(Qua Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam, NXB Văn hóa 1994)
Ở Trung Quốc không có thể thơ lục bát, trong khi đó ở một số nước Đông Nam Á tồn tại thể thơ này. Riêng trong lịch sử văn học Việt Nam, thể thơ lục bát có vai trò đặc biệt và có sức sống mạnh mẽ. Có thể nói, thơ lục bát là điệu hồn của dân tộc Việt Nam.
Giải thích cho điều này, ngay từ thế kỷ XI, trong bài tựa sách "Quốc âm từ điệu", nhà thơ Phạm Đình Toái đã viết rất tinh tế: "Ở thể thất ngôn (thơ Đường luật) thì có hình đối lập với nhau, ở lục bát thì có vẻ quanh co, lưu chuyển, đó là chỗ khác nhau vậy (…). Thể lục bát đâu cũng quen thuộc, không hẹn mà giống nhau, tao nhân mặc khách mở miệng nên thơ, gái dệt trai cày nói lời hợp điệu, cho đến câu hát của xóm làng, lời đùa của con trẻ, cũng không gì là không nhịp nhàng, hợp điệu".
Tuy là thể thơ dân dã nhưng người làm thơ lục bát nếu không dụng chữ kết lời, và ngay cả nếu điệu hồn mình không cộng hưởng với cảnh, tình, sự (Lê Quý Đôn) được miêu tả thì khó đạt đến cái tinh tế, cái thần của thơ lục bát. Những người tuyển chọn có lý khi nói rằng: "Thơ lục bát là thơ dễ làm nhưng khó hay. Nó đi cheo leo như một sợi dây vô hình giữa một bên là thi phẩm làm rung động lòng người và một bên là bài vè thô thiển".
Chính vì cảm nhận được nét tinh tế đó trong thơ lục bát mà khi bàn về sự trong sáng của tiếng Việt, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lấy ngay một câu ca dao của người bình dân:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Để so sánh với một câu lục bát thật hay trong truyện Kiều- tác phẩm hay vào bậc nhất của văn học dân tộc:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam đã tuyển chọn 166 bài lục bát hay của 145 tác giả ( từ Nguyễn Du đến các tác giả vào cuối năm 1993) quả thật là một sự lựa chọn khó khăn và dũng cảm. Điều đó nhất quán với tiêu chí chọn lựa bài thơ phải hay và có chất lượng.
Tôi lần theo 166 bài thơ, không phải để phẩm bình bài này bài kia mà là để hết hồn mình thưởng thức những câu thơ hay trong từng bài thơ. Chỉ riêng Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, rồi Hồ Dzếnh, Tú Xương, Xuân Diệu hay Tố Hữu, và Nguyễn Duy sau này… Với chừng ấy những tác giả quen biết đó cũng đã choáng ngợp rồi. Còn bao nhiêu tác giả mới và rất mới với những câu thơ rút ruột của mình nữa. Có thể dẫn ra và phẩm bình từng câu lục bát hay, nhưng e rằng sẽ mất nhiều thời gian của bạn. Chỉ xin đi vào những câu thơ đi về THƠ-RƯỢU-TÌNH-ĐỜI.
Có lẽ ai đó đã làm thơ chắc hẳn sẽ có một lần ngẫm nghĩ về nghiệp thơ. Bằng Việt trong bài thơ "Đọc lại Nguyễn Du", ngẫm người lại nghĩ đến ta, ông chợt thở dài:
Rạc dài chút phận hồng nhan
Cao sang nhòa lẫn tầm thường ngẩn ngơ
Còn Diệp Minh Tuyền, "Đứng bên mộ Hàn Mạc Tử", ông như cảm nhận nỗi cô đơn choáng ngợp quanh mình. Bài thơ có nhiều lần chữ một được nhắc đi nhắc lại, càng khắc họa thêm nỗi cô đơn ấy:
Một đời, một biển, một trăng
Một Hàn Mạc Tử vĩnh hằng nằm đây
Một tôi nay viếng chốn này
Một tim, một óc đứng say thơ vàng
Bạc tình một kiếp thi nhân…
(Một đời, một thời)
Người khách thơ đi trên đường thơ vạn dặm không một quán trọ đời để dừng chân:
Đường xa thơ khách không tiền
Bước vô quán trọ không tiền lại thôi
(Thi sĩ chân quê – Nguyễn Vũ Tiềm)
Cảm nhận về sự nghiệp của mình ở những thi sĩ lục bát là rất chân tình. Chân tình khi họ hòa thơ- tinh chất của đời, với rượu- chất men của vũ trụ làm của trao tình.
