Có lần trên Hồ Tây, Nguyễn Huy Tưởng đã hỏi Trần Huyền Trân: "Tại sao cậu lại dùng bút danh khăn yếm như thế, dẫu cho đó là một tuyệt tác giai nhân?" Câu hỏi cũng là một nhận xét. Nhà tiểu thuyết lịch sử cảm thấy gợn gợn khi xem cái tên kiều diễm không hợp chút nào với dáng dấp con người nhà thơ Trần Huyền Trân nước da bánh mật, ánh mắt thăm thẳm và cặp mày xếch, từ thuở nào đó tới giờ vẫn dường như khắc khổ, nhưng lại trang nhã và phảng phất vẻ gì giăng gió.
Trần Huyền Trân chỉ lặng lẽ mỉm cười.
Sự tích cái bút danh Trần Huyền Trân là cả một thiên trong những pho tình sử não lòng. Huyền Trân này không bận chút nào đến cô con vua nhà Trần dan díu với Trần Khắc Chung. Huyền Trân này là cái tên của những ngày khốc liệt.
Ôi hỡi! Đứa con không có tên
Nằm tròn xác bụng mẹ vô duyên.
Con lên mầm sống trong lòng chết...
(Cái thai hoang, 1942)
Ngày trước Trần Huyền Trân có viết một tiểu thuyết tên là Sau ánh sáng. Những cảnh và người quanh Khâm Thiên trong tiểu thuyết được tả như một tự truyện, những lều kéo cá, những bè rau muống trên các ao chuôm cống rãnh khúc khuỷu cạnh ngõ Sơn Nam, ngõ Liên Hoa quanh Cống Trắng. Thời ấy, những người cơ cực các nơi lên thành phố kiếm việc tìm chỗ ở bãi sông Hồng và bám vào rìa thành phố như thế. Sau lưng cái phố Khâm Thiên đủ loại trác táng và bài bạc, những lau xanh, chỗ chơi của người phong lưu, nhà thổ cho kẻ kiết xác, các tiệm nhảy Tanaca, Pagốt thời thượng Pháp, Nhật. Nhưng ngay ở những nơi mà hai chữ Khâm Thiên dễ làm cho người ta ngày nay tưởng ở đấy chỉ rặt những cảnh ngày đêm nghiêng trời ném tiền qua cửa sổ, còn vô số những con người lênh đênh trôi dạt trên các nhà hát làm đào rượu, một loại gái điếm chuyên đứng quạt, hầu rượu, mắc màn ngủ với khách làng chơi, những gái nhảy bị đổ bệnh tiêm la, một số phận cùng đường. Cô Hiền, Trần Nguyệt Hiền mà Trần Huyền Trân gặp cũng ở trong đám người có những cái tên hoa lá càng được khách làng chơi đặt cho như thế, nào Mộng Điệp, Mộng Hồ, nào Tuyết Hấp, Nguyệt Lim, đại khái vậy.
Cũng không phải gốc gác "rằng xưa vốn là người kẻ chợ" mà Hiền đã trôi từ đồng quê ra, có lẽ có lần đã đứng ở phố Mới buôn người đợi kẻ có tiền đến dắt đi làm con sen, con nụ hay làm lẽ mọn cho nhà giàu bạc ác. Rồi người ta tống khứ thản nhiên con sen ra khỏi cửa. Hiền bước vào nhà hát làm đào rượu với cái thai trong bụng và khi đến ngày ở cữ thì lại là lúc phải cuốn gói - có nhà hát nào lại chứa một đứa đào nuôi con mọn!
Những con người lân cận, cơ nhỡ gặp nhau. Hiền trở dạ. Cũng chỉ có anh chứng kiến, một mình anh lo cho Hiền được mẹ tròn con vuông với đủ việc: niêu nước mắm chưng, tiền đút nhà thương làm phúc, cái áo xé làm tã và làm tờ đứng tên khai sanh cho cháu bé. Chút duyên chết đuối trong cảnh ngộ ấy của hai con người họ Trần giữa cơn đau đớn đời người đã khiến cho họ nghĩ ra cái dấu nối đẫm nước mắt: Trần nối với Trần bằng dấu huyền là Trần Huyền Trân. Đấy là tên con và rồi là tên thơ yêu dấu của anh.
Tên con và tên thơ tuyệt nhiên không ngẫu nhiên. Tính nhân đạo cao đẹp, Trần Huyền Trân tiếp thu được do anh đã giác ngộ cách mạng. Cuộc đời luân lạc, ý chí và lý tưởng trong thời kỳ đất nước trải qua những hoàn cảnh hết sức lớn lao, mỗi người đứng trước cái sống cái chết trong giai đoạn khẩn trương cả nước chuẩn bị đứng lên, nhà thơ bất giác tự nhận ra mình và dặn con:
Rồi lớn lên con mở mắt nhìn
Khóc cùng bách tính sống như đêm
Nhưng không! Đừng khóc! Thân gân cốt
Ta bậc thang đời con dẫm lên
(Cái thai hoang, 1942)
Tên thơ của Trần Huyền Trân ra đời xiết bao tình nghĩa như thế. Bây giờ, cô bé Trần Huyền Trân năm xưa ở đâu, nếu trời còn để cho sống chắc đã nên bà?
. Tô Hoài
(Phê bình, bình luận văn học - NXB Văn nghệ TP HCM)
|