Truyện ngắn
Chiếc áo dạ
15:0', 8/8/ 2003 (GMT+7)

Quê tôi ở miền đồng bằng. Làng Hưng Trị nhỏ bé bốn bề sông nước là nơi mẹ sinh ra tôi. Thời chiến tranh, làng tôi có những bà cụ phải mượn gậy thay lưng mỗi lần đi lại, hễ nghe tiếng súng là vãi đái ra quần. Ngày và đêm ở làng rất khác nhau. Người lớn dùng ngày và đêm để chỉ hai lực lượng trong các cuộc chuyện trò. Phe ngày chết nhiều hơn phe đêm? Phe đêm rút có an toàn không? Vân vân. Hình như người làng rất yêu mến phe đêm, má tôi cũng vậy. Bao nhiêu món được dành dụm, gói ghém chuyền đi trong bóng tối một cách sốt sắng và tự nguyện. Bọn trẻ con không được hỏi gì về những chú bác cô dì vắng mặt, điều đó đã trở thành quy ước tự nhiên.

Tôi mồ côi cha. Má như con cò lặn lội ngoài đồng. Lúc rảnh việc đồng thì may vá. Chị tôi cõng tôi dang nắng suốt ngày. Cái sân bị chị vẽ ngang dọc để nhảy chuông. Nhảy hết mấy bậc chuông thì lên cung trăng bói đất cất nhà. Má tôi bảo năm nào trẻ con ham nhảy chuông bói đất là điềm tản cư lưu lạc. Người lớn có bao nhiêu cách đoán điềm qua trò chơi con trẻ. Chơi đánh chuyền là điềm mất mùa đói kém. Chơi ô ăn quan là điềm bán ruộng cầm nhà. Nhưng người lớn cứ lo, trẻ con cứ chơi. Ở quê đâu có búp bê, tàu nhựa. Ở quê chỉ có ba que đũa, mấy quả ổi xanh và cơ man nào là sỏi đất lấm lem. Nếu bỏ hết các trò chơi ấy thì trẻ con nhà quê héo hon mất.

Rồi tản cư thật.

Má tôi nói với cậu Tám:

- Phải đi thôi em. Đám ruộng Đài bị bom hốt thành ao rồi. Ở lại lấy gì mà sống?

Đám ruộng Đài là đám còn lại sau chót trong số ruộng hương hỏa. Nghe má tôi nói, cậu Tám ngồi im nghĩ ngợi. Ông bà ngoại mất đã lâu. Cậu Hai tập kết. Cậu Ba rời quê ra tỉnh làm thuốc Bắc sau khi mợ Ba bỏ nhà đi. Dì Năm, dì Bảy theo chồng. Má tôi ở lại giữ ba đám ruộng hương hỏa nhà ngoại và nuôi cậu Tám. Bom không tha đám ruộng nào. Trong chiến tranh chuyện dâu bể chỉ là khoảnh khắc.

Mấy hôm sau, thêm một quả bom vô tâm làm sạt lở khu vườn. Nhà ngoại to và bề thế nhất làng mà cứ đảo y người say rượu. Đồ vật trong nhà khua loảng xoảng như có ai lấy bàn cào trộn lên. Má tôi và cậu Tám gom góp những chén đĩa quý còn sót lại chôn xuống góc vườn chưa bị sạt lở rồi khăn gói ra đi.

Đận ấy người làng tôi ra đi nhiều lắm.

Gia đình tôi lên thị xã Pleiku. Khi qua các phố để tìm nhà cho thuê, cậu tôi nhận xét:

- Nhà cửa trên này cũng thường. Chỉ có mấy hiệu Chà-và và Khách là lớn thôi.

Chà-và là tiếng để chỉ người Ấn kiều, Khách là tiếng dùng để chỉ người Hoa kiều.

