Quy Nhơn đã từng là một trong những nơi khơi nguồn cho phong trào Thơ Mới. Từ đây, ở đây, dòng suối ngọt ngào chất thơ tuôn chảy suốt nhiều thập kỷ qua… Bao nhiêu văn nhân thi sĩ của Quy Nhơn -Bình Định đã đến với mọi miền của đất nước. Và nhiều văn nhân thi sĩ khác, trong cuộc đời văn chương của mình cũng có một chút duyên nợ với Quy Nhơn.
Nhà thơ Xuân Diệu thuở nhỏ nhiều năm sống và trọ học ở cạnh chùa Bà, Quy Nhơn. Xuân Diệu đã dành nhiều vần thơ tâm huyết cho quê hương. Tháng 1-1983, ông viết bài thơ Hoa keo ở Quy Nhơn. Đây là bài thơ thắm tình quê, quyện lẫn ký ức của tuổi thơ với những bồi hồi trong tâm hồn nhà thơ khi trở về quê nhà. Ký ức hiện về khi ông chợt thấy "những nhành keo đêm trăng Quy Nhơn":
Thuở nhỏ tôi thèm ăn trái keo
Mặc quần xà lỏn, vác khèo nèo
Đường cây trái chín đi tìm chọc
Ngước mãi đầu lên quả ngọt treo
Ông gọi trái keo là "trái trẻ con- một thứ trái tầm thường" thế mà "hoa thơm đến rợn người" dù đi đâu xa vẫn nhớ. Như người xa Hà Nội chợt nhớ về Hà Nội khi thoang thoảng hương hoa sữa. Đấy là mối tình- hương quê không phai nhạt:
Tôi bốn năm xa mới trở về
Đêm thu bàng bạc mối tình quê
Chỉ bởi vì "một làn hương hoa keo tràn về" trong tâm hồn ông.
Nhà văn Nguyễn Thành Long- đã in dấu ấn của mình trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại với những truyện ngắn xuất sắc. Chuyện tình trên đảo Cù lao Xanh đầy chất thơ và kịch tính hình như là để dành riêng cho Quy Nhơn. Câu chuyện được viết xen kẽ trong thời gian ông ở Cù lao Xanh từ tháng 7-1983 đến tại Hà Nội tháng 12-1983. Đó là câu chuyện tình của 22 năm, bằng khoảng thời gian đất nước bị chia cắt cho đến ngày thống nhất. Khoảng thời gian đó là bi kịch của sự ly tán và niềm vui sum họp của đất nước, được vận vào cả trong câu chuyện tình của họ. Ngày ấy, anh- một chàng trai 17 tuổi- lần đầu bước chân lên đảo Cù lao Xanh và gặp chị- con gái dân chài cù lao. Họ đến với nhau. Người con gái đã mang trong mình hòn máu của chàng ngay từ đêm ấy, trước khi anh lên đường tập kết ra Bắc. "Sau này, người con trai ngẫm nghĩ, tâm sự với bạn bè, có khi khóc, rằng câu chuyện tình của họ chỉ kéo dài có mười tiếng đồng hồ, chớm nở từ lúc bốn giờ chiều và kết thúc lúc hai giờ sáng" - Nguyễn Thành Long mở đầu thiên truyện tình của mình như thế. Anh vẫn luôn nghĩ về chị. Tác giả viết tiếp: "Giải phóng, các đội phim chúng tôi vào trước. Tôi bay về Quy Nhơn, xuống cầu Cảng, mua vé ca-nô ra đảo. Tại cầu Cảng này, đã cầm chiếc vé trên tay, tôi lân la dò hỏi và biết sự thật". Sự thật đó là gì? Người con gái 20 năm trước đã có chồng. Anh thôi, không ra đảo nữa. Rồi một lần đội chiếu phim của anh được cử ra đảo, anh không thể chối từ. Và cũng để cho dứt điểm, như nhân vật chính trong truyện đã nói. Nhờ chuyến đi này anh mới biết, chủ tịch xã đảo Thêm chính là con trai anh. Anh gặp chị - mẹ của chủ tịch Thêm. Hai mẹ con đang nói về người thứ ba - chồng chị - đang đánh cá ngoài biển với tất cả sự đầm ấm và hạnh phúc. Ba người con - như ba chân kiềng - sống hạnh phúc, không hay biết gì quá khứ, không hay sự hiện diện của anh. Anh không dám nói ý định tìm chị, nhận con của mình nữa. "Mục đích tôi đi làm cách mạng - nhân vật trong truyện tự nhủ - là để cho người khác sung sướng. Tôi không chắc làm cho ai được sung sướng, vậy thì hãy bảo vệ lấy hạnh phúc của những người này". Quả thật, câu chuyện tình trên là bi kịch với anh, thế nhưng anh chứng kiến một hạnh phúc mà cách mạng mang đến.
