Chiến tranh vừa kết thúc, tôi xin xuất ngũ để trở lại cuộc sống đời thường, nhưng khi về đến quê nhà, lòng đau quặn thắt khi biết mẹ và em gái đã hy sinh trong trận càn của giặc vào mùa khô năm 1972! Căn nhà mái năm gian ông bà truyền lại mấy đời cũng bị bom đánh sập, nền biến thành cái ao chuôm nước xanh sâu thẳm. Khu vườn ổi của một thời trẻ thơ mang đầy kỷ niệm bây giờ là kho chứa thóc của hợp tác xã nông nghiệp.
Vậy là sau hơn mười năm làm lính, tham gia hàng trăm trận đánh ác liệt từ cánh Bắc Tây Nguyên cho đến phi trường Tân Sơn Nhất vào những ngày cuối tháng tư năm 75 rực lửa, tôi trở về nguyên vẹn, ngực lấp lánh huy chương để tiếp nhận nỗi buồn sâu thẳm bởi những mất mát ở chốn hậu phương.
Để khuây khỏa nỗi buồn, tôi rời quê hương đi khắp mọi miền đất nước, làm đủ mọi nghề kiếm sống.
Trên đường phiêu bạt, tình cờ tôi gặp Lân, người bạn cùng đơn vị thời chiến tranh trong cái quán lụp xụp nằm ven thị trấn nghèo heo hút của một huyện miền trung du. Sau mấy phút sôi nổi ồn ả, hai người cựu binh ngồi lặng lẽ bên cốc rượu trong buổi chiều nhập nhoạng và hồi tưởng về một thời chiến tranh gian khổ hy sinh nhưng rất hào hùng oanh liệt, về những đồng đội đã anh dũng ngã xuống rải rác trên các chiến trường.
Lân hiện có vợ, một con. Anh là thương binh hạng hai, đang làm hợp đồng cho một xí nghiệp song mây sắp đến thời kỳ phá sản. Vợ Lân là nhân viên ngân hàng huyện. Cuộc sống của họ còn gieo neo lắm.
Như hồi còn trong quân đội, Lân tuy thẳng thắn nhưng sống hết lòng với bạn bè. Thấy ai khó khăn hơn, anh sẵn sàng san sẻ. Không thích ai ban phát, và vươn lên bằng chính khả năng mình. Té ra, ngôi trường tôi mới vừa đến nhận hợp đồng bảo vệ, tạm thời phụ trách thêm thư viện trường cách khu tập thể của Lân không xa mấy. Vì vậy, chúng tôi thường gặp nhau. Lúc cơ quan hết việc, Lân hay đến thư viện trường mượn sách về đọc. Đến kỳ nhận lương, chúng tôi hẹn gặp nhau trong cái quán đầu tiên để có dịp sống lại những giây phút hào hùng của một thời quá khứ, tiếc nhớ những đồng đội đã hy sinh hoặc ca thán về thân phận của người lính sau cuộc chiến.
Biết Lân không tin vào số phận, vào sự may rủi. Một hôm, trong cuộc rượu vui, tôi bỗng cao hứng gọi một cô bán vé số đến rút một tờ, xem lướt qua những con số rồi nhét vào túi Lân, giọng giễu cợt: "Cậu sẽ đổi đời nhờ vào tấm giấy này đấy. Nhớ chia phần cho mình với".
Chuyện đùa hóa thật. Sau đó gần một tháng, tình cờ tôi phát hiện ra, tấm vé số đưa cho Lân hôm nào trúng giải đặc biệt. Ôi! Một số tiền kếch sù mà những cựu binh như tôi chưa bao giờ dám mơ đến. Tôi hối hả đến nhà Lân báo tin vui. Lạ thay, Lân cứ thản nhiên như chuyện thường ngày ở nhà. Trong lúc tôi cuống lên như gà mắc đẻ thì Lân vẫn cứ thong thả lộn ngược từng chiếc túi áo của anh, của vợ; lật tung tất cả mùng mền, chiếu gối. Vậy mà tấm vé số vẫn biệt tăm! Lân bỗng nắm tay tôi an ủi: "Mình không còn nhớ là đã để nó ở đâu! Không chừng đã đánh rơi dọc đường. Nhưng thôi, tiếc làm gì. Của nả không tự tìm đến với bọn mình đâu. Nếu có cũng không tồn tại. Cậu hãy quên đi". Tôi ra về mà lòng cứ xuýt xoa hối tiếc.
