Tản mạn
Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu
19:50', 12/1/ 2004 (GMT+7)

Tôi muốn mở đầu bài tản mạn đầu xuân này bằng một đầu đề từ một câu thơ của đại thi hào Nguyễn Trãi. Tiết trời hôm nay thất thường hơn mọi năm. Và lũ Trung lụt Nam vẫn đang còn dư vọng đến nhiều ngày sau. Vậy mà "Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu", tôi đang ngồi điểm lại những vần thơ xuân trong muôn ngàn ý xuân của tâm hồn dân tộc. Âu đó cũng là cái thần thái, cái tâm hồn của dân mình đấy thôi, vì "hết cơn bĩ cực" sẽ "đến hồi thái lai". Trong tâm niệm đó, tôi ngồi viết những dòng này…

Bao giờ cũng vậy, hoa và thiếu nữ cũng gợi lên nét xuân, rồi cả mùa xuân. Thôi Hộ (đời Đường) ngày xưa từng viết: "Nhân diện đào hoa tương ánh hồng". Gương mặt của người thiếu nữ đối diện với hoa đào ánh lên nét xuân hồng chăng? Tôi lại gặp 3 bài thơ xuân của 3 tác giả thời tiền chiến: Nguyễn Bính với "Mùa xuân xanh", Xuân Diệu với "Nụ cười xuân" và Hàn Mặc Tử với "Mùa xuân chín". Ba bài thơ là ba dáng vẻ, ba thời điểm xuân tiêu biểu làm thành cảm nhận về một mùa xuân trọn vẹn, một bức tranh xuân đầy đủ sắc màu. "Mùa xuân xanh" của Nguyễn Bính là bức tranh xuân của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử là xuân ở nông thôn vùng Trung Trung Bộ. Còn "Nụ cười xuân" của Xuân Diệu bàng bạc không phân định ranh giới về một vùng đất, một con người nào. Nó là mùa xuân của tâm trạng, xuân của đất trời như chính ông cảm nhận "Xuân của đất trời nay mới đến…"…

Này xem, Nguyễn Bính miêu tả:

Mùa xuân là cả một màu xanh

Giời ở trên cao, lá ở cành

Lúa ở đồng tôi và lúa ở

Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Cảm nhận xuân của thi nhân thật là khái quát: Xuân đồng nghĩa trong màu xanh của đất trời, của đồng lúa… Đấy là một mùa xuân tươi, mịn màng, nhè nhẹ…Và chàng thi sĩ đã từ cái nền xuân đó, cảm nhận bằng con mắt của hội họa: "Khỏi lũy tre làng tôi mới thấy. Bắt đầu là cái thắt lưng xanh…".

"Nụ cười xuân" của Xuân Diệu phá tan cái e ấp, cái tĩnh lặng của bức tranh lụa xuân như nhung ở trên. Một bức tranh xuân tràn trề, mãnh liệt, bứt phá, vượt khỏi cái ngưỡng vốn có, ăm ắp trong từng chi tiết, trong từng câu thơ: này là ánh ỏi tiếng chim, này là sáng chói mặt trời, này là rung nắng, lá xôn xao:

Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao.

Cây vàng rung nắng, lá xôn xao.

Gió thơm phơ phất bay vô ý.

Đem dựng nhành mai sát nhành đào.

Trong khung cảnh xuân tràn trề nhựa sống đó là hình bóng thiếu nữ đón mùa xuân trong sự giao cảm với thiên nhiên:

Này lượt đầu tiên thiếu nữ nghe

Nhạc thầm lên tiếng hát say mê

Mùa xuân chín ửng trên đôi má…

Đang réo rắt trong tiếng nhạc xuân tươi, như "Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi", mà nghĩ ngay đến "Mùa xuân chín" thì quả thật là Xuân Diệu! Nhà thơ thoáng sợ, xuân tới chưa kịp hưởng thụ mà xuân lại sắp qua đi…

Thì đây, mùa xuân đã đến kết đọng thành hoa, thành quả trên cành vũ trụ: "Mùa xuân chín" trong thơ Hàn Mặc Tử. Quả xuân chín - chín ở sự tròn đầy, lành lặn ngọt thơm - vậy mà cứ có cảm giác lâng lâng:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan,

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

Sột soạt gió trêu tà áo biếc.

Trên giàn thiên lí bóng xuân sang

Mùa xuân đang hoạt động đến cùng tận: "Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời", rồi vang dội những âm thanh xuân:

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi.

Hổn hển như lời của nước mây.

Thầm thì với ai ngồi dưới trúc

Nghe ra ý vị và thơ ngây

Tất cả, cùng hòa điệu tạo nên cái chất ngất của một mùa xuân chín: từ con người lan tỏa đến thiên nhiên….

Cảm nhận xuân có nghĩa là cảm nhận về thời gian. Và khi nói đến những thi sĩ tên tuổi, người ta thường phân chia, nhà thơ trước Cách mạng và sau Cách mạng. Ví dụ, một nhà thơ nào đó đã nói:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu.

Mang chi xuân đến gợi thêm sầu.

Với tôi tất cả đều vô nghĩa.

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.

Đó là hình ảnh xuân trong cảnh nước mất nhà tan, dân tộc còn chìm trong cảnh nô lệ, và đúng như Nguyễn Du: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Như trên đã nói: cảm nhận xuân là cảm nhận từ con người lan tỏa đến thiên nhiên…

Trên cái ý này, tôi chợt nhớ đến 2 bài thơ, cảm nhận về thời khắc: sớm/ muộn của mùa xuân ở hai nhà thơ lớn Bình Định: Chế Lan Viên và Yến Lan.

Ở bài "Hoa đào nở sớm" của Chế Lan Viên, hình ảnh con người- thiếu nữ đã làm thay đổi thời gian, cảnh vật:

Rặng đào trước ngõ em qua

Sáng nay bỗng ướm cành hoa đầu mùa

Đầy vườn lộc biếc, cây tơ

Năm đi chưa hết, đã ngờ xuân đâu

Rõ ràng là con người đã làm xuân đến sớm, "Hoa đào nở sớm" để chiều lòng người đấy chăng? "Lòng anh từ độ em qua. Hoa bay, bướm dạo cùng ta vào đời".

Còn Yến Lan thì ngược lại, nhà thơ không có được "diễm phúc" như Chế Lan Viên. Yến Lan tự trách mình "vụng" để đến đỗi:

Vụng sắm cành đào không kịp Tết

Ra giêng chợt hé một vài bông

Thật đáng để buồn! Nhưng nhà thơ đang vui, đang còn xuân lòng, nên ông đã "níu kéo" mùa xuân ở lại cùng với ông:

Xuân nhà hàng xóm bay đi hết

Ngoảnh lại xuân ta mới chớm hồng

Dễ không có lòng người đang tràn ngập xuân, thì đâu có cái hồng, cái xuân thi vị như trong bài "Xuân muộn" này của Yến Lan. Vậy là nhà thơ đã toại nguyện khi cầm được chân hoa, cầm được chân em 1 và cầm được cả mùa xuân cùng ở lại rồi đấy!

TRẦN XUÂN TOÀN