Trong mấy năm gần đây, văn xuôi đã tăng trưởng mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng tác phẩm. Đội ngũ sáng tác ngày càng nhiều, nhất là các cây bút trẻ đã sớm tự khẳng định mình và chiếm được cảm tình của người đọc. Họ dám xông vào những vấn đề góc cạnh của thời đại mà hiện thực cuộc sống đã đặt ra. Có người thành công ít, người thành công nhiều. Song, điều đáng nói là các cây bút trẻ đã tạo thành một thế hệ nhà văn mới – thế hệ con đẻ của thời đại. Họ tiếp bước các nhà văn đàn anh, gánh vác sứ mệnh của lịch sử, dân tộc giao phó, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Trong số đó, nổi bật lên có các cây bút như: Tạ Duy Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn thị Ấm, Đỗ Phước Tiến, Nguyên Hương, Vũ Hồng, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú. Ở Bình Định có Lê Hoài Lương, Trần Thị Huyền Trang, Trần Quang Lộc, Trần Văn Bạn... Họ là những người có độ tuổi từ ba lăm, bốn lăm, vì thế cách viết của họ có gì đó gần với bản năng của tuổi trẻ. Điều này là nhân tố chính tạo nên màu sắc mới lạ trong văn học những năm gần đây.
Phải nhìn nhận một điều là các cây bút trẻ đã mạnh dạn mở rộng đề tài và có cách lý giải, phân tích nhiều chiều, đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Họ mạnh dạn đưa hiện thực vào tác phẩm và làm cho văn học sinh động hơn, đa dạng hơn cả về nội dung lẫn phương pháp thể hiện.
Cùng với chủ đề về nông thôn, nông nghiệp và người nông dân như cách đây hàng chục năm, các nhà văn lão thành: Nguyễn Khải, Chu Văn, hay xa hơn là Nguyễn Công Hoan, Nam Cao... đã phản ánh, nhưng cây bút trẻ Tạ Duy Anh thì lại khác. Có thể ví ngòi bút của anh như một lưỡi cày tinh tế và cần mẫn xới bật từng đám cỏ bao đời để phơi bày cái nguyên nhân của sự trì trệ làm cho người dân nông thôn không "ngóc đầu lên được". Thế mạnh của Tạ Duy Anh đã chiếm lĩnh được người đọc bằng tấm lòng yêu thương nhân hậu, tự nhiên, không ồn ã văn vẻ với một bút lực dồi dào đầy trách nhiệm. Tạ Duy Anh là người có bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm trước số phận nghiệt ngã. Vì thế các vấn đề ở nông thôn đã được anh phản ánh khá đầy đủ kể cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Những tác phẩm văn xuôi của anh nổi bật trên mảng đề tài này có thể kể ra như: Gã thọt, Lũ vịt trời, Chị Túc. Và đặc biệt, truyện Bước qua lời nguyền của anh đã được giới phê bình xem như một bước ngoặt trong văn học đương đại.
Một điều có thể rút ra là đối với các cây bút trẻ, hiện thực cuộc sống ngày càng được quan tâm đúng mức hơn và tính thời sự cũng được đưa vào tác phẩm nhiều hơn. Có lẽ đây cũng là nhân tố xích gần văn học đến với cuộc sống. Hẳn những người quan tâm văn học vẫn còn chưa quên "Kẻ sát nhân lương thiện" hoặc "Vũ điệu của cái bô", hai tác phẩm được giải nhất và nhì của Tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam năm 1991. Rồi đến cuộc thi tác phẩm Tuổi xanh năm 1993 với nhiều truyện ngắn đạt giải cao như: "Dưới mặt trời" của Đặng Vương Hạnh, "Những đêm thắp nắng" của Nguyễn Thị Thu Huệ, "Tắc đường" của Lê Thị Na; hoặc các cuộc thi của Tạp chí Văn Nghệ quân đội với "Tiếng chuông trôi trên sông" của Vũ Hồng, "Mỗi tháng có một rằm" của Lê Hoài Lương, "Sông thức" của Đỗ Bích Thúy… Qua những truyện này hiện thực cuộc sống dưới ngòi bút của các tác giả trẻ như được nâng lên dưới một tỉ lệ cao hơn. Cả cái đẹp, lẫn cái xấu xa bỉ ổi đều được phản ánh trung thực, song không kém phần hấp dẫn và có ý thức trách nhiệm cao.
Ở Bình Định, tiếp nối những cây bút đi trước như: Nguyễn Thanh Hiện, Nguyễn Hoàn, Trần Đình Mai, Bùi Thị Chiến..., là một loạt các cây bút trẻ mới nổi lên và đã có một số tác phẩm góp mặt vào dòng văn học Việt Nam như: Một lứa bên trời của Trần Thị Huyền Trang, Mỗi tháng có một rằm của Lê Hoài Lương, Một Thoáng bông hồng đỏ và Trăng mười sáu của Trần Quang Lộc, hoặc Có những tháng ngày của Võ Ngọc Thọ... và một vài truyện ngắn mang tính bứt phá của Trần Văn Bạn. Có người chỉ rộ lên với một vài truyện ngắn rồi lặng lẽ lo cuộc áo cơm; có người vì các nguyên nhân này nọ, đành gác bút, không tìm thấy chỗ dựa trong sáng tác. Phải chăng đấy cũng là do các cây bút phê bình ở Bình Định còn quá yếu, chưa khuấy được mạch nguồn của một truyền thống vốn tồn tại từ lâu. Song đấy là nói với tinh thần đòi hỏi cao, nếu nhìn lại thành quả của văn xuôi Bình Định trong vài năm gần đây thì người đọc khó tính nhất cũng phải công nhận những thành tựu rực rỡ của nó so với giai đoạn mười năm trước.
Hy vọng các cây bút văn xuôi Bình Định và cả nước sẽ tiếp tục cho ra nhiều tác phẩm hay hơn nữa, xứng tầm với truyền thống văn hóa lịch sử của quê hương, đất nước.
. Mai Thìn
|