Thơ là rượu của thế gian
Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau
(Gởi bạn làm thơ – Huy Trụ)
Bài thơ "Uống rượu với Tản Đà" của nhà thơ Trần Huyền Trân là bài thơ của tình bạn tri kỷ. Đó là những vần thơ về rượu đầy tình nhất.
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đâu lòng ấy vào đau lòng này
Thậm chí:
Nguồn đau cứ rót cho nhau
Lời say sưa mới là câu chân tình
Thiết nghĩ, những "nàng thơ" của ta đã đi đến tận cùng của khổ đau và hạnh phúc. Người thơ cảm thông và tri kỷ hơn như Thanh Tâm trong "Các anh" là:
Sá chi những chuyện tâm tình
Lòng đau đem chứa trong bình rượu cay
Và Thanh Nam trong "Đêm cuối năm uống rượu":
Rót thêm ly nữa mời ta
Cái say như muốn chuyển qua cái sầu
Tìm đọc trong tập tuyển, tôi gặp rất nhiều câu lục bát hay về tình yêu với những cung bậc khác nhau. Đó là tâm trạng "làm sao định nghĩa được tình yêu" như Xuân Diệu đã nói. Bởi vì:
Tôi yêu là bởi tôi yêu
Cầm tay cô hỏi, hỏi nhiều làm chi
Chỉ đến khi:
Hôm qua lòng thấy ngọt ngào mới hay
(Đến chiều – Nguyễn Đình Thư)
Cũng có tương tư:
Xa nhau gió ít lạnh nhiều
Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh
(Tương tư- Trần Huyền Trân)
Cũng có lỗi hẹn:
Nhắc làm chi chuyện hoa niên
Bây giờ mình đã hết duyên về già
Cảm ơn anh lại chơi nhà
Nhưng quên nhau mới thật là tương tư
(Hôm qua – Hoàng Như Mai)
Và cũng thật là nhiều day dứt:
Em ngồi giặt áo giữa trưa
Rát bàn tay vẫn vò chưa sạch lòng
(Lỗi hẹn cùng ca dao – Thanh Nguyên)
Đọc những câu thơ như thế, lòng mình xốn xang. Thơ lục bát trong cái âm hưởng dân tộc, có ma lực và mãnh lực lay động cõi sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam.
Đôi khi những câu lục bát vẫn đi đến những khái quát, những triết lý có tầm vĩ mô. Đó là khi lục bát nói đến tình người, tình đời vậy.
Bạn có đồng tình với những gì Nguyễn Đỗ khái quát:
Phận càng thấp, ở càng cao
Càng nhiều trăng gió, càng hao tình người
(Không đề tầng 9)
Hay khi Trần Lê Văn chiêm nghiệm về đời người:
Ngại gì tóc bụi màu xanh
Lỡ khi bạc phếch tim mình mới lo
(Một cuộc vào đời)
Tiến trình từ lục bát – ca dao đến lục bát- Truyện Kiều, và lục bát của các nhà thơ khác mãi về sau nữa, vẫn là điệu hồn dân tộc.
Như những người tuyển chọn "Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam" đã viết: "Cái hay của thơ lục bát là hồn thơ lay cảm ngay giữa vần điệu, ở âm hưởng, ở cái duyên kỳ ngộ, ở sự xuất thần ở phía sau câu thơ và dưới từng chữ, từng lời thật khó tả. Nó là loại thơ mang hồn thiêng dân tộc đã làm một cuộc chạy tiếp sức truyền thống suốt từ ca dao đến Nguyễn Du và mãi đến tận hôm nay không gì phai mờ được trong sự hứng thú của một công chúng phức tạp và rộng lớn".
. Trần Xuân Toàn
|