bốn phía lặng ắng như tờ.

Chú tiểu nói:

- Thầy con kể năm Giáp Thìn lụt dữ, thầy con dạy học trên huyện, theo sõng về đầu làng. Nghe tre hú não nùng, thầy đoán vợ con thầy chết trôi. Quả thiệt như vậy. Thầy con mới đi tu đó chớ.

Ông áo trắng trầm ngâm:

- Khổ Trúc, Khổ Trúc. Cây tre đắng ư? Tâm tư sư cụ mang nặng nỗi thống khổ.

- Thầy mày còn làm ruộng nổi không, nhóc? – Sang hỏi.

- Dạ còn chút đỉnh. Thầy con trồng bông với làm nhang là chính.

Sang lại hỏi:

- Lúa chùa bông chùa sâu rầy có cắn không?

- Có chớ. Sâu rầy làm sao biết đâu là lúa chùa, đâu là lúa thường.

- Vậy làm sao?

Tiểu mù hồn nhiên:

- Dạ thầy con phun thuốc trừ sâu, rồi tối về cầu siêu cho lũ nó.

Sang cười khà khà. Bà già trầu đe Sang:

- Chọc người tu hành phải tội đó nghe chú. - Rồi bà hỏi tiểu mù - Một bó nhang bao nhiêu?

- Dạ, một ngàn.

 Bà già trầu mặc cả:

- Hai bó ngàn rưởi được hông?

- Mô phật! Con không biết thách.

Bà già trầu cười móm mém:

- Tui giỡn chút thôi. Hai ngàn thì hai.

Bà lần tay vào yếm. Cô gái tròn mắt. Lâu lắm cô mới lại thấy một bà già mặc yếm. Chiếc yếm nâu cổ kiền vừa che thân cho ấm, vừa là cái hồ lô của người già. Bà lôi từ bụng yếm một cái đãy gấm nhỏ, rút trong đó ra hai bì ni lông gấp kỹ, đưa lên thật gần mắt để nhìn. Những ngón tay khô gầy lễ mễ lấy trong chiếc bì thứ nhất một gói giấy, cẩn thận mở: bên trong là cái bì thư cũ kỹ gấp tám với một tấm ảnh bằng nửa bàn tay. "Ùi ùi! Con trai tui! Con trai tui nè cô!" Bà khoe tấm ảnh cũ kỹ với cô gái." – "Dạ, ảnh đẹp trai ghê heng bác?", cô gái khen cho bà vui. Bà già hài lòng ra mặt. Bà lại đưa tấm ảnh khoe với ông áo trắng. Ông áo trắng sửa kính mắt, nói: "Ngon trai thiệt! Đây là con đầu hay con út của cụ? Cụ được mấy dâu mấy cháu?". Bà già nói: "Tui đầu đuôi chỉ có mình nó. Nó hy sinh năm bảy chín ở Tây Nam". Ông áo trắng giật mình áy náy. Ông cằm nhẫy nói giọng kẻ cả: "Lỡ lời là chuyện khó tránh của bậc quân tử." Bà già lọng cọng gói ảnh và thư con trai, kỹ lưỡng nhét vào bì, gấp nếp, bỏ vô đãy, nắn nắn thử đã yên chưa. Xong đâu đấy bà mới mở chiếc bì thứ hai, lần này sau lớp giấy gói đúng là tiền, những đồng tiền răn reo vì qua tay nhiều người đã được bà làm ngay ngắn trước khi cất trong mình. Bà chọn tờ năm ngàn còn thẳng đặt vào tay chú tiểu. Chú tiểu dùng mười đầu ngón tay vuốt vuốt tờ giấy bạc. Ông cằm nhẫy quan sát chú một cách thích thú. Cô gái định lên tiếng thì chú tiểu nói:

- Bà không có tiền nhỏ để đưa con sao? Bữa nay con chưa bán được bó nào, không có tiền thối cho bà.

Bà già cười:

- Thôi khỏi thối lại, tui gửi chú mấy đồng ăn xôi. Sao chú biết không phải hai ngàn?

Chú tiểu đưa trả tờ bạc:

- Dạ con rờ lâu cũng quen tiền. Con không dám nhận. Bà không có tiền nhỏ thì mua nợ, bữa sau bà trả con cũng được.

Bà già miễn cưỡng đổi tờ bạc, mặt lộ ý buồn. Chú tiểu cất tờ hai ngàn vào túi trong và cài kim băng. Sang bật cười:

- Cẩn thận ra phết. Có khi nào mày mất tiền không, nhóc?

