Đại Hòa, Nhạn Tháp, Vân Sơn, Bắc Thuận... những tên đất ấy đã đi vào tuổi thơ tôi với con sông và thành Hoàng Đế, những mùa hoa dú dẻ chín mùi với mùa nấu đương thơm ngạt ngào mật mía... Tôi ở Vĩnh Phú thuộc xã Nhơn Thành huyện An Nhơn, quê ngoại ở Đại Hòa, xã Nhơn Hậu, cách làng tôi một con sông và dăm ba vạt mía, nương dâu. Hồi ấy là khi tôi được 8-9 tuổi, cha tôi thường chở tôi về giỗ ngoại, còn mẹ tôi thì cứ luôn than phiền về việc hai quê gần nhà mà xa ngõ. Gặp mùa nước lên, cha tôi phải đi xe đạp, vòng hướng Đập Đá, qua làng dệt, làng rèn rồi lên Vân Sơn, Nhạn Tháp... Dọc đường đi, với con gà và ràng bánh tráng bên hông, tôi như chìm trong nhiều chuỗi âm thanh: khi thì rộn ràng chát chúa của làng rèn, khi xè xè lụp cụp của xóm tiện gỗ, lúc lại lịch kịch tùm tụp của khu đúc lò. Giữa ngày giỗ ngoại, tôi thường hay lẩn xuống xóm tiện để mua cho tụi bạn dăm ba cái vụ. Vụ ở đây rẻ gần một nửa so với vụ bán ở chợ Gò Găng. Vụ gỗ trắc đen hun, cứng, khi chạy thì kêu u u như tiếng trực thăng từ làng bên vọng lại. Chúng tôi thường kỵ loại vụ bằng gỗ hương có vân hai màu nâu trắng,khiến người nhìn có ấn tượng bị chẻ đôi và khi "đột" đi sắt lên đầu dễ bị sướt.
Tuổi thơ của tôi đã đi qua với nhiều trò chơi theo mùa vụ. Mùa hè là những chiếc diều ngút ngàn trên cánh đồng gốc rạ, rồi những trận đánh giặc giả dưới trăng với "ống bóc" bằng tre đủ những băng đạn bằng trái cò ke bắn rát da, rớm máu. Mùa đông chơi vụ, bắn bi, mùa xuân trèo lên bờ thành nhử chào mào đỏ đít, bắt sáo sậu trong các bộng cây... Tất cả đối với tôi giờ như những thước phim quý giá, ngọt ngào, bởi nó đã gắn liền với tuổi thơ lắm phần cơ cực.
Những độ nắng khan, dải sông ngăn làng tôi với thành Hoàng Đế như con rồng gầy gò vì mãi lo chống hạn. Dưới đồng là những chân mạ cháy khô nứt nẻ chân chim, còn trên thành từng vạt mía lạo xạo, khô khốc tưởng có thể bốc thành lửa bất cứ lúc nào. Mùa mưa, mấy cánh đồng chìm trong nước, mấy đàn bò chỉ còn biết trèo lên trên những triền thành sỏi đá với đầy lá cây gai, cây cò ke tươi tốt. Chúng tôi thường xuống Nhạn Tháp, Nam Tân, hoặc trèo lên chân tháp Cánh Tiên hái mù u, dú dẻ hoặc cò ke chín mọng. Mùa nắng, cò ke còn xanh, hạt xơ cứng bằng hạt bắp, chúng tôi hái về ngâm với nước muối làm "đạn" đánh giặc giả. Mùa mưa, trái cò ke chín đen mọng, cơm ngọt bùi và có vị chát nơi đầu lưỡi. Nhai hạt, cưỡi lên mình voi đá rồi xách ná thun dạo khắp các rẫy dưa dưới chân thành bắn chào mào, chích quạch. Nhiều hôm mải chơi, lọt vào khu vực cấm của đồn ngụy, bọn tôi bị đánh bằng roi chim chim tím cả tay chân và lưng áo. Về nhà mẹ hỏi, tôi bảo bị gai cào khi rượt bò qua sông. Bà lấy dầu xoa cho tôi mà mắt thì ngân ngấn nước.
