"Đồng Quê" của Mai Thìn
17:57', 17/8/ 2003 (GMT+7)

"Đồng quê" là thế giới "cổ tích tình yêu" của Mai Thìn*. Trong thế giới ấy ta bắt gặp những hình ảnh gần gũi thân quen và rất đỗi yêu thương của làng quê Việt Nam. Đó là hội làng, trai, gái lớn lên với tình yêu cổ tích, là "chợ làng đầy nón trắng, em nghiêng vành nón mỗi chiều", là con đường thân quen, "tôi sẽ đưa em đi trên những con đường bì bõm dấu chân trâu", là thế giới của cây cỏ, chim muông, hoa lá… in đậm trong ký ức "tuổi mười lăm" của chàng trai trẻ ngày nào. "Nơi ấy là nỗi nhớ", là quê hương, là tình yêu và cuối cùng nơi ấy là thế giới thơ của Mai Thìn bấy giờ và bây giờ…

Mai Thìn có cách riêng của mình để đến với đồng quê của riêng mình. Cho dù Mai Thìn có nhớ về "Mùa cày chân rạ"’, về "đồng quê trĩu thóc, chợ nón họp đầy", hay đã có lần "ngẩn ngơ" trước một cánh "chuồn chuồn lẻ bầy", hoặc có lúc thả hồn mình theo "ngọn gió cánh diều" đến với "đồng bãi xóm thôn, vàng mơ cỏ rối xanh hồn thời gian" thì cuối cùng hồn thơ của Mai Thìn vẫn hướng về: Mẹ và Em. Từ đồng quê để đến với Mẹ và Em, rồi từ Mẹ và Em lại trở về với đồng quê – phải chăng đấy là thế giới "cổ tích tình yêu" của riêng Thìn?

Tuổi thơ của Thìn rất đậm hồn quê, và hồn quê ấy của Thìn cũng rất là thơ trẻ. Thìn nhiều lần nhắc đến cánh diều tuổi thơ của "thuở bạn bè rủ nhau thả diều trên đồi cỏ" (Bài thơ trên cánh diều, Cánh diều); đến "cỏ may rối chân người" (Hạt cỏ may; Lời ru cỏ may), và hồi tưởng lại mong được trở về cái thời ở tuổi mười lăm với thế giới tuổi thơ đồng quê mà nay đã dần lui về dĩ vãng với nhiều người.

Đuổi cút trên nương nướng củ mì trên đồi cỏ

Để tóc em chưa một lần xạm nắng

Cháy khét bùn trộn lẫn đồng quê…

làm quả thị bỏ hoài trong cặp

Làm lá thuộc bài cháy những trang thơ

Rồi tha thẩn nhặt chiều sau lớp

Bên gốc vông đồng xào xạc những tờ thư

(Tuổi mười lăm)

Mai Thìn rất hay nhắc đến tuổi thơ đồng quê của mình, vì chắc hẳn tuổi thơ ấy có nhiều kỷ niệm, và mong được trở về với niềm tiếc nuối. Ta cảm thông với mong ước ấy của Thìn. Nhiều bài thơ Thìn luôn trong điệp khúc trở về ấy: Cánh buồm tuổi thơ, Tuổi mười lăm, Cánh diều…

Hồn thơ Thìn luôn khắc khoải về nỗi thời gian đã qua đi; giữa bây giờ và ngày xưa đã khác, và một không gian đồng quê tuổi thơ giờ chỉ còn chỉ là kỷ niệm. Ta gặp ở thơ Thìn những: Ngày ấy, Nhớ buổi… giờ ta về… buổi ta đi… sống ở đồng quê giờ lên thành phố; xưa… nay…; biết cho đến bao giờ… Thế giới ngôn từ thời gian nghệ thuật ấy khắc sâu về một sự ám ảnh đồng quê ở tư duy thơ của Mai Thìn.

Tôi cứ tưởng tượng ra một cậu bé Mai Thìn ngày ấy ngất ngưởng trên lưng trâu, hồn nhiên cất tiếng hỏi: "Ai bảo chăn trâu là khổ"… Không phải vậy đâu, thơ Mai Thìn rất hồn quê nhưng nào có hồn nhiên! Cậu bé Mai Thìn ngày ấy thật đa tình! Thế giới đồng quê trong thơ Mai Thìn thật ra là cái không gian đầy hương sắc để cho thời gian "cổ tích tình yêu" của Thìn hiển hiện mà thôi. Hồn nhiên sao được khi cùng bạn bè "thả diều trên đồi cỏ", cậu bé Mai Thìn lại nhìn thấy (hay mường tượng thấy) "cánh diều ngày ấy - lỡ đứt dây em bắt được mang về" để cậu bé Thìn sau này vẫn  mãi… tương tư. Chàng trai "bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen" trong ca dao và cậu bé Thìn mong (hay mơ) "em bắt được mang về" cánh diều ngày ấy nào có khác gì?

