Tôi đã nhìn rất lâu những đóm nắng (như những đóm lửa) trong tán lá xanh của "cây chiều" đời anh qua cái "nắng nghiêng" của mặt trời khi về chiều:
Cây chiều im gió trầm ngâm
Vẫn xanh như lửa xanh thầm
nắng nghiêng…
Những đóm nắng này được cuộc đời dành riêng cho anh, dù ít lắm! Anh đã biến nó thành những hy vọng nhỏ. Đúng hơn là những hy vọng rất khiêm tốn: Được sống đẹp cho đời. Cái đẹp ở đây lặng lẽ chứ không xôn xao.
Anh đang sống giữa quê hương: Mảnh đất miền Trung "gió thảm mưa sầu". Tôi như thấy anh "lui cui đi thắp ngọn đèn"; hoặc "mượn vầng trăng"; hoặc "cậy ánh sao" để dắt ngoại "lên chùa lễ Phật" trong những "đêm rách nát". Tôi như thấy anh ngồi tàn những khuya nhìn vào đôi mắt mẹ trong di ảnh mà thường trực ở đó là một lời nhắc nhở mỗi khi anh lạnh lòng: Sau lớp tàn tro là ánh lửa.
Tôi như thấy anh ngậm ngùi khi đốt hương trước nấm mồ của một người chị thuở nào vì "thương em, thương mẹ chẳng đành qua sông" mà thả duyên phận ngày xanh trôi về xa lắc. Chính lúc ấy anh đã chợt nhớ ra trên mái tóc chị "đôi sợi vẫn… lầm lũi xanh". Cái xanh "lầm lũi" này thì… tủi lắm! Nhưng nó nhắc nhở anh nhiều trong những ngày khổ đau dằng dặc. Và anh đã nói với chúng ta rằng: "Ngọn đèn tôi chẳng cạn dầu tin yêu".
Vì bệnh tật anh phải nằm một chỗ. Bằng những thẳm sâu của lòng trắc ẩn chính đời anh (hay thân phận những người giống anh) THƠ của anh đã ra đời như một nguyện vọng tất yếu: Khao khát được sẻ chia những buồn - vui đồng loại.
Trong thơ anh có không ít những câu, những bài buồn. Khi thì cái buồn trầy trụa; lúc thì cái buồn rưng rưng… nhưng không là những cái buồn dật dờ, nguội tắt. Tôi có cảm giác ở mỗi lúc buồn, anh thường có một cách nhìn đẹp. Phải chăng nhờ lửa mà cái huyền gợi về sự sống trong cách nhìn của anh nó trở nên lung linh, bất tận. Vì thế, trước một chiếc lá khô rụng hoặc sự ra đi của một con người, cái nhìn của anh không rũ buồn trong giờ phút kết thúc thường tình kia. Ngược lại, nó ánh lên "tươi rói một đường bay". Sự kết thúc này dứt khoát, nhẹ nhàng như để trở về với cội nguồn, như để bắt đầu một cuộc sống mới:
Lá khô xác, lá không khô hồn lá
Nối đất trời tươi rói một đường bay…
Viết đến đây và đọc lại thơ anh, tôi chợt nhận ra thơ và anh đã nhập thân thành một đóa Bạch trà ở giữa một "vùng quên thiên thần" trong cái cõi trần gian này. Anh đã hóa thân và "thăng hoa" từ những tình cảm chân tình của bè bạn khắp nơi, từ vòng tay của những người thân thuộc. Anh đã ghi nhận điều ấy qua bài thơ "Bạch trà" như một niềm biết ơn. Thương lắm!
Và tình yêu, với anh bây giờ xa như là… huyền thoại. Nhưng nó là một tình yêu hiện hữu vĩnh hằng:
Ngỡ tắt tình yêu như tắt nến
Đâu ngờ kỷ niệm cứ bùng lên
Tưởng như đất trời không nỡ… Nhưng từ khi anh mắc bệnh nan y, cái mối tình đã đời kia giữa chừng kết thúc. Tiếc lắm! Xót lắm! Đêm đêm, chen giữa những tiếng thở dài thườn thượt là những thì thầm đắng cay:
Cái tình là cái tình chi?
Ú òa!
Tay mở
Còn gì trong tay.
Cái dấu chấm cuối cùng ở câu thơ trên là một khoảng lặng: Hết rồi! Bây giờ khi biết đêm "Nô-en em không về" nữa, trong cái lạnh hun hút của mùa đông anh vẫn cứ chong đời trong thấp thỏm mong chờ:
Chăn đôi đành đắp lệch
Để hờ em một bên
Và khi biết sẽ không bao giờ em về nữa, trong anh là cái trí, cái tình đan xen; anh không trách gì người mình yêu mà lại dỗ dành: "Nào ai muốn để cuộc tình xế bóng". Rồi tự trách mình:
Cơn gió tật nguyền không chở nổi lời đau
Trong bài "Trăng vỡ", qua hình ảnh của vầng trăng, người anh yêu có khác gì người yêu của Nguyễn Du, của Hàn Mặc Tử! Bởi hoàn cảnh nghiệt ngã, họ đã thành những người con gái đau thương hơn ai hết:
Từ Nguyễn Du trăng đã "xẻ làm đôi"
Hàn Mặc Tử lại "cắn" thêm một miếng
Vầng trăng (hay người con gái) ấy khi "trôi về phố huyện" thức trong thơ anh, ngủ trong hồn anh tưởng như sẽ thoát khỏi trầm luân, sầu khổ. Nhưng biết làm sao khi số phận của anh không khác hơn số phận của Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử. Vầng trăng ấy đau thêm một lần nữa…
Trở lại với người yêu trong đời thật của anh: Khi nghĩ đến lúc người ấy đi lấy chồng, cái buồn của anh tưởng chừng như thành khói, thành sương… Nhưng anh đã bình tĩnh, cái bình tĩnh chỉ có thể có được ở người đã "ngộ" tình yêu. Cái bình tĩnh rất đàn ông:
Cầu duyên em bước qua rồi
Tôi còn mỗi một quyền thôi - được buồn!
Biết nói gì thêm! Đời anh, thơ anh có quá nhiều những điều cần san sẻ. Chúng ta chưa kịp giúp được nhiều cho anh trong những ngày bệnh tật thì anh đã gượng dậy hòa nhập cùng chúng ta bằng chính cái khát vọng thèm sống. Bằng chính những ước muốn hiến dâng; tập thơ LỬA XANH THẦM là một trong những gì anh đã hiến dâng cho đời vậy!
LÊ ÂN
* Đọc Lửa xanh thầm, thơ Nguyễn Ngọc Hưng, Nxb Trẻ ấn hành |