Sau đó khoảng ba tháng, Lân đến thăm tôi với thân hình gầy rộc, khoe: "Mình mới mua một căn hộ, có cả đất chăn nuôi của thằng bạn nghèo sang nhượng". Hơn bốn mươi tuổi mới được căn hộ của riêng mình, đấy là điều day dứt lắm. Tôi mừng cho anh.
Hôm đi thăm căn hộ mới của vợ chồng Lân, thấy cuộc sống của họ có đổi khác, tôi bỗng suy nghĩ: Lân làm gì mà phát nhanh đến thế? Mới hôm nào, trong căn hộ mười mét vuông ở khu tập thể vẫn cứ toang hoác. Vậy mà giờ đây, không những mua nhà mà còn sắm cả bàn ghế, giường tủ? Chỉ có trúng số mới lên nhanh như vậy. Hay là... Tôi vội cắt ngay dòng suy nghĩ hắc ám. Lân không thể là con người như vậy. Hồi cùng đơn vị, Lân sẵn sàng chia sẻ cho đồng đội từng điếu thuốc; từng mẩu lương khô vào những ngày khốn khó; sẵn sàng nhường khẩu phần của mình cho anh em ốm đau. Trong trận đánh lớn trên đồng cỏ voi bên bờ sông Sa Thầy, vì cứu tôi thoát chết mà anh bị thương nặng, phải nằm việc ba tháng rồi xuất ngũ. Trong thời gian gặp lại Lân, chính Lân là nguồn động viên an ủi tôi. Thỉnh thoảng vợ chồng anh còn ngắt bớt phần chi tiêu hàng ngày của gia đình để giúp tôi lúc khó khăn. Không, Lân không thể là con người vì đồng tiền mà quay lưng với bạn bè. Tình cảm giữa tôi và Lân vẫn như bát nước đầy. Sợ tôi mặc cảm, Lân thường chủ động đến thăm tôi. Lân không còn năng đọc sách như trước. Lân bảo, anh đang làm thêm ban đêm. Thu nhập khá lắm.
Buổi chiều cuối năm, tôi đến thăm gia đình Lân. Sau một lúc chuyện trò, Lân bỗng chỉ vào chiếc xe Chaly đang dựng trong góc phòng, ca cẩm: "Bọn mình sống sao cũng xong. Cánh đàn bà hay se sua lắm! Cơ quan ngân hàng ai cũng đi xe cúp. Riêng bà xã cứ đạp xe cọc cạch mỗi ngày trên hai mươi cây số. Đôi lúc nghĩ mà thương. Phấn đấu cật lực mới sắm nổi. Vẫn còn nợ đấy!". Lời phân bua của Lân vô tình giúp tôi tiếp nối dòng suy nghĩ mà tôi đã cố cắt đứt: Lấy đâu mà Lân mua sắm những phương tiện lớn tiền như vậy? Hay là Lân đã âm thầm mang tấm vé đi nhận thưởng rồi vờ vịt bảo đánh mất? Không còn nghi ngờ gì nữa, Lân đã lừa dối tôi. Hèn chi hôm đến báo tin, Lân cứ tỉnh rụi và giả vờ lục tìm. Hóa ra, đến một lúc nào đó, sức mạnh đồng tiền sẽ làm lu mờ lương tâm, đánh đổ nhân cách. Tôi rất buồn và tự an ủi: "Của nả ấy không tồn tại lâu. Còn ai lừa bạn sẽ bị trời hại".
