Kết thúc Trại viết Văn nghệ Dân gian Toàn quốc năm 2003:
Tìm vàng trong cát
16:44', 15/9/ 2003 (GMT+7)

26 hội viên Hội Văn nghệ Dân gian (VNDG) Việt Nam, trong đó có 11 hội viên ở Bình Định, đã tham gia Trại viết VNDG Toàn quốc được tổ chức tại TP. Quy Nhơn từ 8-8 đến 7-9. Có thể coi đây là cuộc hội ngộ của những người đãi cát tìm vàng…

* Hội ngộ

Đây là trại viết thứ 7 do Hội VNDG Việt Nam tổ chức và là trại viết đầu tiên được tổ chức tại Bình Định. 26 hội viên tham gia trại viết, đến từ 9 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ địa đầu Lạng Sơn đến tận vùng sông nước Kiên Giang. Trong số họ, có người hãy còn khá trẻ, chưa tới 30 tuổi đời như: Nguyễn Văn Thắng (Lào Cai), xem cuộc hội ngộ này như một dịp để học hỏi những tiền bối, để vững bước vào nghề; có vị tuổi đã "xưa nay hiếm", như NSND Võ Sỹ Thừa (Bình Định), Hoàng Tuấn Nam (Cao Bằng), Mã Thế Vinh (Lạng Sơn)... nhưng vẫn thu xếp công việc để tham gia trại viết.

Bác Hoàng Tuấn Nam (dân tộc Tày - Cao Bằng) kể: Trước khi đi, con tôi nói "ba hãy cầm quả tạ nặng 4 cân, bao giờ nhấc tạ lên thấy nhẹ nhàng, lúc đó hãy nên đi". Một tháng tham gia lớp học, thì hàng tuần, lớp trưởng Nguyễn Đình Chúc (Phú Yên), lại phải kiểm tra huyết áp cho bác một lần.

Dù có những khó khăn khác nhau, nhưng tất cả họ đều có niềm say mê và tâm huyết, đúng chất của người làm VNDG: đến là đi, hỏi và tìm hiểu. Có chuyến đi lên tận Gia Lai, Kon Tum để tìm hiểu văn hóa Tây Nguyên. Với bác Nam, đến Quy Nhơn lần đầu, mới sang ngày thứ ba, đã thấy bác "sà" vào các cơ quan để tìm hiểu về TP biển. 

* Và chuyện tìm vàng trong cát

26 công trình tham gia trại viết khá đa dạng về đề tài, chiếm lĩnh nhiều khía cạnh khác nhau của VNDG Việt Nam: nghệ thuật âm nhạc, sân khấu (5 công trình); làng nghề, nghề truyền thống (5 công trình); phong tục, tập quán (6 đề tài), văn học dân gian (3 công trình); văn hóa ẩm thực (2 công trình); văn hóa dân gian chung của một vùng, một địa phương, một làng (5 công trình). Có những công trình đặt ra những vấn đề khá thú vị Giai đoạn thai nghén trong tục lệ sinh đẻ của phụ nữ Thái (Lương Thị Đại - Lai Châu), hay đi vào nét đặc trưng trong văn hóa một vùng đất như Nghề làm nước mắm ở Bình Tân, Cửa Bé, Nha Trang (Trần Việt Kỉnh - Khánh Hòa). Ngay như đề tài mà bác Hoàng Tuấn Nam ấp ủ và đăng ký tham gia trại viết cũng rất thú vị. Đó là đề tài Về đặc điểm văn hóa người Tày gốc Việt ở Cao Bằng đi sâu nghiên cứu về những người Việt đồng bằng lên sống với người Tày Cao Bằng - một hiện tượng giao lưu văn hóa khá độc đáo.  

