Đến đây anh hát với nàng
17:7', 3/8/ 2003 (GMT+7)

Ca dao, dân ca là tiếng hát của người bình dân. Người bình dân vui say lao động, qua tiếng hát họ trao gửi tình cảm cho nhau. Có biết bao cặp bạn đời đã sống trọn tình vẹn nghĩa với nhau, vì được bắt đầu từ cái thuở "chàng hỏi thiếp đáp" trong những cuộc hát như thế này:

 

Vô đây, ớ bạn vô đây

Trầu têm cánh phượng, bỏ khay ngô đồng

Thuốc ngon vấn điếu xây giồng

Một bầu rượu cúc, hai hàng chén chai

Tối trời em chẳng biết ai

Chào chung một tiếng sáng mai sẽ nhìn. ..

 

Công việc lao động không thể thiếu tiếng hát. Chính vì thế đến với hội hát, con người cùng hòa đồng và cùng thể hiện tâm tư của mình. Cô gái hát khích một trai làng bên, đến với hội hát mà chỉ biết "ngóng cổ nghe" thôi:

 

Tới đây chẳng hát thì hò

Há phải con cò ngóng cổ mà nghe?

 

Chàng trai cũng không vừa đã đáp lại:

 

Ngóng cổ nghe vì e em bậu

Gặp phải anh chồng xấu máu hay ghen

 

Có đúng vậy chăng? Không, đó chỉ là một cách đánh trống lảng của chàng trai mà thôi. Bởi đến với cuộc hát, chỉ có "chàng" và "nàng" mặc dù người hát là ông già, bà cả đi chăng nữa cũng xưng hô như thế. Trong sinh hoạt dân ca quan họ Bắc Ninh hay trong hát ví dặm Nghệ Tĩnh, hoặc đối đáp nam nữ ở các tỉnh miền Trung, người hát đều hiểu ngầm với nhau đó chỉ là chuyện văn nghệ, khác với chuyện ngoài đời. Do đó ít xảy ra cảnh ghen tuông do các cuộc hát gây nên. Vậy nên, ở Nghệ Tĩnh, khi mở đầu cuộc hát, đã có câu hát như sau:

 

Ai có chồng nói với chồng đừng sợ

Ai có vợ nói vợ đừng ghen

Tới đây hò hát cho quen

Rạng ngày ai lại về nhà nấy

Nỏ lẻ (há dễ) một đèn hai tim.

 

Với quan điểm dân chủ như thế, các cuộc đối đáp thách đố lẫn nhau trong khi hát, chính là điều kiện để thử tài và hiểu biết nhau nhiều hơn. Chàng hỏi, thiếp đáp hay thiếp hỏi chàng đáp là chuyện "Kết nghĩa giao hòa":

 

Em ngồi em giảng cho ra

Thì anh kết nghĩa giao hòa cùng em...

Hoặc:

Trai nam nhơn mà đối đặng, em liền theo ngay...

Hoặc:

Đố cao anh đã giảng rồi

Mong rằng bên ấy giữ lời hứa cho...

 

Những chàng trai lúng ba lúng búng dễ bị các cô nàng "nốc ao" lắm chứ. Không trả lời được, sẽ bị các cô giễu ngay:

Bắp tươi mà nướng hỏa lò

Miệng ăn thì có, miệng hò thì không

 

Nhiều câu đố rất nghiệt ngã, kiểu như:

Bánh dầu nhiều, cũng kêu bánh ít

Chuối còn non, sao gọi chuối già

Nếu anh đối đặng mới là đáng khen

 

Chàng trai đáp:

Canh chua lét cũng kêu canh ngọt

Cau cao nghệu sao gọi cau lùn

Thuyền quyên mà có hỏi nữa, anh hùng cũng chẳng chịu thua.

 

Nhiều khi câu đố lắt léo, chơi chữ rất hiểm:

Nữ:                              

Cây tam thất trồng ba bảy chậu

Pháo Nhất thiên đốt một ngàn phong

Trai nam nhơn mà đối đặng, thiếp xin kết nghĩa vợ chồng với nhau.

 

Nam:               

Tay anh cầm cây đờn thập lục, gảy mười sáu bản

Nọ Ngũ Môn năm cửa mở rồi

Trai nam nhơn đã đối đặng, hỏi em anh trả lời có xứng không?

