Krông Bung là miền đất đầu nguồn sông, đầy hoa và hương, đầy sự trong lành và tươi tắn nhưng cũng đầy những thử thách khắc nghiệt trên con đường kháng chiến và xây dựng, của hôm qua và hôm nay. Tôi đã từng nhiều lần trở đi trở lại với miền đất này và niềm yêu mến xúc động trước tình cảm của đồng bào, của Đảng bộ và chính quyền sở tại từ hồi nảo hồi nào vẫn chưa hề phai nhạt. Cơm gạo lúa rẫy, mộc mạc lắm mà nghĩa tình lắm. Ớt rừng, được mời cả cây. Rượu cần, được uống hết ghè này đến ghè nọ. Nghe hát, được nghe từ đêm nay sang đêm mai đêm mốt… Ờ nhỉ, đây là xứ sở của thành Tà-cơn, của thác Lơ-Pin, của huyền thoại măng-lung măng-linh, của đàn plơng-khơng, của những bản hơ-mon dài từ khi trỉa hạt bắp đến lúc nứt mầm, lên cây, trổ chàng, kết sữa, chắc trái, gùi về treo nơi góc bếp… Ờ nhỉ, đây là xứ sở mà dấu chân người tiền sử còn hằn trên vân đá, vườn cam của nghĩa quân Tây Sơn hãy còn đượm hương, ngọn lửa Tà-lôk Tà-lek khôn nguôi ấm nóng trong mỗi trái tim yêu buôn yêu làng, thương cái rừng thương con suối. Mới ngày nào, uống rượu ở Hà Ri. Mới ngày nào, nghe cồng chiêng ở Vĩnh Kim. Mới ngày nào, dự một đám cưới với lễ đâm trâu ở Kon-trút. Mới ngày nào… Ờ đã mười lăm, ờ đã mười bảy, ờ đã hai mươi năm trước rồi đấy. Tóc mình ngày ấy hãy còn xanh lắm, chân mình ngày ấy còn dẻo lắm. Ngày ấy, người viết ăn củ mì củ lang, viết dưới ngọn đèn dầu trên trang giấy hẩm xì hẩm xịt, ấy thế nhưng say mê lắm, đắm đuối lắm. Tiếng gọi của gió suối mây ngàn, của hoang sơ và sâu thẳm, của tĩnh mịch và lay động đã có sức cuốn hút dữ dội các cây bút thuộc nhiều thế hệ. Bây giờ, giở lại Sông Kôn, giở lại Đất và người đánh chiêng, giở lại Những cần rượu trong trăng, những gương mặt đẫm mồ hôi mưa nắng của anh chị em, của bè bạn ngày nào vẫn còn nóng hổi.
Quãng đường ấy và trang sách ấy hình như xui khiến những người trong cuộc có cơ hội xích lại gần nhau hơn. Được các anh chị từng chia sẻ những ngày ấy, hôm nay tiếp tục tin cậy gửi gắm những bài thơ tâm huyết của họ để đọc và cảm nhận, quả tình tôi rất xúc động trong nhan đề Từ Krông Bung, cái nhan đề bộc lộ tâm thế của họ trước một miền đất, mỗi người 11 bài thơ xếp chung một tập 33 bài. Đó là chị Xuân Mai, anh Nguyễn Anh Hộ và anh Hà Giao, những người mà tôi và họ đã từng cùng nhau vít cần trúc trong một ché rượu, cùng nướng bắp trên một bếp lửa nhà sàn, cùng huơ đũa trên một rổ rau ranh, cùng ngước mắt qua tán lá lấp lánh vàng và thốt lên kinh ngạc trước vẻ đẹp hút hồn của trăng nước Krông Bung. Những bài thơ của họ tôi từng đọc từ khi bản thảo còn chưa ráo mực hoặc họ đọc cho tôi nghe trong những tháng ngày yên tĩnh và dư vang nơi đầu ghềnh cuối thác, chốn mom sông bóng núi. Những câu thơ hồn hậu và ấm áp mà bản thân từng tác giả dường như cũng ý thức lắng lòng trả nghĩa cho một miền đất suốt đời canh cánh trong tim họ. Điều dễ nhận thấy nhất ấy xuất phát từ những gắn bó máu thịt của từng tác giả với Krông Bung. Từ miền đất này, họ đến với thơ một cách dung dị và đa cảm, mà những điều này vốn là những đòi hỏi tiên quyết cho mọi cuộc khởi nguồn sáng tạo. Ai có thể không dung dị và đa cảm trước nguồn mạch, trước sự hồn nhiên chân chất của cây lá suối rừng, của những đồng bào một nắng hai sương trân trọng trình bày những suy tư bộc trực của mình trước thiên hạ? Sự nên thơ là ở đây chăng và nếu vậy thì bí ẩn của sự nên thơ có lẽ là chất thuần phác và hiên ngang của xứ sở thượng nguồn.
Tính chất ấy của vùng đất đã khiến cả ba tác giả không thôi ngỡ ngàng trước hương vị âm thanh và màu sắc đã trở nên quá quen thuộc với họ. Đó cũng lại là bí ẩn khác. Bí ẩn của những nhà thơ bốn phương hồ hải kiếm tìm, quay lại với nguồn cội mới thấy điều quý giá nằm ở chính nơi mình xuất phát. Nhưng thôi, nói về những điều ấy kỹ hơn sẽ sa đà vào lý luận dông dài, một công việc sở trường của các nhà khoa học nghiên cứu văn chương. Ở đây, tôi chỉ làm cái công việc ân tình là tản mạn đôi dòng về mảnh đất đầu nguồn sông có ý nghĩa như thế nào đối với ba tác giả Xuân Mai, Nguyễn Anh Hộ và Hà Giao.
Họ đã trân trọng lựa chọn một nhan đề và có lẽ chính ý niệm sâu xa ấy đã nói lên tất cả. Rằng Từ Krông Bung…
Tháng 1-2004
NGUYỄN THANH MỪNG
(Đọc Từ Krông Bung. Thơ: Xuân Mai, Nguyễn Anh Hộ, Hà Giao. NXB Đà Nẵng 2004)
|