Trời hại đâu không thấy, chính tôi đã gián tiếp hại Lân, đưa gia đình Lân đi vào ngõ cụt. Hôm ấy, vào buổi tối mùa đông, thị trấn miền trung du chìm trong nỗi buồn heo hút. Tôi đang ngồi trong cái quán nhỏ nhấm nháp từng ngụm cà phê, mông lung suy tưởng, bỗng thấy Lân đi về nhà bằng chiếc xe Chaly. Dưới ánh đèn đường, trông Lân có vẻ xanh xao mệt mỏi. Xe Lân vừa ngang qua trước quán thì bị một người đàn bà chạy băng qua đường đâm bổ vào. Mặc dù Lân đi xe rất chậm nhưng sự việc diễn ra bất ngờ khiến anh luống cuống không kịp hãm phanh nên bánh xe đẩy người đàn bà ngã xuống đường. Trong thoáng chốc, người ta kéo đến xem rất đông, xôn xao bàn tán. Sau đó mấy phút, công an đến xem xét hiện trường rồi ghi biên bản: Đi xe không đèn, chạy quá tốc độ, tông người, làm gãy chân nạn nhân. Tôi định ra làm chứng cho Lân, buộc anh công an làm lại biên bản. Nhưng nghĩ sao tôi lại nép mình vào bóng tối như người ngoài cuộc.
Sau này, không ngờ sự việc lại kết thúc một cách nghiêm trọng. Tòa án buộc Lân phải bồi thường cho nguyên đơn một số tiền lớn về tội ban đêm đi xe không đèn, chạy quá tốc độ, tông người gãy chân, mất khả năng lao động vĩnh viễn! Giá như hôm xảy ra tai nạn, tôi làm chứng cho Lân, nói rõ sự thật thì bất quá Lân chỉ mất tiền cơm thuốc. Ăn năn hối hận thì đã muộn. Tôi thấy mình nhỏ nhen ích kỷ quá. Đồng tiền cũng làm tôi lu mờ lý trí, vẩn đục lương tâm. Nhìn vợ chồng Lân bán đổ bán tháo nhà cửa xe cộ về lại với căn hộ 10 mét vuông để lấy tiền nộp cho cơ quan thi hành án mà lòng tôi cứ tan nát xót xa. Tội nghiệp cháu Hoa, con của vợ chồng Lân, cứ khóc rấm rứt, đòi phải để chiếc xe lại chở nó đi chơi. Nếu đó là luật nhân quả thì tôi vẫn là người nhẫn tâm.
Từ đó, tôi không đám đến căn hộ của Lân. Ban ngày, làm công tác bảo vệ. Tối, nằm đọc sách giải khuây. Vợ chồng Lân vô tình vẫn quí mến tôi như thuở ban đầu.
Thưa quí bạn đọc. Nếu câu chuyện chỉ kết thúc ở đây thì lòng tôi bớt day dứt, trái tim đỡ khổ đau. Nhưng đằng này thì khác.
Một hôm, tôi đọc bộ sử ký Tư Mã Thiên, bộ sách mà Lân đã mượn về đọc đến những hai lần. Đọc gần nửa bộ sách, bỗng một tờ vé số rơi ra. Tôi nhặt lên xem. Trời đất ơi! Đó chính là tờ vé số mà tôi đã đưa cho Lân hôm nào! Tôi điếng người, mồ hôi cứ vã ra như tắm... Tấm vé số đã trở thành tờ giấy loại nhưng nó giúp tôi khẳng định lại Lân và thấy rõ hơn chân tướng của chính mình.
Sau đó mấy hôm, tôi biết đích xác, vì lo cho vợ con có cuộc sống đầy đủ, Lân làm thêm ban đêm cho một cơ sở sản xuất bình ắc qui, công việc luôn tiếp xúc với bột chì và acid Sulfuric! Tôi thường khuyên anh tìm việc khác làm. Lân lắc đầu, chán nản: "Biết làm gì bây giờ! ".
Không đành lòng nhìn thân thể anh suy sụp dần vì bị nhiễm độc chì, không dám nhìn cảnh nheo nhóc khốn khổ của gia đình anh, tôi xin gia nhập vào đơn vị "Đi tìm đồng đội", hy vọng sẽ làm dịu bớt nỗi day dứt trong tôi.
Hôm chia tay, anh nắm chặt tay tôi, ngậm ngùi:
- Bạn thời chiến tranh chỉ còn lại cậu. Thỉnh thoảng về thăm bọn mình. Cháu Hoa chắc sẽ nhớ cậu lắm!
. Trần Quang Lộc
|