Hôn nhân là việc quan hệ của cả một đời người. Quan niệm xưa trong hôn nhân là phải "môn đăng hộ đối". Do vậy mà có tệ thách cưới của nhà gái đối với nhà trai. Nhiều đôi bạn tình, vì thách cưới mà không được sống với nhau trọn đời, hoặc vì thách cưới mà gặp phải cảnh trái ngang trong cuộc đời.
Ca dao đã phê phán tệ nạn này một cách không thương tiếc:
Mẹ em tham gạo tham gà
Bắt em để bán cho nhà cao sang
Chồng em thì thấp một gang
Vắt mũi chửa sạch ra đàng đánh nhau
Nghĩ mình càng tủi càng đau
Trách cha, trách mẹ, tham giàu, tham sang.
Nếu như coi những đồ sính lễ dạm hỏi cưới xin của chàng trai trong bài ca "Hôm qua tát nước đầu đình" là "chuẩn": thúng xôi vò-con lợn béo-vò rượu tăm-đôi chiếu nằm-đôi chăn đắp-đôi trằm đeo-quan tám tiền cheo-quan năm tiền cưới và buồng cau nữa, thì có những thách cưới đã "lệch chuẩn". Và chính cái "lệch chuẩn" này bị dân gian đem ra giễu cợt bằng những tiếng cười thú vị.
Có chàng trai, trước việc thách cưới, đã chẳng vừa cũng khoác lác "một tấc đến trời". Và anh hứa cưới đến Trời thật. Anh nói đi cưới có cả "ba họ nhà Trời".
Cưới em ba họ nhà Trời
Đi xuống hạ giới cùng người rước dâu
Ngọc Hoàng cũng phải xuống chầu
Thiên lôi, Thủy tề đứng hầu đôi bên
Cầu vồng, mống cụt kéo lên
Xe mây ngũ sắc đưa nền tận nơi
Phải cảm thông cho chàng trai, vì có thế mới "môn đăng hộ đối" chứ. So với "chuẩn", thì đám cưới này đã "vượt quá chuẩn" rồi.
Cũng tầm tầm cỡ ấy là đám thách cưới dưới đây:
Cưới em chín quả cau vàng
Cưới em chín chục họ hàng ăn chơi
Vòng vàng kéo lấy mười đôi
Lụa là chín tấm, tiền rời nghìn quan
Gọi là có hỏi có han
Mười chum rượu nếp cheo làng là xong!
Dân gian đã dùng biện pháp khoa trương, phóng đại để làm cho đám cưới có tầm cỡ như thế. Bên cạnh đó, bằng biện pháp nói giảm, nhà gái đã "hạ chuẩn" một cách đột ngột. Việc thách cưới chỉ là:
Cưới em có cánh con gà
Có dăm sợi bún, có vài hạt xôi
Cưới em, còn nữa, anh ơi!
Có một đĩa đậu, hai môi rau cần
Có xa dịch lại cho gần
Nhà em thách cưới có ngần ấy thôi!
Cảm thấy "thách cưới" thế vẫn còn "nặng" nên cô gái tỏ vẻ "thông cảm":
Hay là nặng lắm anh ơi!
Để em bớt lại một môi rau cần
Tiếng cười bật ra. Tiếng cười ấy đả phá cái tệ thách cưới. Cái đối nghịch giữa cái tượng trưng và cái thực dưới đây làm cho ta bật cười hơn:
Cưới em có một tiền hai
Có dăm bát bún, có vài hạt xôi
Vậy mà:
Họ hàng ăn uống xong rồi
Tôi xin cái chảo, tôi lôi nó về.
Quả là dân gian quá hóm hỉnh.
Bài ca sau sử dụng biện pháp đối lập: phóng đại-nói giảm, vừa đập vừa xoa, một mặt coi thường chuyện thách cưới của đôi bên trai gái, mặt khác, là tiếng cười sảng khoái thể hiện sự lạc quan của người bình dân vốn rất coi trọng tình nghĩa và thực tế trong đời sống. Cuộc đối đáp mới thú vị làm sao:
Anh:
Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn
Dẫn trâu sợ họ máu hàn
Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân
Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng...
Em:
Chàng dẫn thế em lấy làm sang
Nỡ nào em lại phá ngang như là....
Người ta thách lợn thách gà
Nhà em thách cưới một nhà khoai lang
Củ to thì để mời làng
Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi.
Hậu quả của tệ thách cưới thì nhiều. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến một bài ca đặc sắc. Đặc sắc vì bài ca được kết cấu trùng lặp theo sự đối lập: tuổi nhỏ thách cưới lớn, để khi cô gái tuổi lớn - thách cưới giảm dần, và cuối cùng khi cô gái "đã toan về già", mẹ không còn thách nữa, mà thời... mà thời... mà thời cho không. Tôi muốn dẫn ra đây nguyên bài ca, để thấy cái hay của nó và thấy dân gian tinh tế làm sao.
Mẹ ơi, năm nay con mười tám tuổi rồi
Chồng con chưa có mẹ thời tính sao?
Con chim khách nó mách có hai bà mối
Mẹ ngồi thách cưới:
Tiền chẵn năm quan
Cau chẵn năm ngàn
Lợn béo năm con
Áo quần năm đôi
Mẹ ơi, năm nay con hai mươi ba tuổi rồi
Chồng con chưa có mẹ thời tính sao?
Con chim khách nó mách có hai bà mối
Mẹ ngồi thách cưới:
Tiền chẵn ba quan
Cau chẵn ba ngàn
Lợn béo ba con
Áo quần ba đôi
Mẹ ơi năm nay con ba mươi hai tuổi rồi
Chồng con chưa có mẹ thời tính sao?
Con chim khách nó mách có hai bà mối
Mẹ ngồi thách cưới:
Tiền chẵn một quan
Cau chẵn một ngàn
Lợn béo một con
Áo quần một đôi
Vậy là số thách cưới từ năm giảm xuống ba rồi còn một khi số tuổi cô con gái ngày một tăng. Đến chừng:
Mẹ ơi, năm nay con bốn mươi ba tuổi rồi
Chồng con chưa vẫn hoàn chưa có... Mẹ thời... Mẹ thời... cho không.
. Trần Xuân Toàn
|