Má tôi là thợ may nhà quê, tìm việc ở phố rất khó. Ai người ta thuê cho? Gia sản mang theo được mỗi chiếc máy khâu là phương tiện làm ăn, đến nước này đành bỏ không. Má tôi bán cái máy khâu với giá rẻ rồi ra chợ buôn bắp. Sáng sớm người Thượng gùi bắp đổ hàng đống lớn, người Kinh mua nguyên như thế để bán lại. Chị tôi khi còn ở quê đã học xong tiểu học, giờ thôi không học nữa, ra chợ phụ má buôn bán.

Cậu Tám trông nom tôi hàng ngày, nhưng cậu không luôn luôn để mắt đến tôi. Cậu mê sách lắm. Quyển sách cũ bìa xanh nhạt, in chữ lớn, bọc giấy kính đã long từng mảng. Thơ cậu ngâm nằm trong sách này, tôi biết, vì mỗi lần cậu lật đến hai phần ba quyển thì y như rằng mấy câu không lẫn vào đâu được lại ngân lên:

            Đưa người ta không đưa sang sông

            Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Nắng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Những lúc cậu mải đọc sách quên tôi, tôi rón rén ra ngoài men theo hàng rào kẽm gai ngó say mấy chú chuồn chuồn giỡn nắng. Chúng bay lung tung, lúc là là như sợi tơ rơi, lúc chập chờn trước mặt, lúc như mũi tên vút lên trời. Mặc tôi loay hoay quay qua quay lại, lũ chuồn chuồn cứ nhởn nhơ giữa một vùng không trung nhập nhòa sương nắng. Khi sương tan hết đủ các loại bay ra: chuồn chuồn voi, chuồn chuồn sẻ, chuồn chuồn chúa, chuồn chuồn bà, chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn kim. Nắng xuyên suốt qua màn cánh chúng nó. Lấp lánh. Lấp lánh. Tôi nhón chân, hồi hộp không tả xiết. Cái áo đầm váy rộng sột soạt, sột soạt. Chuồn chuồn tinh lắm, thoáng cái là biết. Nó bay vụt lên. Tôi suýt bắt được, bị hụt, tiếc ngẩn ngơ. Lại nhón chân, lại đuổi.

- Cháu bé lại đây!

Tôi giật mình. Một ông cụ nước da mai mái, hàng ria mép bạc rung rung trên nụ cười hiền từ. Cái áo dạ xám ông mặc sang trọng và huyền bí làm sao. Ông mới xuất hiện ở ngõ xóm này chừng hai hôm nay. Căn nhà đối diện nhà tôi trước chưa có người, nay ông vào ở. Chiều hôm kia, chủ khu nhà, một bà thích mặc áo xẩm có cái cúc bằng vải thắt hình hoa cúc to tướng nơi cổ, đã đủng đỉnh đến mở cửa và giao chìa khóa cho ông. Lúc ấy má tôi đang bón  cơm chiều cho tôi trên mấy bậc thềm, quay sang nói khẽ với cậu Tám: "Ông cụ giống cha mình ghê hả Tám? Cha còn sống thì cũng già bằng vậy đó".

Bây giờ, ông đứng trước thềm, một tay vẫy tôi, tay kia giơ ra một con chuồn chuồn chúa màu đỏ cam óng ánh đang nhúc nhích cái đuôi mập mạp mời gọi.

Tôi gọi ông là ông ngoại từ đó. Hôm nào tôi cũng ở với ông cả buổi, có khi suốt ngày. Ông thả cho tôi mấy cánh thuyền buồm, máy bay gấp bằng giấy kim bạc, vài cái vỏ bút, dăm miếng gỗ vuông ông chịu khó nhặt ở đâu đó lúc ra đường. Ông mó tay vào, thế giới kỳ diệu hiện lên, luôn luôn biến đổi. Này là biển và những thuyền buồm vượt đại dương, vị thuyền trưởng tài ba đang cưỡi sóng gió trở về sau khi vùi xuống nước sâu bọn cướp tàu hung hãn nhất. Này là vòm trời, những con chim bay đi tìm mồi, chúng tìm cả cỏ rơm và những chiếc lá rớt về kết tổ. Lòng tổ được lót bằng những cọng cỏ dai mềm đã được chim trống chim mái tước mảnh như tơ. Tổ là nhà của loài chim, chúng treo lơ lửng trên cao. Còn đây là những tòa nhà của loài người trên mặt đất, giữa trời và biển. Cháu hãy xây nhà với những vuông gỗ này. Nhà nào đẹp thì có ông ngồi trong đó đợi cháu.