Sau ngày hòa bình, cây cầu Bến Gỗ bắt ngang con sông làng để xe lửa chạy được thả ván ở giữa cho người đi bộ,mẹ tôi thường dắt tôi về thăm quê ngoại nhiều hơn. Đi với mẹ, tôi được thỏa chí xuống xóm rèn rồi làng tiện. Bởi mẹ tôi cũng thường ghé vào để mua lúc thì chiếc cối đâm cua, lúc cán câu liêm, hoặc vào xóm rèn để me lại lưỡi rựa cho cha tôi, lưỡi choòng cho anh tôi chặt đá...
Ở quê ngoại tôi, lúc nông nhàn thì người dân tiện gỗ, làm bún, đúc lò, nặn chum, hoặc thổi bễ làm rèn... tiền thu về cũng đủ xài, đỡ phải bán lúa non. Còn ở quê nội, ngoài làm nông chỉ có nghề làm nón và đẽo đá ong. Nghề đá ong đòi hỏi người khỏe mạnh, còn nghề nón thì từ trẻ già, trai gái ai cũng làm được. Nhà tôi không có con gái, nhiều hôm tát nước về khuya, ăn bữa cơm chiều xong đã hơn tám giờ tối. Mọi người đi nghỉ, tôi học bài ở nhà trên, còn mẹ tôi chong đèn chằm nón. Nhiều bữa gặp chợ phiên, bà thức đến hai ba giờ sáng để có nón kịp đi chợ bán, lấy thêm vài đồng lời cho tôi đi học.
Có lẽ hình ảnh chiếc đèn dầu và bóng mẹ tôi miệt mài bên vành nón, cùng bao kỷ niệm vui buồn bên chân thành Hoàng Đế đã trở thành máu thịt nuôi dưỡng tâm hồn tôi nên được như ngày nay. Trải bao năm tháng xa quê, dọc dài trên trăm miền của Tổ Quốc, giờ về lại thì mẹ đã già. Lưng còng. Tóc bạc. Cậu tôi thì nghễnh ngãng, không còn nhận ra tôi, cái thằng út đen đúa quậy phá của ngày xưa. Bờ thành giờ cũng đổi khác. Ông voi đá như già hơn và những rặng cò ke không còn nữa... Tất cả như đã và đang lặng lẽ đi vào miền cổ tích, nhường chỗ cho những trụ điện bê tông, những cần ăng ten, những trạm bơm suốt ngày nhả nước... Nhà ông Ba Chữ, ông Đông ở xóm tiện ngày xưa giờ đã có thêm dàn tiện mới, không phải loại đạp bằng chân để tiện những chiếc vụ của thuở nhỏ,mà được lắp mô tơ điện với công suất mỗi ngày có thể cho ra hàng trăm món hàng lớn.
Mọi cái bây giờ đối với tôi cứ nao nao là lạ. Cây me, khóm thị gần lăng Võ Tánh không còn nữa. Có lẽ chúng đã bị cưa, bán cho xóm tiện làm cỗ bồng, làm cối chày, làm thớt từ lâu. Nguyên vẹn với tuổi nhỏ của tôi giờ chỉ còn đồi tháp Cánh Tiên sừng sững dưới nắng, là ngôi chùa với ông Đen, ông Đỏ cao lớn tự thuở nào. Tôi lần xuống dưới chân ông Đen, ông Đỏ, nơi ngày xưa mỗi bận về chùa, mẹ bắt tôi chui qua, để xua tà cho dễ nuôi và học giỏi. Thắp nén hương trên bàn thờ nhuốm màu cổ kính trầm mặc, lòng tôi hướng về một thuở huy hoàng của Hoàng Đế thành, của Quang Trung- Nguyễn Huệ...
Tuổi nhỏ rong chơi, tôi chưa biết gì về lịch sử, về những giá trị mà các triều đại đã để lại. Giờ đứng dưới chân thành, lòng tôi nghẹn ngào thốt lên hai tiếng "Quê Hương!".
. Mai Thìn
|