Nguyễn Ngọc Hưng - Một hồn thơ lạc quan trong bất hạnh
16:22', 7/9/ 2003 (GMT+7)

Trước khi đi vào phần cảm nhận thơ Nguyễn Ngọc Hưng (Quảng Ngãi), người viết bài này xin có mấy lời cảm ơn và ghi nhận những tấm lòng bằng hữu thiết thân, những tình cảm không ở những người cùng huyết thống đã chăm chút ấp ủ cưu mang Nguyễn Ngọc Hưng trong hai mươi năm nằm tại chỗ vì căn bệnh vô phương cứu chữa… Xin được tụng xưng những tâm hồn cao đẹp, những điểm tựa tuyệt vời- đó là lực đẩy để Hưng được sống và được làm thơ. Với Báo Bình Định, Nguyễn Ngọc Hưng cũng là một cây bút thơ quen thuộc.

Vâng, tôi khẳng định Hưng là một hồn thơ lạc quan bởi anh đã dũng cảm vượt lên số phận, vượt qua những trở ngại, những rủi ro về thân phận để chiến đấu và chiến thắng nỗi bi phẫn riêng tư để đến với thơ bằng một tâm hồn trong trẻo hồn nhiên. Nỗi đau của thân xác không khiến anh bi lụy, đôi khi ta chỉ thấy anh nhẹ nhàng ký thác tâm sự mình một cách dí dỏm dễ thương:

...Ui da nhớ buổi ban đầu

Thấy mình đẹp đẽ cậu nào chả ưa

Vậy mà một sớm một trưa

Mực xanh mực đỏ chẳng chừa chỗ nao.

(Tâm sự chiếc ghế gãy)

Với mảng thơ thiếu nhi, anh khá thành công. Từ một vật dụng vô tri, đến cỏ cây hoa trái, đến các sinh vật bé bỏng nhỏ nhoi đều được anh thổi hồn vào để trở nên sinh động:

...Dơi hù trái ổi ngủ mê

Thả tay rơi bịch

Dãi dề hương thơm…

(Với trăng)

Trí tưởng tượng của anh mới ngộ nghĩnh làm sao:

...Ốc sên, rùa nhỏ ngang hàng

Giải xe đạp chậm hai chàng ẵm luôn.

(Hội thao)

Tôi thích những bài Chuyện con vịt, Nắng xấu hổ bởi tính giáo dục được tác giả sử dụng bóng bẩy, nhẹ nhàng rất dễ tiếp nhận đối với lứa tuổi thiếu nhi:

...Xa nhà muốn viết lá thư

Vắt óc mà nặn một từ không ra

Vịt bầu nhớ mẹ nhớ cha

Lạch bà lạch bạch đi ra đi vào

Tiếc xưa "nước đổ" qua đầu

Bây giờ nghe sấm vịt nào biết chi!

(Chuyện con vịt)

Thành ngữ "nước đổ đầu vịt" và "vịt nghe sấm" được tác giả sử dụng thật có duyên và đặt đúng địa chỉ.

Giữa thời buổi mà một số học sinh xem điều tôn sư trọng đạo là chuyện phù phiếm với suy nghĩ: Học và dạy chỉ là một hợp đồng trao đổi, thì Nguyễn Ngọc Hưng đã viết:

Bất ngờ giữa phố người đông

Gặp thầy năm ngoái em dông cái ào

Nghĩ thầm trong bụng: Ối dào!

Chắc chi thầy nhớ… hỏi chào… mất công

Lúc về... Có lạ lùng không?

Có một ông cụ tóc bông ở nhà

Bố đang kính cẩn dâng trà

Một vâng hai dạ như là… tôn sư

Lắng tai nghe… thật thế ư?

Cụ là thầy dạy bố từ… lớp ba

Kể đà ba chục năm xa

Buồn vui chuyện cũ vẫn tha thiết gần

Tần ngần vạt nắng cuối sân

Nhớ thầy năm ngoái… đỏ rần mặt em.

(Nắng xấu hổ)

Đấy là một số bài thơ Nguyễn Ngọc Hưng viết cho thiếu nhi ở tập Gọi Trăng gồm 43 bài do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2001. Xin trích lại một đoạn trong bài viết của nhà thơ Thanh Thảo gọi là sự đồng cảm về tập Gọi Trăng: Những mất mát, những đau đớn trong cuộc đời riêng neo tâm hồn Nguyễn Ngọc Hưng nơi bến tuổi thơ. Khi đọc những bài thơ nhỏ này, các em bé đã có thể vui thích và hứng thú nhận được từ đó những bài học lý thú và bổ ích.

. Ninh Giang Thu Cúc

(Trại sáng tác Đà Lạt, 7-2003)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đóa hoa ép khô cầu hôn   (05/09/2003)
Hành trang nhà thơ chiến sĩ   (04/09/2003)
Suy nghĩ từ một bài thơ của Bác Hồ   (03/09/2003)
Hành trang   (02/09/2003)
Tổ quốc   (02/09/2003)
Văn học với đề tài chiến tranh cách mạng   (01/09/2003)
Nguyễn Du dùng điển cố trong Truyện Kiều   (31/08/2003)
Người bạn thời chiến tranh   (29/08/2003)
Quy Nhơn trong duyên nợ thơ văn   (29/08/2003)
"Người mẹ" trong những chặng đường thơ  (27/08/2003)
Quà tặng   (26/08/2003)
Nhớ nón Gò Găng   (25/08/2003)
Vở kịch đón chào xuân Độc lập đầu tiên của Nguyễn Tuân   (24/08/2003)
Anh thợ cạo   (22/08/2003)
Bữa cơm tối   (21/08/2003)