Những cơn mưa cuối đông nhì nhằng, dai dẳng, từng đám bong bóng nước trôi bập bềnh dưới mái hiên nhà gợi cho tôi nhớ đến chén cơm rạ đến quay quắt.
Ngày ấy ở quê tôi, nhà nào cũng phải giũ rạ đánh tranh để lợp nhà, lợp bếp, lợp chuồng gia súc. Rạ dùng để lợp nhà phải được phơi thật khô ở ngoài đồng đến vài ba nắng. Khi lúa gánh về đập hạt xong, rạ được đem xếp tròn thành đống, lúp nóc cho thật kỹ để tránh mưa thấm ướt. Rạ đem ra giũ hết phần lá, thân rạ lại trắng tinh. Những hạt lúa rạ còn sót lại ít ỏi lâu ngày lại khô giòn, dai dẳng bám chặt ở từng ngọn rạ, được đem chà kỹ trên liếp tre để chúng rụng ra, nhiều nhất là ở cuống lạt. Giũ đến cả thiên tranh, cũng chỉ gom được một vài giạ lúa rạ là cùng! Những hạt lúa rạ no tròn, mây mẩy lại vàng tươm như mật được mẹ tôi đem cất kỹ. Đến mùa mưa lũ, đồng áng rảnh rỗi, nhà cửa cũng được lợp tranh mới, mẹ tôi lại đem lúa rạ ra làm gạo, thổi cơm bằng nồi niêu đất cho cả nhà cùng ăn. Những chén cơm rạ được xới ra bốc khói, đặt trên mâm đồng tỏa hương thơm phức. Hạt cơm rạ ráo, khô, ăn với tôm đất kho khô hay cá rô đồng dằm nước mắm tỏi, ớt thì tuyệt chiêu. Ông bạn tôi là chủ một doanh nghiệp lớn, anh đã từng ăn cơm Tàu, cơm Tây nhưng anh vẫn thường nói: Không có thứ cơm gạo thơm ngon nào lại sánh bằng chén cơm rạ dân dã nơi quê nhà.
Giờ đời sống ở nông thôn cũng đã khác xưa nhiều, hạt gạo làm ra đã trở thành hàng hóa, nhà tranh cũng chẳng còn thấy ở miệt quê làng. Cơm rạ chỉ còn trong tâm tưởng trong tôi.
TRỊNH HOÀI LINH |