Trong 26 công trình đã đăng ký, kết thúc trại viết, đã có khoảng 30% tác giả hoàn thành công trình ngay trong thời gian trại viết và nộp cho Ban Tổ chức. Số tác giả còn lại đã nộp một phần bản thảo công trình và sẽ tiếp tục hoàn thiện công trình trong thời gian tới. Theo đánh giá của GS-TS Tô Ngọc Thanh, Tổng Thư ký Hội VNDG Việt Nam, tất cả các công trình đều đạt yêu cầu.

11 hội viên Hội VNDG Bình Định tham gia trại viết với 11 đề tài về những vấn đề VNDG của Bình Định. Từ những vấn đề cụ thể của mỗi vùng đất: Văn hóa dân gian vùng thành Hoàng đế (Nguyễn Thanh Mừng), Làng rèn Phương Danh (Đinh Bá Hòa), Nhơn Thành trong ký ức dân gian (Mai Văn Thìn); đến các nghiên cứu về văn hóa dân gian của các tộc người như Văn hóa nhà sàn của người Bơhnar Kriêm (Yang Danh), Văn hóa cổ truyền gia đình Chăm H’roi Bình Định (Đoàn Măng Téo); rồi cả những vấn đề chung như Làng nghề truyền thống của Hà Giao, Bình Định, nhân vật và truyền thuyết (Trần Thị Huyền Trang)… Đặc biệt, trong 11 đề tài này, có tới 3 đề tài về nghệ thuật truyền thống: Sân khấu kịch hát trong điệu bài chòi (Nguyễn Kiểm), Một số vấn đề về Tuồng dân gian (Võ Sỹ Thừa), Tính dân gian trong âm nhạc Tuồng (Đào Duy Kiền).

Con số 11 công trình này quả thật có ý nghĩa, trong tình hình công tác nghiên cứu VNDG Bình Định hãy còn mỏng. Thời gian qua, Sở Văn hóa - Thông tin đã tiến hành các đề tài nghiên cứu văn hóa phi vật thể, nhưng số đề tài hãy còn ít (6 đề tài), chủ yếu tập trung vào những nét đặc trưng trong văn hóa các tộc người (5/6 đề tài). Trong khi đó, những vấn đề VNDG Bình Định hãy còn khá phong phú và đa dạng, là một mảnh đất màu mỡ, chưa được khai phá bao nhiêu. 

Theo như đánh giá của Ban Tổ chức, trại viết đã thành công ngoài dự kiến. Thành công ấy, ngoài những công trình đã và đang được hoàn thành, góp vào sự nghiệp nghiên cứu VNDG Việt Nam; trại viết chính là cơ hội để các hội viên có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các thế hệ.

Bế mạc trại viết, người nơi xa đến, thì bỗng thấy Quy Nhơn đã như hóa thân thành một phần tâm hồn; còn NSND Võ Sỹ Thừa thì hát mấy câu thay lời tạm biệt: "Vậy thì, chén tương phùng cùng chén tương ly/ Người viễn khứ xin nhớ người viễn vọng/ Viễn vọng xiết bao tình tự/ Cuộc trùng phùng đợi chữ trùng lai". 

. Khải Nhân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhu cầu giao cảm và việc sáng tác ở trẻ em   (14/09/2003)
Sự lặng lẽ trong trẻo   (12/09/2003)
Tình yêu   (11/09/2003)
Thơ lục bát - điệu hồn dân tộc   (10/09/2003)
Hoàng Bảo Linh   (09/09/2003)
Thơ miền núi Bình Định   (08/09/2003)
Nguyễn Ngọc Hưng - Một hồn thơ lạc quan trong bất hạnh   (07/09/2003)
Đóa hoa ép khô cầu hôn   (05/09/2003)
Hành trang nhà thơ chiến sĩ   (04/09/2003)
Suy nghĩ từ một bài thơ của Bác Hồ   (03/09/2003)
Hành trang   (02/09/2003)
Tổ quốc   (02/09/2003)
Văn học với đề tài chiến tranh cách mạng   (01/09/2003)
Nguyễn Du dùng điển cố trong Truyện Kiều   (31/08/2003)
Người bạn thời chiến tranh   (29/08/2003)