Tôi cặm cụi sắp xếp, những miếng gỗ chênh nhau lụp xụp như xóm nghèo của dân tản cư, lấy đâu ra nhà đẹp? Thì gian nhà chật của ông cháu tôi đây, xung quanh trống trơn. Chỉ mỗi một cửa sổ mở theo kiểu đọc sách - một cánh giữ yên, cánh kia tạo thành góc tù. Bàn làm việc của ông kê cạnh cửa sổ. Chiếc giường gỗ trải chiếu trắng đơn sơ, không đệm gối. Đầu giường có một cái túi vải đựng sách. Có lẽ đêm đêm ông gối lên đấy mà ngủ. Khắp gian nhà thoang thoảng mùi chè ngọc lan và dầu Miên. Ông thường xức dầu hai bên thái dương và trước mũi. Ông xoa dầu cho tôi ở đỉnh đầu.

Tối tối chị tôi ôm lấy đầu tôi hít không biết chán.

Trời cao nguyên vào mùa khô se lạnh, ông khúc khắc ho. Cái áo dạ màu xám sẫm phủ từ vai xuống chân, chạm vào cổ đôi giầy đen bóng, chốc chốc rung động, rủ rỉ chuyện trò. Cái áo dạ biết nói đấy. Tôi thấy nó vỗ nhẹ vào má đôi giầy:

- Sao cô chú đen bóng thế kia? – Nó hỏi.

- Ông ngoại mới đánh xi-ra đấy mà – Đôi giầy nhịp nhịp trả lời.

- Cô chú vất vả quá. Trời lạnh thế mà cứ phải ở dưới đất. Tôi che cho ông ngoại hãy còn rộng lắm.  Giá bớt rộng đi để dài thêm chút nữa mà che cho cô chú luôn thể. Hay là cô chú lên đây, vào túi tôi đây này.

- Cảm ơn anh. Chúng tôi bận giữ ấm chân ông ngoại. Xin anh đừng lo, những kẻ biết ấp ủ người khác thì sợ gì lạnh.

Lạ thật! Áo dạ và giầy đen cũng gọi ông ngoại như tôi. Nghe tôi rục rịch, áo dạ và giầy đen im bặt. Ông ngoại thản nhiên làm việc. Một lúc nào đó chợt thấy tôi trong tư thế nghe ngóng buồn cười ấy, ông cúi xuống dịu dàng hỏi:

- Gì vậy con?

Tôi lắc đầu. Ông cười khà một tiếng rồi bế tôi lên đùi, hé cái áo dạ ấp tôi vào trong. Ông ngoại thật ấm áp dễ chịu - từ giọng nói, tiếng cười đến chiếc áo dạ. tôi muốn kể với ông ngoại chuyện vừa nghe ban nãy, nhưng thấy thèn thẹn lại thôi.

Cái áo dạ khoác ngoài ông không hề giặt. Những hôm có nắng, bớt lạnh, ông mang ra phơi. Vào những lần như thế tôi mới biết ông gầy hơn tôi vẫn tưởng. Tôi ra cạnh hàng rào nhấc thử vạt áo. Nặng trĩu.

- Áo ơi, áo nặng thế ông ngoại mang sao nổi? - Tôi thầm thì bí mật.

- Ông ngoại mang ta đã lâu, quen đi rồi, - áo dạ trả lời - không thấy nặng nữa, chỉ thấy ấm.

- Áo dạ ơi, ông ngoại thương ai nhất?