- Mô phật! Con không thấy ngõ nên đôi khi cũng bị…

Con bé chợt nói to:

- Sao không báo công an tìm cho? Gần nhà em có chú công an giỏi lắm nha, mất gì chú cũng tìm được, hả ông nội?

Mọi người bật cười. Sang âu yếm nhìn con bé. Ngồi trong lòng ông nội, nó tựa như mụt măng non hăm hở hút khí trời giữa miền tre trúc, không có vẻ gì e sợ mưa gió. Anh thấy lòng bình yên trở lại. Những ám ảnh chết chóc nhớt lạnh dưới làn nước bạc mà mới hôm qua, anh và đồng đội còn chạm tay vào đã tan biến. Sang bất giác hát khe khẽ trong tiếng mưa trầm trầm. Ông cằm nhẫy lại oang oang:

- Nghe nói súc vật chết trôi nhiều vô kể. Tình hình này môi trường ô nhiễm nặng. Sau lụt đồng bào đau ốm hung đây. Chắc tôi phải quyên thuốc để phát cho họ.

Sang tán thành:

- Hay đấy! Nhiều nhà bị trắng tay, màn trời chiếu đất. Gạo không có ăn nói gì đến tiền thuốc. Ông cố giúp dân được chút nào hay chút ấy.

Điền cũng gật đầu. Ông cằm nhẫy lia mắt một vòng, thấy mọi người đồng tình thì khoái chí nghĩ thầm: "Nội phi vụ quyên thuốc tây này tính non ra mình cũng kiếm được bạc triệu".

Tiểu mù quờ quạng tìm gậy. Điền hỏi:

- Mưa còn nặng hột, em đi bây giờ à? Ngõ xuống chùa Khổ Trúc chắc chắn bị ngập rồi, làm sao em về tới nơi?

- Con đi được. Con phải về không thầy con lo.

Ông cằm nhẫy dặn chú tiểu:

- Nói với sư cụ là có ông Lạc từ thiện gửi lời thăm.

Chú tiểu khựng lại:

- Mô phật? Ông Lạc? Có phải hôm rằm tháng giêng ông nói với thầy con là ông cúng vào thùng phước sương năm trăm ngàn không?

Ông cằm nhẫy hơi chột dạ, nhưng nói cứng:

- Phải. Sao?

- Tối hôm đó nhà chùa kiểm lại có hơn ba trăm ngàn, mà là tiền cúng của bao nhiêu khách thập phương trong ngày.

Ông cằm nhẫy nổi đóa:

- Đồ ngu. Mày mù lòa biết gì! Tao cúng đủ năm trăm.

Tiểu mù bình tĩnh:

- Dạ, con cũng nghe ông nói với thầy con như vậy, nhưng tiền cúng thì thiếu. Sau đó thầy con bảo chúng đệ tử có thể thầy già cả, nghe lộn.

Ông cằm nhẫy giận tía mặt, chồm qua nắm ngực áo tiểu mù, gằn giọng:

- Mày tật nguyền, chớ không thì… Đợi đấy! Thể nào tao cũng bảo sư cụ phạt mày quỳ rục cẳng, tụng kinh sám hối sùi bọt mép cho chừa thói nói láo!

Điền gỡ tay ông cằm nhẫy, kéo tiểu mù tới sát bên mình. Sang bảo:

- Tiểu nhỏ, thầy mày lễnh lãng đó. Ông đây cúng năm trăm đồng chớ có phải năm trăm ngàn đâu?

Cô gái rúc rích cười. Bà già than:

- Sao nỡ đi lừa nhà chùa! Phải tội xuống âm ty mất!

Ông cằm nhẫy la:

- Bà già! Bà bảo ai lừa?

Tiểu mù chắp tay:

- Mô phật!

Điền nhìn đồng hồ, bảo Sang:

- Mười hai rưỡi. Thế này nhé, tao đưa tiểu nhỏ về chùa. Mày báo với sếp cứ cắt một tổ mới, trang bị gọn, từ ba giờ chiều tao đón họ ở đây.

Sang bảo:

- Hay anh về, để em.

- Không. Mày tái xanh tái tử thế kia, về nghỉ cho hồi sức. Nhớ ghé qua cho mẹ tao biết chừng, dặn bà chăm thằng Bi kỹ giùm tao. Bảo anh em đúng chỗ này nghe chưa!

