"Người mẹ" trong những chặng đường thơ
16:9', 27/8/ 2003 (GMT+7)

Mẹ! Tiếng gọi thiêng liêng ấy đã nói lên bao điều kỳ diệu mà cho đến lúc qua đời con người cũng không thể nào quên được. Âm hưởng ấy, tiếng gọi ấy có sức cảm hóa những trái tim sắt đá, những tâm hồn tội lỗi bằng sự trìu mến bao dung mà hiếm gì thay đổi được. Viết về mẹ đã có nhiều bài thơ, nhiều nhà thơ ở mọi thời đại đều đề cập đến.

Không có một bà mẹ Việt Nam nào mà không ao ước bầu trời xanh êm ả, gia đình yên ấm bên những đứa con để được bận bịu, chăm sóc, được nâng niu và trông ngắm những thành quả của mình; được sum vầy bên người chồng mà mình yêu quí. Dù cho cuộc sống có lắm gian lao với trăm điều cơm áo, người mẹ vẫn luôn vui vẻ và nhận trách nhiệm gia đình, nuôi dạy con cái. Nhà thơ Trần Tế Xương xưa làm thơ ca ngợi cái đức tính ấy:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng...

Chăm lo, hy sinh và nhân hậu, thủy chung... ấy là những đức tính tuyệt vời của người mẹ Việt Nam.

Nhưng chiến tranh! Làn gió độc ấy đã gieo rắc tai ương đến mọi gia đình, người mẹ phải tiễn chồng, con lên đường giết giặc. Ở hai cuộc chiến tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, trách nhiệm của người mẹ được nâng lên thành trách nhiệm của người hậu phương, góp phần cho cách mạng, lo cho vận mệnh của nước nhà. Người mẹ trong thơ ca thời kháng chiến là mẹ Suốt, là bà má Hậu Giang, là bà Bủ, bà Bầm và biết bao bà mẹ trong thơ Tố Hữu cũng như nhiều nhà thơ khác.

Ý thức từ nổi khổ của nhân dân, từ sự chia cắt của đất nước với niềm tin ở ngày thắng lợi, cho nên biết bao bà mẹ đã hòa mình vào nhịp đập chung của cuộc kháng chiến nhằm thống nhất đất nước. Họ tự nguyện góp công sức và cả một phần xương máu của mình cho nền độc lập tự do của dân tộc. Hãy nghe bà mẹ Suốt ở bến sông Nhật Lệ, Quảng Bình tâm sự:

Chẳng bằng con gái con trai

Sáu mươi còn một chút tài đò đưa

Tàu bay hắn bắn sớm trưa

Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò

(Tố Hữu)

đây là bà mẹ trong thơ Lưu Trọng Lư:

Đẹp thay những tấm lòng đại nghĩa

Vầng trăng nào sánh được vẻ kiên trinh

Xưa tiễn chồng cứu nước vời vợi tóc xanh

Nay tiễn con đi rung rinh đầu bạc.

Không có vầng trăng nào sánh được với vẻ kiên trinh, với nét đẹp tự hào của bà mẹ Việt Nam. Bởi vẻ đẹp ấy đã được tôi luyện qua bao gian khổ, tắm đầy bao nhiêu nước mắt của sự xa cách chờ đợi, và có cả những dòng máu đã được đổ xuống:

Một dòng máu đỏ lên trời

Má ơi con đã nghe lời má kêu...

(Bà má Hậu Giang – Tố Hữu)

Dòng máu đỏ ấy đã và sẽ không bao giờ tắt trong lớp lớp cháu con, nó biến thành "những bông hoa chuối đỏ tươi" vẫy gọi những đoàn người ra tiền tuyến, thành những "ngọn đèn đứng gác" trong mưa bom bảo đạn để bảo vệ đàn con.

Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhiều thế hệ các cây bút trẻ ra đời và hình ảnh người mẹ trong thơ cũng được khắc họa trong nhiều góc độ khác nhau     của cuộc sống. Dù vậy những bà mẹ đi qua chiến tranh vẫn luôn được thơ ca đề cập đến một cách trân trọng và thường là những bài hay. Bài thơ "Trong chiều nghĩa trang" in trong tập thơ Việt Nam 1986-1990 của Nguyễn Quang Thiều đã viết về một trong những người mẹ như vậy:

Mẹ run run đốt những nén hương

Cắm trước từng bia mộ

Kìa khói lên, khói lên lặng lẽ...

Hồn những chàng trai chiều nay ở đâu xa

Nhìn thấy khói mà về với mẹ...

Gần 30 mươi năm qua, đất nước đã liền da thắm thịt, nhưng nỗi đau mất mát của mẹ thì khó có gì khỏa lấp. Đó là nổi đau chung của toàn dân tộc. Và có lẽ vì thế mà hầu hết những bài thơ viết về hình ảnh những bà mẹ trải qua chiến tranh, về những nỗi đau như vậy đều dễ gây xúc động lòng người.

. Mai Thìn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Quà tặng   (26/08/2003)
Nhớ nón Gò Găng   (25/08/2003)
Vở kịch đón chào xuân Độc lập đầu tiên của Nguyễn Tuân   (24/08/2003)
Anh thợ cạo   (22/08/2003)
Bữa cơm tối   (21/08/2003)
Má dặn…   (19/08/2003)
Duyên thơ với tháng Tám mùa Thu năm xưa   (18/08/2003)
"Đồng Quê" của Mai Thìn   (17/08/2003)
Đêm về   (15/08/2003)
Bao bận xuân về   (15/08/2003)
Yến Lan, bến sông và phố huyện   (15/08/2003)
Tuổi thơ của Yến Lan  (14/08/2003)
Đỗ Tấn - Một cây bút lặng lẽ   (13/08/2003)
Thiên Thần   (12/08/2003)
Họa sĩ Lương Lu   (11/08/2003)