- Bé muốn hỏi những ai cơ? - Vạt áo ghé sát mặt tôi.

- Áo dạ, giầy đen và bé - ba chúng mình, ông ngoại thương ai nhất? Tôi vẫn thầm thì không nói to hơn.

Áo dạ trầm ngâm. Có lẽ nó suy nghĩ. Tôi suýt  nghẹn thở vì chờ. Một cơn gió tạt qua, áo dạ choàng vai tôi thủ thỉ:

- Bé ạ, ông ngoại già rồi. Trời lạnh thế này, ông ngoại không thể thiếu ta trọn một ngày. Ông ngoại không giặt ta là vì thế. Giầy đen thì ủ ấm cho ông ở phần ta không phủ tới, lại giúp chân ông khỏi đau trên đường đá sỏi. Giầy đen vất vả lắm, ông biết thế nên lau bụi cho cô chú ấy mỗi ngày.

Tôi cảm thấy buồn buồn.

- Chúng ta im lặng và cũ kỹ rồi bé ạ. Ta ở bên ông ngoại đã chục năm dư, giầy đen về sau ta sáu năm, đế mòn vẹt thì ông ngoại thay đế khác. Những kẻ cùng già thì quý nhau. Bé liếng thoắng lắm, bé mang lại niềm vui cho ông ngoại. Ông ngoại thương bé nhất. Ta và giầy đen cũng yêu bé rất nhiều.

Nắng tràn lên. Áo dạ trườn mình lim dim. Tôi vào đứng bên ông ngoại. Ông ngừng viết, nghiêng đầu xuống.

- Ông ngoại ơi! Ông ngoại thương con nhất phải không?

Ông không trả lời, đứng dậy bế bổng tôi ra hè sưởi nắng.

- Ông viết gì vậy?

- Ông viết báo.

- Để làm gì?

- Để người ta đọc. Và để kiếm sống.

- Con thấy ông đọc sách nữa, có phải đọc sách cũng để kiếm sống không?- Không hẳn vậy. Ông đọc sách để biết mình nên sống như thế nào. Sách dạy chúng ta tất cả mọi điều- những quyển sách chân chính ấy mà. Lớn lên con sẽ hiểu.

- Quyển sách ông đọc sao dày quá vậy? Đọc đến bao giờ mới hết?

- À à, đó là quyển sách viết về những cuộc đời túng khó và khổ cực như dân xóm này. Tên nó là Những người khốn khổ.

Tôi lặng đi khi nghe mấy tiếng sau cùng. Chao ôi! Như vậy là có một quyển sách viết về những người nghèo và cực nhọc. Những đứa bé như tôi trong sách ấy mặc quần áo thế nào? Chúng ăn gì mỗi ngày? Chúng có mồ côi cha như tôi và mẹ chúng có đầu tắt mặt tối ngày hai buổi chợ như má tôi không? Bỗng dưng tôi nghe xao xác trong lòng.

Tối về, tôi thỏ thẻ với má:

- Má ơi! Má khổ lắm phải không?

Má riết tôi vào lòng. Tôi vòng tay sau cổ má, đỡ búi tóc tròn lẳn, đen lánh, mát rượi. Chị tôi mệt mỏi gối đầu lên chân má ngủ say. Cậu Tám bật hoài cái máy lửa, khe khẽ ngâm mấy vần thơ quen thuộc, nhưng cậu không ngâm hết. Cậu bứt rứt bật lửa và chốc chốc thở dài.

Tin động viên nhập ngũ phát qua đài, qua mấy chuyến xe loa vọng vào xóm nhỏ. Má tôi không cho cậu Tám ló ra khỏi nhà. Mỗi ngày, vừa từ chợ chân ướt chân ráo về, việc trước tiên của má tôi là xem thử cậu có nhà không. Chừng biết má tôi lo nên không đợi hỏi cậu đã lên tiếng:

- Em đây nè, chị Sáu.