Điền khoác áo mưa cho chú tiểu rồi đỡ chú xuống hè. Khi họ ra khỏi cổng khu tiếp dân, cô gái đứng dậy nhìn theo, nói:

- Anh gì áo xanh ấy đã cõng chú tiểu lên lưng rồi. Bắt đầu lội đấy…

Ông cằm nhẫy nhận xét:

- Tay ấy ngó qua cũng biết là người chuyên rước khổ vào thân.

Ông áo trắng bảo:

- Nói trộm vong con tôi, năm ngoái không có anh ấy chắc xác cháu chỉ còn nước bị cá rỉa. Lặn ngụp hai hôm không thấy tăm tích, cánh thợ lặn ông Khả đã nản. May mà anh ấy không chịu bỏ cuộc.

Sang nói:

- Vợ anh Điền mất đúng hôm vớt con bác đấy. Chị đau tim đột ngột, người nhà đưa vào bệnh viện không cứu kịp. Lúc ấy có lẽ anh Điền đang ở dưới nước.

Ông áo trắng thảng thốt:

- Vậy mà tôi không biết chi cả. Thật có lỗi với anh ấy!

- Không, lỗi phải gì đâu, bác. - Sang nói.

Cô gái bảo:

- Hèn chi hồi nãy nhắc chuyện cứu nạn con bác, mặt anh ấy buồn hiu.

Bà già xuýt xoa:

- Người tốt như chú ấy còn được mấy mươi!

Ông cằm nhẫy cười tủm. Ông ta đã có chút ít kinh nghiệm về việc bày tỏ thiên kiến giữa đám đông này. Ông thầm tính sẽ bắt đầu kế hoạch quyên thuốc như thế nào. Phải nhanh chân hơn cánh Chữ thập đỏ mới được. Ông tự nhủ rồi rút trong túi tấm cạc màu xanh lơ, say sưa ngắm trái tim đỏ thắm in cạnh dòng họ tên ông được ép nhũ vàng, và cười tủm cái nữa. Cô gái nãy giờ ngó chừng ông không dứt. Nhìn cái miệng tum húm của ông, cô cố ghìm để khỏi mắng ông là đồ vô duyên.

Bà già trầu lẩm bẩm:

- Trời làm lụt lội, lấy đi sinh mệnh, của cải. Rồi lại cho thêm sinh mệnh, của cải. Sang năm chắc được mùa to.

Ông áo trắng nói:

- Của trời cho không đều. Trời bù đắp chung chung vậy thôi. Như đong lúa, như rót rượu, biết là bấy nhiêu đấy, mà chắc lép, ngọt nhạt không ngang nhau. Khổ đau, vui sướng thiên hạ không ngang nhau.

Ông cằm nhẫy chêm vào:

- Bởi vậy con người mới nhọc tâm tính chuyện nhón bớt chỗ này bù cho chỗ kia.

Sang kháy:

- Chi li như ông đi làm từ thiện chắc là công bằng.

Ông cằm nhẫy thản nhiên:

- Từ thiện là công tác tình thương có tính nguyên tắc.

Ông áo trắng nói:

- Tôi tưởng tình thương mới là nguyên tắc cao nhất của từ thiện.

Cô gái hỏi con bé:

- Ba cháu làm gì?

- Ba cháu là bác sĩ Cao Trung Bình, công tác bệnh viện đa khoa tỉnh, nhà số năm bảy xuyệt một đường Lạc Long Quân.

Ông áo trắng cười:

- Ba cháu dặn cháu như vậy phòng khi cháu đi lạc.

Con bé lắc đầu quầy quậy:

- Nội ơi, con không có đi lạc. Ba bảo con nhớ để quảng cáo, kêu bệnh nhân đến khám ở chỗ ba nhiều lên. Uống Đề- cô- gen bạn thấy thế nào? Khoẻ! Uống thuốc bác sĩ Bình kê đơn thế nào? Khoẻ. Ba Bình chữa thì tốn ít tiền thôi. Để cho ba Bình chữa thì ai cũng mau khỏi, mau được chạy ra ngoài chơi.

Cách giải thích ngộ nghĩnh của bé làm mọi người cười ầm. Nó phụng phịu. Sang dỗ nó:

- Ba cháu rất tuyệt! Cháu cũng rất tuyệt!

Ông áo trắng nói từ tốn:

- Sắp yên rồi. Mưa rửa bùn.

