Suy nghĩ từ một bài thơ của Bác Hồ
17:7', 3/9/ 2003 (GMT+7)

Lâu nay, người ta thường nói đến những giá trị văn hóa trong toàn bộ sáng tác của Bác Hồ. Đọc Nhật kí trong tù chúng ta càng thấy rõ điều đó hơn. Ở đây kết tinh toàn bộ những giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại mà Bác đã tiếp thu. Và, một phần nào những giá trị này được thể hiện ở bài thơ Tiết Thanh Minh - thông qua nụ cười châm biếm, hài hước của Bác trong bài thơ.

Ta biết, Bác có một vốn Hán học rất sâu sắc. Hơn nữa, tập Nhật ký trong tù lại được viết bằng chữ Hán. Hầu hết, các bài thơ trong tập đều làm theo thể thơ tứ tuyệt hay bát cú, tuân theo niêm luật chặt chẽ của thơ Đường. Trong bài thơ Tiết Thanh Minh, Bác mượn hầu như nguyên vẹn thi tứ, thi liệu từ bài thơ của Đỗ Mục đời Đường.

Nhà thơ Đỗ Mục đời Đường viết:

Thanh Minh thời tiết vũ phân phân

Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn

Tá vấn tửu giai hà xứ hữu?

Mục đồng dao chỉ Hạnh hoa thôn

Dịch là:

Thanh minh lất phất mưa phùn

Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa

Hỏi thăm quán rượu đâu là

Mục đồng chỉ lối Hạnh hoa thôn ngoài

Còn đây là bài Tiết Thanh Minh của Bác Hồ. Nguyên văn bằng chữ Hán:

Thanh minh thời tiết vũ phân phân

Lung lý tù nhân dục đoạn hồn

Tá vấn tự do hà xứ hữu?

Vệ binh dao chỉ biện công môn

Dịch là:

Thanh minh lất phất mưa phùn

Tù nhân nghe thấm nỗi buồn xót xa

Tự do, thử hỏi đâu là?

Lính canh trỏ lối thẳng ra công đường

Từ bài thơ của Đỗ Mục đến bài thơ của Bác, chỉ là sự thay đổi một số từ nhưng ý nghĩa của bài thơ thật ý nghĩa. Một bên là tâm trạng u buồn của người lữ khách trước tiết thanh minh lất phất mưa phùn, và một bên là tâm trạng xót xa của người chiến sĩ cách mạng bị mất tự do. Trong bài thơ của Bác không còn là chuyện cất chén tiêu sầu nữa, mà là khát vọng tự do. Khát vọng tự do ấy của Bác rất lớn. Nó là yêu cầu thường trực của Bác, nhiều lần được nhắc đến trong tập Nhật ký. Trong bài thơ đã bắt đầu xuất hiện một nghịch cảnh, giữa một bên là khát vọng tự do cần được đáp ứng và một bên là nơi đáp ứng khát vọng đó: Lính canh trỏ lối thẳng ra công đường. Tự do ở công đường của chế độ thống trị này ư? Điều đó không thể nào có được. Nụ cười châm biếm xuất hiện ở đây.

Cái thần diệu của Bác là chỉ vận dụng thơ Đường qua việc vận dụng một số yếu tố cấu tạo ngôn ngữ, hoặc những gợi ý ban đầu cho ý thơ, tứ thơ hoặc có khi mượn hầu hết thi liệu thơ Đường như bài thơ này, để rồi sáng tạo một bài thơ khác, với chủ đề tư tưởng và cảm hứng chủ đạo khác đi. Nói là nhại thơ Đường mà thật ra Bác đã sáng tạo ra cả một tứ thơ, một bài thơ.

Điều đó có được do Bác có một vốn hiểu biết sâu sắc giá trị văn hóa Trung Quốc, một nền Hán học uyên thâm mà đỉnh cao là thơ Đường.

Với bài thơ này, người ta còn tìm thấy chất humour (u-mua) - chất hài hước đặc biệt của người Anh, lối cười phớt tỉnh Ăng-lê lạnh lùng,buồn thắt, cười trong nước mắt.

Người ta nói, một dân tộc có văn hóa là một dân tộc biết cười. Và một người có văn hóa thì người ấy phải biết cười. Một người đã biết tiếp thu một cách sâu sắc nền văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại như Bác, đã thể hiện cái cười từ kiểu nhà nho thâm thúy đến lạnh lùng, "cái cười giễu chết tươi" của người Pháp đầy trí tuệ… là một điều dễ hiểu. Điều đó hoàn toàn khác xa với nhận định cho rằng: "Chữ Hán đã thật sự hạn chế khả năng biểu hiện thái độ châm biếm, trào lộng" (Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong, Lịch sử văn học Việt Nam sơ giản, NXB. Sử học, 1961, tr.28).

Tính hài hước và châm biếm chiếm gần một nửa số bài thơ trong tập Nhật ký trong tù với những sắc thái đa dạng hiếm có. Và điều đáng lưu ý là: Đó là nụ cười của một tù nhân!

Bác - Hồ Chí Minh - trong suốt cuộc đời của mình, rất ghét tôn sùng cá nhân, đã biết tự nhạo mình và nhạo người khác, không ngần ngại đùa vui với mọi người, tránh thói trịnh trọng câu nệ. Bởi vì, Bác hiểu mình và rất biết người. Những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, của phương Đông và phương Tây được Bác sử dụng một cách nhuần nhuyễn, tuyệt vời trong đời sống lẫn trong thi ca, trong truyền thống lẫn hiện đại, trong lý tính và trong tình cảm.

Và vì thế Bác trở nên gần gũi và vĩ đại với chúng ta.

. Trần Xuân Toàn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hành trang   (02/09/2003)
Tổ quốc   (02/09/2003)
Văn học với đề tài chiến tranh cách mạng   (01/09/2003)
Nguyễn Du dùng điển cố trong Truyện Kiều   (31/08/2003)
Người bạn thời chiến tranh   (29/08/2003)
Quy Nhơn trong duyên nợ thơ văn   (29/08/2003)
"Người mẹ" trong những chặng đường thơ  (27/08/2003)
Quà tặng   (26/08/2003)
Nhớ nón Gò Găng   (25/08/2003)
Vở kịch đón chào xuân Độc lập đầu tiên của Nguyễn Tuân   (24/08/2003)
Anh thợ cạo   (22/08/2003)
Bữa cơm tối   (21/08/2003)
Má dặn…   (19/08/2003)
Duyên thơ với tháng Tám mùa Thu năm xưa   (18/08/2003)
"Đồng Quê" của Mai Thìn   (17/08/2003)