Má và cậu thức rất khuya, tôi thường thức theo. Má định gửi cậu về nhà dì Bảy ở Bình Định, nghe đâu dưới đó đã qua đợt bắt lính. Cậu bịn rịn má con tôi nên chưa chịu đi. Má tôi muốn cậu tìm cách học tiếp. Cậu tôi cười nhẹ: " Loạn lạc vầy mà học hành gì nổi, chị?". Má tôi không cãi, lấy mấy bộ đồ rách của cậu ra vá dưới đèn. Hai chị em cùng ôn lại thời cha mẹ – tức ông bà ngoại ruột của tôi- còn sống. Câu chuyện hướng về làng quê nhỏ bốn bề sông nước. Má tôi lo mấy thùng chén đĩa cổ chôn sau vườn không còn nguyên vẹn. Cậu tôi chép miệng tiếc quyển vở chép tuồng Lưu Bình Dương Lễ hôm rời quê lật đật không mang theo. Tôi nhớ gốc mận râm mát chị tôi thường bỏ tôi ngồi, và bất chợt hiện lên đâu đây khoảng sân đất rất đằm bị chị vẽ dọc ngang bói đất nhà.

*

Ông ngoại hôm nay không viết, cũng không đọc sách. Ông khóa cửa bồng tôi ra phố. Ông cháu dạo khắp lượt, tôi nghiêng ngó xung quanh. Các tủ gương bày hàng lèo tèo. Hiệu buôn của người Chà-và và người Khách không còn rộn rịp. Người đi đường cắm cúi rảo bước. Thỉnh thoảng có tiếng xuýt xoa vì lạnh. Ông mua hai cái bánh bao nóng bốc khói. Mụ béo nhìn ông lục túi lắc đầu cười để  hở mấy cái răng vàng. Ông cho tôi một cái, còn cái kia cất vào túi áo. Tôi ngồi trên tay ông chóp chép nhai. Bánh của mụ béo bán ngon quá. Miếng tròng đỏ trứng vừa chắc vừa thấm gia vị, tan ra trong miệng bùi ngận. Tôi ăn dè từng tí, ước gì cái bánh bao đừng hết.

Thế mà nó cũng hết. Tôi ngậm miếng bánh bao cuối cùng thì đến chợ.

Má tôi và chị tôi ngồi sau một đống bắp cao lút đầu. Thấy ông ngoại bế tôi ra chợ, má tôi ngạc nhiên quá thể. Má chưa kịp mang dép thì chị tôi đã chạy tới bên tôi. Ông ngoại cho chị tôi cái bánh bao lấy từ túi áo dạ, rồi vẫn bế tôi trên tay, ông nói nhỏ với má tôi vừa bước tới:

- Thím về ngay, liệu thu xếp cho cậu em trốn lính. Tôi nghe nói trong vòng nay mai người ta sẽ vào xóm lấy quân. Ông lần túi áo trong, lấy ra tờ bạc năm trăm có vẻ lâu ngày thơm nức mùi dầu, đặt vào tay má tôi. Má tôi chưa hết sững sờ, ông đã bồng tôi vội vã quay về.

Cậu Tám tôi trốn lính chừng mươi ngày thì sự cố khác xảy ra. Thư cậu Hai tôi gửi từ miền Bắc về bị lọt vào tay địch. Người ta bắt má tôi giải đi. Hàng  xóm xúm vào, súng ống lạnh lẽo gạt ra hai bên. Chị tôi dắt tôi chạy theo. Đến đầu ngõ má tôi bị đẩy lên xe cảnh binh. Chiếc xe rú lên lạnh lùng, bỏ lại phía sau một luồng bụi đỏ. Chúng tôi nước mắt lưng tròng gọi má khản cả hơi. Ai đó bế tôi lên và nắm tay chị tôi kéo nhẹ.

Ông ngoại.