Mấy tiếng mưa rửa bùn làm Sang xốn xang trong dạ. Anh nhớ những cơn mưa rửa bùn hồi bé dại. Trong mưa, người quê anh thắp nhang tạ trời đất và khấn gọi hồn cây trở về. Độ tàn một tuần nhang thì mưa dứt hột. Lúc ấy chim khướu và chim khách thi nhau ríu ran. Cha anh bảo đó là tiếng chim báo bình yên. Mẹ anh thể nào cũng dắt các con ra vườn, vuốt ve từng thân cây còn thất thần sau đợt dầm nước lụt. Khi thầm thì gọi từng nhánh lá mau hồi phục, gương mặt mẹ bừng lên một niềm tin thánh thiện mà anh hiếm khi được thấy lại dọc đường đời, trên một gương mặt khác, trong một ánh mắt khác. Giọng Sang dường xa xôi:

- Từ nhỏ tới giờ tôi chưa thấy cơn mưa rửa bùn nào khiếp như vầy.

Hình như bà già nghe được những lời Sang vừa thốt. Đôi mắt già nua in bóng cơn mưa đang mỗi lúc một mỏng ngoài trời, bà nói nhẹ như ru:

- Lụt to thế nào thì mưa rửa bùn to thế ấy.

Cô gái ghé tai bà:

- Bà ơi, ngớt mưa rồi. Hai bà cháu mình đi đi!

Mọi người lục tục đứng dậy. Bà già trầu còn khòm xuống giở mẹt, mò mò trong lòng thúng lấy ra một túi đựng vài chục con tò he xanh đỏ. Bà chọn hai con xinh nhất, đặt vào tay con bé. Nó thích quá cầm ngay lấy, quên cả cảm ơn. Ông áo trắng nói:

- Cảm ơn bà đã cho quà cháu. Bà mua chi nhiều vậy?

            Bà già trầu móm mém cười:

- Đâu có. Tui nặn đó chớ. Người ăn trầu trang lứa tui ngày càng thưa thớt, bán trầu ế ẩm quá. Tui già cả làm gì ra tiền, nặn tò he kiếm thêm đồng mua rau mua mắm. Với lại, xanh xanh đỏ đỏ, trẻ nhỏ nó ham thì mình cũng vui.

Ông áo trắng áy náy:

- Ra vậy, bà cho tôi gửi tiền.

Bà già xua tay:

- Hổng được! Tui cho cháu mà!

Dứt lời, bà quàng tấm tơi lá vào người. Trông bà thật nhỏ thó với chiếc thúng trầu đội trên đầu. Sang vội dìu bà xuống hè. Bà cười phúc hậu:

- Chú tử tế vầy để tui lựa đứa con gái nào tốt tui mai dong cho.

- Cô này bà nhé?

Cái nhìn tinh nghịch của Sang khiến cô gái bẽn lẽn. Cô ôm chồng nón khép nép đi cạnh bà già. Ông áo trắng đòng đòng đứa cháu gái trên vai. Con bé cười khúc khích với Sang khi thấy ông cằm nhẫy ì ạch tháo giầy.

Trước lúc cùng cô gái rẽ qua đường khác, bà già trầu còn chúc:

- Trời tạnh rồi, quý ông với cháu nhỏ đi bằng an, mạnh giỏi!

 

. Trần Thị Huyền Trang

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sau trước với Pleiku   (31/07/2003)
Để có được một mùa vàng   (31/07/2003)
Xin đời cho có đôi   (31/07/2003)
Nỗi lòng người cha với con trẻ   (28/07/2003)
Một chuyện tình thời tin nhắn   (27/07/2003)
Đọc bài thơ "Lời ru hài cốt ngủ trên lưng" của Bùi Nguyên Ngọc   (25/07/2003)
"Về thôi nàng Vọng Phu"   (25/07/2003)
Bài thơ Một vai tuồng của Hương Đình   (24/07/2003)
Văn học nghệ thuật miền núi Bình Định   (23/07/2003)
Nụ hôn đầu tiên   (22/07/2003)
Bài thơ "Đề Mai Sơn thọ viên" và nhân cách Đào Tấn   (21/07/2003)
Hướng nào dành cho những cây bút trẻ?   (20/07/2003)
Thà như chiếc lá   (18/07/2003)
Nơi khơi nguồn thơ mới   (17/07/2003)
Đông tím   (17/07/2003)