Truyện ngắn
Chuyến tàu suốt
16:46', 18/9/ 2003 (GMT+7)

Em quê Quảng Ngãi, học đại học ở Sài Gòn. Tôi sống và làm việc tại Quy Nhơn. Em viết thư cho tôi "ước gì em có thể sắp xếp lại bản đồ địa lý sao cho Sài Gòn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn gần nhau, để sau những giờ học, em được chạy về với mẹ và dạo biển cùng anh".

Em nhận học bổng du học. Trước lúc đi xa, em trở về Quảng Ngãi, không điện báo tôi đón tàu gặp tại ga dừng quê mình. Tôi điện ra.

- Mừng quá quên hết mọi chuyện rồi à? Cái gì cũng từ từ chờ thời gian chứ!

- Anh nói gì vậy?

- À, anh nói giỡn đó.

- Mẹ bảo nguy hiểm.

- Gặp người yêu lần cuối nguy hiểm như gặp kẻ thù lần đầu à?

- Mai em vào lại Sài Gòn. Anh đón em nhé!

- Anh không có sở thích đưa tiễn. Em đi chuyến tàu S mấy?

- Em không biết. Mẹ giữ vé.

 

Tôi đợi em hơn ba giờ đồng hồ tại sân ga. Có hai chuyến tàu Thống Nhất chạy từ Hà Nội vô Sài Gòn dừng vào ga trong ngày. Tôi đã chạy xuyên qua những toa tàu tìm em, cứ sợ trí nhớ của mình không đủ tốt, để nhận ra gương mặt thân quen xa cách lâu ngày. Tôi đã đứng xoạc chân như trồng, bất lực nhìn đoàn tàu hú dài vút đi. Tôi thực sự lo lắng và hoang mang khi chuyến tàu thứ hai ình ịch dừng bước.

Tôi lập lại thao tác cũ, nhưng em đã vội vã xuống tàu thơ thẩn kiếm tìm tôi. Chúng tôi nhận ra nhau ngay khi trong tầm mắt. Cả hai cùng reo lên vui mừng, vô hình siết chặt tay nhau.

- Chúng ta chỉ có hai mươi phút.

- Chúng ta đã có hai năm hiểu biết nhau.

- Núi này tên gì anh nhỉ?

- Quen thuộc quá nên anh không để ý. Mẹ tiễn em ra ga chắc khóc nhiều?

- Mẹ lúc nào cũng nghĩ em còn nhỏ. Tàu sắp chạy rồi, anh lên toa em sẽ cho bánh Cốm Quảng Ngãi.

- Dĩ nhiên. Nếu không, sau này anh sẽ hối tiếc.

 

Tàu chạy. Dĩ nhiên tôi không nhảy xuống và em cũng không giục. Nắng chiều vàng lấp lóa rải tưới lên những tán cây xanh, những dải đất khô cằn, những dòng mương khe suối… tạo nên một cảm xúc lan tràn, khỏa lấp. Chuyến tàu vô ngày giáp Tết hoang sơ hơn cả cảnh chợ tàn miền quê. Chúng tôi được quyền cho mình một góc ngồi thoải mái, độc lập như đôi chim làm tổ ấm riêng nơi cành cao.

- Anh có lạnh không?

- Con trai mà lạnh trước con gái à? Chỉ run thôi. Em đẹp lắm. Anh sang ngồi cùng ghế với em nhé?

- Anh nói tức cười quá.

- Còn em khi tức giận luôn làm anh buồn cười…

- Qua bên ấy đừng vì thiếu thốn tình cảm mà quen bừa bãi nhé.

- Mẹ dặn không được quen người nước ngoài.

- Trừ anh và gia đình ra, người nước nào cũng nguy hiểm cả. Không được chủ quan. Anh nắm tay em nhé?

- Không được. Người ta kìa. Kỳ lắm.

- Hãy lo chuyện của chúng ta đi. Sau này em sẽ hối hận.

- Anh tự tin ghê nhỉ.

- Nhưng anh không tự cao.

- Ôi đồng hồ em sao thế này!

 

Buổi tối. Bầu trời bung nở ngàn cánh sao. Dường như những người trên toa tàu đã chìm trong giấc mê ngủ. Tôi phải thường xuyên đóng kín các cửa sổ vì những cơn gió thốc thổi hơi sương dễ làm em lạnh. Tôi bảo ánh mắt em sáng như vì sao, còn em khen ánh mắt tôi dịu hiền như ánh trăng rằm. Con tàu rì rầm thi thoảng xì đứt mỗi lần ngang qua ga nhỏ, như những cuộc chuyện trò của chúng tôi.

- Mẹ bảo anh nói nhiều, nhưng không sao. Em cũng là người nói nhiều.

- Nói khi nào, nơi nào, với ai và những gì là điều quan trọng. Kẻ im lặng đôi khi thua người câm ở sự hiểu biết và hơn ở chỗ biểu đạt.