 

Có khi cũng phải vận dụng thực tế vào đối đáp. Ở Bình Định có đầm Đạm Thủy hay còn gọi là đầm Nước Ngọt nằm một nửa ở Phù Mỹ, một nửa ở Phù Cát. Đầm gọi là nước ngọt nhưng nước đầm lại dùng làm muối. Còn ở Hoài Nhơn có con suối từ Phụng Du chảy xuống sông Tam Quan, trên suối là cầu, dưới cầu là nước ngọt nhưng cầu lại mang tên là cầu Nước Mặn. Do đó bọn con gái thường đố bọn con trai:

 

Tiếng đồn chàng hay chữ

Tài ngang cử tử

Lại đây em hỏi thử đôi câu

Ngọt ngào nước chảy dưới cầu

Gọi cầu Nước Mặn có bởi tại đâu hỡi chàng?

 

Thật bí. Nhưng nhà trai cũng lanh, mượn đầm Nước Ngọt mà gỡ:

Thật thà là thói hồng nhan

Ăn xuôi nói ngược thế gian lạ gì

Mặn chằn nước vũng Đề Gi

Gọi đầm Nước Ngọt lẽ gì hỡi em?

 

Chàng không đối được, nàng cũng không. Thế là hòa.

Cái được cái thua ở đây không thành vấn đề. Chỉ biết tiếng hát đã đem đến niềm sảng khoái thực sự cho những người bình dân sau những giây phút lao động cực nhọc. Đó còn là nơi thổ lộ tâm tình của đôi trai gái để đi đến chỗ nhân duyên:

 

Ra đây mà hát mấy câu

Được thua, thua được cho nhau bằng lòng

 

Có lẽ vậy mà hát đối đáp còn là lời tỏ tình. Có khi đó là lời tỏ tình mộc mạc: "Mận hỏi thì Đào xin thưa. Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào".

Rồi bấy nhiêu cung bậc trong tình yêu cứ tuôn trào: Tỏ tình, tương tư, thất tình, hận tình, lỡ tình... Chẳng thế mà người ta gọi hát đối đáp là hát nhân nghĩa, hát về tình nghĩa con người vậy.

Có sự cảm thông nào với chàng và nàng trong lời hát đối sau:

Nam:

Anh đến tìm hoa

Thì hoa đã nở

Anh đến tìm đò

Thì đò đã sang sông

Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng

Em yêu anh như rứa có mặn nồng chi mô?

 

Nữ:

Hoa đến kỳ thì hoa phải nở

Đò đã đầy thì đò phải sang sông

Đến duyên em thì em phải lấy chồng

Em yêu anh rứa đó, còn mặn nồng thì tùy anh

 

Còn đây là sự quyết tâm của đôi trai gái phải lòng nhau, cùng mong đi đến hôn nhân trong lời đối đáp vừa hóm hỉnh, vừa chân thật, hết lòng:

Dầu mà không lấy được em

Anh về đóng cửa cài rèm đi tu

 

Cô gái hỏi:

Tu mô cho em tu cùng

May ra thành Phật thờ chung một nhà

 

Chàng tủm tỉm trả lời:

Tu mô cho bằng tu nhà

Thờ cha thờ mẹ cũng là đi tu

 

Vậy đó, cái tình dân dã của người dân Việt sau lũy tre làng nó trong sáng và chân chất lắm. Cái tình ấy đậm đà mãi cho đến ngày nay, ngân trong tiếng hát của họ:

 

Đến đây anh hát với nàng

Hát lên năm huyện mười làng đều nghe

. Trần Xuân Toàn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mưa rửa bùn   (01/08/2003)
Sau trước với Pleiku   (31/07/2003)
Để có được một mùa vàng   (31/07/2003)
Xin đời cho có đôi   (31/07/2003)
Nỗi lòng người cha với con trẻ   (28/07/2003)
Một chuyện tình thời tin nhắn   (27/07/2003)
Đọc bài thơ "Lời ru hài cốt ngủ trên lưng" của Bùi Nguyên Ngọc   (25/07/2003)
"Về thôi nàng Vọng Phu"   (25/07/2003)
Bài thơ Một vai tuồng của Hương Đình   (24/07/2003)
Văn học nghệ thuật miền núi Bình Định   (23/07/2003)
Nụ hôn đầu tiên   (22/07/2003)
Bài thơ "Đề Mai Sơn thọ viên" và nhân cách Đào Tấn   (21/07/2003)
Hướng nào dành cho những cây bút trẻ?   (20/07/2003)
Thà như chiếc lá   (18/07/2003)
Nơi khơi nguồn thơ mới   (17/07/2003)