Văn học với đề tài chiến tranh cách mạng
16:52', 1/9/ 2003 (GMT+7)

Năm 1945, A.Tônxtôi - nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh của Liên Xô, đã phỏng đoán: "Trong một trăm năm tới, chiến tranh vẫn là cảm hứng sáng tạo cho toàn bộ nghệ thuật – từ bi kịch và sử thi cho đến cả những bài thơ tứ tuyệt, trữ tình". Trong văn học Liên Xô trước đây có những tác phẩm viết về chiến tranh xuất sắc của Ximônôp, Bôn-đa-rép, Raxputin, Sôlôkhốp... Trong văn học Việt Nam từ 1945 đến nay chưa ai thống kê được chính xác có bao nhiêu tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng nhưng có một điều chắc chắn, đó là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Chỉ tính riêng ở mảng thơ ca, ta đã có một đội ngũ vững vàng, trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ như: Tố Hữu, Quang Dũng, Chính Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Vũ Cao hay trẻ hơn là Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Lâm Thị Mỹ Dạ... không thể nào kể hết tên tuổi mà những tác phẩm của họ như đã trở thành quen thuộc với người đọc. Những bài thơ viết về chiến tranh, một số bây giờ đã trở thành bài học thuộc lòng cho học sinh nhiều thế hệ, bởi nó không chỉ nói về những đau thương tang tóc của chiến tranh; mà qua đó còn là bài học về con người, về lòng dũng cảm, sự hy sinh bảo vệ quê hương, Tổ quốc, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được như thế nào là khí phách của cha anh:

Anh ngã xuống giữa đường băng Tân Sơn Nhất

Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

Và anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng

                        ...

Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Anh là chiến sĩ giải phóng quân

(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)

Dáng đứng kiên cường mà nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân khắc họa mãi mãi là bài học hào hùng của người Việt Nam, quê hương Việt Nam. Đối với chiến tranh, nhiều tác giả, nhất là những người từng cầm súng chiến đấu, đều biết rằng đó là bộ bách khoa toàn thư về đời sống con người. Không có một phẩm chất nào (cả tốt và xấu) mà không có dịp bộc lộ rõ trong chiến tranh. Hầu hết những hình ảnh của chiến tranh mà thơ ca đã ghi lại được, đều là những hình ảnh đẹp, có sức thuyết phục ở nhiều thế hệ:

Nguyễn Văn Trỗi ra đi còn dạy chúng ta cười...

Cho tôi sinh giữa những ngày diệt Mỹ

Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy

bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng

hạ trực thăng rơi

Năm 1965, Chế Lan Viên đã viết như thế. Và trước đó gần 20 năm – nhà thơ Chính Hữu đã viết:

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn bên nhau

Súng bên súng đầu sát bên đầu.

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

(Đồng chí)

Hai chữ "đồng chí" ở những ngày tháng đầu của cuộc kháng chiến được Chính Hữu khắc họa thật mộc mạc và mang nặng tình đồng đội, nghĩa bạn bè.

Ngày nay, những tính cách cao đẹp xuất hiện trong chiến tranh không những không mất đi mà còn thể hiện ở nhiều khía cạnh trong nhiều bài thơ có sức hấp dẫn lớn. Một loạt những cây bút thơ mới trưởng thành từ sau chiến tranh, nhưng đã thực sự chiếm lĩnh được sự tin cậy của độc giả. Đề tài chiến tranh ở giai đoạn này được phản ánh tinh tế với nhiều khía cạnh sâu sắc hơn. Thế nhưng, phải công nhận một điều là thơ ca viết về chiến tranh và người lính trong giai đoạn này đã có phần hạn chế so với tác phẩm văn xuôi. Đó là lẽ tất nhiên, bởi trực diện với xã hội, với sợi dây dễ rung cảm của các nhà thơ bây giờ, là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, là sự đấu tranh không ngừng để hoàn thiện cho từng cá nhân và xã hội.

. Mai Thìn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nguyễn Du dùng điển cố trong Truyện Kiều   (31/08/2003)
Người bạn thời chiến tranh   (29/08/2003)
Quy Nhơn trong duyên nợ thơ văn   (29/08/2003)
"Người mẹ" trong những chặng đường thơ  (27/08/2003)
Quà tặng   (26/08/2003)
Nhớ nón Gò Găng   (25/08/2003)
Vở kịch đón chào xuân Độc lập đầu tiên của Nguyễn Tuân   (24/08/2003)
Anh thợ cạo   (22/08/2003)
Bữa cơm tối   (21/08/2003)
Má dặn…   (19/08/2003)
Duyên thơ với tháng Tám mùa Thu năm xưa   (18/08/2003)
"Đồng Quê" của Mai Thìn   (17/08/2003)
Đêm về   (15/08/2003)
Bao bận xuân về   (15/08/2003)
Yến Lan, bến sông và phố huyện   (15/08/2003)