- Mẹ bảo ai uống rượu sau này con cái không thông minh.

- Sau này anh sẽ bỏ dần.

- Làm sao em tin anh được?

- Người đàn ông như cây cỏ giữa đất trời. Người phụ nữ là người biết chọn cây và đưa vào chậu kiểng. Anh cũng phải cần có một người trói buộc được mình chứ.

- Mẹ bảo những người văn nghệ thường thiếu trách nhiệm gia đình.

- Em cũng có máu văn nghệ mà.

- Nhưng em là con của mẹ.

- Còn anh là người yêu của em.

- Mẹ bảo tính anh bất cần nhưng em thích thế.

- Vậy em nói em yêu anh nhé?

- Làm sao em nói được!

- Vì sao?

- Cuộc đời em còn dài ở phía trước.

- Cuộc đời anh ở đằng sau lưng à?

- Có táo và quít anh ăn thứ nào trước?

- Em ngủ đi, sáng mai còn nhiều việc phải lo.

- Anh cũng ngủ giữ gìn sức khỏe.

- Không. Anh phải thức để được ngắm nhìn giấc ngủ em ngon lành. Sau này sợ không còn cơ hội nữa.

- Em ngủ chắc xấu ghê lắm.

- Ừ…

 

Tàu vào Sài Gòn, tôi phải lánh mặt sang toa khác vì có chị em ra đón. Năm ngoái tôi tặng em một đôi bông tai tòng teng nhân ngày sinh nhật thứ hai mươi của em với câu chúc "Cho em gái thêm nặng tai để khỏi nghe lời tỏ tình của những chàng trai khác" và đã bị chị em bắt trả lại. Tôi gửi em lá thư sau đó chỉ vỏn vẹn một câu "Em gửi anh giữ hộ món quà sinh nhật hay em trả lại lời chúc". Em im lặng. Trên tàu khi tôi đưa ra chiếc hộp cỏn con mà em đã từng dùng đựng quà tặng tôi, hỏi em đoán xem có những gì trong ấy. Những ngón tay em run rẩy, bồi hồi khi chạm phải kỷ vật. Tôi nói "Anh không thể bán lại vật tặng. Em hãy giữ lấy, sau này trả lại cho anh cũng không muộn". Em tỏ vẻ khó khăn gật đầu.

Những gì cần nói tôi đã nói, những gì cần làm tôi đã làm vừa đủ. Những ngày lưu bước Sài Gòn, tôi điện cho chị em báo rằng mình vừa mới đón xe vô, mời hai chị em đi ăn cơm trưa một lần. Người bạn đi cùng tôi không thể uống bia vì đang chuẩn bị đến công sở. Tôi lấy "Tiger" cụng với "Rhino" của hắn và bảo "Xin lỗi. Tôi không uống được nước hoa"”.

Tôi cảm giác Sài Gòn như nhiều thành phố nhỏ gộp lại, hoặc như những thành phố tôi đã từng có trong trò chơi Cờ Triệu phú lúc bé. Nhưng thực tế tôi phải cần một người bạn thân dắt đường. Và cũng chính sự phụ thuộc này đã làm tôi đến trễ giờ em vào sân bay. Hơn một năm trôi qua tôi chỉ nhận được từ em một tấm thiệp chúc và vài dòng thư. Nét chữ, ngôn từ chẳng khác ngày xưa, có khác là em chẳng cho tôi biết rõ địa chỉ của mình. Tôi không muốn biết điều này qua những người thân quen em nên tôi im lặng. Sức mạnh ở tôi là niềm tin và sự tiên liệu. Sức mạnh của em là lòng quyết tâm và sự nhất quán. Nhưng có chuyến tàu suốt nào chỉ chở toàn kỷ niệm cũ mà có thể chạy suốt qua những tháng ngày không nhau – không em?

. Kỳ Minh Triết

(Văn nghệ Bình Định số 38/2001)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tình yêu  (17/09/2003)
Tuổi thơ bên thành Hoàng Đế   (16/09/2003)
Tìm vàng trong cát   (15/09/2003)
Nhu cầu giao cảm và việc sáng tác ở trẻ em   (14/09/2003)
Sự lặng lẽ trong trẻo   (12/09/2003)
Tình yêu   (11/09/2003)
Thơ lục bát - điệu hồn dân tộc   (10/09/2003)
Hoàng Bảo Linh   (09/09/2003)
Thơ miền núi Bình Định   (08/09/2003)
Nguyễn Ngọc Hưng - Một hồn thơ lạc quan trong bất hạnh   (07/09/2003)
Đóa hoa ép khô cầu hôn   (05/09/2003)
Hành trang nhà thơ chiến sĩ   (04/09/2003)
Suy nghĩ từ một bài thơ của Bác Hồ   (03/09/2003)
Hành trang   (02/09/2003)
Tổ quốc   (02/09/2003)