Nhu cầu giao cảm và việc sáng tác ở trẻ em
16:26', 14/9/ 2003 (GMT+7)

Trong cuộc sống, mỗi người đều có nhiều nhu cầu khác nhau. Việc giao tiếp, giãi bày tâm sự với thiên nhiên, với xã hội là nhu cầu tự nhiên và bức thiết của mỗi một con người. Sáng tác văn học, thiết nghĩ cũng là biểu hiện cụ thể của nhu cầu giao cảm đó. Đặc biệt đối với tuổi thơ đang từng bước hòa nhập với đời bằng tất cả sự cảm nhận thì nhu cầu giãi bày, tâm sự ngày càng bức xúc hơn. Nhiều em đã biểu đạt nó bằng ngôn ngữ nghệ thuật, đã trang trải tấm lòng mình trên trang giấy trắng. Những bài thơ, bài văn hoặc những đoạn nhật ký được viết ra nhiều khi chỉ để cho một người đọc duy nhất là chính bản thân mình, song vẫn được các em trau chuốt và gìn giữ cẩn thận.

Nhu cầu được bộc lộ những tình cảm và rung động của mình thường khiến nhiều học sinh lãng mạn của nhiều thế hệ đêm đêm ngồi vào bàn viết lên những dòng "tâm sự". Tình cờ trong một đêm thơ do CLB Xuân Diệu tổ chức, tôi đã được nghe một nữ sinh chuyên văn trường chuyên Lê Quí Đôn tâm sự: "Khi xem kịch, xem phim hay đọc truyện... gặp điều xúc động, em thường viết lên giấy tất cả những suy nghĩ của mình. Và không biết tự bao giờ em đã làm được thơ...".

Phải chăng mọi vấn đề trong cuộc sống đều có thể trở thành đề tài thơ, văn của các em. Một chiếc là rơi, một con chim gãy cánh hay tiếng rao trong đêm lạnh vắng... đều có thể thẩm thấu vào mỗi một tâm hồn non trẻ đầy lãng mạn để trở thành những bài thơ, câu văn độc đáo. Thực tế đã có không ít bài thơ, câu văn của các em còn đề cập đến nhiều vấn đề hết sức nghiêm túc của xã hội. Ở tuổi lên mười, thi sĩ Nguyễn Thị Khánh Chi đã có cái nhìn của một chiến sĩ Cộng sản thực thụ. Khi đọc báo, hay tin 5 chiến sĩ Tây Ban Nha bị kẻ thù treo cổ, Khánh Chi đã viết:

Bọn giết người treo cổ năm chú trong đêm

Treo cổ hàng nghìn ngôi sao đang cháy

Con mắt năm chú thành ngọn lửa

Sáng dậy em ra mở cửa

nghe hoa trái xuống đường

Nghe tiếng chim hót thành căm giận

Chân trời ì ầm tiếng sóng...

(Trích từ tập:"Gởi gió về cho nội" của Khánh Chi)

Lịch sử văn học thế giới đã từng có các văn hào như: Vích to Huy-gô,Lép Tôn-xtôi hay Mác xim Gorki... đều có tác phẩm nổi tiếng ở tuổi niên thiếu. Ở nước ta, các thi sĩ nổi tiếng như: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê... làm được thơ hay khi còn ở tuổi học trò. Riêng Chế Lan Viên, năm 17 tuổi đã có hẳn một tập "Điêu tàn" gây nhiều tiếng vang lớn.

Như vậy có thể nói, sáng tác văn học bắt nguồn từ nhu cầu nội tâm, nhu cầu giao cảm bức thiết của mọi người. Ở lứa tuổi học trò, nhu cầu ấy là việc các em muốn tự khẳng định và bày tỏ thái độ của mình với thế giới chung quanh bằng những "tác phẩm văn học". Nhiều em không ngần ngại đem khoe các "tác phẩm" của mình  như khoe một đôi giày đẹp, một chiếc vòng xinh với nhiệt tình và sự chân thành đáng trân trọng. Song một điều đáng buồn là hiện còn nhiều em và ngay cả người lớn vẫn xem nhu cầu ấy là "vớ vẩn" hoặc lãng mạn, thiếu thực tế; tệ hơn có người còn mang ra để chế diễu. Và nhiều em, vì các mặc cảm này nọ mà không thể, hoặc không muốn chia sẻ với người khác những suy nghĩ của mình trên trang giấy.

Ngoài những vấn đề thường ngày dễ thấy, chúng ta hãy chú trọng đến nhu cầu giao cảm của các em nhiều hơn nữa. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng các em chỉ cần những đồ chơi đẹp, những bữa ăn ngon... mà quên mất một nhu cầu nội tâm to lớn cần được chia sẻ, xây dựng ở lứa tuổi măng non. Ấy là những sáng tác văn học đầu tay có tác dụng như một dòng suối trắng trong tinh khiết gìn giữ giấc mơ xanh của cả một đời người.

. Mai Thìn

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Sự lặng lẽ trong trẻo   (12/09/2003)
Tình yêu   (11/09/2003)
Thơ lục bát - điệu hồn dân tộc   (10/09/2003)
Hoàng Bảo Linh   (09/09/2003)
Thơ miền núi Bình Định   (08/09/2003)
Nguyễn Ngọc Hưng - Một hồn thơ lạc quan trong bất hạnh   (07/09/2003)
Đóa hoa ép khô cầu hôn   (05/09/2003)
Hành trang nhà thơ chiến sĩ   (04/09/2003)
Suy nghĩ từ một bài thơ của Bác Hồ   (03/09/2003)
Hành trang   (02/09/2003)
Tổ quốc   (02/09/2003)
Văn học với đề tài chiến tranh cách mạng   (01/09/2003)
Nguyễn Du dùng điển cố trong Truyện Kiều   (31/08/2003)
Người bạn thời chiến tranh   (29/08/2003)
Quy Nhơn trong duyên nợ thơ văn   (29/08/2003)