Ngày ngày chị tôi theo bà Hai láng giềng đi bán bắp lẻ. Ông ngoại chăm nom tôi. Đêm đến ông sang nhà tôi xem xét cửa nẻo, dắt chị em tôi sang nhà ông.Trước khi đi ngủ, ông kể chuyện đời xưa cho chúng tôi nghe. Chuyện ông kể không giống chuyện ai khác. Sau này vào đại học tôi mới biết ông đã nhào nặn lại những tiểu thuyết nổi tiếng thành cổ tích của riêng ông để dắt chị em tôi đến gần đời sống thực qua con đường ngắn nhất mà không phải đợi chờ với thời gian. Như chuyện kể về người mẹ nghèo khó đã bán bộ tóc óng ả và từng chiếc răng để nuôi con, nào phải ai đâu xa lạ, chính là cô Phăng-tin trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của Vich-to Huy-gô.

Hằng đêm hai chị em tôi thiếp ngủ dưới mái nhà ông ngoại. Nửa đêm tỉnh giấc, theo thói quen bàn tay tôi lần tìm má. Tôi chạm vào vật gì nằng nặng, êm êm- cái áo dạ. Ông ngoại không ngủ, ông đã cởi áo đắp cho chị em tôi. Ông chăm chú viết, chốc chốc hít hà vì lạnh. Thỉnh thoảng có tiếng giấy vò nhàu lạo xạo. Tiếp sau là tiếng rơi khô nhẹ xuống đất. Mắt tôi díp lại. Cái áo dạ dỗ dành: Ngủ đi, ngủ đi bé, ngủ đi…

Ông ngoại dạy tôi học vỡ lòng. Tôi học thuộc rất nhanh các chữ cái. Ông cầm tay tôi tập viết rất  nắn nót, cẩn thận. Ông còn dạy tôi đọc thuộc lòng các đoạn thơ hay. Giọng ông vững chãi nâng giọng tôi non nớt. Ông ngoại rất hài lòng về tôi.

- Sau này con sẽ làm gì?- Ông hỏi tôi.

- Con sẽ viết như ông.

Ông cười nhưng sắc mặt rất buồn.

Ông đi đi lại lại, rồi ngồi thụp xuống ôm lấy tôi:

- Con thích ư? Ừ, con sẽ viết. Nhưng làm sao con nuôi má con nổi? Ông thương con quá!

Bà chủ khu nhà từ đầu ngõ xóm le te đi lại. Hôm nay bà mặc bộ đồ xẩm hoa to lòe lọet. Bà dừng lại trước hai ông cháu, ngón tay múp míp quay tròn  xâu chìa khóa, nói rổn rảng:

- Tới hạn thu tiền nhà rồi nghe! Nay chưa có thì mai bác nộp cho tui giùm. À, má con nhỏ nầy chừng nào được thả bác biết hông? Chà, má nó nợ tui ba tháng rồi. Kiểu này chắc tui đòi nhà lại hổng cho mướn nữa đâu! Chứa chấp thân nhân Việt Cộng có ngày tui nguy to!

Bà ta nói một hơi rồi đi thẳng, tựa hồ chẳng cần  biết ông cháu tôi đã nghe ra chưa. Tôi sợ sệt nép sát vào ông. Ông nháy mắt với tôi ngụ ý không việc gì. Tiếng bà chủ lại oang oang cuối xóm.

Suốt ngày hôm sau ông ngoại vắng nhà, khi về  ông có mùi rượu.

Tối đến, ông không kể chuyện như thường lệ. Ông khúc khắc ho và lấy dầu Miên ra xức. Ông không quên xức dầu cho chị em tôi.

Chị tôi nhắc ông:

- Ông mặc áo dạ vào đi kẻo lạnh.

Ông lắc đầu, bảo chị tôi nhóm lửa. Một lúc sau than hồng lên, ba ông cháu quây quần quanh cái nồi sứt sưởi ấm. Ông nói với chị tôi:

- Mai con nghỉ buổi chợ ở nhà trông em.

- Mai ông đi đâu?