Hầu như bài thơ nào của "Đồng quê" cũng có bóng dáng Em. Dù tác giả dành không ít tình yêu của mình cho Mẹ (Tiếng võng, Mẹ-quê hương) nhưng Em vẫn là nhân vật trung tâm trong "đồng quê’ của Mai Thìn. Và hẳn nhiên, Em không chỉ là một con người thực, mà còn là nỗi tiếc nuối, những kỷ niệm, miền ký ức… làm day dứt, khắc khoải. Thế giới đồng quê, thế giới cổ tích tình yêu của Thìn bắt đầu từ Em… và giữa phố phường nhộn nhịp, tác giả vẫn ngỡ có hình bóng Em vướng víu gió nội hương đồng ngày nảo, ngày nào:

Em ơi!

Mùa xuân có những hạt mưa ngâu

Treo trên đầu cỏ

Giữa phố phường

Cánh áo còn có

Hạt cỏ may

(Hạt cỏ may)

Tập thơ "Đồng quê" chia làm 2 phần. Phần 1 là "Đồng quê", phần 2 là "Thao thức". Những bài thơ ở phần 2 là sự tiếp nối "đồng quê" để đến những vấn đề rộng lớn hơn: những thân phận, những số phận, bạn bè, những mảnh đời, nhân tình thế thái… Chẳng hạn, từ người mẹ của riêng mình (Hạt cỏ may), người mẹ của đồng quê (Mẹ- quê hương), bây giờ là đến người mẹ của bao đứa con khác, với những số phận khác (Trong đêm lễ hội, Hoang dã)… Thế giới thơ của Mai Thìn đã được rộng mở với những suy tư, trăn trở, day dứt đầy trách nhiệm…

Nhưng tất cả vẫn bắt đầu từ "Đồng quê"!

Cách đến với đồng quê của nhiều nhà thơ là tạo dựng nên một không gian đồng quê bằng âm hưởng ca dao, ngôn ngữ dân dã, lựa chọn hình thức thơ lục bát phù hợp… Ngoài hệ thống từ vựng dân dã (hội làng, cánh diều, ruộng cày, ruộng sạ, cỏ may, đồng bãi, xóm thôn, con đường bì bõm dấu chân trâu…) dễ dàng đưa người đọc đến với thế giới đồng quê, Mai Thìn đã không đi theo con đường mòn cũ. Do không theo cũ nên người đọc dễ ngỡ ngàng với thế giới đồng quê mà Thìn tạo ra. Đấy là tôi muốn nói đến những bài thơ văn xuôi, hay những bài thơ xen lẫn những câu văn xuôi của Thìn. Dẫu ngỡ ngàng người đọc vẫn đón nhận như một thể nghiệm; và tất nhiên có cái được và có chỗ không vừa ý lắm với Mai Thìn. Dẫu sao "Đồng quê" vẫn là tiếng thơ riêng của Mai Thìn trong bộn bề thơ hiện nay.

. Trần Xuân Toàn

* (Đọc "Đồng quê" - thơ Mai Thìn - NXB. Hội Nhà văn, 1998)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đêm về   (15/08/2003)
Bao bận xuân về   (15/08/2003)
Yến Lan, bến sông và phố huyện   (15/08/2003)
Tuổi thơ của Yến Lan  (14/08/2003)
Đỗ Tấn - Một cây bút lặng lẽ   (13/08/2003)
Thiên Thần   (12/08/2003)
Họa sĩ Lương Lu   (11/08/2003)
Giai thoại về một câu ca   (10/08/2003)
Chiếc áo dạ   (08/08/2003)
Một số bài thơ viết về miền núi Bình Định  (11/08/2003)
Cô giáo cũ   (05/08/2003)
"Tưởng ông ấy... đánh mình"   (04/08/2003)
Đến đây anh hát với nàng  (03/08/2003)
Mưa rửa bùn   (01/08/2003)
Sau trước với Pleiku   (31/07/2003)