|
Tác phẩm "Trao chính quyền" của họa sĩ Phan Chy (ảnh chụp lại) |
Rời Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, tôi tìm đến nhà họa sĩ Phan Chy. Ông là tác giả của bức tranh "Trao chính quyền" (còn có chú thích khác là Quy Nhơn vào hội), người dựng được không khí phấn khởi, đầy khí thế của thời điểm nhân dân Bình Định lần đầu tiên giành được chính quyền về tay cách mạng (8-1945).
Hết ba tầng cầu thang là căn hộ hai mươi lăm mét vuông, xoay ra đường đầy nắng. Hơn mười năm nay, họa sĩ Phan Chy đã dùng căn phòng này để làm xưởng vẽ, bếp ăn, phòng ngủ và cũng là phòng tiếp khách...
Những đồ vật linh tinh, tranh ảnh được bày biện trật tự và đẹp mắt, chứng tỏ chủ nhân là một người rất cẩn thận. Khi biết mục đích của tôi tới đây là được xem tranh và nghe ông kể về cuộc đời sáng tác của mình, họa sĩ mỉm cười, lôi từ trong chiếc tủ duy nhất ra từng chồng tài liệu dày cộm. Những phác thảo, album, catalô, và những bằng khen, huân chương... được ông xếp kỹ càng theo từng hộc riêng biệt. Với đôi bàn tay run run của tuổi già, ông giới thiệu cho tôi từng tấm ảnh, từng tập album... như giới thiệu những kỷ niệm của một thời hào hùng mà ông không bao giờ có thể tìm lại được.
Qua hồi ức của ông, tôi có thể hình dung một chàng trai Phan Chy sớm chịu nhiều gian khổ của chiến tranh. Năm 17 tuổi, ông đã là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam và là một trong những chiến sĩ giỏi của ngành quân giới Liên Khu 5. Bằng đôi tay khéo léo và đôi mắt am tường hội họa, ông đã đi khắp các chiến trường Liên Khu 5 để làm công tác thông tin tuyên truyền.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, theo học trường Trung học mỹ thuật và sau đó là trường Cao đẳng mỹ thuật Hà Nội. Bao kỷ niệm với các họa sĩ lớn và cũng là thầy học như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Văn Ty, Trần Văn Cẩn... vẫn được ông trân trọng lưu giữ qua từng phác thảo hoặc ảnh lưu niệm.
Những gì Phan Chy học được ở các họa sĩ bậc thầy cùng bao năm kinh nghiệm, dường như nổi trội lên vẫn là thể tranh cổ động cùng nét ký họa đặc sắc mà chỉ ông mới có được.
Tôi vẫn còn nhớ các bức ký họa, màu nước của họa sĩ Phan Chy qua các lần triển lãm trước như: Đọc chuyện cảnh giác, Chợ Bắc Hà, Đắp đập... Các tác phẩm của Phan Chy dễ gợi lại một thời kỳ hào hùng của cuộc kháng chiến giải phóng đất nước. Trong ông có cái mộc mạc, chất phác của dân quê, nhưng lại giàu sức mạnh để dựng dậy tinh thần hy sinh vì sự nghiệp của dân tộc. Hiện họa sĩ Phan Chy còn giữ được hơn 40 bức tranh ký họa như vậy.
Năm 1983, trước khi về Bình Định công tác, ông là giảng viên của trường Cao đẳng mỹ thuật Huế. Nhiều họa sĩ hiện đang công tác ở Bình Định đã được ông tận tình chỉ bảo và giúp đỡ trong học tập.
Mặc dù sinh ở Quảng Ngãi, nhưng sau hơn 10 năm gắn bó với Quy Nhơn, họa sĩ Phan Chy đã có ước nguyện dành quãng đời còn lại để phục vụ cho quê hương Bình Định. Bức tranh "Trao chính quyền" hiện đang được đặt trang trọng tại Bảo tàng tổng hợp Bình Định do ông vẽ năm 1990.
Cái tài của họa sĩ Phan Chy là mặc dù không được chứng kiến cảnh giành chính quyền ở Quy Nhơn, nhưng ông đã thể hiện thật sinh động qua bức tranh nhờ sự giúp đỡ của các vị cách mạng lão thành.
Không gian và thời gian ở bức tranh trao chính quyền diễn ra vào một buổi sáng mùa thu năm 1945. Cận cảnh là lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa mái nhà tòa Đốc lý như chờ đón dòng người từ ngã ba đường Nguyễn Huệ-Lê Hồng Phong (tên gọi bây giờ) kéo xuống.
Trước cổng tòa, tổ ba người cầm cờ đứng lại đầu tiên, tiếp theo là đội tự vệ công nhân ga Diêu Trì mặc quần áo xanh chàm và đội tự vệ học sinh cứu quốc. Anh Trần Lê Dũng, một chiến sĩ cách mạng, mặc quần sọc, áo ngắn tay, mang đôi giày ba ta và trang phục màu trắng, tay cầm cán biểu ngữ. Tiếp đến là đoàn phụ nữ trong trang phục áo dài, rồi đoàn nông dân mặc áo vạt hò, áo bà ba. Đoàn đi sau cùng là các bậc phụ lão từ các huyện kéo về Quy Nhơn tham gia cuộc biểu tình. Với nét mặt phấn khởi, đầy khí thế cách mạng của đoàn biểu tình, bức tranh đã thể hiện được niềm náo nức và tự hào của người dân Bình Định lần đầu tiên được hưởng quyền độc lập tự do.
Phải nói rằng, quãng đời gắng bó mật thiết với quê hương Bình Định đã giúp họa sĩ Phan Chy thể hiện thành công giây phút lịch sử trọng đại của nhân dân trên mảnh đất này.
Hiện nay họa sĩ Phan Chy đã qua tuổi thất tuần, nhưng vẫn lặng lẽ sống và vẽ không ngơi nghỉ. Bởi như ông đã nói, quãng đời cuối cùng là dành cho đất và người Bình Định - quê hương thứ hai của cuộc đời ông. Trước lúc rời khỏi căn phòng đầy nắng của họa sĩ Phan Chy, tôi nhìn ông cặm cụi sắp xếp lại các phác thảo. Mái tóc bạc trắng nghiêng xuống những tác phẩm ghi dấu cả cuộc đời kiên trì với nghệ thuật. Màu sắc và chất liệu đã thay ông bày tỏ bao cảm nhận về cuộc sống, và sẽ còn tiếp tục ngân lên tiếng nói chứa chan tình yêu hướng về nhân thế, qua đôi tay cả người nghệ sĩ già đáng kính.
. Mai Thìn
|