Hết Trương Hiền Lượng rồi đến Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Dư Hoa… những tác phẩm văn học hiện đại Trung Quốc, như một cơn lốc, đang làm mưa làm gió tại các nhà sách. Chưa bao giờ bạn đọc Việt Nam lại tỏ ra hâm mộ văn học Trung Quốc mạnh đến như vậy.
* Sức hấp dẫn của văn học Trung Quốc
Hãy bắt đầu bằng tiểu thuyết "hiện thực trữ tình đấu tố" Một nửa đàn ông là đàn bà của Trương Hiền Lượng. Cuốn tiểu thuyết này đã được phát hành cách đây chừng mười năm, nhưng phải đến lần tái bản hồi đầu năm nay cùng với "cơn sốt" văn học Trung Quốc hiện đại, nó mới thật sự chinh phục bạn đọc. Cái tông này còn được Trương Hiền Lượng nối tiếp với Cây hợp hoan. Rồi ngay sau đó là Tản văn và truyện ngắn, Phế đô đều của Giả Bình Ao cũng được các nhà xuất bản Việt Nam đua nhau chuyển ngữ và ấn hành. Nếu Phế đô thu hút người hâm mộ nhờ miêu tả và khắc họa giới trí thức Trung Hoa những năm 70 một cách khá sâu sắc, thì với Hoài niệm sói (xuất bản năm 2003), Giả Bình Ao đã lấy thực viết hư, thể không chứng có, phong cách này làm cho Hoài niệm sói có sức hút mạnh hơn với độc giả do cảm giác mới mẻ mà nó bộc lộ. Mạc Ngôn có lẽ là hiện tượng làm hao giấy tổn mực các nhà xuất bản, các nhà báo và chiếm diện tích nhiều nhất trên tờ báo, chuyên hay không chuyên về văn nghệ. Sự xôn xao do các tiểu thuyết Báu vật của đời, Đàn hương hình gây nên còn chưa dứt thì các nhà xuất bản đã cho ra mắt thêm Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ. Và chúng tiếp tục thu hút sự chú ý của bạn đọc. Cũng khá ồn ã như vậy, truyện vừa Sống của Dư Hoa là bản cáo trạng với những tiêu cực, bất công trong xã hội.
Giả Bình Ao, Mạc Ngôn... nổi bật vì họ có cách giãi bày mới về số phận con người. Văn nghệ sĩ Trung Quốc dám đấu tranh với những cái lỗi thời, không chỉ về quan niệm nhìn nhận sự vật, mà còn về cách thức phản ánh, phương pháp sáng tác. Thậm chí, sự trở lại của truyện chưởng Kim Dung (Thiên Long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Ỷ thiên đồ long ký, Lộc đỉnh ký...) cũng đáng để ta lưu tâm. Các tiểu thuyết của tác giả này chứa đựng rất nhiều tư tưởng hiện đại về tự do, công bằng, bác ái. Vấn đề ở đây là tác giả đã biết cách nâng tầm giá trị của thứ văn học loại ba, khiến chúng trở thành tiếng nói chung của nhân loại. Bởi thế, tiểu thuyết của Kim Dung, Quỳnh Dao... hợp với độc giả thị dân. Còn Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Cao Hành Kiện dễ đi vào tầng lớp trí thức.
* Trông người mà gẫm đến ta
Hiện tượng tiểu thuyết Trung Quốc làm mưa làm gió trên văn đàn Việt như thời gian qua thật đáng để chúng ta suy ngẫm. Mảng đề tài các nhà văn hiện đại Trung Quốc khai thác không có gì ghê gớm, đó là đời sống nông thôn những năm 40-70 và các vấn đề của cách mạng văn hóa. Đến thập niên 80-90 lại là những tác phẩm viết về thời kinh tế thị trường, chống tham nhũng... Còn các nhà văn trẻ thì đặt ra những vấn đề của thế hệ họ mà điển hình là tập truyện ngắn Điên cuồng như Vệ Tuệ của nữ văn sĩ 28 tuổi Vệ Tuệ (Sơn Lê dịch, NXB Hội Nhà văn ấn hành). Việt Nam cũng đối diện với tất cả những vấn đề tương tự nhưng lượng tác phẩm phản ảnh còn quá ít. Tiến sĩ Hồ Văn Hiệp nhận xét: "Một nguyên nhân khiến văn học Trung Quốc trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn vì các nhà văn đương đại nước này ý thức được văn hóa là sản phẩm của kinh tế thị trường. Nhà văn không chỉ dùng các khái niệm tư duy, hình tượng mà họ còn quen dần với các khái niệm thị trường, thương phẩm, cách thức chia sẻ ý tưởng với độc giả và coi đó là sự tất yếu của xã hội và đời sống". Nói như vậy để thấy rằng độc giả không thờ ơ với đời sống văn học. Những tác phẩm bán chạy, tiêu thụ tốt đầu tiên là nhờ đã nhìn trực diện vào những vấn đề của xã hội, của hiện hữu con người; gây được xúc cảm và tạo được dư vang trong lòng người đọc. Có lẽ, cái yếu của chúng ta là ở đây chăng? Hơn nữa, những vấn đề mà các tác phẩm này đề cập, có phần gần với độc giả Việt Nam nên dễ được tiếp nhận.
Cũng cần nói thêm là chúng ta chỉ mới được đọc một phần nhỏ trong văn học Trung Quốc đương đại. Mạc Ngôn, Giả Bình Ao, Cao Hành Kiện... chỉ là một vài đại diện trong số rất nhiều nhà văn Trung Quốc đang nỗ lực cách tân tiểu thuyết từ sau thập niên 80 chứ chưa phải là tất cả văn học Trung Quốc đương đại. Đó là chưa kể đến các nhà văn lớp sau, những người sinh ra vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX, lớn lên cùng với những đổi thay của Trung Quốc trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Nếu tất cả những tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học đương đại Trung Quốc được dịch, hẳn chúng ta sẽ còn nhiều thảng thốt.
Những năm 90, một thời gian ngắn ngủi, văn đàn Việt sôi động hẳn với một, hai hiện tượng; hai, ba cuốn tiểu thuyết đoạt giải thưởng Hội Nhà văn. Thế rồi bẵng đi hàng chục năm, tiểu thuyết Việt Nam gần như không gây nên một ấn tượng nào với độc giả. Vẫn có tác phẩm đoạt giải thưởng ở các cuộc thi này nọ, Hội Nhà văn vẫn trao giải thường niên cho các tác phẩm, nhưng chúng nhanh chóng rơi tõm vào sự im lặng từ phía độc giả. Đến khi cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn kết thúc, những vòng nguyệt quế được trao cho Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh), đã bắt đầu hé mở cho bạn đọc chút hy vọng về một mùa bội thu tiểu thuyết sau đó. Vậy mà, độc giả cứ chờ đợi, mãi vẫn không tìm thấy đâu những tác phẩm có thể đánh động đời sống văn chương vốn đã quá bình lặng. Những tác phẩm làng nhàng cứ thế xuất hiện và phủ bụi trên giá sách. Các nhà văn than trời về văn hóa đọc thời nay, về trình độ tiếp nhận của độc giả và lấy đó bênh vực cho sự kém cỏi trong sáng tạo của chính mình. Người ta đã quên nhìn lại chính mình, nhìn lại chính những trang viết của mình. Hiện tượng văn học Trung Quốc chính là một hồi chuông cảnh tỉnh.
. Khải Nhân
|