- Ông có việc phải đi xa lắm. Lẽ ra ông đã đi từ mươi hôm trước, nhưng thấy các con bơ vơ nên nán lại. Mai đã đến ngày hẹn với người ta, ông không thể ở thêm được. À, chiều mai má các con về.

- Thật hả ông? Không thật thì sao nè? - Tôi ghì tay ông hỏi rối rít.

Chị tôi mắng tôi "hỗn". Chị quay sang ông, cái nhìn của chị đầy cầu khẩn, hy vọng. Ông gật đầu:

- Sáng nay ông có ghé đồn hỏi thăm. Họ cho biết mai má các con sẽ được thả.

Sáng sớm, ông ngoại lay chị em tôi dậy. Ông đã nhóm hồng một nồi lửa mới. Tôi ngồi trong lòng  ông, ngái ngủ. Ông nói với chị tôi, giọng êm ái ân cần:

- Con ở nhà giữ em đến chiều thì má về. Đây là chìa khóa cửa. Con thưa má giao lại cho bà chủ giúp ông ngoại. Còn đây là biên nhận tiền nhà, con nói để má con biết rằng tiền thuê cả hai nhà ta ông đã trả xong. Thức ăn trưa cho các con ông để ở góc kia. Ông đi nhé.

- Con đi với - Tôi tỉnh cả ngủ, vùi mặt vào ngực ông nằn nì.

 - Không được. Con phải ở nhà để đón má con về chứ - Đoạn ông dặn chị tôi - Con cho ông gửi lời chào má con. Con thôi học sớm, ông tiếc cho con lắm. Hãy giúp má con nuôi em ăn học.

Ông xách cái túi vải lên, nhìn khắp gian nhà nhỏ, rồi cúi xuống hôn chị tôi, hôn tôi khắp mặt. Mắt, trán, má, tai, cằm, cổ… và đôi bàn tay bé xíu của tôi ông cũng đặt nụ hôn lên đấy. Ông đứng lặng nhìn tôi. Rất lâu. Rất lâu.

Tôi òa lên khóc.

Ông nhét vào tay tôi hai viên kẹo sữa.

Rồi ông chậm chạp quay lưng.

- Ông ơi!- Chị tôi gọi- Áo dạ của ông đâu? Sao ông không mặc vào?

Ông đứng lại. Chị em tôi đến bên ông. Ông ngồi xuống, dang tay ra. Chị em tôi nép vào đấy. Tôi ôm cổ ông, tóc ông bạc gần hết.

- Ông kể cho các con chuyện cổ tích cuối cùng: "Ngày xưa, trên trời đầy băng giá. Một ông tiên có cái áo dạ màu xám để chống rét. Đi đâu ông tiên cũng mang áo dạ. Một hôm, ông tiên uống rượu say mềm rồi gối lên một áng mây mà ngủ. Gió lạnh thổi về, mây tan thành mưa. Ông tiên lăn theo những giọt mưa rớt xuống trần gian.

Trần gian so với trời cao thì oi bức khó chịu. Ông tiên nóng nực, khát khô cả cổ, thèm rượu vô kể. Ông mang chiếc áo vắt lên cổng chợ rao bán. Thiên hạ lũ lượt kéo tới mua, trả giá mấy cũng không vừa. Nhiều ngày trôi qua, chiếc áo dạ vẫn lửng lơ trên cổng chợ.

Cho đến một ngày cách đây đã lâu, ông ngoại tới cổng chợ. Ông tiên kia thiu thiu ngủ, phong thái phi phàm. Ông tò mò lặng ngắm ông tiên thì chiếc áo dạ trên cổng chợ chạm khẽ vào vai, chợt nghe có tiếng nói:

- Bạn ơi, ta bị treo từ lâu đã mỏi lắm rồi. Bạn mua một bầu rượu nóng xin đổi lấy ta, chắc chắn sẽ được.