Duyên nợ với Quy Nhơn còn có cả những nghệ sĩ tên tuổi. Nhà thơ Tố Hữu - con chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng - trong câu chuyện đầu xuân với nhà văn Anh Đức, đã kể lại những kỷ niệm của mình với Quy Nhơn. Tố Hữu nói: "Trên chuyến xe đi đày, qua các phố Quy Nhơn, trong tôi đã hình thành một bài thơ mới. Trong nhịp lắc lư của xe chạy lên núi đồi cao nguyên, tôi nhẩm từng câu. Và khi đặt chân đến Đắc Lắc tôi đã làm xong được bài Tiếng hát đi đày:
Đường qua mấy phố Quy Nhơn
Nhà sao trông lại mến yêu hơn nhiều
Người đi quấn áo chen chân
Ờ sao như đã quen thân từ nào?
Xe ơi, chầm chậm từng giây phút
Kẻo nữa rồi đây lại khát khao
Nếu như Tố Hữu biết đến Quy Nhơn từ thuở "từ ấy", thì Văn Cao có duyên nợ với Quy Nhơn bắt đầu từ chuyến đi về phương nam, ghé lại Quy Nhơn vào năm 1985. Và ông đã viết 3 bài thơ về Quy Nhơn bằng cái tình đằm thắm sâu nặng. Nguyễn Thụy Kha - người đồng hành với ông trong chuyến đi này - kể lại trong sách Văn Cao - người đi dọc biển (NXB. Lao động, 1991) như sau:
"Ở Quy Nhơn lại có cảm giác khác, vốn là kinh thành của người Chàm, rồi là kinh thành đầu tiên của Nguyễn Huệ, Quy Nhơn với cái tên ẩn chứa sự quy tụ của người tài đã thật sự trở thành một trong những cái nôi của thi ca thế kỷ XX ở Việt Nam. Ai có thể quên được nhóm thơ Bình Định (…) Cũng chiều ấy, trên đường về thành phố Quy Nhơn, khi men theo con đường nhiều tháp Chàm, Văn Cao đã viết "Từ trời xanh - rơi - vài giọt tháp Chàm". Và bộ ba bài thơ Quy Nhơn lần lượt được làm ra (…) Ba bài thơ Quy Nhơn của Văn Cao đã in trên báo Văn nghệ tháng 7-1985, chấm dứt ngót 30 năm không in thơ trên báo Văn nghệ. Hoàng Trung Thông, Tế Hanh, và Nguyễn Đình Thi đến chúc mừng."
Quy Nhơn trong thơ Văn Cao như là một doi cát lớn vươn ra biển Đông, có cả những ngày tràn nắng lóng lánh lên từng lá dừa non, có cả những đêm trăng thơ mộng chuênh chuếch rười rượi gió biển. Quy Nhơn thực là như thế. Nhưng cảm nhận của Văn Cao là cảm nhận lãng mạn có tính phát hiện:
Một nửa hình con trai
Ngày
lấp lánh sắc cầu vồng
Một nửa mình trăng
Đêm
nằm nghiêng trên bãi biển
Quy Nhơn được Văn Cao cảm nhận rất bình dị nhưng vô cùng đẹp, với tất cả vẻ đẹp vốn có của nó. Đó là Quy Nhơn với "vài dây buồm nhỏ - vài con đường phố nhỏ - vài ngôi nhà nhỏ". Cảnh của Quy Nhơn có hình khối, màu sắc và "những chùm chim yến lại bay về đảo", "nắng làm khô những lá dừa non". Hơn thế nhạc điệu trầm bổng vút lên từ những cảnh ấy. Bởi vì, cuốn hút Văn Cao còn là những tháp Chàm cổ kính huyền ảo, giống như những nốt nhạc sắc màu và âm thanh của chính Quy Nhơn:
Từ trời xanh
Rơi
vài giọt tháp Chàm
Quanh Quy Nhơn
Từ những tín hiệu sắc màu, hình khối, âm thanh được Văn Cao miêu tả như thế - Quy Nhơn hiện hiện lên với một vẻ đẹp hư thực, trải dài suốt chuỗi thời gian từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Và cảnh càng trở nên lấp lánh huyền diệu theo năm tháng
Khuôn mặt càng dịu hiền
Càng lấp lánh
Lấp lánh…
Tác giả luân phiên sử dụng từ chỉ thời gian: ngày- đêm, để chỉ sự tồn tại của cảnh vật theo thời gian. Nhưng đặt tín hiệu này trong hệ thống các tín hiệu về cảnh, nó nói lên cái tuần hoàn vô tận của thời gian:
Một nửa hình con trai
Ngày
một nửa mình trăng
Đêm
vẫn ngày đêm lấp lánh
Ngày đêm làm ngọc
Vì thế vẻ đẹp của Quy Nhơn không chỉ là ở một thời khắc nào, mà là thời-gian-vĩnh-viễn. Trên trục thời gian đó, với tín hiệu không đổi này, có thể giải thích vì sao với tác giả, Quy Nhơn bao giờ cũng là hằng mơ hằng nhớ, dù tác giả chưa đến:
Chưa về Quy nhơn
Mà nhớ em
Khuôn mặt càng dịu hiền
Càng lấp lánh
Lấp lánh…
"Về chứ không phải là "đến" "đi". Như là về nhà mình, về chốn cũ thân tình vậy.
Như vậy, Quy Nhơn có vẻ đẹp dịu hiền, hư thực và vĩnh viễn trong cảm nhận của Văn Cao. Đó là điều mà tác giả muốn và đã thông điệp cho chúng ta.
. Trần Xuân Toàn
|