Hành trang nhà thơ chiến sĩ
17:6', 4/9/ 2003 (GMT+7)

(Đọc lại tập thơ "Hoa không tên" của Hoàng Bảo Linh)

Trong hồi ký nổi tiếng "Nhớ lại và suy nghĩ", Nguyên soái Liên Xô Jiu-Cốp đã viết: "Người ta khó mà nhớ hết những gì đã xảy ra trong đời mình… nhớ chăng được chỉ là những điều không thể quên …"

Qua thơ Hoàng Bảo Linh chúng ta đã gặp ở anh những suy nghĩ của Nguyên soái Jiu-Cốp. Thơ anh là thơ của những kỷ niệm không thể quên - là hành trang mang theo trong suốt cuộc đời người lính.

Đó là một miền quê heo hút "càng nghĩ càng thương" "có con đường thoảng hương cau" và "sáng lên như một mặt trời". Đó là lời ru, lời nhắc nhở của mẹ, cha, lời dặn của ông bà về "sự thật" về "nghĩa nhân"; là "hương thầm tình yêu không nói" của em là cái "màu máu đỏ" của bạn bè hy sinh "không một điều đòi hỏi …".

Với những hành trang đó, nhà thơ - người lính Hoàng Bảo Linh hăm hở đi qua "con đường xuyên mùa đông" vươn lên " bằng sức bền của đất" và "bằng niềm tin của chính mình" và vì vậy, với anh "mùa xuân đến gần theo mỗi bước chúng tôi đi" (Con đường đi xuyên mùa đông).

Với những điều không thể quên của Hoàng Bảo Linh, có thể chúng ta cũng đã bắt gặp ở đâu đó trong những nhà thơ lính khác. Đó cũng là điều thật dễ hiểu, bởi lẽ những nhà thơ lính của chúng ta đều có chung một người Mẹ, một người Cha vĩ đại.

Tuy nhiên thơ của trái tim chiến sĩ Hoàng Bảo Linh có bản lĩnh riêng - Bản lĩnh của một loài "hoa không tên, không hương, không vay mượn", "mảnh mai", "tinh khiết". Với sự nhạy cảm sâu lắng, thơ Hoàng Bảo Linh đã thầm thì, thầm thì không thôi phần tâm hồn nặng hơn trăm lần thân thể của mình. Hoàng Bảo Linh cho ta những xúc động chân thành, tinh tế; qua "tiếng chày" da diết cũng làm anh liên tưởng:

Hay tiếng  tim đất nước

Đập từ phía quê nhà

(Tiếng chày đêm)

Và:

Mưa đầu nguồn dạt dào như tình yêu đôi lứa:

Căn nhà rông ấm nồng ngọn lửa

Không gian chiều sóng sánh tiếng chiêng …

(Mưa đầu nguồn)

Tôi trân trọng và yêu mến anh qua những câu thơ:

trần trụi mà kín đáo

xao động mà thâm trầm

hương đồng

lọc từ bùn non

lọc từ mồ hôi và máu

(Cảm nhận qua Hoài Ân)

:

Biển vẫn dịu dàng trong sắc biếc trầm tư

Không ngớt vỗ vào bờ muôn đợt sóng

có lúc ta nghe lòng xao động

đứng bên tượng đài gội sạch bụi đường vương …

(Con đường và tượng đài chiến thắng)

Thơ Hoàng Bảo Linh không cầu kỳ, không chạy theo xảo thuật mà mộc mạc, chân thành và đặc biệt sâu lắng. Càng đọc ta càng đồng cảm và thấm thía từng nỗi đau, từng niềm vui của tác giả và thấy rõ nét hơn cái anh khẳng định:

Hiểu biết của con người sẽ góp vào nguồn sáng

Sự sống và hạnh phúc nhiều hơn nỗi khổ đau

(Hy vọng)

Chính những điều đó đã làm cho những điều không thể quên của Hoàng Bảo Linh đẹp thêm lên. Và cũng từ đó ta liên tưởng và suy nghĩ về chính ta, về những điều không thể quên của ta sao cho cũng sẽ lấp lánh trong suốt cuộc đời.

. Xuân Mai

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Suy nghĩ từ một bài thơ của Bác Hồ   (03/09/2003)
Hành trang   (02/09/2003)
Tổ quốc   (02/09/2003)
Văn học với đề tài chiến tranh cách mạng   (01/09/2003)
Nguyễn Du dùng điển cố trong Truyện Kiều   (31/08/2003)
Người bạn thời chiến tranh   (29/08/2003)
Quy Nhơn trong duyên nợ thơ văn   (29/08/2003)
"Người mẹ" trong những chặng đường thơ  (27/08/2003)
Quà tặng   (26/08/2003)
Nhớ nón Gò Găng   (25/08/2003)
Vở kịch đón chào xuân Độc lập đầu tiên của Nguyễn Tuân   (24/08/2003)
Anh thợ cạo   (22/08/2003)
Bữa cơm tối   (21/08/2003)
Má dặn…   (19/08/2003)
Duyên thơ với tháng Tám mùa Thu năm xưa   (18/08/2003)