Ông lấy làm lạ, nhưng cũng vâng theo. Ông tiên đón lấy bầu rượu nóng từ tay ông với vẻ hài lòng. Ông ấy vẫy chiếc áo rơi xuống, cầm trong tay và hỏi:

- Ta đổi áo cho ngươi lấy bầu rượu này kèm theo một điều kiện. Đó là khi nào được về trời, ta sẽ tìm ngươi lấy lại chiếc áo. Ngươi bằng lòng chứ?

Ông đồng ý, chiếc áo dạ theo ông từ bấy cho đến hôm qua.

Chiều hôm qua ông có việc đi ngang chợ thì nghe ai gọi tên mình. Ông quay lại, thì ra ông tiên ngày nọ. Ông ngoại đã già đi, vậy mà ông tiên không hề đổi khác. Có điều ông ấy vui tươi hơn trước. Ông ấy hớn hở khoe:

- Ta được Ngọc Hoàng gọi về. Ta tìm ngươi xin lại áo, may sao lại gặp ở đây. Này đây bầu rượu của ngươi, bầu xưa rượu mới, xin uống với nhau một hớp giã từ.

Dứt lời ông tiên ngửa cổ uống rượu. Rồi ông ấy  nghiêng bầu chuốc cho ông. Rượu đắng và thơm tràn ra áo. Chiếc áo dạ long lanh như khóc rồi hút hết vào mình. Dẫu sao nó cũng đã uống cùng ông hớp rượu biệt ly."

Ông ngoại mỉm cười với chị em tôi lần cuối rồi đi ra ngõ. Màn sương tím giăng mờ không gian buổi sớm. Ông bước vào cái màn tím huyền hoặc ấy. Dáng ông cao và gầy, tay phải xách chiếc va-li nhỏ, tay trái giữ dây chiếc túi vải đựng sách vắt qua vai.

Đôi giầy đen ơi! Rốt cuộc chỉ còn có cô chú là vẫn sống bên nhau và được diễm phúc theo ông ngoại trên khắp các nẻo đường. Hãy giữ chân ông đừng đau vì sỏi đá. Hãy ủ ấm chân ông khi trời trở lạnh.

Màn sương tím rẽ ra rồi khép dần lại.

Ông ngoại mất hút khỏi xóm nghèo từ ngày ấy. Câu chuyện cuối cùng của ông khiến chị tôi không ngừng mong mỏi gặp tiên giữa chợ. Tôi thì sung sướng một cách dịu ngọt khi nhớ tới giấc ngủ ấm êm giữa chiếc áo dạ. Thỉnh thoảng tôi gặp lại ông ngoại trong mơ, những cơn mơ phảng phất mùi chè ngọc lan và mùi dầu Miên thân thuộc.

Khi đã lớn khôn, tôi ngậm ngùi hiểu ra ông ngoại đã bán chiếc áo dạ ngay giữa mùa đông giá để trang trải tiền nhà giúp mẹ con tôi.

Chỉ có kỷ niệm còn ở lại …

 

. Trần Thị Huyền Trang

 

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một số bài thơ viết về miền núi Bình Định  (07/08/2003)
Cô giáo cũ   (05/08/2003)
"Tưởng ông ấy... đánh mình"   (04/08/2003)
Đến đây anh hát với nàng  (03/08/2003)
Mưa rửa bùn   (01/08/2003)
Sau trước với Pleiku   (31/07/2003)
Để có được một mùa vàng   (31/07/2003)
Xin đời cho có đôi   (31/07/2003)
Nỗi lòng người cha với con trẻ   (28/07/2003)
Một chuyện tình thời tin nhắn   (27/07/2003)
Đọc bài thơ "Lời ru hài cốt ngủ trên lưng" của Bùi Nguyên Ngọc   (25/07/2003)
"Về thôi nàng Vọng Phu"   (25/07/2003)
Bài thơ Một vai tuồng của Hương Đình   (24/07/2003)
Văn học nghệ thuật miền núi Bình Định   (23/07/2003)
Nụ hôn đầu tiên   (22/07/2003)